TP.HCM phải tạo các nguồn lực để xây dựng năng lực cạnh tranh và tạo ra năng suất lao động vượt trội.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 13-07-2016
- Cập nhật : 13/07/2016
Tham nhũng làm thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng, hơn 400ha đất
Trong số 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra, số đã thu hồi là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất.
Chính phủ hôm nay tổ chức tại Hà Nội hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng (PCTN).
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định việc ban hành và thực hiện luật PCTN 2005 đã tạo cơ sở pháp lý nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về PCTN.
"Công tác PCTN đã đạt được những kết quả nhất định, có những chuyển biến rõ rệt. Phát hiện tham nhũng thông qua kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cao tăng, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, có tác động tích cực răn đe, phòng ngừa", Phó Thủ tướng nói.
"Tuy nhiên, cũng có những khó khăn thách thức, công tác PCTN chưa đạt được yêu cầu đề ra. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, tín dụng ngân hàng, tổ chức cán bộ..., gây ra hậu quả xấu, xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ, tạo ra những tiềm ẩn xung đột lợi ích, phản ứng xã hội, gia tăng khoảng cách giàu nghèo".
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, chạy theo tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, vô nguyên tắc...
Tình trạng lợi ích nhóm cũng đang là trở lực cho phát triển đất nước, nguy cơ đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của Đảng và chế độ, hủy hoại các giá trị dân chủ, đạo đức, công lý trong xã hội và mục tiêu phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khởi tố 2.530 vụ án
Theo báo cáo của Tổng Thanh tra CP Phan Văn Sáu, trong 10 năm, ngành thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỷ đồng, 73,6 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn, đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can; truy tố 2.959 vụ, 6.935 bị can; xét xử 2.628 vụ, 5.870 bị cáo.
Trong số 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra, số đã thu hồi là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất, tỉ lệ tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.
Để phòng ngừa tham nhũng, tỉ lệ kê khai tài sản, thu nhập đến nay đã đạt 99,5%, công khai đạt 98,3%. Qua 10 năm đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực, xử lý kỷ luật 70 người.
Đến nay có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.
Một số vụ án lớn chưa xử được trách nhiệm người đứng đầu
Cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Tuy vậy, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị. (Vietnamnet)
Nộp ngân sách gần 330 tỉ đồng từ chống buôn lậu, hàng giả
Trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (giảm 810 vụ so cùng kỳ năm trước); thu nộp ngân sách gần 330 tỉ đồng.
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) mới đây cho thấy, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến khá phức tạp trong 6 tháng đầu năm 2016, nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử..., các mặt hàng tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc...
Đáng chú ý, buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát tiếp tục diễn ra tại khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam bộ; tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vẫn còn xảy ra chủ yếu ở các tỉnh biên giới phía Bắc; bên cạnh đó là tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội (chủ yếu là tuyến Lào Cai - Hà Nội, Lạng Sơn - Hà Nội) và tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Đối với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng... các mặt hàng này chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bán cho các cơ sở lén lút gia công, đóng gói, sản xuất ngay trong nước.
Theo đó, đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường; các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.
Trong thị trường nội địa, tình hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, các loại hàng “xách tay” như: rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, sản phẩm công nghệ, quần áo, giày, dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng... vẫn còn xảy ra trên nhiều địa phương; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ có chiều hướng gia tăng trong các dịp lễ, Tết.
Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép các loại chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong sản xuất, canh tác, chăn nuôi... có dấu hiệu diễn biến phức tạp, gây bất an dư luận, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 87.093 vụ; phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm/59.775 hành vi (giảm 810 vụ, giảm 1,5 % so với cùng kỳ năm 2015); với tổng số thu nộp ngân sách 329,86 tỉ đồng (tăng 96,34 tỉ đồng, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2015); trị giá hàng tiêu hủy 82,28 tỉ đồng.
Trong đó, có 9.387 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, 2.530 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 7.560 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng, 9.624 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, 21.264 vụ vi phạm trong kinh doanh và 9.410 vụ vi phạm khác, đồng thời lực lượng QLTT cũng chuyển sang cơ quan điều tra 38 vụ.
Song song với việc xử phạt, lực lượng QLTT cũng chú trọng công tác tuyên truyền, đến nay đã có 8 đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 4.974 tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua hoạt động kiểm tra kiểm soát; tổ chức ký cam kết đến 1.942 đối tượng kinh doanh.(LĐ)
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp ‘dính’ nhiều sai phạm
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa công bố kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp của 4/7 doanh nghiệp được Bộ Công Thương ra quyết định kiểm tra hồi tháng 3-2016. Các doanh nghiệp này đã mắc hàng loạt vi phạm, đặc biệt là có dấu hiệu vi phạm về thuế.
