tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 15-07-2016

  • Cập nhật : 15/07/2016

Kho bạc Nhà nước huy động 5.200 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6.000 tỷ đồng cho 4 loại kỳ hạn: 5 năm (2.000 tỷ đồng), 7 năm (2.000 tỷ đồng), 10 năm (1.000 tỷ đồng) và 15 năm (1.000 tỷ đồng).

Theo đó, phiên thầu chính trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 18 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 9.621 tỷ đồng và lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 6,05-7,20%/năm. Kết quả, huy động thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu 5 năm với lãi suất trúng thầu 6,10%/năm, thấp hơn 0,04%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 06/7/2016). 

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 5 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, có 6 thành viên tham gia và khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 2.440 tỷ đồng, kết quả huy động thành công 600 tỷ đồng.

Trái phiếu kỳ hạn 7 năm có 8 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 2.701 tỷ đồng và lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 6,55-7,40%/năm. Kết quả, huy động được 1.300 tỷ đồng trái phiếu 7 năm với lãi suất trúng thầu 6,62%/năm, bằng với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 06/7/2016).

Phiên thầu chính trái phiếu kỳ hạn 15 năm có 6 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 1.791 tỷ đồng và vùng lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 7,63-9,00%/năm. Kết quả, huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu 15 năm với lãi suất trúng thầu 7,65%/năm, bằng với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 29/6/2016). 

Phiên thầu phụ trái phiếu kỳ hạn 15 năm gọi thầu 300 tỷ đồng, có 2 thành viên tham gia và khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 600 tỷ đồng, kết quả huy động thành công 300 tỷ đồng.

Trái phiếu kỳ hạn 10 năm không có lãi suất trúng thầu.

Được biết, kể từ đầu năm 2016, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 196.996,2756 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu tại HNX.(TBNH)


Chính sách tiền tệ cần đi trước một bước

Chính sách của NHTW phải đi trước một bước so với những biến chuyển liên tục của nền kinh tế. Nếu không, phản ứng chính sách sẽ thường chậm nhịp và không phát huy hết hiệu quả.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, một trong những mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2016 là ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, ngành trọng yếu của nền kinh tế.

Để đạt được mục tiêu này, trong 6 tháng đầu năm 2016, NHNN đã áp dụng nhiều biện pháp, chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí, sử dụng các công cụ CSTT để điều tiết lãi suất thị trường không vượt lãi suất mục tiêu, tăng cường giám sát việc thực hiện trần lãi suất huy động của các NHTM…

Chính vì vậy, mặc dù lạm phát có xu hướng gia tăng, song về cơ bản lãi suất biến động trong biên độ hẹp, lãi suất cho vay ở các lĩnh vực, ngành trọng yếu giảm nhẹ…

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 7, một số NHTM tăng lãi suất huy động ngắn hạn dưới 6 tháng lên sát trần quy định của NHNN, mặc dù thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và một số các NHTM nâng lãi suất huy động trung và dài hạn. Về việc nâng lãi suất trung và dài hạn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, là do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Cụ thể, quy định về tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống 50% kể từ ngày 1/1/2017 và xuống 40% kể từ ngày 1/1/2018 khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể, trong bối cảnh tín dụng trung và dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Đây có thể là một nguyên nhân có tính dài hạn của các NHTM.

Song một câu hỏi đặt ra là tại sao khi thanh khoản  dồi dào mà các NHTM vẫn tăng lãi suất huy động ngắn hạn sát với trần quy định của NHNN? Một thực tế cho thấy, lãi suất hiện nay ngoài chịu tác động của yếu tố cung cầu về vốn, còn chịu áp lực không ít từ xu hướng lạm phát gia tăng. Áp lực tỷ giá và vấn đề cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường bằng lãi suất của các NHTM mặc dù không lành mạnh nhưng vẫn đang diễn ra.

Với bản chất, CSTT đòi hỏi phải có một khoảng thời gian nhất định để phát huy tác dụng ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế, vấn đề này được biết đến với tên gọi là độ trễ chính sách. Vì vậy, các NHTW không thể ngồi đợi cho đến khi lạm phát thực tế đã tăng hoặc nền kinh tế đã rơi vào vòng xoáy suy thoái rồi mới hành động. Do đó, chính sách của NHTW phải đi trước một bước so với những biến chuyển liên tục của nền kinh tế. Nếu không, phản ứng chính sách sẽ thường chậm nhịp và không phát huy hết hiệu quả.

Chính vì vậy, thời điểm này việc điều tiết cung cầu vốn một cách linh hoạt để đảm bảo lãi suất liên NH xoay quanh mức mục tiêu, thì việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tăng trưởng, cùng với việc hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn là giải pháp rất quan trọng hiện nay.

Kết quả tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên 6 tháng đầu năm 2016, tuy có những tăng trưởng khá nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung và hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Ngoài ra, thắt chặt kỷ luật thị trường cũng tiếp tục được quan tâm để hạn chế cạnh tranh lãi suất.( TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - TBNH)


Để bảo toàn vốn hiệu quả nhất

Để đa dạng hóa các kênh đầu tư, việc thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường tài chính là rất quan trọng.

Khởi nguồn từ sự kiện Brexit, trên thị trường vàng và chứng khoán đã có những đợt sóng mang tới cho các nhà đầu tư (NĐT).

Trả giá vì giá trị

Sau mỗi biến cố lớn của kinh tế thế giới, thường sẽ kéo đến những biến động trên thị trường tài chính tiền tệ. Không ít NĐT nhanh chân tranh thủ cơ hội hòng tìm lợi nhuận cao, và cũng không ít người rơi vào rủi ro. Sóng vàng vừa qua là một ví dụ điển hình. Người đang nắm giữ vàng hoặc tham gia thị trường đúng nhịp có thể kiếm ngay vài triệu đồng/lượng chỉ trong nội phiên giao dịch.

Nhưng cũng có một số người (số này đông hơn số người có lãi) rơi vào cảnh âm vốn nặng. Và thị trường có thêm một bài học đắt giá được nhắc lại: Trong lúc thị trường biến động, vàng cũng không hẳn là kênh trú ẩn an toàn như người ta thường nghĩ.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Trên kênh chứng khoán cũng có một hiện tượng lạ, sau một vài phiên sụt giảm mạnh sau sự kiện Brexit, thị trường bỗng chuyển sang xu hướng tăng mạnh một cách khó lý giải cả về khối lượng, giá trị và điểm số. Luồng tiền vào thị trường gia tăng, các NĐT lại “rỉ tai” nhau về cơ hội lướt sóng kiếm lời ngắn hạn và khuyên nhau đổ tiền.

Không biết chừng nếu việc tham gia các kênh đầu tư theo kiểu đầu cơ và “đánh quả” như vậy thành công, thì sóng từ thị trường vàng, chứng khoán sẽ mau chóng lan tới các thị trường khác như bất động sản (BĐS). Nhưng cần lưu ý trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn “bình bình”, hoạt động của các DN nhìn chung cũng “bình bình” thì khả năng thị trường sẽ sớm đảo chiều là không thể loại trừ và từ “sóng cuộn dâng” đến “sóng sập” chỉ cách nhau trong gang tấc.

“Ở nước ngoài nhiều năm và khi về sống và làm việc trong nước, tôi nhận thấy tính phiêu lưu của người Việt Nam rất cao. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, rủi ro theo kiểu “không có gì để mất” hay “được ăn cả, ngã về không”. Đấy là chưa kể cả tâm lý đầu tư theo bầy đàn” – TS. Nguyễn Trí Hiếu phát biểu.

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn nhất

Với đại đa số người dân Việt Nam, gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn, hợp lý nhất. Lý giải cho điều này, TS. Hiếu cho rằng, trong khi bỏ tiền (một cách trực tiếp) vào các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán hay BĐS là đối diện với rủi ro thua lỗ rất lớn.

Quan điểm của chuyên gia này là, nếu có dưới 100 triệu đồng thì nên gửi tiền vào NH là cách duy nhất. Bởi con số đó không đủ lớn và có nghĩa lý để mang qua đầu tư vào các thị trường khác như vàng, chứng khoán (trong khi lại rủi ro). Nhưng nếu từ 100 – 500 triệu thì bắt đầu phải có sự phân bổ vào các kênh khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro và độ tuổi (như trẻ thì có thể mạo hiểm hơn một chút, còn đã về hưu thì vấn đề an toàn phải đặt lên trên hết).

Từ 500 triệu đồng trở lên thì cần phải có chiến lược đầu tư, phân bổ vào các kênh và cũng nên theo khẩu vị rủi ro và độ tuổi như trên. Chiến lược đầu tư đó phải thỏa mãn ít nhất 3 mục đích: Bảo toàn vốn; có khả năng sinh lời và có tính thanh khoản. Dù thứ tự ưu tiên của các mục đích đó có thể khác.

Đồng quan điểm này, TS. Lực cho rằng: “Gửi tiết kiệm vẫn là kênh truyền thống, an toàn và vẫn đảm bảo lãi suất thực dương. Nếu giả định lạm phát năm nay ở mức 5% thì gửi tiền kỳ hạn một năm vẫn được mức lãi suất thực dương từ 1-2%”. Một thực tế là tính đến thời điểm 20/6/2016, huy động vốn của các TCTD đã tăng 8,23%, cao hơn TTTD, qua đó giúp thanh khoản hệ thống NH dồi dào hơn.

Với những người cho rằng mức lãi suất như vậy dù ổn định nhưng không cao thì có thể tìm đến các kênh có thể sinh lời tốt hơn như chứng khoán và vàng. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, rủi ro mất tiền ở các kênh này cũng không hề nhỏ. Dù đa dạng hóa các kênh đầu tư cũng là một lời khuyên được các chuyên gia đưa ra, nhưng vấn đề ở đây chính là khẩu vị rủi ro và mức độ am hiểu của NĐT ở mức nào. “TS. Lực nêu quan điểm trong thời điểm hiện nay, các NĐT cần hết sức bình tĩnh, tránh tâm lý đầu tư theo bầy đàn”.

Hơn nữa, để đa dạng hóa các kênh đầu tư, việc thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường tài chính là rất quan trọng. TS. Hiếu cho biết ở các nước, dân chúng cũng đầu tư mạnh vào các kênh khác như chứng khoán, BĐS (vì gửi tiết kiệm chỉ được hưởng lãi suất rất thấp) nhưng họ ít khi đầu tư trực tiếp vào các cổ phiếu cụ thể mà thông qua các quỹ tương hỗ hay quỹ tín thác BĐS...

Các quỹ này có những người chuyên nghiệp để tìm và lựa chọn cơ hội đầu tư. Ở Việt Nam hiện những quỹ như vậy vẫn hoạt động khá “èo uột” vì còn khá mới mẻ và nhiều NĐT vẫn chưa có thói quen rót tiền cho người khác đi đầu tư. Vì thực tế đó nên bên cạnh hoạt động gửi tiền vào NH hưởng lãi thì thường NĐT sẵn sàng tự mình “xông pha” thị trường dù kiến thức và chuyên môn không sâu. Rủi ro bởi thế NĐT cũng phải tự mình gánh chịu.( Đỗ Phạm - TBNH)


Chuyển đổi hơn 1.477 ha đất trồng lúa tại Hải Phòng và Long An sang đất phi nông nghiệp

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn thành phố Hải Phòng và tỉnh Long An.

 
anh minh hoa

Ảnh minh họa

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý UBND TP. Hải Phòng quyết định chuyển mục đích sử dụng 48 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 1.429,11 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hải Phòng, tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục