70,7% số người được hỏi cho rằng sẽ có nhiều người Việt vào casino chơi nếu Chính phủ cho phép...
Tin trong nước đọc nhanh 14-10-2015
- Cập nhật : 14/10/2015
Tàu cá Quảng Ngãi lại bị Trung Quốc tấn công, cướp tài sản ở Hoàng Sa
'Tàu sắt màu trắng treo cờ Trung Quốc bất ngờ chạy đến tông thẳng vào mạn phải tàu cá làm mọi người đều giật mình hoảng hốt', thuyền trưởng Dũng kể.
Sáng 13.10, lực luợng bộ đội biên phòng và công an Quảng Ngãi làm việc với thuyền trưởng Đặng Dũng về thông tin tàu cá QNg 90352 TS bị Trung Quốc tấn công, cướp tài sản - Ảnh: Hiển Cừ
Không khí ô nhiễm từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam vào mùa đông
Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) mới đây công bố kết quả nghiên cứu cho thấy miền Bắc Việt Nam đang chịu ảnh hưởng đáng kể do ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ Trung Quốc. Nghiên cứu sử dụng công nghệ tiên tiến và thực hiện quan trắc tại 9 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, Vĩnh Phúc và các tỉnh biên giới phía Bắc.Kết quả cho thấy nồng độ ô nhiễm không khí vào mùa đông ở miền Bắc có sự tác động rất lớn từ nguồn phát thải của Trung Quốc. Trong nồng độ các chất ô nhiễm không khí ở miền Bắc, ảnh hưởng xuyên biên giới từ Trung Quốc đóng góp khoảng 55% đối với SO2, 48% đối với NO2 và 30% với CO.
Nguyên nhân của hiện tượng này là gió mùa đông bắc hoạt động mạnh vào mùa đông đã đẩy một lượng khí độc hại từ Trung Quốc tràn sang miền Bắc Việt Nam. Vào mùa hè, gió mùa tây nam và đông nam chiếm ưu thế đã ngăn cản sự xâm lấn của không khí ô nhiễm từ phương Bắc.
Đến nay, ảnh hưởng của ô nhiễm ở Trung Quốc tới miền Bắc Việt Nam tuy chưa rõ rệt, nhưng bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh biên giới. Nghiên cứu của Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho thấy, vào tháng một khi gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai… tuy không có nhiều hoạt động kinh tế nhưng vẫn có mức SO2 cao hơn Hà Nội và gấp đôi TP HCM.
Trước đây, nghiên cứu của các tác giả nuớc ngoài cũng cho thấy lượng SO2 lắng đọng tại Việt Nam xấp xỉ ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu và trên 50% lượng SO2 lắng đọng tại miền Bắc Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, nơi lượng SO2 lắng đọng cao gấp 1-3 lần ngưỡng nói trên.
Trung Quốc đang gánh chịu ô nhiễm không khí nặng nề do khai thác và sử dụng than quá nhiều làm phát sinh SO2 và bụi. Năm 2014, chính phủ Trung Quốc phải khởi động chương trình tuyên chiến với ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu than sẽ khiến công cuộc này trở nên khó khăn và các tác động tiêu cực tới miền Bắc Việt Nam sẽ còn kéo dài.
SO2, NO2 và CO là các khí độc có trong khói đốt nhiên liệu (xăng xe), khói đốt rơm rạ, khí thải nhà máy chưa xử lý… Những khí độc này nếu hít phải lâu ngày sẽ từ từ phá hủy hệ hô hấp. Tổn thương trước hết là viêm mũi họng, thanh quản, sau đó dẫn đến viêm mãn tính đường hô hấp trên.
Người bị bệnh luôn thiếu oxy dẫn đến suy giảm sức khỏe và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi. (Vnexpress)
Việt Nam phản đối Trung Quốc xây hải đăng tại Trường Sa
Bộ Giao thông Trung Quốc hôm 9/10 tổ chức trái phép buổi lễ hoàn tất xây dựng ngọn hải đăng Huayang và Chigua trên đá Châu Viên và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Buổi lễ đánh dấu việc hai ngọn hải đăng bắt đầu đi vào hoạt động.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm nay một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều bất hợp pháp và vô giá trị.
"Trung Quốc xây dựng hai ngọn hải đăng tại đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm tình hình thêm căng thẳng, phức tạp. Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động này", ông Lê Hải Bình cho biết.
Giảm mạnh lệ phí cấp thị thực cho người nước ngoài
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 157 quy định mức thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.
Trong đó, các mức thu đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được điều chỉnh giảm mạnh. Lệ phí thị thực có giá trị một lần giảm từ 45 USD xuống 25 USD, loại giá trị đến 3 tháng giảm từ 95 USD còn 50 USD. Riêng loại có giá trị 3-6 tháng và 6 tháng đến một năm giữ nguyên là 95 USD và 135 USD.
Thông tư bổ sung mức thu lệ phí cấp thị thực loại có giá trị trên một đến 2 năm là 145 USD, loại có giá trị trên 2-3 năm, 3-4 năm và 4-5 năm có mức thu chung là 155 USD.
Lệ phí chuyển ngang giá trị thị thực, tạm trú còn giá trị từ hộ chiếu cũ sang hộ chiếu mới giảm từ 15 USD còn 5 USD; cấp thẻ tạm trú có giá trị từ 1- 2 năm tăng từ 100 USD lên 145 USD; thẻ tạm trú có giá trị trên 2-5 năm tăng từ 120 USD lên 155 USD.
Những mức thu này sẽ có hiệu lực từ 23/11 và thay thế Thông tư số 66/2009 của Bộ Tài chính.
Sẽ đề xuất bỏ hoàn toàn phí đường bộ với xe máy
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3 năm 2015 của Bộ GTVT chiều 13-10.
Khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ theo hướng bỏ hẳn phí bảo trì đường bộ với xe máy hay chuyển sang hình thức thu khác, ông Trường cho biết sau kiến nghị của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, Chính phủ đồng ý tạm dừng thu phí với xe máy từ 1-1-2016 và giao Bộ GTVT chủ trì đổi nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ.
“Hướng sửa đổi nghị định là bỏ hẳn thu phí với xe máy. Các địa phương bảo GDP ngày một khá lên nên không thu phí xe máy để bảo trì đường bộ nữa” - ông Trường nói.
Theo ông Trường, khi lập đề án Quỹ bảo trì đường bộ vào năm 2008 cả nước có 30 triệu xe máy. Hiện nay số xe máy tăng lên 45 triệu chiếc, nếu thu đủ với mức thu 70.000 đồng/xe/năm thì mỗi năm được hơn 3.000 tỉ đồng.
Số tiền này góp phần rất lớn vào sửa chữa đường bộ địa phương vì tiền thu từ xe máy để lại toàn bộ cho địa phương bảo trì đường bộ.
Ông Trường giải thích thêm việc thu phí xe máy được đặt ra theo quan điểm không phải vì xe máy làm hỏng đường mà để người dân góp phần cùng quốc gia duy tu, sửa chữa đường sá. Nhưng trong quá trình thực hiện, thấy thu phí với xe máy không khó nhưng chưa có chế tài xử phạt nên người năm trước chấp hành nộp phí còn năm sau không nộp vì thấy không công bằng khi người không nộp phí không bị xử phạt.
Bên cạnh đó có sự biến động về xe máy giữa các địa phương cũng làm việc thu phí khó khăn dẫn đến số phí thu được rất thấp, không đủ chi việc tổ chức thu nên các địa phương kiến nghị dừng thu phí.
“ Việc dừng thu phí là phù hợp với nguyện vọng của dân. Còn các địa phương kiến nghị dừng thu phí xe máy nên địa phương phải tự cân đối tiền bảo trì đường bộ khi không có nguồn thu từ xe máy” - ông Trường nói. (Tuổi Trẻ)