Có dấu hiệu vi phạm về thuế
Kết luận kiểm tra tại Công ty CP Liên kết tri thức, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết: “Công ty không kê khai đầy đủ thông tin về số lượng hàng bán và số tiền mua hàng thu từ từng nhà phân phối. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về thuế”.
Tại Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long, quá trình kiểm tra đã phát hiện nhà phân phối của công ty có mua hàng và được nhận hoa hồng nhưng lại không nằm trong danh sách những nhà phân phối mua hàng, hưởng hoa hồng được công ty cung cấp cho đoàn kiểm tra. Công ty kê khai và ghi nhận doanh thu thấp hơn số liệu do đại lý cung cấp khoảng 34 tỷ đồng. Công ty có dấu hiệu huy động tiền từ nhà phân phối, gian lận, vi phạm quy định của pháp luật về thuế.
Tương tự, khi kiểm tra Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, đoàn kiểm tra phát hiện một số nhà phân phối có phát sinh doanh số trên thực tế nhưng không được ghi nhận vào doanh thu của công ty, chứng tỏ doanh nghiệp có dấu hiệu không kê khai đầy đủ doanh thu, sử dụng hóa đơn, chứng từ không phù hợp, vi phạm quy định pháp luật về thuế. Dấu hiệu vi phạm về thuế cũng được đoàn kiểm tra phát hiện tại Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam (Công ty Vinalink).
Quảng cáo sản phẩm không trung thực
Trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra cũng phát hiện các doanh nghiệp đa cấp nói trên đã quảng cáo không trung thực nhiều sản phẩm mà họ phân phối. “Thổi phồng” chức năng, công dụng của sản phẩm dẫn tới sự hiểu nhầm của người tiêu dùng là hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đơn cử, Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long quảng cáo 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Thymo-Zin và thực phẩm chức năng viên nén bao phim Thymo Plus trong cuốn “Cẩm nang khởi nghiệp” phát cho nhà phân phối và trang thông tin điện tử
http://thanglongmlm.com.vn của công ty chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các sản phẩm này có nhiều điểm sai lệch về thành phần, công dụng so với “Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và nhãn” đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp, có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 45 Luật Cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nội dung quảng cáo tại cuốn “Cẩm nang khởi nghiệp” phát cho nhà phân phối và trang thông tin điện tử http://thanglongmlm.com.vn của công ty đối với 8 sản phẩm thực phẩm chức năng và bảo vệ sức khỏe chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và mẫu nhãn lưu hành không đúng với mẫu nhãn trong “Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm”. Đây là dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam cũng bị phát hiện có lưu hành các sản phẩm: Thực phẩm chức năng viên nang mềm dầu cá biển giọt vàng Alaska, phân bón lá Eco-Hydro, Eco-Nereo và phân bón hữu cơ vi sinh EMZ có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường.
Ngoài các vi phạm nêu trên, 4 doanh nghiệp đa cấp còn hàng loạt vi phạm liên quan đến việc khai báo hoạt động, trả thưởng cho người tham gia hay quy định về việc nhận lại hàng của người tham gia... theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP.
Đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết: “Tùy theo tính chất của hành vi có dấu hiệu vi phạm, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền. Riêng đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh triển khai ngay quy trình xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. Kết quả xử lý sẽ sớm được công bố công khai”.
Đang làm rõ vi phạm của Thiên Ngọc Minh Uy
Ngoài 4 doanh nghiệp nêu trên, danh sách công ty đa cấp được kiểm tra còn có: Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Marketing, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Đến thời điểm này, đoàn kiểm tra vẫn đang trong quá trình kiểm tra 3 doanh nghiệp này và hiện chưa có kết quả.
Trong thời gian tiến hành kiểm tra, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp đối với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Còn Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam được đưa ra khỏi diện kiểm tra do Bộ Công Thương chưa nhận được thêm khiếu nại nào của người tham gia bán hàng đa cấp đối với công ty này kể từ khi bị Cục Quản lý cạnh tranh xử phạt 110 triệu đồng. (XL)
Nợ công tăng gấp đôi sau 5 năm lên 2,6 triệu tỷ đồng, Bộ Tài chính nói không thể giảm trong "một sớm một chiều"
Có 57% nợ công đến từ các khoản vay trong nước và nợ công tăng nhanh chủ yếu do áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tăng lên.
Tính đến cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2,608 triệu tỉ đồng (tương đương 117 tỷ USD), gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1,393 triệu tỉ đồng) theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu BIDV.
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2014 nợ của Chính phủ ở mức gần 86 tỷ USD, (tương đương hơn 1,8 triệu tỷ đồng). So với năm 2010, nợ của Chính phủ đã tăng gần gấp đôi (năm 2010 là 47 tỷ USD).
Thông tin cụ thể hơn về tình hình nợ công, ông Võ Hữu Hiển - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, nợ Chính phủ chiếm 80,8%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%.
Nợ công: 57% nợ trong nước, lãi suất từ 6 - 12%
Trong cơ cấu nợ Chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước đang có xu hướng tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015 và tỷ trọng nợ nước ngoài giảm tương ứng từ 61% năm 2011 xuống còn 43% năm 2015.
Bộ Tài chính khẳng định cơ cấu này phù hợp với Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến 2030.
Theo đó, nợ trong nước chủ yếu do phát hành trái phiếu trong nước. Từ năm 2014, các kỳ hạn dài tăng lên, từ mức 3 năm, kéo dài lên 4,4 năm trong năm 2015 và lên 5 năm trong năm 2016.
Đối với nợ nước ngoài, vay ODA, vay ưu đãi vẫn chiếm tỷ trọng cao (trên 94%) với kỳ hạn còn lại bình quân trên 10 năm.
Về lãi suất, đã giảm từ mức 12%/năm vào năm 2011 xuống còn khoảng 6,5% vào năm 2014 và khoảng 6% vào năm 2015 đối với trái phiếu trong nước. Đối với nợ nước ngoài do các khoản vay ODA, vay ưu đãi chiếm tỷ trọng lớn, lãi suất bình quân tính đến cuối năm 2015 khoảng 2%/năm.
Cơ cấu đồng tiền của danh mục nợ của Chính phủ tập trung vào một số đồng tiền chính bao gồm: đồng Việt Nam với tỷ trọng 55%; USD chiếm tỷ trọng 16%; Yên Nhật chiếm tỷ trọng 13% và Euro chiếm tỷ trọng khoảng 7%, còn lại là các đồng tiền khác.
Cơ cấu nợ công bền vững, nhưng dư nợ ngày càng tăng nhanh
Theo đó, Bộ Tài chính đã phân tích về bền vững nợ công với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và có nhận định rằng: Cơ cấu nợ công của Việt Nam hiện đang từng bước được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là nợ công đang ngày càng tăng nhanh khi so với mức tăng 9% của giai đoạn 2006 - 2010 thì đến cuối năm 2015 đã là 62,2%. Ông Hiển cho rằng chủ yếu do áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế, giai đoạn 2001-2005, đầu tư toàn xã hội bình quân là 39% GDP. Sang giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ này đạt 42,9%GDP. Trong 5 năm 2011-2015, mặc dù mức vốn đầu tư toàn xã hội giảm nhưng vẫn duy trì khoảng 32% GDP.
"Đầu tư ở mức tương đối cao trong khi tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế cho đầu tư chỉ khoảng 25% GDP dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn vốn cho đầu tư, đồng nghĩa với việc phải đi vay. Việt Nam là một nước đang trong giai đoạn phát triển, cũng như rất nhiều các nước phát triển khác, buộc phải tăng vay nợ cho đầu tư" - ông Hiển giải thích.
Ngoài ra, do giai đoạn 2011-2015 kinh tế không thuận lợi, phải điều chỉnh giảm mục tiêu tăng GDP, từ mức bình quân 7-7,5%/năm xuống 6,5-7,0%/năm. Tăng trưởng - cơ sở để tính toán các chỉ tiêu tài khóa, bội chi, vay nợ - thì giảm trong khi nhu cầu vay và các chỉ tiêu khác vẫn được giữ nguyên. Hệ quả tất yếu là tỷ lệ nợ công so với GDP tăng lên.
Ngoài ra, việc mất giá của đồng Việt Nam biến động khó lường của các đồng tiền vay khác như USD, JPY, CNY cũng làm quy mô nợ của Chính phủ tăng khi quy đổi sang đồng Việt Nam.
Đã có kế hoạch vay trả nợ công
Theo đại diện Bộ tài chính, để giảm áp lực nợ công và đảm bảo an toàn, cơ quan này đã nghiên cứu và trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về Kế hoạch vay trả nợ công 2016-2020 tại kỳ họp tháng 3-2016 với nhiều giải pháp cụ thể.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình theo hướng:
Thứ nhất, phải giám sát kiểm soát kỹ các khoản vay mới. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong khả năng cân đối; kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công và chỉ tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt cần sự đầu tư của Nhà nước.
Thứ hai, việc thực hiện các chương trình, dự án sử dụng nợ công phải tuân thủ đúng dự toán được giao.
Thứ ba, kiên quyết cắt giảm bội chi NSNN theo lộ trình đã được xác định; tiếp tục giảm bảo lãnh Chính phủ, ưu tiên bố trí nguồn NSNN để trả nợ.
Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm tăng nguồn vay trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.
Thứ năm, hằng năm, cập nhật diễn biến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, sự thay đổi thị trường trong và ngoài nước… để chủ động xây dựng phương án điều chỉnh tổng mức vay và hạn mức nợ tương ứng.(CafeF)