tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 10-03-2016

  • Cập nhật : 10/03/2016

Trung Quốc bất ngờ đề xuất cơ chế hợp tác ở Biển Đông

trung quoc lai de xuat co che hop tac o bien dong - anh minh hoa: afp

Trung Quốc lại đề xuất cơ chế hợp tác ở Biển Đông - Ảnh minh họa: AFP


Lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất một cơ chế hợp tác giữa các nước tranh chấp ở Biển Đông, khiến giới quan sát nghi ngờ liệu Trung Quốc có tính toán gì mới ở vùng biển đang căng thẳng này hay không.
Bên cạnh răn đe các nước không liên quan và phản bác chủ quyền của nước khác đối với Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra một đề nghị hợp tác giữa các nước có tranh chấp ở Biển Đông, một động thái được cho là khá bất ngờ vì lần đầu tiên Bắc Kinh đề cập đến “cơ chế hợp tác”.
“Trung Quốc đang nghiên cứu khả năng thành lập một cơ chế hợp tác giữa các quốc gia ở Biển Đông mà các nước liên quan sẽ làm việc với nhau để duy trì và xây dựng ngôi nhà chung của chúng ta là Biển Đông”, ông Vương được hãng AP trích phát biểu ngày 9.3.
Ngoại trưởng Trung Quốc không nói chi tiết về cơ chế hợp tác mà Bắc Kinh đang nghiên cứu và ông cũng không nói gì thêm về ý tưởng này. Báo South China Morning Post cho biết có thể Bắc Kinh sẽ đề cập “cơ chế hợp tác” trong cuộc họp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm 2016 này.
Sự "úp mở" về cơ chế hợp tác khiến giới quan sát thắc mắc về đề xuất của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bởi lâu nay Bắc Kinh không bao giờ nhắc đền điều này hay ủng hộ cho ý tưởng tương tự.
Một bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được triển khai nghiên cứu, soạn thảo hơn chục năm nay giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, bộ qui tắc ứng xử được xem là cơ sở hợp tác giữa các nước thành viên có tranh chấp với Trung Quốc vẫn chưa đi đến được giai đoạn cuối cùng là đồng thuận giữa các bên liên quan.
Bắc Kinh luôn tìm cách thoái thác việc hoàn tất COC vì nó có thể ngăn cản các hoạt động cải tạo, xây dựng căn cứ và quân sự hóa của Trung Quốc ở những khu vực tranh chấp.
“Trung Quốc đang muốn tìm cách làm dịu căng thẳng với các nước có tranh chấp mà phần lớn nằm trong khu vực ASEAN”, chuyên gia về Đông Nam Á ở Bắc Kinh, ông Xu Liping nhận định về cơ chế hợp tác của Trung Quốc.
Những nước thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei; trong khi Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Indonesia và Singapore không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Xu cho rằng cơ chế này có thể tương tự những thỏa thuận về nghiên cứu, phát triển và an ninh hàng hải mà Bắc Kinh đã ký với từng nước thành viên ASEAN. Theo nhận định của ông Xu, cơ chế mới sẽ không phủ nhận hay thay thế những thỏa thuận đã được ký kết.
Tuy nhiên, chuyên gia an ninh Li Mingjiang của Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nghi ngờ về cơ chế hợp tác mà Trung Quốc đang tính toán sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề “nhẹ nhàng” như bảo vệ môi trường thay vì những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm như chủ quyền lãnh hải.
"Còn những vấn đề về an ninh, Trung Quốc vẫn thích làm việc với cả khối ASEAN, vì khi có tất cả các quốc gia tham gia sẽ giúp làm mềm hóa các quan điểm cực đoan có thể chỉ có lợi cho những nước có tranh chấp", chuyên gia Li nhận định.

Sao bệnh viện tư không đấu thầu mà mua được thuốc giá thấp?

“Tại sao 43 bệnh viện tư nhân không đấu thầu mà mua được thuốc giá thấp, còn bệnh viện nhà nước đấu thầu lại mua thuốc giá cao?” -  Đó là câu hỏi của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng. 

gia thuoc tay moi noi moi kieu - anh: tu lieu tto

Giá thuốc tây mỗi nơi mỗi kiểu - Ảnh: Tư liệu TTO

Câu hỏi này Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đặt ra tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng lãng phí năm 2015 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2016 chiều 8-3.

Ông Thăng nói tuần tới sẽ làm việc với Đảng ủy Sở Y tế để giải quyết những bất cập hiện nay của Sở này.

“Không thể để trình trạng tiền của bệnh viện lại đưa lên Sở y tế để tập trung đấu thầu, ba năm nay rồi không mua sắm được thiết bị nào cả. Cả cái bệnh viện Củ Chi người ta vừa nhắn tin cho tôi, tôi chuyển cho anh Bỉnh (ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế - PV), xây cái vỏ hai năm rồi mà không đấu thầu được, chỉ có cái vỏ không có cái  ruột, thế là lãng phí, ở đấy có tiêu cực không?” - ông Thăng thẳng thắn đặt vấn đề.

Ông Thăng chỉ đạo, chậm nhất là từ tháng 4 phải trả lại quyền tự chủ cho các bệnh viện. Sở Y tế chỉ tăng cường quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra giám sát, xây dựng chiến lược, phê duyệt quy hoạch, đưa ra định mức quy chuẩn thôi, chứ không thể ôm tiền của bệnh viện.

Bí thư Thành ủy mở rộng vấn đề, không chỉ riêng Sở Y tế mà các sở ngành khác cũng phải rà soát lại đơn vị mình.

Ông nhắc lại cuộc làm việc sáng nay với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phản ảnh chuyện, kiểm định chất lượng thép chỉ cần đưa máy áp vào là xong nhưng lại bắt người ta cắt ra rồi đưa đến một trung tâm tư vấn theo chỉ định của hải quan.

“Đấy là tiêu cực, tham nhũng hay là lãng phí? Có những doanh nghiệp người ta kêu với tôi là chúng em mất chi phí cũng được nhưng làm sao chính quyền phải làm nhanh hơn! Tại sao một bộ máy chính quyền lại để như vậy được? Tất cả các cơ quan đơn vị đừng nghĩ tham nhũng là ở chỗ khác mà phải luôn luôn rà soát kiểm tra lại chính đơn vị mình xem có việc đó hay không. Đấy là còn chưa nói tham nhũng lãng phí từ các cơ quan xây dựng quy hoạch chiến lược chính sách của TP. Nếu không chủ động phòng thì nó sẽ xảy ra. Đừng nghĩ chống tham nhũng là việc của đơn vị khác” - ông Thăng nhấn mạnh.

Khi đề cập đến việc cán bộ đảng viên phải tiên phong gương mẫu, ông Đinh La Thăng chia sẻ thêm: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi địa phương, mỗi cơ quan tổ chức đơn vị, đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi người. Người đứng đầu cơ quan đơn vị tổ chức đảng các cấp phải nêu gương về sự liêm khiết, kiên trì rèn luyện, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng lãng phí..”. 


Hạ thủy tàu hậu cần nghề cá hiện đại nhất VN

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại nhất Việt Nam phục vụ việc mua hải sản và cung cấp nhu yếu phẩm ngay trên biển cho ngư dân vừa được hạ thủy.

tau hau can dich vu nghe ca ly son 168 la tau hau can hien dai nhat viet nam hien nay - anh: tran mai

Tàu hậu cần dịch vụ nghề cá Lý Sơn 168 là tàu hậu cần hiện đại nhất Việt Nam hiện nay - Ảnh: Trần Mai

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại nhất Việt Nam phục vụ việc mua hải sản và cung cấp nhu yếu phẩm ngay trên biển cho ngư dân vừa được Công ty cổ phần cơ khí đóng tàu thủy sản Việt Nam khánh thành và bàn giao cho Công ty cổ phần thủy sản Lý Sơn vào ngày 9-3 tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.

Theo đó, tàu có tên Lý Sơn 168 là tàu vỏ thép được đóng mới theo nguồn vốn vay nghị định 67  của chính phủ.

Tàu có chiều dài gần 46m, rộng 7,7m, cao 4,2m, mớn nước 3m, tàu được lắp đặt 2 máy tàu mới 100% do Mỹ  sản xuất, tổng công suất 810CV, 4 máy  phát điện tổng công suất 395KW, trên tàu có đầy đủ các phòng ăn, ngủ...

Cùng với đó, trên tàu có các trang thiết bị hiện đại như máy hút cá công suất 200 tấn/giờ, máy tạo nước đá từ nước biển công suất 5 tấn/ngày và các loại máy dò, định vị, tầm ngư… với tổng vốn đầu tư gần 32 tỉ đồng, trong đó vốn vay theo nghị định 67 do Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn giải ngân là gần 26 tỉ đồng, số còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Ông Vũ Thái Hùng, nhân viên kỹ thuật làm lạnh trên tàu từng học tập chuyên ngành và được cấp chứng chỉ ở Nga sẽ trực tiếp làm việc trên tàu cho biết toàn bộ hệ thống trên tàu Lý Sơn 168 có thể nói là hiện đại nhất cả nước hiện này, sánh ngang với các tàu hậu cần của Nhật về trang thiết bị cũng như lưu trữ cá đúng chất lượng trong thời gian hoạt động dài ngày trên biển.

“Vận tốc của tàu là 12 hải lý/giờ, chuyển chở 90m3 dầu, 120m3 nước ngọt, có bể nuôi cá sống, chở được 50 tấn như yếu phẩm cung cấp cho khoảng 20 đế 30 tàu cá. Riêng kho cấp đông nhanh đạt nhiệt độ -40 độ C, có kho lạnh bảo quản cá đạt -22 độ C có thể chuyên chở 300 đến 400 tấn hải sản về bờ tiêu thụ”- ông Hùng giới thiệu.

Ngoài ra, dù là tàu hậu cần nhưng có máy tầm ngư lớn dễ dàng dò tìm luồng cá báo cho ngư dân sản xuất trên biển hoặc trực tiếp đánh bắt.

Dịp này, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho tàu với số hiệu QNg 96699.

Sau khi con tàu đi vào hoạt động tàu sẽ trở thành trung tâm trên biển trong các tổ đội bám biển đánh bắt. ông Phạm Trường Thọ, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định tàu hậu cần Lý Sơn 168 sẽ là cầu nối trong hoạt động động đánh bắt giúp ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển.

“Tôi đề nghị tàu hậu cần Lý Sơn 168 phải liên kết chặt chẽ với ngư dân từ khâu sản xuất, thu mua trên biển đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ, tạo ra được giá trị cao nhất, tạo cho bà con ngư dân có thêm thu nhập và doanh nghiệp cũng có nguồn thu để nhanh chóng trả lại vốn vay đóng tàu”- ông Thọ nói.

Cũng trong buổi lễ, tập đoàn Hương Sen đã trao tặng cho 20 bộ thu phát tín hiệu vệ tinh cho các tàu cá và ký kết hợp đồng cung ứng như yếu phẩm đầu vào cho các tàu khai thác xa bờ.


Xin visa vào Hàn Quốc phải xét nghiệm bệnh lao

Ngày 7-3, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo đã ban hành “hướng dẫn về việc cấp thị thực và quản lý cư trú đối với người nước ngoài mắc bệnh lao” và chính thức áp dụng từ ngày 2-3. 

nhom lao dong nguoi thai lan sang lam thue o khu nong thon han quoc. nhieu nguoi thai bi tu choi visa sang han trong nam 2015 - anh chup man hinh

Nhóm lao động người Thái Lan sang làm thuê ở khu nông thôn Hàn Quốc. Nhiều người Thái bị từ chối visa sang Hàn trong năm 2015 - Ảnh chụp màn hình

Công dân nước ngoài thuộc các nước có nguy cơ mắc bệnh lao cao khi xin visa vào Hàn Quốc với thời hạn 90 ngày trở lên sẽ phải xuất trình giấy xét nghiệm bệnh lao tại cơ sở y tế do các cơ quan đại diện ngoại giao của Hàn Quốc ở nước sở tại chỉ định.

Theo hướng dẫn trên, danh sách các nước có nguy cơ mắc bệnh lao cao gồm 18 nước: Nepal, Đông Timor, Nga, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Uzbekistan, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Campuchia, Kyrgyzstan, Thái Lan, Pakistan, Philippines và Việt Nam.

Ngoài ra, công dân nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc khi đăng ký thẻ cư trú lần đầu, hoặc gia hạn thị thực cư trú tại nước này cũng phải xuất trình giấy xét nghiệm đối với bệnh trên.

Theo TTXVN, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho rằng biện pháp này nhằm hạn chế người nước ngoài mắc bệnh lao vào Hàn Quốc, đồng thời tăng cường quản lý đối với các bệnh nhân lao ở trong nước.

Theo báo cáo của bộ này, số bệnh nhân lao người nước ngoài tại Hàn Quốc trong năm 2013 đã tăng mạnh lên 1.737 người, nhiều người trong số đó mắc bệnh lao mãn tính nhưng vẫn nhập cảnh Hàn Quốc để được hưởng những ưu đãi về mặt y tế trong thời gian cư trú tại đây.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng của Thái Lan cũng đang yêu cầu phía Hàn Quốc trả lời về việc có đến 30.000 đơn xin visa vào Hàn Quốc của công dân Thái Lan bị từ chối trong năm ngoái.

Lãnh đạo Văn phòng nhập cảnh Thái Lan, trung tướng Nathathorn Prousoontorn, khẳng định đã đề cập thẳng vấn đề với quan chức Hàn Quốc hôm 7-3 khi hai bên bàn về các chính sách nhập cảnh.

Theo báo The Nation, câu trả lời của Hàn Quốc là các trường hợp công dân Thái bị từ chối nhập cảnh chủ yếu do không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu nhập cảnh của Hàn Quốc như không có vé trở về, không chứng minh được mục đích lưu trú tại Hàn Quốc...


Hải quan Đồng Nai công khai trả lời các câu hỏi phiền toái

 Cục Hải quan Đồng Nai cho biết website mới của đơn vị sẽ triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến với chuyên mục tư vấn thủ tục hải quan. 

Ngày 9-3, nhân buổi giới thiệu tính năng trên website mới, ông Nguyễn Phúc Thọ, phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai khẳng định “Cục Hải quan Đồng Nai sẵn sàng lắng nghe, điều chỉnh bổ sung những tiện ích trên website để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp”.

Đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cho biết website mới của đơn vị sẽ triển khai mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến với chuyên mục tư vấn thủ tục hải quan.

Người dùng chỉ cần đặt câu hỏi trên web, nội dung sẽ được gửi tự động vào email người quản lý đồng thời đồng bộ lên chương trình để quản trị web có thể theo dõi, trả lời và duyệt nội dung.

Khi Cục Hải quan Đồng Nai trả lời, nội dung sẽ được đưa lên web đồng thời tự động gởi email câu trả lời cho người đặt câu hỏi.

“Câu hỏi đơn giản sẽ trả lời trong vài tiếng còn những câu hỏi phức tạp sẽ được trả lời trong khoảng thời gian từ 2 đến 5 ngày. Chậm nhất là 5 ngày chúng tôi sẽ trả lời cho doanh nghiệp”- đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cho biết. 

“Những vấn đề bức xúc về những phiền toái mà doanh nghiệp đặt câu hỏi cũng sẽ được trả lời công khai trên web” - ông Thọ nói.

Theo đó, website mới của Hải quan Đồng Nai cải tiến theo giao diện tùy ứng có thể truy cập bằng máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng, giao diện cấu trúc theo chuẩn mực quốc tế và ứng dụng hỗ trợ doanh nghiệp bằng dịch vụ công trực tuyến.

Ông Thọ cũng cho rằng do nhân lực hạn chế nên nhiều văn bản cũng như một số thủ tục vẫn chưa thể chuyển ngữ sang tiếng Anh, tiếp Hoa như nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn Đồng Nai.

Tuy nhiên, Cục Hải quan Đồng Nai cũng đã cập nhật nhiều văn bản quy định cũng như thủ tục bằng tiếng Anh và tiếng Hoa nhằm tạo điều kiện thuận lơi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu khi cần. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục