16 địa phương cấp thẻ căn cước công dân từ ngày 1-1-2016
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự UBND TP Hồ Chí Minh
Thanh tra tổ chức, cá nhân để doanh nghiệp gây ô nhiễm kéo dài
Thanh Hóa: Cán bộ xã chi sai tiền hỗ trợ người nghèo
Người lao động làm không quá 12 giờ mỗi ngày
Thoát nghèo bền vững ở Đà Nẵng
- Cập nhật : 10/03/2016
(Tin Kinh Te)
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ dân trên địa bàn đã vượt qua khó khăn về sinh kế, vươn lên cải thiện cuộc sống...
“Có bột mới gột nên hồ”
Vượt qua những con dốc quanh co, len lỏi giữa bạt ngàn rừng keo lá tràm chúng tôi đến thăm gia đình anh Phan Đình Thành và chị Lê Thị Hải, ở thôn 1 xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang (TP. Đà Nẵng). Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là một trang trại rộng hơn 5.000 m2 trồng rau sạch được thiết kế bài bản, với hệ thống nhà lưới, nước tưới hiện đại…
Tâm sự với khách chị Hải vui vẻ cho biết, mỗi năm thu nhập từ nhiều loại rau sạch như bầu, bí, dưa leo, khổ qua… gia đình cũng thu về khoảng 70 triệu đồng. Từ nguồn thu chính này, gia đình đã có của ăn của để, con cái được học hành đến nơi đến chốn…
Nhìn gia cảnh, cơ ngơi của gia đình chị bây giờ, ít ai ngờ rằng chỉ cách đây 5, 6 năm, đây còn là một hộ nghèo “có tiếng” ở Hoà Ninh. Thế nhưng, với nhiều nỗ lực cùng với số vốn ban đầu 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP), chi nhánh Đà Nẵng gia đình đã vươn lên thoát cảnh khó khăn.
Đã thoát cảnh bữa trưa chưa xong, đã lo bữa tối, tiếp tục vươn lên chị Hải cho biết thêm, hiện gia đình chị đang làm thủ tục vay vốn chương trình giải quyết việc làm cũng từ VBSP Đà Nẵng, để đầu tư trồng rừng, tăng thêm nguồn thu nhập bền vững cho gia đình trong thời gian tới…
Cùng mở ra hướng làm ăn mới từ nguồn vốn của VBSP Đà Nẵng, còn có gia đình ông Nguyễn Tin cùng trú tại địa phương. Đây là một gia đình có hoàn cảnh khá khó khăn, khi con đông, cả hai vợ chồng việc làm đều không ổn định, quanh năm làm thuê cuốc mướn trong vùng.
Với suy nghĩ phải thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, ông Tin đã mạnh dạn vay vốn chương trình cho vay hộ thoát nghèo từ VBSP với số tiền 50 triệu đồng, gia đình tập trung đầu tư chăn nuôi bò nái sinh sản, bước đầu đã vượt qua khó khăn, có thu nhập ổn định, từng bước phát triển kinh tế gia đình. Ông Tin tâm sự, có “bột mới gột nên hồ”, nếu không có những trợ sức từ VBSP Đà Nẵng gia đình rất khó để thoát ra khỏi những khó khăn từ năm này qua năm khác…
Theo ông Lê Đức Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Ninh, nhờ nguồn vốn chính sách nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, có điều kiện đầu tư làm ăn, cải thiện cuộc sống, nhiều người vượt qua cảnh nghèo đói luôn “đeo bám”.
Không những hỗ trợ vốn cho bà con làm ăn, vươn lên thoát nghèo… từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố cũng đã có điều kiện cho con em đi học, tạo dựng được công việc mang lại nguồn thu nhập ổn định. Gia đình bà Hồ Thị Lợi, trú tại tổ dân phố 270, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu là một trong số hàng nghìn gia đình trên địa bàn đã được vay vốn từ VBSP, chắp cánh ước mơ cho những con em trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Bà Lợi tâm sự, chồng làm thợ nề, nhưng do bị tai nạn nên mất khả năng lao động gần 7 năm nay, gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà ở xuống cấp dột nát… Khó khăn quá tưởng chừng cả ba đứa con rồi sẽ rơi vào cảnh thất học, bởi cái nghèo, cái đói còn đeo bám.
Thế nhưng, từ sự hỗ trợ của nguồn vốn chính sách, với số tiền 40 triệu đồng, đứa con gái đầu Phạm Thị Ánh Tuyết, sau khi tốt nghiệp Đại học Duy Tân, nay đã vào làm việc với mức thu nhập ổn định tại khách sạn Furama Resort. Người con gái thứ hai thi đỗ vào Trường Cao đẳng Việt Úc, gia đình tiếp tục được địa phương quan tâm, bình xét cho vay chương trình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với số vốn 22 triệu đồng, để trang trải chi phí học tập…
Phát huy vai trò tổ vay vốn
Đến cuối năm 2015, tổng dư nợ của VBSP Đà Nẵng đạt 1.313 tỷ đồng, tăng 96 tỷ đồng (7,8%) so năm 2014. Trong đó, các chương trình chiếm tỷ trọng lớn như cho vay hộ cận nghèo 43%, cho vay học sinh sinh viên 22%, cho vay hộ nghèo 16%. Trong khi, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,34% tổng dư nợ. Một số địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, có chất lượng tín dụng tốt, tỷ lệ nợ quá hạn thấp như huyện Hòa Vang 0,16%, quận Cẩm Lệ 0,17%...
Trong thực tế, những nỗ lực của cán bộ, nhân viên chi nhánh đã góp phần quan trọng đẩy nhanh công tác xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn… Năm 2015, cùng với các chính sách hỗ trợ của địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách từ VBSP Đà Nẵng giúp 6.961 hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới cho hơn 1.564 lao động góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp của thành phố, 1.804 HSSV được vay vốn, 2.572 công trình nước sạch và 2.541 công trình vệ sinh được xây dựng, góp phần đưa 10/11 xã thuộc huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới, cùng thành phố triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo vượt kế hoạch.
Theo đó, đến cuối năm 2015 Đà Nẵng cơ bản hoàn thành các mục tiêu Đề án giảm nghèo và Đề án giúp đỡ hộ đặc biệt nghèo đã đề ra, về đích trước thời hạn 2 năm. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đến nay nguồn vốn tín dụng chính sách đã “phủ sóng” đến 100% các xã, phường trên toàn thành phố. Vốn vay được đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, đầu tư cho dịch vụ buôn bán nhỏ và phục vụ đời sống như sửa chữa nhà ở, lắp đặt điện, nước sinh hoạt, học tập... góp phần đưa chính sách an sinh xã hội của Đà Nẵng phát huy hiệu quả trong thực tế.
Để đạt được những thành công trên, ngoài nỗ lực của cán bộ, nhân viên VBSP Đà Nẵng, còn phải kể đến vai trò của những “cầu nối”. Đó là các tổ chức đoàn thể hay tổ tiết kiệm vay vốn…
Đến nay, để các tổ tiết kiệm vay vốn hoạt động ổn định, chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội nhận ủy thác củng cố, nâng cao chất lượng của công tác ủy thác quản lý vốn tín dụng chính sách, đặc biệt củng cố nâng cao chất lượng của các tổ vay vốn. Đến cuối năm 2015, toàn thành phố có 1.620 tổ đạt loại tốt, 203 tổ đạt loại khá, chiếm tỷ lệ 96%/tổng số tổ tiết kiệm vay vốn.
Để tìm hiểu vai trò của các tổ tiết kiệm vay vốn, chúng tôi đến thăm tổ tiết kiệm vay vốn số 32 Phường Mỹ An, Quận Ngũ hành Sơn. Bà Nguyễn Thị Châu, tổ trưởng cho biết, đến nay tổng dư nợ của tổ đạt gần 1,3 tỷ đồng với 49 hộ vay.
Việc bình xét cho vay thực hiện công khai, dân chủ tại các buổi sinh hoạt tổ, thực hiện tiếp nhận nhận giấy đề nghị vay vốn của tổ viên, tổ chức họp các tổ viên trong tổ để bình xét cho vay dưới sự giám sát, chứng kiến của tổ trưởng tổ dân phố nơi hộ vay sinh sống.
Ngoài việc bình xét cho vay, tổ có trách nhiệm đôn đốc người vay sử dụng tiền vay đúng mục đích; trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi theo kế hoạch đã thỏa thuận. Trong quá trình quản lý, có hộ vay chây ì không chịu trả nợ tổ trưởng đều báo cáo lên cấp trên, để có biện pháp can thiệp xử lý sớm…
Tương tự, theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND các phường, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ vay vốn đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình từ khâu bình xét, cho vay đến giám sát sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả lãi hằng tháng, trả gốc đúng hạn.
Tiếp tục phát huy vai trò của những “cầu nối”, ông Đoàn Ngọc Chung, Phó giám đốc VBSP Đà Nẵng khẳng định, trong thời gian tới chi nhánh tiếp tục tập trung thực hiện công tác đối chiếu và phân tích nợ theo chỉ đạo của hệ thống VBSP, củng cố và kiện toàn một số tổ có chất lượng hoạt động chưa cao; phối hợp với các cấp các ngành có liên quan theo chỉ đạo của UBND thành phố để phân tích, làm rõ các nguyên nhân tình trạng nợ vay của khách hàng. Từ đó, có giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách cũng như chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn.
Đồng thời, tổ chức tập huấn cho 100% thành viên Ban đại diện HĐQT là chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ Ban Giảm nghèo, hội đoàn thể các cấp và ban quản lý các tổ tiết kiệm vay vốn… Phấn đấu 100% tổ xếp loại tốt, khá không có tổ trung bình và yếu kém; 100% các phiên giao dịch lưu động tại xã, phường đạt hiệu quả, chất lượng, an toàn theo đúng quy trình Trung ương quy định.
Nghi Lộc
(Thời báo Ngân hàng)