tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 10-03-2016

  • Cập nhật : 10/03/2016

Gặp cướp tại Angola, 2 lao động Việt Nam bị đánh và bắn chết

Gặp anh Nguyễn Viết Hậu và anh Đặng Quốc Nghĩa, nhóm cướp có súng ở Angola sau khi "xin" tiền không được, liền xuống tay đánh chết anh Nghĩa và bắn tử vong anh Hậu.

dam tang cua mot lao dong o xa xuan lien, huyen nghi xuan, tinh ha tinh tu vong khi lao dong o angola

Đám tang của một lao động ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh tử vong khi lao động ở Angola

Ngày 9-3, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã ký thông báo tin buồn về việc anh Đặng Quốc Nghĩa (44 tuổi, trú xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) và anh Nguyễn Viết Hậu (33 tuổi, trú xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) tử vong.

Anh Hậu và anh Nghĩa là hai lao động người Việt Nam vừa tử vong do gặp cướp trong khi đi xuất khẩu lao động tại Angola.

Anh Nghĩa bị nhóm cướp người Angola đánh chết vào ngày 3-3. Sau đó 2 ngày, anh Hậu cũng bị gặp cướp có vũ trang và bị bắn tử vong tại khu vực tỉnh Uige.

Nguyên nhân được xác định là nhóm cướp muốn "xin" tiền nhưng không được đã ra tay sát hại 2 lao động này.

Chính quyền xã Cẩm Nam cho biết hiện tại thi thể của anh Nghĩa vẫn chưa được đưa về nước. Còn hoàn cảnh của anh Nguyễn Viết Hậu rất khó khăn. Anh ra đi để lại vợ cùng với 2 con thơ ở nhà.

Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại Angola đã kêu gọi lòng hảo tâm của tất cả mọi người để giúp đỡ, đưa thi thể anh Nghĩa và anh Hậu về quê mai táng.


Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nâng lương cho NLĐ

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân ngày 8-3 ký văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành cả nước đôn đốc doanh nghiệp triển khai thực hiện quy định về tiền lương tối thiểu vùng 2016.

Ông Phạm Minh Huân cũng đề nghị các địa phương tổ chức nắm tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng thuộc địa bàn quản lý, trong đó đánh giá những mặt ưu, khuyết và cách thức điều chỉnh mức lương trong thang lương, bảng lương trong hợp đồng lao động của người lao động tại các loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng. Trong trường hợp có đề xuất điều chỉnh vùng thì Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan gửi lên Bộ LĐ-TB&XH để xem xét.

Trước đó, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết trong hai tháng đầu năm có gần 50 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động. Trong đó điển hình là gần 20.000 công nhân Công ty Pouchen Việt Nam ở Đồng Nai đòi hỏi quyền lợi. Theo ông Huân, các cuộc tranh chấp chủ yếu liên quan tới vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016; việc thanh toán lương, thưởng của người lao động và việc thực hiện các chính sách của doanh nghiệp khi nâng lương, thanh toán phụ cấp, phúc lợi…


Tháng tư Quốc hội sẽ quyết định nhân sự Nhà nước

Dự kiến tại kỳ họp thứ 11 (từ ngày 21/3 đến 16/4), Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.

Sáng 9/3, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội. Theo Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 21/3 và kéo dài đến 16/4, trong đó có 12 ngày (4-16/4) làm công tác nhân sự Nhà nước.  

Vì là kỳ họp cuối cùng khóa 13, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước. Thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp cho nội dung sẽ được tăng lên.Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự luật gồm: Tiếp cận thông tin; Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Báo chí (sửa đổi); Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Dược (sửa đổi); Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

du kien tai ky hop 11, quoc hoi se xem xet quyet dinh nhan su nha nuoc. anh minh hoa: giang huy.

Dự kiến tại kỳ họp 11, Quốc hội sẽ xem xét quyết định nhân sự Nhà nước. Ảnh minh họa: Giang Huy.

Góp ý vào dự thảo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2 khóa 12 họp ngày 10-12/3. Ngày 13/3 các đồng chí phải có thông báo kết luận của Bộ Chính trị. Đảng, Đoàn Quốc hội phải biết được kết luận của Bộ Chính trị để quyết định được nhân sự nào điều chỉnh để đưa ra lãnh đạo, điều hành trong kỳ họp Quốc hội thứ 11 này".

Theo quy định, nhiệm kỳ của một số chức danh lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ theo nhiệm kỳ Quốc hội. Nghĩa là đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14, vào tháng 7/2016, Quốc hội sẽ bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, Chủ tịch Quốc hội rồi bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Sau khi được bầu, Thủ tướng sẽ trình giới thiệu các nhân sự bộ trưởng và Quốc hội sẽ phê chuẩn.

Trước đó tại Đại hội Đảng XII diễn ra cuối tháng 1, Ban chấp hành Trung ương XI đã giới thiệu ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc và bà Nguyễn Thị Kim Ngân lần lượt giữ các vị trí Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.


TP.HCM lập lại danh sách hộ nghèo

Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP cho biết sẽ lập lại danh sách hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Theo đó, TP sẽ tiến hành khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận năm dịch vụ xã hội gồm GD&ĐT, y tế, việc làm-BHXH, điều kiện sống, tiếp cận thông tin.

Thời gian thực hiện cuộc khảo sát từ ngày 25-2 đến 15-3. Sau đó, từ ngày 1 đến 10-4 sẽ tổng hợp, xem xét và ra quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, cận nghèo TP giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Phó Ban Chỉ đạo chương trình giảm nghèo bền vững TP, cho biết: “Chính sách đổi mới này được TP đặt kỳ vọng nhiều vì có quá trình nghiên cứu rất lâu. Trước đó việc đánh giá hộ nghèo chỉ dựa trên thu nhập thì có thể bỏ sót nhiều diện cần được xét. Nhiều cán bộ quá tay với người này nhưng lại nhẹ tay với người kia trong khi xét nên cũng không thu được kết quả chính xác.


6.000 sinh viên bị xem xét kỷ luật vì không đóng bảo hiểm y tế

Hàng nghìn sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM vừa bị nhà trường thông báo xem xét kỷ luật vì không tham gia bảo hiểm y tế.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Cảnh - Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) - cho biết, hiện trường còn hơn 6.000 sinh viên chưa đóng bảo hiểm y tế sau 4 đợt thu tập trung từ tháng 11/2015, chiếm hơn 50%. 

sinh vien dai hoc khoa hoc xa hoi va nhan van (dai hoc quoc gia tp hcm). anh: manh tung

Sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng

Theo ông Cảnh, sau đợt thu cuối cùng kết thúc hôm 26/2, trường buộc phải tổ chức đợt thu bổ sung từ ngày 21/3 đến 26/3. "Sau đợt thu này, nếu sinh viên nào không đóng bảo hiểm y tế, Ban giám hiệu sẽ họp và đưa ra các hình thức kỷ luật có thể là cảnh cáo hoặc trừ điểm thi đua", ông Cảnh khẳng định.

Mức phí thu bảo hiểm y tế tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong năm học này là 437.700 đồng mỗi sinh viên cho 12 tháng. Riêng đợt thu "vét" vào cuối tháng 3 tới, mỗi sinh viên phải đóng 326.000 đồng cho bảo hiểm trong 9 tháng.

Phía Bảo hiểm Xã hội TP HCM khẳng định, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13/6/2014 của Quốc hội và các văn bản liên quan của Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND TP HCM, sinh viên nằm trong diện bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Hiệu trưởng các trường phải đảm bảo tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia.

Trước đó, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội TP HCM, năm học 2014 - 2015, toàn thành phố có hơn 1,5 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ khoảng 86%. Nhiều trường, số học sinh và sinh viên tham gia bảo hiểm y tế thấp tập trung ở các khối trường trung cấp, cao đẳng và đại học ngoài công lập. 

Hồi tháng 1, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) cũng ra thông báo kỷ luật với hình thức cảnh cáo với 568 sinh viên không tham gia bảo hiểm y tế năm học 2015 – 2016.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục