Gặp cướp tại Angola, 2 lao động Việt Nam bị đánh và bắn chết
Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nâng lương cho NLĐ
Tháng tư Quốc hội sẽ quyết định nhân sự Nhà nước
TP.HCM lập lại danh sách hộ nghèo
6.000 sinh viên bị xem xét kỷ luật vì không đóng bảo hiểm y tế
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 09-03-2016
- Cập nhật : 09/03/2016
50% án tham nhũng dính đến hải quan
Phó giám đốc Công An TP HCM Phan Anh Minh nhận định án tham nhũng sắp tới tập trung lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, dẫn chứng là 50% án tiêu cực thời gian qua dính đến hải quan.
"Lĩnh vực thứ hai là ngân hàng và cho thuê tài chính", phó giám đốcCông an TP HCM Phan Anh Minh phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống tham nhũng lãng phí năm 2015 do Thành ủy TP HCM tổ chức chiều 8/3.
Ông Minh nhận định hiện nay tư bản tài chính khủng hoảng dẫn đến lũng đoạn bộ phận quản lý. Hai lĩnh vực còn lại chính là việc giải tỏa mặt bằng, đền bù tái định cư. Cuối cùng lĩnh vực quản lý quỹ xóa đói giảm nghèo ở các phường xã.
Trong khi đó, ông Lê Minh Trí, Phó trưởng ban Nội chính trung ương, cho rằng tham nhũng khó phát hiện lắm, phát hiện rồi cũng khó xét xử với nhiều lý do.
Ông Trí quyết liệt: "Để phòng chống tham nhũng cần giám sát, quan tâm cán bộ tốt hơn. Không được để cán bộ giữ các chức vụ trong lĩnh vực dễ tham nhũng lâu. Người đứng đầu phải làm gương, tăng cường giám sát cán bộ mình quản lý. Cơ quan công an và Viện kiểm sát phải xử lý tới nơi tới chốn tin tố giác tội phạm tham nhũng".
Thiếu tướng Phan Anh Minh, cũng cho rằng án tham nhũng phát hiện rất chậm, có vụ án 3 năm hay thậm chí 10 năm mới phát hiện nên công tác thu hồi tài sản khá thấp. Qua những vụ xử lý, thường án sau phát hiện thì thiệt hại lớn hơn án trước.
Hội nghị nóng lên khi ông Minh thẳn thắng nêu ra những mặt hạn chế, khó khăn trong công tác Phòng chống tham nhũng. Ông cho biết hầu hết án tham nhũng đều phát hiện thông qua một vụ án kinh tế khác. Các giải pháp vẫn chưa có hiệu quả khi phòng chống tham nhũng. Dẫn chứng việc bắt kê khai tài sản, có đúng hay không, hợp lý hay không thì không có ai biết. Vì thế cấp cán bộ quản lý phải có kết luận kê khai hàng năm có hợp lý không. Phải có chế tài nếu kê khai bất minh. "Phải thực hiện tốt kê khai tài sản làm dữ liệu để căn cứ đều tra án tham nhũng. Chứ kê khai xong bỏ vào ngăn tủ thì làm gì?", ông Minh nói.
Một băn khoăn nữa mà vị Phó giám đốc CA TP HCM chia sẻ tại hội nghị là tài liệu án tham nhũng bình thường dài 20.000 trang, có vụ án dài hơn 100.000 trang giấy. Vì thế việc xử án chậm đã gây mất lòng tin trong nhân dân. Dân nghi ngờ vì sao quá lâu mới xử. Xử rồi còn hủy. Đôi lúc xử lần sau có khi nhẹ hơn lần trước. Xói mòn lòng tin của người dân. “Có nhiều án tham nhũng bị hủy án nhưng trong thâm tâm tôi không phục vì mất lòng tin trong dân”, ông Minh bộc bạch.
Ông Trần Thế Lưu, trưởng ban Nội chính Thành ủy TP HCM, thông tin năm 2015 qua công tác thanh tra, ban nội chính Thành ủy đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ án tham nhũng. Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử 25 vụ án tham nhũng với 105 bị cáo, trong đó có 1 vụ án đặc biệt nghiêm trọng được xã hội, dư luận quan tâm.
Ông Dương Hồng Hải, Phó viện trưởng viện kiểm sát nhân dân TP HCM, cho hay trong năm vừa qua có những vụ án tham nhũng hậu quả nghiêm trọng. Như vụ án Lê Dũng và đồng bọn chiếm đoạt tiền hoàn thuế với số tiền hơn 100 tỷ. Tổng số thiệt hại 4 vụ trên 2.000 tỷ.
Cũng theo ông Hồng Hải, dự báo năm 2016, án tham nhũng rất đông bị can, khối lượng hồ sơ, tình tiết vụ án rất lớn. Dẫn đến nhiều vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tham nhũng phụ thuộc vào công tác giám định kéo dài. Đến 1/7/2016, bộ luật hình sự và bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực sẽ giúp cho công tác xét xử, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng.
Hội nghị này có sự tham dự của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong.
Việt Nam tham gia diễn tập gìn giữ hòa bình tại Ấn Độ
Cuộc diễn tập huấn luyện thực binh kết hợp Hành động mìn nhân đạo và Gìn giữ hòa bình (FTX-2016) mang tên “FORCE 18” đã kết thúc ngày 8-3 tại thành phố Pune, bang Maharashtra (Ấn Độ).
Sáng 8-3, lễ bế mạc được tổ chức tại Trường Đại học Công Binh Ấn Độ.
Thông tin từ Phòng Thông tấn Quân sự (Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) cho biết đoàn Việt Nam gồm 32 thành viên do thượng tướng Võ Văn Tuấn (phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) dẫn đầu, trong đó có 27 thành viên tham gia diễn tập và 5 quan sát viên.
Trước đó, từ ngày 24-2 đến ngày 1-3, Ban tổ chức đã hướng dẫn các nội dung huấn luyện cho 28 huấn luyện viên các nước tham gia diễn tập để làm nòng cốt cho cuộc diễn tập.
Giai đoạn thực hành diễn tập thực địa chính thức bắt đầu từ ngày 2-3, sau lễ khai mạc tổ chức tại Căn cứ quân sự Aundh. Trung tướng Bipin Rawat, tư lệnh Bộ Tư lệnh Phương Nam đã chủ trì và phát biểu tại phiên khai mạc.
Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của khuôn khổ hợp tác ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng) trong đảm bảo hòa bình, an ninh và giải quyết các vấn đề hậu quả bom mìn trong khu vực.
Diễn tập “FORCE 18” (lực lượng 18 nước) được xem là cơ hội để quân đội các nước thành viên giao lưu, tăng cường hiểu biết chung và nâng cao khả năng phối hợp hoạt động trong môi trường hợp tác đa quốc gia.
Trong 7 ngày diễn tập, 260 sĩ quan và quân nhân thuộc lực lượng quân đội các nước ADMM+ được chia thành hai bộ phận. Lực lượng tham gia huấn luyện và diễn tập về gìn giữ hòa bình gồm 117 thành viên, tập trung huấn luyện và thực hành diễn tập về nhiệm vụ hoạt động tại phái bộ của Liên Hiệp Quốc, bảo vệ thường dân và đoàn hộ tống, tuần tra và triển khai chiến đấu thường trực.
Trong khi đó, 143 thành viên thuộc bộ phận hành động mìn nhân đạo tham gia các buổi giới thiệu lý thuyết, thảo luận về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành động mìn Liên Hiệp Quốc, tổ chức hành động mìn nhân đạo quốc tế, tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế, giáo dục thảm họa bom mìn, tổ chức trung tâm hành động mìn, hỗ trợ phục hồi cho nạn nhân, giải phóng đất, các phương pháp rà phá bom mìn và thiết bị nổ tự tạo, đồng thời đã được huấn luyện và thực hành diễn tập các nội dung rà phá bom mìn bằng tay, bằng cơ giới và sử dụng chó nghiệp vụ trong phát hiện bom mìn, vật liệu nổ.
Ngày 7-3, Thượng tướng Võ Văn Tuấn cùng đoàn quan sát viên đã tham dự buổi tổng diễn của lực lượng hành động mìn nhân đạo tại thao trường Đại học Công binh và lực lượng gìn giữ hòa bình tại căn cứ quân sự Aundh.
Trong buổi tổng diễn, lực lượng diễn tập của Việt Nam cùng các nước tham gia thực hành trong các tình huống giả định khi xảy ra khủng hoảng nhân đạo và các cuộc đụng độ kéo dài giữa các phe phái tại một khu vực giả định (nước Luang), buộc Liên Hiệp Quốc phải can dự trong đó có thiết lập phái bộ Liên hiệp quốc tại Luang, triển khai lực lượng để ổn định tình hình đồng thời tiến hành chương trình nhân đạo khắc phục hậu quả bom mìn.
Lực lượng diễn tập gìn giữ hòa bình của Việt Nam tham gia thực hành tuần tra, bảo vệ đoàn hộ tống của Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, lực lượng công binh tham gia trinh sát đánh dấu bãi mìn, rà phá bom mìn bằng thiết bị thô sơ và rà phá bom mìn bằng xe cơ giới.
Lực lượng quân y tham gia hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc và sơ tán, sơ cứu và chuyển nạn nhân bom mìn lên tuyến trên. Tất cả các tình huống diễn tập đã được các lực lượng tham gia diễn tập của Việt Nam phối hợp một cách nhịp nhàng với lực lượng các nước và thực hành thành thục các nội dung được giao, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
“Lực lượng Công binh Việt Nam có nhiều kinh nghiệm nhất trong các nước tham dự diễn tập khắc phục hậu quả bom mìn và thực tế đã cho thấy điều đó. Chúng tôi rất vui mừng vì đoàn Việt Nam đã tham gia và đóng góp rất tích cực cho sự thành công của diễn tập”, một cán bộ huấn luyện của phía Ấn Độ nhận định.
Trong buổi trao đổi rút kinh nghiệm, trưởng nhóm Hành động mìn nhân đạo của Nga cũng đánh giá cao chia sẻ của Việt Nam trong công tác rà phá khắc phục hậu quả bom mìn cũng như kinh nghiệm của các thành viên đội dò mìn Việt Nam thể hiện trong thực hành diễn tập.
Trong thời gian diễn tập, đoàn Việt Nam đã tích cực giao lưu, học hỏi, cùng các nước chia sẻ kinh nghiệm trên cả hai lĩnh vực rà phá khắc phục hậu quả bom mìn và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Tại buổi tổng kết diễn tập chiều 7-3, thay mặt đoàn Việt Nam, trung tá Lương Văn Mạnh - trưởng đoàn Việt Nam - đã phát biểu cảm ơn và chúc mừng chủ nhà Ấn Độ đã tổ chức rất thành công diễn tập, tạo ra một không khí hữu nghị, giao lưu, học tập, trao đổi giữa quân đội các quốc gia thành viên.
Diễn tập là một dấu ấn trong hợp tác quốc tế về hành động mìn nhân đạo và gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Tối 7-3, đêm lửa trại được tổ chức tại căn cứ Quân sự Aundh để chào mừng thành công diễn tập. Sáng 8-3, lễ bế mạc được tổ chức tại Trường Đại học Công Binh Ấn Độ.
Thượng tướng Võ Văn Tuấn - đại diện cho Việt Nam với tư cách là nước đồng chủ trì diễn tập - đã có bài phát biểu tại lễ bế mạc.
Cần Thơ thu hút được dự án ngoại trị giá trên 3.800 tỉ đồng
Doanh nghiệp này thuê 62 ha đất trong KCN Cần Thơ để xây dựng hệ thống nhà máy sản xuất giày thể thao và các bộ phận của giày; đồng thời gia công các chi tiết của giày các loại.
Theo dự án của doanh nghiệp Hàn Quốc, công suất thiết kế nhà máy sản xuất giày thể thao là 75 triệu đôi đế/năm và 25 triệu đôi mũ/năm. Dự án của doanh nghiệp thuê đất 50 năm và sẽ thực hiện từng giai đoạn. Đến đầu năm 2017 dự án này sẽ đưa vào khai thác sản xuất giai đoạn 1.
Tàu cá bị đâm chìm, 5 ngư dân đang trôi dạt trên biển Hoàng Sa
Khoảng 9g50 sáng 8-3, Đài thông tin duyên hải Nha Trang nhận tin báo từ tàu cá KH 98299-TS qua sóng duyên hải yêu cầu trợ giúp 5 ngư dân tàu KH 96640-TS Khánh Hòa bị chìm ở vùng biển Hoàng Sa.
Sáng cùng ngày, tàu cá KH 96640-TS bị một tàu lạ không rõ tên đâm và bị chìm khi đang cùng 5 ngư dân hoạt động đánh bắt trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. 5 ngư dân trên tàu cá đã kịp di chuyển sang thúng chai, thả trôi trên biển.
Thông tin đã được hệ thống thông tin duyên hải thông báo tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương để có phương án hỗ trợ tàu bị nạn kịp thời.
Đồng thời, hệ thống thông tin duyên hải đã triển khai phát thông tin cấp cứu khẩn cấp trên sóng yêu cầu các phương tiện hoạt động trong khu vực tăng cường quan sát, hỗ trợ tàu cá KH 96640-TS và 5 ngư dân.
Hàng loạt sai phạm tại công ty quản lý nhà Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản về việc kiểm điểm trách nhiệm, xử lý các vi phạm của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội liên qua đến các sai phạm trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng quỹ nhà chung cư tái định cư.
Theo đó, tại văn bản số 1240/UBND-TNMT, UBND thành phố Hà Nộigiao Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung kiến nghị của Đoàn Giám sát tại Báo cáo số 33/BC-HĐND ngày 25/8/2015, của Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND TP) về kết quả giám sát công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội (yêu cầu hoàn thành và gửi về Thanh tra Thành phố, Sở Nội vụ trước ngày 10/3/2016).
UBND cũng giao Thanh tra thành phố tổng hợp kết quả thực hiện của các đơn vị theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 8800/UBND-TNMT ngày 09/12/2015, về việc chỉ đạo xử lý sau thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản được giao tại Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội theo kết luận thanh tra số 2287/KL-TTTP-P3 ngày 30/9/2015; kết quả thực hiện của Sở Xây dựng, Sở Tài chính theo nội dung kiến nghị của Đoàn Giám sát tại Báo cáo số 33/BC-HĐND ngày 25/8/2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 10/3/2016.
Đồng thời, UBND giao Sở Nội vụ, căn cứ kết luận của Thanh tra thành phố về việc kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản được giao tại Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và đối chiếu với các quy định hiện hành, xem xét việc thực hiện của các đơn vị về việc khắc phục các khuyết điểm, vi phạm; việc kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật đúng mức đối với các tập thể, cá nhân để xảy rasai phạm (đặc biệt là đối với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội), phù hợp với mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND Thành phố và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy trước ngày 30/3/2016.
Hàng loạt sai phạm
Trước đó trong văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra công tác quản lý và bố trí tái định cư tại một số dự án, Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng đã phát hiện hàng loạt sai phạm của đơn vị này. Cụ thể, tại khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (gọi tắt là Cty nhà-PV) phải bàn giao nguyên trạng 18 toà chung cư với 2.204 căn hộ cho Tổng Cty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Tổng Cty nhà-PV) để quản lý, vận hành theo quy định.
Tuy nhiên, Cty nhà chưa bàn giao đủ số căn hộ cho Tổng Cty nhà mà còn giữ lại 321 căn hộ. Điều đáng nói, việc bố trí nhà tái định cư tại khu đô thị này đã xảy ra nhiều sai phạm. Theo đó, Cty nhà đã bố trí cho người vào ở khi chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định với 321 căn hộ. Trong đó có 259 căn có quyết định bán nhà nhưng chưa nộp tiền; đặc biệt có 62 căn hộ chưa có quyết định bán nhà. Đây chính là lý do dẫn tới việc Cty nhà chưa bàn giao số căn hộ này cho Tổng Cty nhà quản lý. Trong khi tại tất cả các căn hộ chưa đủ thủ tục đã bố trí vào ở đều được cung cấp đầy đủ các dịch vụ điện, nước sinh hoạt.
Tương tự tại khu đô thị thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm), Cty nhà nhận bàn giao 3 toà nhà tái định cư gồm 556 căn hộ từ tháng 9/2014. Dù chưa hoàn tất thủ tục theo quy định (chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cho nhà nước-PV), nhưng Cty nhà đã bố trí cho người vào ở tại 100 căn hộ. Đặc biệt, trong đó có 6 căn hộ chưa có quyết định bán nhà của UBND thành phố. Thanh tra chuyên ngành Sở Xây dựng cũng cho biết, qua thu thập hồ sơ và kiểm tra thực tế tại 17 điểm kinh doanh dịch vụ mà Cty nhà quản lý cho thấy, đơn vị này đã tự ý cho các tổ chức cá nhân vào sử dụng kinh doanh dịch vụ và hầu hết đã cải tạo sửa chữa, thay đổi nguyên trạng ban đầu. Đặc biệt nhiều tổ chức còn cho thuê lại, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước gây thất thoát số tiền lớn.
Theo Sở Xây dựng, Cty nhà được thành phố giao quản lý và bố trí nhà tái định cư tại các khu tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, qua kiểm tra Cty này đã buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý và bố trí nhà tái định cư. Cụ thể như để tồn đọng 376 tỷ đồng tiền bán nhà tái định cư tại khu đô thị Nam Trung Yên gây hậu quả lớn trong một thời gian dài ngân sách thành phố bị thất thu, ngoài ra còn tạo sự bất bình đẳng đối với việc giải quyết chế độ chính sách về đền bù, bố trí tái định cư phục vụ công tác GPMB của thành phố.
Cơ quan chức năng cũng chỉ ra các căn hộ vào ở chưa đúng quy định trên đều có sự thông đồng, thoả thuận của Xí nghiệp quản lý nhà (đơn vị của Cty nhà-PV), nhiều căn hộ đã mua bán và chuyển nhượng. Từ thực trạng nêu trên, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo đối với các căn hộ không nộp tiền cho nhà nước, đang cố tình không trả lại nhà tái định cư thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan.