Điều kiện kinh doanh "khóa bánh" doanh nghiệp vận tải
Canclini tính chuyện hợp tác đầu tư cùng Vinatex
Kinh doanh thời hội nhập: Chọn đối tác nội hay ngoại?
Hải quan Đồng Nai tăng thu gần 6 tỷ đồng từ công tác chống buôn lậu
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 16-07-2016
- Cập nhật : 16/07/2016
Khơi thông vốn tín dụng hỗ trợ nhà ở
NHNN đã chỉ đạo các NHTM kể từ ngày 1/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016 bằng nguồn vốn của NHTM theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa khách hàng và NH theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN.
Trên cơ sở công văn số 3954/NHNN-TD ngày 30/5/2016 của NHNN về phương án gia hạn giải ngân tái cấp vốn gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, sau khi xem xét, mới đây Chính phủ đã có văn bản đồng ý đề nghị nói trên. Đây là tin vui nữa đến với những người thụ hưởng chính sách. Vậy, vì sao chương trình tín dụng này “nóng” ngay từ khi chỉ mới là ý tưởng, đến giờ vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận?
Tháng 1/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP với những nội dung quan trọng, đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các NHTM dành một lượng vốn hợp lý cho một số đối tượng vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) và thuê, mua nhà ở thương mại với lãi suất thấp.
Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã nhanh chóng ban hành Thông tư 11/2013/TT-NHNN hướng dẫn về cho vay hỗ trợ nhà ở. Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở (gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng) ra đời sau đó, hướng tới hỗ trợ những người có nhu cầu thực về nhà ở, vừa tạo nguồn vốn mồi cho thị trường bất động sản (BĐS) đang trong giai đoạn “đóng băng”.
Tuy nhiên, sau gần nửa năm triển khai (đến cuối năm 2013), các NHTM Nhà nước là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank và MHB lúc đó (khi chưa sáp nhập vào BIDV) mới giải ngân được 304 tỷ đồng cho 7 DN, 1.750 khách hàng với dư nợ 428,5 tỷ đồng. Con số này không được như kỳ vọng của cả cơ quan quản lý lẫn các đối tượng thụ hưởng chính sách. Nguyên nhân thì có nhiều, cả khách quan và chủ quan.
Để đẩy chính sách phù hợp hơn với điều kiện thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02). NHNN cũng ban hành Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 11). Lãi suất cho vay của chương trình được giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm, đối tượng thụ hưởng chính sách được mở rộng hơn, điều kiện cho vay cũng nới hơn...
Kết quả là đến thời điểm 31/5/2016, đã có 56.240 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay từ các NH đạt hơn 34.806 tỷ đồng; giải ngân theo tiến độ dự án đạt 28.347 tỷ đồng.
Ðồng thời nếu theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN, NHNN sẽ dừng tái cấp vốn hỗ trợ các NHTM khi họ đã giải ngân hết số tiền (khoảng 30 nghìn tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013. Nhưng theo Thông tư 32/2015/TT-NHNN thì phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước khách hàng sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm). Như vậy, NHNN đã quy định rõ cả về số tiền; thời hạn khách hàng, NHTM được hưởng chính sách hỗ trợ của Chương trình này.
Thế nhưng, khi gần hết thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ của gói 30 nghìn tỷ, có ý kiến lại cho rằng cần tiếp tục gia hạn gói tín dụng này. Xem xét vấn đề trên nhiều góc độ, ngày 22/3/2016, NHNN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp đến hết ngày 1/6/2016 chưa giải ngân hết số tiền 30 nghìn tỷ đồng, trình Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn.
Song song với đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 25/2015/TT-NHNN và chỉ đạo NH Chính sách xã hội tích cực triển khai chủ trương của Chính phủ tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển NƠXH để hỗ trợ vốn đối với những người đủ điều kiện theo quy định có thể tiếp cận vốn hỗ trợ từ chương trình mới này.
Mới đây nhất, Công văn 3954/NHNN-TD báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án gia hạn Chương trình theo hướng: Cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016. Đồng thời, dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới NƠXH, chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang NƠXH.
Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng, NHNN đã chỉ đạo các NHTM kể từ ngày 1/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng trước ngày 31/3/2016 bằng nguồn vốn của NHTM theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký giữa khách hàng và NH theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN.
Nhìn lại chặng đường ba năm triển khai gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, có thể thấy sự nỗ lực rất lớn của ngành NH trong thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ. Kết thúc gói tín dụng này, những đối tượng chính sách vẫn có thể được vay vốn theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển NƠXH, và đó cũng là cơ hội mới cho những người có nhu cầu thực về nhà ở.(TBNH)
Tổng thống Pháp François Hollande sắp thăm Việt Nam
Ngày 14-7, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM đã tổ chức lễ kỉ niệm 227 năm ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14/7/1789-14/7/2016).
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Pháp phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt kể từ khi quan hệ song phương được nâng tầm lên đối tác chiến lược vào tháng 9-2013. Theo lời ông Lê Thanh Liêm, về kinh tế, Pháp luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, sắp tới việc triển khai hiệp định thương mại tự do Việt Nam– Liên minh châu Âu sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam và Pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các hoạt độngg hợp tác quốc tế, đồng thời mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho cộng đồng doanh nghiệp giữa hai nước và hai khu vực. Về quan hệ hợp tác giữa Pháp với TPHCM cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Riêng về đầu tư, tới cuối tháng 6, Pháp là một trong 10 nhà đầu tư hàng đầu của TPHCM. Ngoài ra, hợp tác đào tạo bóng đá trẻ là nét mới trong quan hệ hợp tác giữa TPHCM và TP Lyon (Pháp).
Tổng Lãnh sự Pháp tại TP HCM Emmanuel Ly Batallan (trái) và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM Lê Thanh Liêm nâng ly mừng lễ kỉ niệm 227 năm ngày Quốc khánh Pháp. Ảnh: Thu Hằng
Trong khi đó, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP HCM Emmanuel Ly Batallan cho biết Ngài Tổng thống Pháp François Hollande sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào tháng 9 tới. Vị Tổng lãnh sự khẳng định Việt Nam và Pháp có thể mong đợi một kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới trên phương diện kinh tế, đồng thời ông nhấn mạnh vị trí đặc biệt của TPHCM - với vai trò là trung tâm kinh tế - trong quan hệ song phương. Thêm vào đó, các lĩnh vực hợp tác về giáo dục, văn hóa, y tế cũng đạt được nhiều kết quả tiêu biểu cho sự gắn kết giữa hai quốc gia.
Thủ tướng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 15
Chiều 14/7, tại Cung Nhà nước, Thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 15 (AEBF) với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ bế mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 15. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Theo đặc phái viên TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch Ủy Ban châu Âu Jean – Claude Juncker, Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj đã thay mặt các thành viên ASEM tham dự và phát biểu tại lễ bế mạc của diễn đàn. Với chủ đề “Kết nối vì tăng trưởng bao trùm”, diễn đàn có sự tham dự của khoảng 600 đại diện các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục.
Là lãnh đạo đầu tiên phát biểu tại lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Diễn đàn ASEM qua hai thập kỷ trong thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Á – Âu và cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời cũng đề cao đóng góp quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển của hai châu lục trên mọi lĩnh vực và góp phần nâng cao vị thế của Á – Âu.
Thủ tướng nhấn mạnh bước vào thập niên thứ ba của diễn đàn, nhiệm vụ quan trọng của các nhà lãnh đạo Á - Âu là tranh thủ thời cơ thuận lợi và quyết tâm vượt qua thách thức để thúc đẩy tiến trình hợp tác, hội nhập Á-Âu diễn ra một cách thực tế hơn, hiệu quả hơn và nhanh hơn, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân hai châu lục vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung.
Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp - động lực phát triển của các nền kinh tế Á – Âu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), với sự sáng tạo và linh hoạt trong đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân, song dễ bị tổn thương bởi các biến động chính trị - kinh tế - xã hội. Theo đó, Thủ tướng đề nghị các nhà lãnh đạo quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tiến trình hội nhập và tạo cơ hội để các doanh nghiệp này tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh cần đi đầu trong các cơ chế hợp tác thương mại và đầu tư bền vững trong ASEM để ứng phó với các thách thức như nghèo đói do thương mại không công bằng và khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu và thiên tai, xâm nhập mặn…, bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia thành viên. Cuối cùng, với mức độ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa các thành viên Á – Âu, Thủ tướng đề nghị tiếp tục hỗ trợ phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác và các thỏa thuận thương mại tự do giữa các quốc gia trong khu vực và liên khu vực Á - Âu như Cộng đồng ASEAN 2015, Hiệp định hợp tác toàn diện khu vực RCEP, hợp tác EU-ASEAN, Ấn Độ - ASEAN,…
Thủ tướng khẳng định ASEM là đối tác rất quan trọng trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, với 19/25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện thuộc ASEM, chiếm 70% đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế, và 80% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việt Nam đã ký và đang đàm phán 16 các hiệp định tự do thương mại (FTA), trong đó có 14 FTA là quan hệ với các đối tác ASEM. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã ký hiệp định FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu (6/2015), đang phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy Hiệp định Đối tác và Hợp tác với EU và thúc đẩy hướng tới đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN – EU. Việt Nam mở rộng cửa chào đón sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp Á - Âu và cam kết tiếp tục đóng góp xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện trong ASEM vì sự phát triển bền vững.
Trong phát biểu, các nhà lãnh đạo ASEM đánh giá cao sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thành viên ASEM trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Á - Âu thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư. Các nhà lãnh đạo ASEM nhấn mạnh nhu cầu gia tăng vai trò và đóng góp của các doanh nghiệp trong tăng cường kết nối hai châu lục trong bối cảnh phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các nhà lãnh đạo đề nghị các doanh nghiệp cần cùng đồng hành với chính phủ tăng cường các luồng thương mại và đầu tư, kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai châu lục, đầu tư xanh, ứng dụng công nghệ xanh, xây dựng phương thức sản xuất thân thiện với môi trường, góp phần thiết thực phục vụ phát triển bền vững và bao trùm.
Diễn đàn Doanh nghiệp Á - Âu lần thứ 15 cùng với Diễn đàn Nghị viện Á – Âu (ngày 21 -22 tháng 4) và Diễn đàn Nhân dân Á – Âu (họp ngày 1 - 2/7) là những hoạt động hướng tới Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác ASEM lần thứ 11 họp trong hai ngày 15 và 16/7 cũng tại thành phố Ulan Bator. Tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp năm nay có đại diện của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn dầu khí quốc gia, Ngân hàng thương mại đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)
Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua Hải Phòng
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thành các thủ tục đầu tư Dự án theo đúng các quy định hiện hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 285/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND thành phố Hải Phòng huy động các nguồn vốn hợp pháp (không huy động vốn của nhà thầu) để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các thủ tục để khởi công Dự án.
Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thống nhất với UBND thành phố Hải Phòng về phương thức huy động và việc hoàn trả số vốn mà địa phương đã ứng để thực hiện Dự án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí vốn cho Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ để hoàn trả số vốn UBND thành phố Hải Phòng đã ứng và tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án theo tiến độ; bảo đảm không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.