Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 16/10, Khóa họp lần thứ hai của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Italy đã diễn ra tại thủ đô Rome, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Italy Carlo Calenda và Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Hồ Thị Kim Thoa.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 15-07-2016
- Cập nhật : 15/07/2016
Cho vay tiêu dùng với lãi suất “cắt cổ”
Khi nhận hợp đồng vay tiền chính thức, người vay mới giật mình vì lãi suất vay lên tới 60-70%/năm, không như lời chào mời của nhân viên tổ chức cho vay.
Tại hội thảo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, ngày 13-7, ông Hồ Tùng Bách - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương - cho biết cơ quan này đã nhận được phản ảnh, khiếu nại của nhiều người tiêu dùng rằng khi tư vấn, nhân viên của một số công ty tài chính và ngân hàng thường đưa ra mức lãi suất cho vay rất hấp dẫn, chỉ 2-3%/tháng.
Do cần tiền, lãi suất không quá cao và thủ tục nhanh gọn (chỉ cần chứng minh nhân dân), người tiêu dùng đã ký hợp đồng vay ngay.
Nhưng khi nhận hợp đồng vay tiền chính thức, người vay mới giật mình vì lãi suất vay lên tới 60-70%/năm, thậm chí là 84%/năm, không phải như lời chào mời của nhân viên tổ chức cho vay.
Đặc biệt, khi kê khai thông tin, công ty tài chính yêu cầu người đi vay cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ công ty của người thân với lý do “để xác thực danh tính của người đi vay”.
Tuy nhiên, khi có những tranh chấp phát sinh, nhiều người đi vay đã bị nhân viên tổ chức tài chính vào tận nhà đe dọa người thân, gọi điện liên tục từ 6g sáng đến 10g đêm gây áp lực, thậm chí hăm dọa, đòi kiện ra tòa...
Theo TS Định Thị Thanh Nhàn, giảng viên khoa kinh tế và luật (ĐH Thương mại Hà Nội), nguyên nhân là do chưa có hành lang pháp lý riêng đối với cho vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước cần phải ban hành quy định pháp lý riêng về cho vay tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của người đi vay.(TT)
Lãi suất liên ngân hàng giảm
Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng giảm ở hầu hết kỳ hạn chủ chốt từ 1 tháng trở xuống trong tuần từ 4-8/7 so với tuần trước đó.
thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt còn 1,17%, 1,50% và 2,41%.
Đối với các giao dịch bằng USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng giảm trái chiều ở các kỳ hạn chủ chốt. Trong khi lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm giảm còn 0,44%, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt đến mức 0,49% và 0,88% so với tuần trước đó.
Về doanh số giao dịch, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng tiền đồng đạt xấp xỉ 94.984 tỷ đồng, giảm 43.276 tỷ đồng so với tuần trước đó. Giao dịch bằng USD quy đổi ra VND đạt 59.653 tỷ đồng, tăng 4.760 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Lạm phát: Vẫn còn nhiều áp lực tăng
BVSC giải thích rủi ro đến từ một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng lần hai với mức tăng rất lớn. Ví dụ như: giá dịch vụ khám bệnh từ ngày 1/3 được tính ở mức 7.000 - 200.000 đồng nhưng sẽ tăng lên từ 29.000 - 200.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp và tiền lương); giá dịch vụ ngày giường bệnh từ 1/3 được tính ở mức 31.000 - 354.000 đồng nhưng sẽ tăng lên từ 108.000 -677.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp thường trực và tiền lương) trong lần điều chỉnh kế tiếp.
Theo công văn mới nhất của Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được chia ra theo từng đợt vào tháng 8, tháng 10, tháng 11 và tháng 12 tới với sự điều chỉnh lần lượt tại các tỉnh thành, nhằm tránh gây áp lực cục bộ lên lạm phát tại cùng một thời điểm.
Theo BVSC, quyết định trên mặc dù có thể không gây ảnh hưởng tới lạm phát cơ bản nhưng sẽ có tác động khá lớn tới chỉ số lạm phát toàn phần, cho dù mức tăng sẽ được dàn trải đều trong các tháng diễn ra sự điều chỉnh.
Thứ hai, đối với dịch vụ giáo dục, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ, thời gian qua, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp học làm cho chỉ số giá nhóm hàng giáo dục 6 tháng đầu năm tăng 4,61% so cùng kỳ năm trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,22%.
Tháng 9 tới, kỳ học đầu tiên của năm học 2016-2017 bắt đầu, lộ trình tăng học phí sẽ được tiếp tục tiến hành nên dự kiến cũng gây tác động nhất định tới CPI trong nửa cuối năm nay.
Thứ ba, giá xăng dầu thế giới hiện đang có xu hướng tăng trở lại, đẩy giá xăng trong nước tăng theo. So với thời điểm cuối năm 2015, giá xăng RON 92 hiện vẫn thấp hơn khoảng 600 đồng/lít nhưng khoảng cách này dự kiến sẽ ngày càng thu hẹp trong thời gian tới nếu giá dầu thế giới vượt qua được vùng cản 50-52 USD/thùng.
BVSC cho rằng, khi đó, giá nhóm hàng giao thông chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và không còn tác dụng hỗ trợ giảm CPI như trong cả năm 2015.
Trong kịch bản trung bình, BVSC dự báo chỉ số lạm phát toàn phần YoY vào thời điểm cuối năm nay sẽ dao động từ 4-5%.(NĐH)
Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp duy trì hòa bình ở Biển Đông
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết Việt Nam có các biện pháp cần thiết để góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông sau phán quyết "đường lưỡi bò".
Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay về tình hình Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trước những dự đoán cho rằng Trung Quốc có thể gây căng thẳng ở Biển Đông sau phán quyết hôm 12/7 của Tòa Trọng tài, ông Bình khẳng định: "Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn sẵn sàng mọi biện pháp để góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm Việt Nam bảo lưu các quyền, lợi ích pháp lý ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng biển được xác định theo UNCLOS.
Người phát ngôn cho biết Việt Nam đang nghiên cứu phán quyết và đã đề nghị Tòa "đặc biệt quan tâm" đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông. "Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo đảm các quyền và lợi ích quốc gia".
Đối với việc hãng Kyodo News của Nhật Bản đưa tin ASEAN sẽ không đưa ra tuyên bố chung sau phán quyết "đường lưỡi bò", ông Bình cho biết các thành viên trong ASEAN đều có trách nhiệm chung trong việc duy trì ổn định, an ninh hàng hải ở Biển Đông.
"Lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao, pháp lý".
Tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, hôm 12/7 công bố phán quyết "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vạch ra để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Tòa cho rằng yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại với UNCLOS, đồng thời không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho nước này. Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ phán quyết.
Trong khi đó, phán quyết của Tòa Trọng tài đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước trên thế giới.
Việt Nam cũng hoan nghênh Tòa Trọng tài ra phán quyết về yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.