Mỗi tỉnh, thành có ít nhất 3 đại biểu Quốc hội
Mới 45 tuổi nhưng nhiều người đã muốn về hưu
Bộ TN&MT và Bộ Tư pháp có thêm thứ trưởng
Những đột phá phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội
600 tỉ đồng xây khu nghỉ dưỡng 5 sao tại Huế
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 15-07-2016
- Cập nhật : 15/07/2016
Úc chính thức bắt đầu quy trình đánh giá trái thanh long của Việt Nam
Đoàn đã thăm các nông trường, các cơ sở đóng gói và xử lý nhằm tìm hiểu về việc trồng, thu hoạch quả thanh long cũng như các hoạt động tiền xuất khẩu.
Chuyến thăm này là một phần nội dung quan trọng của quá trình phân tích rủi ro. Dự kiến vào cuối năm nay, Chính phủ Úc sẽ công bố một dự thảo báo cáo về quá trình đánh giá này để tham vấn rộng rãi công chúng. Việc đánh giá tiếp cận thị trường cho quả thanh long được thực hiện tiếp sau việc Úc bắt đầu cho phép nhập trái vải tươi của Việt Nam từ năm 2015 và gần đây là quyết định nhập khẩu xoài từ Việt Nam.
Chưa có quy chế lựa chọn thương hiệu cho các sản phẩm địa phương
Ngày 13/7, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu (Đại học Thương Mại), việc gắn thương hiệu quốc gia với các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các sản phẩm có cơ hội xâm nhập vào các thị trường khác nhau.
Trên cơ sở người tiêu dùng cảm thấy tin cậy chất lượng cũng như uy tín, khi cung ứng sản phẩm đó ra thị trường, sản phẩm sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường hơn, thậm chí bán được với giá cao hơn.
Chương trình Thương hiệu quốc gia có nhiệm vụ tìm kiếm, xây dựng và bồi đắp những thương hiệu để thể hiện ra bên ngoài một hình ảnh quốc gia thân thiện, năng động, sáng tạo, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc gắn thương hiệu quốc gia với các sản phẩm đặc trưng của các địa phương gặp phải nhiều hạn chế.
Lý giải nguyên nhân này, ông Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng: “Chúng ta chưa gắn thương hiệu quốc gia với các sản phẩm đặc trưng của các địa phương do vấn đề quy chế. Hầu hết các địa phương trong thời gian dài chưa xây dựng mối liên kết tập thể và chúng ta chưa tạo dựng hình ảnh thực sự cho các sản phẩm của địa phương”.
Ngoài ra, diện tích sản xuất sản phẩm nông nghiệp rất lớn, gồm nhiều địa phương sản xuất cho một sản phẩm mặc dù được công nhận chỉ dẫn địa lý nhưng trong khu vực được công nhận chỉ dẫn địa lý đó thì tính đồng đều của sản phẩm chưa cao. Chính điều này gây ra hạn chế trong việc gắn thương hiệu quốc gia với các sản phẩm đặc trưng của các địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh cho biết thêm, cho đến nay chúng ta chưa gắn thương hiệu quốc gia với các sản phẩm đặc trưng của các địa phương cho nên làm cho sản phẩm địa phương chưa có lợi thế nhất định trong quá trình cạnh tranh. Nếu chúng ta có được sản phẩm địa phương mang thương hiệu quốc gia sẽ có lợi thế rất mạnh trong việc cạnh tranh với các sản phẩm của các quốc gia và các địa phương khác.
“Nếu muốn làm tốt thì đương nhiên vấn đề đầu tiên phải tạo dựng một tổ chức tập thể để quản lý khai thác chỉ dẫn địa lý đó, làm thế nào quản lý toàn bộ quá trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm có tính đồng đều, đáp ứng yêu cầu của thị trường”, ông Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.
Cho đến thời điểm này, trong quy chế lựa chọn các thương hiệu để tham gia chương trình thương hiệu quốc gia chúng ta mới chỉ lựa chọn thương hiệu các sản phẩm và thương hiệu DN. Chúng ta chưa có quy chế lựa chọn thương hiệu cho các sản phẩm, đặc sản địa phương.
Ông Thịnh hy vọng trong thời gian tới, chúng ta sẽ thay đổi quy chế làm thế nào để lựa chọn thêm các sản phẩm đặc sản địa phương đặc biệt là các đặc sản sản mang chỉ dẫn địa lý các địa phương thì nó có tác dụng bền vững lâu dài và mang lại lợi ích lớn hơn cho cả một cộng đồng.
Việc gắn thương hiệu quốc gia với các sản phẩm đặc trưng của các địa phương là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải điều chỉnh quy chế trong việc xét chọn các thương hiệu quốc gia.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, để xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu. Ngoài ra, chương trình thương hiệu quốc gia phải có phương thức hỗ trợ các địa phương trong chừng mực nhất định để nâng cao trình độ tạo dựng điểm đến du lịch, từ đó phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền, tạo thương hiệu sản phẩm của từng vùng miền.
Thương hiệu Quốc gia và bài toán vươn ra thế giới
Ngày 13/7, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia (THQG) với các sản phẩm địa phương. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau hơn 13 năm hoạt động, đã đến lúc cần nâng cấp Chương trình Thương hiệu Quốc gia để hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải cho biết, quá trình hội nhập và phát triển của đất nước đã minh chứng rằng, một trong những yếu tố để hội nhập thành công là tranh thủ được cơ hội hợp tác, liên kết mang lại, phải xây dựng và phát triển sức mạnh tổng thể của Quốc gia, trong đó thương hiệu của các vùng miền có tiềm năng, thế mạnh.
“Ý thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua Bộ đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các vùng miền, nhờ vậy các vùng miền đã có bước phát triển ấn tượng ở tầm quốc gia, tạo ra sức mạnh để quốc gia vươn ra thế giới. Tên tuổi của nhiều DN Việt Nam gắn với các thương hiệu vùng miền theo đó cũng được khẳng định”, ông Hải cho biết.
Tuy vậy, lãnh đạo ngành Công Thương cũng cho rằng, vẫn còn những mục tiêu lớn phải hướng tới nhằm hoàn thiện và không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu. Do đó, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu vùng miền vừa cấp thiết trước mắt vừa là chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực về nhiều mặt và của các ngành, các địa phương.
Đồng quan điểm này, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Tổng thư ký Ban thư ký Chương trình THQG cho biết, Chương trình ra đời nhằm mục đích xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao; nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
Đồng thời xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị: chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong, tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
“Việc xét chọn các sản phẩm được mang biểu trưng THQG được tiến hành 2 năm một lần. Đến nay Chương trình đã tiến hành được 4 đợt lựa chọn các DN và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng THQG. Riêng năm 2014 đã có 63 DN được lựa chọn đạt THQG, trong đó có 14 DN lần thứ 2 liên tiếp, 11 DN lần thứ 3 liên tiếp và 23 DN lần thứ 4 liên tiếp đạt THQG”, ông Lang cho biết.
PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Đại học Thương mại cũng cho biết, trên thế giới hiện có khoảng hơn 80 quốc gia đang triển khai xây dựng thương hiệu Quốc gia cho mình. Các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã tiến hành xây dựng THQG ngoại trừ Lào và Campuchia. “Rõ ràng việc Việt Nam triển khai chương trình THQG là việc làm đúng và phù hợp với xu hướng hiện tại”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, theo PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh, thực tế hiện nay, khi đề cập đến THQG nhiều người đang có sự nhầm lẫn giữa cái gọi là THQG với Chương trình THQG. Chương trình THQG của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 2003 và đến nay đã trải qua năm thứ 13.
Chương trình này không chỉ nhằm mục đích tìm cho được những thương hiệu của các DN đạt các tiêu chí của Chương trình để cấp cho họ quyền được sử dụng lô gô của chương trình mà cái quan trọng nhất của Chương trình THQG Việt Nam là nhằm tạo dựng hình ảnh Quốc gia Việt Nam, xây dựng thương hiệu cho Quốc gia Việt Nam, một Quốc gia năng động sáng tạo, có những sản phẩm uy tín, chất lượng cạnh tranh được với các sản phẩm của các quốc gia khác trên thị trường.
“Để tạo dựng THQG không đơn giản. Tuy nhiên do chúng ta là nước đi sau có nhiều hạn chế nên Chương trình THQG trong giai đoạn đầu mới chỉ lựa chọn sản phẩm đại diện để triển khai nó. Điều đó không có nghĩa Chương trình THQG chỉ tập trung cho xây dựng thương hiệu của các sản phẩm mang đi xuất khẩu”, ông Thịnh nói.
Liên quan đến kết nối THQG và thương hiệu địa phương, một số chuyên gia kinh tế cho biết, rất nhiều sản phẩm của Việt Nam đang xuất khẩu ra nước ngoài nhưng gần như không được mang thương hiệu của bất kỳ DN nào cả, từ con cá tra đến quả vải thiều, đến gạo hay đến quả Thanh Long. Việc xây dựng thương hiệu DN là rất quan trọng và dường như rất khó để chúng ta có thương hiệu lớn để DN Việt Nam trở thành một Cocacola hay Nokia trên thị trường thế giới.
Vì vậy cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì các DN cần liên kết với nhau, tìm cách đưa sản phẩm của Việt Nam đến với NTD quốc tế. “Trước mắt làm thế nào để khẳng định chất lượng để người ta nhìn thấy là biết đây là sản phẩm của Việt Nam dù nó mang bất kỳ thương hiệu quốc tế nào. Giai đoạn đầu chúng ta đành phải chấp nhận thực tế như vậy”, ông Thịnh khuyến cáo.
Song việc làm thiết thực nhất hiện nay theo ông để xây dựng được hình ảnh, thương hiệu cho Việt Nam thực sự thân thiện đầu tiên là phải gắn kết Chương trình THQG với việc xây dựng thương hiệu cho các điểm đến du lịch. Điều này đặc biệt quan trọng vì các điểm đến du lịch làm gia tăng mức độ biết đến THQG của Việt Nam rất nhanh.
Khách du lịch đến với Việt Nam họ được trải nghiệm, được tiếp xúc với con người, danh lam thắng cảnh, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch và các sản phẩm của Việt Nam. Nhưng rất tiếc đến thời điểm này, trong 63 DN đạt THQG năm 2014 mới có 2 thương hiệu liên quan đến lĩnh vực du lịch. Điều này làm hạn chế rất nhiều ý nghĩa và hiệu quả của Chương trình THQG. (Dương Công Chiến - TBNH)
Kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn về vốn cho dự án điện
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, nhưng sản xuất điện vẫn tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Sản xuất phân phối điện tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ tăng 11,4%). Nhìn chung, ngành điện đã vận hành hệ thống linh hoạt, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân cả nước. Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương vận hành điều tiết các hồ thủy điện để đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn của các địa phương vùng hạ du, đặc biệt là khu vực miền Trung, Tây Nguyên bị khô hạn nghiêm trọng, kéo dài.
Về nguồn điện, trong 6 tháng đầu năm đã hoàn thành việc hòa lưới phát điện tổ máy 2 Thủy điện Huội Quảng (260MW) và tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu (400 MW). Hoàn thành đóng điện các dự án lưới điện truyền tải quan trọng như: Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, đường dây 500kV Duyên hải - Mỹ Tho, trạm biến áp 500kV phố Nối và các đường dây đấu nối; nâng cao công suất trạm biến áp 500kV Sơn La theo đúng tiến độ, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của ngành điện nói riêng và toàn ngành nói chung. Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của ngành đã hoàn thành 50% kế hoạch cả năm 2016.
Về các giải pháp triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, đối với sản xuất công nghiệp trong đó có ngành điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội năm 2016. Bên cạnh việc tập trung củng cố các tổ máy thủy điện, nhiệt điện than, tua bin khí, tích nước các hồ thủy điện, Bộ cũng sẽ chỉ đạo, tăng cường phối hợp với các bên liên quan, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án, công trình của ngành điện, nhất là vấn đề về vốn, giải phóng mặt bằng... đặc biệt là các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2016 để sớm đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. (trên thực tế, số lượng các dự án điện truyền tải được khởi công từ đầu năm đến nay vẫn còn ít).
Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ năm 2016, cũng như giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép bổ sung các dự án điện được vào danh mục các dự án được vay tín dụng ưu đãi nhà nước đối với các hạng mục di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước.
Đối với các dự án điện nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, để đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu, Bộ đề nghị Chính phủ vay vốn ODA làm nguồn ngân sách cấp cho các chủ đầu tư. Cho phép các dự án điện được vay lại của Bộ Tài chính nguồn vốn ODA và các nguồn vay ưu đãi nước ngoài theo đúng các điều kiện cho vay của nhà tài trợ, không áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, làm tăng chi phí đi vay đối với dự án.(BCT)