NHNN bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép hoạt động môi giới tiền tệ cho TCTD
Long An – TP.HCM hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2007-2015
Nhiều sếp EVN thu nhập trên 600 triệu đồng một năm
Nam Định: Thêm hơn 1.100 tỷ đồng kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 17-07-2016
- Cập nhật : 17/07/2016
Điều kiện kinh doanh "khóa bánh" doanh nghiệp vận tải
Vỡ điều kiện số lượng xe tối thiểu
Hôm nay (15/7), thời hạn góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 86) sẽ kết thúc, nhưng những ý kiến bằng văn bản vẫn tiếp tục dồn về cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).
Có hiệu lực từ ngày 1/12/2014, Nghị định 86 gần như ngay lập tức nhận được những phản hồi gay gắt của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô, trong đó nổi cộm nhất chính là khoản 4, Điều 15 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300 km trở lên phải có từ 20 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương; từ 10 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại và từ 5 xe trở lên đối với đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ.
Mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước là tạo áp lực để các doanh nghiệp vận tải tích tụ đủ lớn về số lượng, từ đó làm chuyển biến chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2016 - thời điểm bắt đầu xin ý kiến góp ý cho dự thảo, dù đã có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã thực hiện liên kết, các hộ kinh doanh gia nhập hợp tác xã hoặc liên kết để thành lập doanh nghiệp, song số lượng các đơn vị có quy mô dưới 5 xe vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Số đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ hơn 5 xe là 17.799/24.580 đơn vị, chiếm 72,4% tổng số đơn vị kinh doanh vận tải cả nước. Trong đó, có tới 34,5% đơn vị chạy xe tuyến cố định; 86,6% xe hợp đồng; 53,2% xe container; 76,9% xe du lịch; 78,4% xe tải không đạt quy mô lượng xe tối thiểu quy định tại Nghị định 86.
Như vậy, nếu chiểu theo quy định hiện hành, ngoài các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi đã thỏa mãn, thì hầu hết các đơn vị kinh doanh loại hình vận tải đường bộ sẽ “đứng hình” khi áp dụng quy định này.
Để gỡ tình trạng “việt vị” của các đơn vị kinh doanh vận tải, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án xử lý quy định lệch pha thực tế của Nghị định 86.
Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước ngày Nghị định này có hiệu lực, đến hết ngày 31/12/2018 hoặc đến hết thời gian có giá trị của Giấy phép đã cấp phải có số lượng xe tối thiểu theo quy định của Nghị định; hoặc các đơn vị kinh doanh vận tải được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước ngày nghị định này có hiệu lực, đến hết thời gian có giá trị của Giấy phép đã cấp phải có số lượng xe tối thiểu theo quy định của Nghị định này.
Bỏ duyệt phương án kinh doanh
Một điểm nhấn đáng chú ý khác tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 là cơ quan soạn thảo đề xuất bỏ quy định phê duyệt phương án kinh doanh khi các đơn vị vận tải tiến hành thủ tục cấp, cấp lại Giấy phép kinh doanh. Tại điểm b, khoản 1, Điều 22 Nghị định 86, thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh vận tải thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh, đồng thời phê duyệt Phương án kinh doanh kèm theo.
Tuy nhiên, quy định này đã gây khó khăn cho cơ quan cấp phép cũng như cho đơn vị kinh doanh vận tải, đồng thời trong thực tế việc thay đổi phương án kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tùy thuộc vào điều kiện hoạt động và hiệu quả kinh doanh của mỗi đơn vị.
“Nếu mỗi lần thay đổi phương án kinh doanh đều phải đợi cơ quan cấp phép phê duyệt xong mới được hoạt động sẽ làm chậm trễ, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị”, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết.
Được biết, hiện Bộ GTVT vẫn chưa quyết sửa đổi khoản 3, Điều 17 về niên hạn xe taxi khi đưa ra 2 phương án xin ý kiến của các doanh nghiệp. Cụ thể, trong phương án 1, Bộ GTVT đề xuất giữ nguyên như hiện tại (xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác). Trong phương án 2, Ban soạn thảo đề xuất áp dụng trên toàn quốc quy định xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm tính từ ngày sản xuất.
“Bộ GTVT nên tính niên hạn sử dụng xe taxi theo thời điểm đăng ký sử dụng lần đầu, chứ không nên tính theo năm sản xuất”, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất.
Cả Hiệp hội Taxi Hà Nội và Hiệp hội Taxi TP.HCM đều kiến nghị Bộ GTVT coi taxi là phương tiện giao thông công cộng. “Hiện nay, taxi không được xếp vào vận tải cá nhân, nhưng cũng không được xếp vào vận tải công cộng để có những chính sách ưu đãi phù hợp. Hà Nội hiện có 117.000 xe taxi với hơn 30.000 cán bộ, lái xe. Hàng năm vận chuyển khoảng 20 triệu lượt khách, nhưng hiện taxi chỉ khác xe cá nhân ở mỗi cái biển taxi”, ông Đỗ Quốc Bình cho hay.(BĐT)
Canclini tính chuyện hợp tác đầu tư cùng Vinatex
Ông Simone Canclini cho biết, Vinatex là doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu lên tới gần 4 tỷ USD, sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn với chuỗi sản xuất khép kín, đó là lý do Canclini muốn tính chuyện hợp tác đầu tư với Vinatex cũng như các doanh nghiệp thành viên.
Với thế mạnh về dệt nhuộm và sản xuất vải, Vinatex kỳ vọng Canclini sẽ hỗ trợ Tập đoàn trong việc hoàn thiện chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ cung ứng vải.
“Vinatex là một đối tác lớn, vì vậy chúng tôi tin tưởng hoàn toàn vào tiềm năng của Vinatex và mong muốn sẽ hợp tác đầu tư lâu dài với Vinatex tại Việt Nam”, ông Simone Canclini nói.
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Công ty Canclini là một thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực nhuộm vải sợi cotton cho áo sơ mi.
Công ty Dệt May Canclini sở hữu công nghệ trong từng công đoạn sản xuất hàng dệt may như nhuộm sợi, tiền xử lý, mắc hồ, dệt vải và hoàn tất. Đặc biệt, Canclini có nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm trong việc hỗ trợ và cải thiện trong lĩnh vực dệt.
Hiện nay Công ty Dệt May Canclini sở hữu bốn thương hiệu: Canclini 1925, Profile Tessile, Hausamann Moos và Blue 1925, với một mạng lưới thương mại trên toàn thế giới.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, với thế mạnh về dệt nhuộm và sản xuất vải, Canclini sẽ hỗ trợ Tập đoàn trong việc hoàn thiện chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ cung ứng vải.
Dự kiến, trong thời gian tới, 2 bên cùng nhau bàn bạc để đưa ra những nội dung hợp tác phù hợp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất vải.(BĐT)
Kinh doanh thời hội nhập: Chọn đối tác nội hay ngoại?
Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III), thuộc quản lý của Mekong Capital vừa công bố đầu tư 6,9 triệu USD vào Công ty cổ phần Nhà hàng Wrap & Roll (Wrap & Roll), chủ sở hữu chuỗi 10 nhà hàng Wrap & Roll trên cả nước và 4 cửa hàng nhượng quyền thương mại tại Singapore.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Điều hành, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Wrap & Roll, Công ty đang có kế hoạch khởi động một chuỗi nhà hàng mới trong năm 2016 để đáp ứng nhu cầu của một phân khúc khác trên thị trường Việt Nam. Như vậy, với khoản đầu tư mới này, Wrap & Roll sẽ có thêm nguồn lực để hiện thực hóa kế hoạch của mình.
Bà Dương Thu Hương, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga là người chơi ngồi ở vị trí CEO.
Trong khi đó, chỉ cách đây gần 1 tháng, Công ty cổ phần Gỗ An Cường cũng đã nhận khoản đầu tư 30 triệu USD từ Quỹ VOF thuộc VinaCapital và Deutsche Investitons - und Entwicklungsgesellschaft (“DEG” thuộc Tập đoàn KfW Đức).
Là một công ty chuyên sản xuất các dòng ván, bề mặt trang trí và đồ nội thất từ gỗ và ván ép, An Cường đã đạt tốc độ tăng trưởng 30-35%/năm trong các năm vừa qua. Năm 2015, An Cường đạt doanh thu hơn 70 triệu USD và nắm giữ thị phần chi phối trong 2 dòng sản phẩm ván MFC (trên 50%) và ván laminate (70%).
Thêm vốn đầu tư, Công ty An Cường sẽ tập trung thúc đẩy việc mở thêm một nhà máy mới 15 triệu USD ở Bình Dương, để nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Như vậy, cả An Cường và Wrap & Roll đều đã chọn bắt tay với đối tác nước ngoài để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cả hai cú bắt tay hợp tác này phải nói là khá suôn sẻ. Tuy nhiên, kinh doanh thời hội nhập, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng tìm được các đối tác đáng “đồng tiền bát gạo” như vậy, mà thậm chí rơi cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Giống như trường hợp của một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, đang sở hữu chuỗi 30 cửa hàng tại các thành phố lớn. Mặc dù phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ, nhưng doanh nghiệp vẫn tăng trưởng đều đặn, số lượng các cửa hàng vẫn gia tăng. Tuy nhiên, khi hội nhập sâu rộng, dự báo nhiều đối thủ mạnh hơn xuất hiện, doanh nghiệp đã nghĩ đến phương án hợp tác với các đối tác khác, nhằm tăng cường sức mạnh và năng lực cạnh tranh.
Vừa đúng lúc, doanh nghiệp nhận được lời mời hợp tác đến từ hai đối tác cùng ngành. Một đối tác trong nước và một đối tác đến từ nước ngoài. Cả hai đối tác đều muốn tham gia 40% vốn và đều muốn có tên trong Hội đồng Quản trị. Nhưng đối tác trong nước muốn hợp tác theo hình thức hai bên sáp nhập hệ thống các cửa hàng với nhau và tạo thương hiệu mới để kinh doanh, còn đối tác nước ngoài thì muốn giữ nguyên thương hiệu, chỉ bỏ vốn đầu tư để nâng cấp và mở rộng hệ thống.
Cả hai đối tác đều là những cơ hội lớn cho công ty, nhưng chọn đối tác nào? Trước tình hình này, CEO và các cổ đông đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp. CEO thì cho rằng, nên lựa chọn đối tác cùng ngành trong nước. Lý do vì họ cùng là doanh nghiệp trong nước, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, khách hàng và thị trường. Hơn nữa, với hệ thống hơn 30 cửa hàng thì doanh nghiệp sẽ nhanh chóng mở rộng thị trường mà không phải mất quá nhiều công sức, thời gian và chi phí. Do đó, cơ hội để thành công là rất cao.
Trong khi đó, các cổ đông lại cho rằng, để có thể cạnh tranh trong thời gian tới, doanh nghiệp cần có sự bứt phá vượt bậc. Do đó, nên lựa chọn đối tác nước ngoài để hợp tác. Bởi họ có tiềm lực, có kinh nghiệm, việc hợp tác với họ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn, thương hiệu chuỗi cửa hàng của doanh nghiệp vẫn được giữ vững. Còn trong trường hợp không hợp tác với đối tác nước ngoài, thì sau này có thể họ sẽ hợp tác với các doanh nghiệp khác và tạo nên một đối thủ rất mạnh nữa.
Cả hai bên đều có lý của mình. Thực tế, thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam luôn muốn hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng kinh nghiệm, nguồn lực tài chính của họ. Tuy nhiên, không phải cuộc kết hôn nào cũng “cơm lành, canh ngọt”, và điều quan trọng khi hợp tác, không phải là đối tác đó đến từ đâu, mà phụ thuộc vào tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của chính doanh nghiệp đó.
Kinh doanh thời hội nhập, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ lâm tình cảnh tương tự. Đây trên thực tế là một tình huống giả định của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề “Doanh nghiệp hội nhập - Chiến lược hòa hoãn”. Bà Dương Thu Hương, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga sẽ là người chơi ngồi ở vị trí CEO lần này. Cuộc tranh biện giữa bà Nga và các cổ đông về việc nên chọn đối tác nội hay ngoại có thể sẽ là lời khuyên hữu ích cho các doanh nghiệp Việt Nam đang ở tình huống tương tự.(BĐT)
Hải quan Đồng Nai tăng thu gần 6 tỷ đồng từ công tác chống buôn lậu
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục Hải quan Đồng Nai đã xử lý 16 vụ việc vi phạm và liên quan đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá hàng hóa vi phạm gần 66,5 tỷ đồng. Đơn vị đã ra quyết định xử phạt tổng số tiền gần 6 tỷ đồng.
Qua kiểm tra sau thông quan, đơn vị phát hiện Công ty VT đã khai sai đối tượng miễn thuế. Công ty kê khai nhập khẩu theo 2 danh mục miễn thuế các mặt hàng như: bi nghiền bằng thép, thiết bị chịu nhiệt… Tuy nhiên, đây đều là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được nên không thuộc đối tượng miễn thuế và phải thực hiện ấn định thuế theo quy định. Công ty VT đã bị phạt gần 2,2 tỷ đồng do vi phạm hành chính về thuế trong lĩnh vực hải quan.
Tương tự, Cục Hải quan Đồng Nai cũng xử phạt Công ty D. 74 triệu đồng và Công ty T. 57 triệu đồng cùng về hành vi vi phạm hành chính về thuế trong lĩnh vực hải quan.
Với hành vi không khai và khai sai so với thực tế số lượng hàng hóa tái xuất, Công ty N. cũng đã bị Cục Hải quan Đồng Nai phạt hơn 3,4 tỷ đồng. Cùng với đó, trong tháng 4-2016, đơn vị cũng đã xử phạt Công ty R. hơn 11 triệu đồng về hành vi lập và khai không đúng các nội dung hoàn thuế, làm tăng số thuế được hoàn.
Theo ông Lưu Vĩnh Trường, Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm – Cục Hải quan Đồng Nai, trong thời gian tới, dự báo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ có nhiều DN triển khai những dự án mới. Đối với các DN đang hoạt động thì những dự án mở rộng cũng sẽ được tiến hành. Đồng thời, theo dự báo số lượng DN trên địa bàn sẽ ngày càng tăng thêm và số lượng DN làm ăn thua lỗ xin giải thể phá sản cũng tăng do bị ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế.
Cục Hải quan Đồng Nai đã chỉ đạo các Chi cục và Đội Kiểm soát tăng cường tuần tra kiểm soát trên địa bàn, thu thập thông tin, điều tra cơ bản nắm tình hình để việc quản lý DN được chặt chẽ. Song song với việc thu thập nắm thông tin các DN mới đầu tư, đơn vị cũng tiếp xúc, hướng dẫn, hỗ trợ DN về thủ tục hải quan nhằm hạn chế các sai phạm có thể xảy ra, giúp DN thực hiện đúng các quy định của cơ quan Nhà nước.