Không bao cấp và không hỗ trợ cho sự yếu kém
WB cam kết hỗ trợ Đà Nẵng phát triển giao thông đô thị
Triển khai quy định về xử phạt vi phạm hành chính
Hải quan Long An: Thu ngân sách đạt trên 1.000 tỉ đồng
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 15-07-2016
- Cập nhật : 15/07/2016
Hàng Việt chịu thiệt khi xuất khẩu 'núp bóng' thương hiệu lớn
Việc xây dựng các thương hiệu toàn cầu được đánh giá là rất khó khăn khi nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không thể mang thương hiệu trong nước.
Thực tế sản phẩm Việt xuất khẩu nhiều nhưng lại không định vị được thương hiệu, phải chịu sự "núp bóng" dưới một thương hiệu nổi tiếng khác... là nỗi băn khoăn được các chuyên gia nêu lên tại diễn đàn “Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương” ngày 13/7.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh - chuyên gia Ban tư vấn chương trình thương hiệu quốc gia nhìn nhận, Việt Nam sẽ khó có một thương hiệu quốc gia cạnh tranh nếu các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì sự gắn kết lỏng lẻo, “mạnh đường ai người nấy chạy” và cứ mãi gia công, xuất hàng "núp" dưới tên thương hiệu nổi tiếng nước ngoài...
Vị chuyên gia về tư vấn thương hiệu quốc gia nhận định, ở giai đoạn đầu, chúng ta phải chấp nhận “núp bóng” để tạo dựng hình ảnh, làm sao để khách hàng vào siêu thị chỉ cần nhìn một chiếc áo sơ mi bày bán trên kệ là biết đó là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Nhưng khi sản phẩm đã có chỗ đứng rồi thì phải tính xa hơn, xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường…
“Từ con cá tra cho tới quả vải thiều, từ gạo Việt Nam cho tới thanh long… khi xuất khẩu sang các thị trường quốc tế đều chỉ ghi chung “Product of Vietnam” – sản phẩm của Việt Nam, mà không có tên bất kỳ thương hiệu doanh nghiệp sở hữu nào. Sẽ rất khó để Việt Nam có những thương hiệu lớn như Coca Cola, Lacoste, Nokia… nếu các doanh nghiệp cứ mãi sản xuất gia công, không liên kết nhau lại”, ông nói.
Sự liên kết giữa các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu sản phẩm mạnh, đủ sức cạnh tranh với các nhãn hàng nổi tiếng thế giới, theo ông Thịnh, không chỉ dừng lại ở một ngành hàng nào, mà phải lan toả ra các vùng, miền, địa phương...
Khác với trước đây, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu được nhắc tới nhiều và không chỉ dừng lại ở cấp độ cạnh tranh của doanh nghiệp, mà đã được nâng cao lên thành mức độ cạnh tranh của một địa phương, quốc gia. Trên thế giới hiện có hơn 80 nước đang triển khai trương trình xây dựng thương hiệu quốc gia, hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng đã tiến hành xây dựng thương hiệu quốc gia cho riêng mình.
Vì thế, việc Việt Nam triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia không nằm ngoài xu hướng phát triển chung. Một trong những cách tạo sự lan toả thương hiệu quốc gia, là gắn kểt chương trình thương hiệu quốc gia với việc xây dựng các điểm đến du lịch. Bởi các điểm đến du lịch góp phần gia tăng việc biết đến thương hiệu quốc gia rất nhanh.
Đề xuất này của vị chuyên gia tư vấn thương hiệu xuất phát từ thực tế trải nghiệm của bản thân ông. Là người đi nhiều, nhưng mỗi lần tới một tỉnh, thành phố nào đó Tiến sĩ Thịnh rất vất vả khi muốn tìm hiểu về các món ăn ngon của vùng, miền đó.
“Tìm trên mạng thông tin cũng rất ít, khách sạn thì chỉ có số cố định gọi đến không ai nhấc máy; hay món ăn thì cũng quanh quẩn nào xúc xích, thịt nướng…”, vị Tiến sĩ nói.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, cần phải khai thác được những chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam.
Ngoài sự gắn kết, cũng cần đặt ra một cơ chế liên quan tới quản lý. Các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia cần thực hiện đẩy đủ cam kết của mình với người tiêu dùng về uy tín, chất lượng của sản phẩm.
“Chúng ta đang tạo dựng hình ảnh cho đất nước Việt Nam thông qua các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài nhưng người dân trong nước lại chưa tin dùng sản phẩm của Việt Nam. Như thế thì làm sao đòi hỏi người nước ngoài tin dùng sản phẩm của chúng ta được”, vị Tiến sĩ trăn trở.(NCĐT)
Điểm sáng từ nợ vay do Chính phủ bảo lãnh
Nhiều người lo ngại vấn đề nợ công, nhưng ở một góc nhìn khác, việc Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước lại có một số điểm tích cực.
Dữ liệu trong Bản tin nợ công số 4, do Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ tài chính ban hành mới đây, đã khắc họa khá rõ nét bức tranh nợ vay do Chính phủ bảo lãnh. Như vậy, sau 19 tháng kể từ bản tin nợ công số 3, sự gia tăng của các chỉ số nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia mới có thêm mắt xích mới.
Khi NCĐT đối chiếu chéo bản tin này với số liệu từ báo cáo tổng hợp tình hình bảo lãnh nợ của Chính phủ năm 2015, tổng số tiền Chính phủ phải đứng ra cam kết bảo lãnh trong giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp gần 3 lần giai đoạn liền trước đó (2007-2010).
“Bộ Tứ” góp mặt trong danh sách các doanh nghiệp quốc doanh được Chính phủ “đỡ đầu” vay vốn gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy. Tính chung, trong năm 2015, tổng dư nợ của các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh tương đương 11,1% GDP, tức xấp xỉ 21 tỉ USD và chiếm 19% tổng dư nợ công quốc gia.
Trong khi đó, tỉ lệ nợ vay do Chính phủ bảo lãnh trên vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp nhà nước là 1,41 lần vào năm 2014. Nợ vay do chính phủ bảo lãnh của khối doanh nghiệp nhà nước tăng là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng tổng nợ quốc gia. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, tỉ lệ 1,41 lần vẫn nằm trong ngưỡng quy định cho phép. Cơ sở đưa ra là Nghị định 206 về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đó, từng doanh nghiệp phải ban hành và thực hiện quy chế quản lý nợ, bảo đảm hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần.
Tổng nợ phải trả dưới tên các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đã lên tới 1,57 triệu tỉ đồng vào năm 2014. Việc nợ vay của khối doanh nghiệp nhà nước tăng dần, theo chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh, đã đặt ra áp lực trả nợ rất lớn cho ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh biến động tỉ giá từ các đồng tiền vay nợ chủ chốt như USD và yen. Giai đoạn 2011-2015, trong tổng số vốn cam kết có giá trị khoảng 15,6 tỉ USD mà Bộ Tài chính đã cấp cho tổng cộng 35 dự án, có đến 14 tỉ USD là vốn vay ngoại tệ từ nước ngoài với thời hạn trả nợ trung bình 12 năm.
Tất cả những điều này đã khiến cho nhiều người lo ngại, không chỉ là vấn đề nợ công gia tăng mà còn là sức ép về lộ trình trả lãi và gốc của các khoản nợ quốc tế khi đến hạn. Dẫu vậy, ở một góc nhìn khác, việc Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước lại có một số điểm tích cực. Trước hết là quy mô và lãi suất của khoản vay. Nhìn vào bảng xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức Fitch Ratings và Moody’s, có thể thấy các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với khó khăn “trùng điệp” trong việc tiếp cận dòng vốn ngoại có giá trị lớn với lãi suất ưu đãi. Khó khăn này sẽ phần nào được tháo gỡ khi Chính phủ đứng ra bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp, vì chi phí của khoản vay có bảo lãnh sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường.
Các định chế tài chính nước ngoài sở dĩ vẫn đánh giá cao “bảo lãnh chính phủ” của Việt Nam là vì họ dựa vào các chỉ số phân tích định lượng uy tín quốc gia, mà một trong số đó là chỉ số Hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS). Theo đó, các chủ nợ quốc tế, khi muốn phòng chống rủi ro vỡ tín dụng các khoản vốn mà họ đã cho vay trên lãnh thổ Việt Nam, sẽ thông qua một ngân hàng đầu tư trung gian để mua một hợp đồng CDS. Thông thường, họ chấp nhận trả một khoản phí đều đặn hằng năm và có thời hạn trùng với khoản vốn đã cho các doanh nghiệp Việt Nam vay.
Hiện tại, chỉ số CDS 5 năm của Việt Nam đang ở mức 229 điểm và CDS 10 năm ở mức 298 điểm. Đường CDS 5 năm của Việt Nam, theo thống kê của Bloomberg, mặc dù có tăng trong giai đoạn 2011-2015 nhưng vẫn ổn định, chứng tỏ niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào sức khỏe nền kinh tế quốc gia cũng như các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh.
Mặt khác, hầu hết chính phủ các nước đều bảo lãnh cho khối doanh nghiệp quốc doanh vay vốn nước ngoài như một bước trung gian thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm, đặc biệt quan trọng của Nhà nước, đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển.
Việc gia tăng các khoản vay nợ do Chính phủ bảo lãnh còn có một lý do quan trọng khác. Theo kế hoạch, chỉ còn đúng 1 năm nữa, tức đến tháng 7.2017, World Bank sẽ tuyên bố chấm dứt viện trợ ODA với Việt Nam. Sau đó Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nhà tài trợ song phương cũng chuyển dần hình thức hỗ trợ Việt Nam. Rõ ràng, khi trong tương lai gần, Chính phủ Việt Nam sẽ phải tiếp cận nguồn vốn vay thương mại với lãi suất trung bình cao hơn từ 1,5-3 điểm phần trăm, việc gia tăng bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước đã trực tiếp hỗ trợ khối doanh nghiệp này tiếp cận lượng vốn quốc tế lớn với chi phí thấp, nhằm đảm bảo hoàn thành các dự án đặc biệt quan trọng với sự phát triển của nền kinh tế.(NCĐT)
Đề xuất tăng lương tối thiểu thêm 400.000 đồng
Cuối tháng Bảy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp thương lượng phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017.
Ngày 13/7, trao đổi với phóng viên tại Diễn đàn đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội mới do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 từ 250.000 đến 400.000 đồng/tháng (khoảng 10-11%).
“Để đưa ra số liệu này, chúng tôi phải rất cân nhắc kỹ, đảm bảo cân đối giữa điều kiện của doanh nghiệp cũng như đời sống của người lao động…,” ông Lê Đình Quảng nói.
Theo ông Lê Đình Quảng, qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì thu nhập của người lao động hiện nay hết sức khó khăn. Trong đó, có 20% người lao động thu nhập không đủ sống và chỉ có 8% người lao động làm việc có tích lũy, số còn lại phải sống chật vật với mức thu nhập của mình.
Mặc dù thừa nhận việc tăng lương hàng năm có phần gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh: “Hiện nay, đời sống của người lao động đang gặp quá nhiều khó khăn. Mức lương hiện nay mới đảm bảo được 80% mức sống tối thiểu của người lao động, như vậy còn 20% nữa. Chúng tôi muốn có một lộ trình mức lương tối thiểu vùng phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.”
Đánh giá về các phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, năm 2017 khoảng cách giữa mức cao nhất và mức thấp nhất gần hơn năm 2015, 2016 nên việc thương lượng Hội đồng tiền lương sẽ đỡ vất vả hơn. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị không tăng lương tối thiểu, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị tăng ở mức thấp và Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã điều chỉnh đề xuất mức tăng lương.
Dự báo về mức tăng lương, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 sẽ không cao như năm 2016 (khoảng 12,4%). (VN+)
“Cuối tháng Bảy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ họp thương lượng phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Tôi rất mong muốn chỉ một phiên có thể đi đến thống nhất phương án cuối cùng. Theo kế hoạch, trong tháng Bảy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải ‘chốt’ phương án tăng lương trình Chính phủ,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016: Vùng 1 là 3,5 triệu đồng/tháng (tăng 400.000 đồng so với năm 2015, vùng 2 là 3,1 triệu đồng/tháng (tăng 350.000 đồng ), vùng 3 là 2,7 triệu đồng/tháng (tăng 300.000 đồng), vùng 4 là 2,4 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng ).
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương năm 2015 khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng, tăng trung bình khoảng 12,4%.
Lộ “tử huyệt” khiến xuất khẩu gạo sụt giảm
Không có hợp đồng mới, tín hiệu thị trường không rõ ràng trong khi chất lượng gạo giảm sút nhiều... khiến xuất khẩu gạo rơi vào vòng xoáy nguy hiểm.
“Cạn” hợp đồng xuất khẩu
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm nay đạt mức tương đương cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 2,66 triệu tấn gạo các loại. Riêng các thị trường chính của gạo Việt Nam như Philippines, Malaysia, XK giảm tương ứng 52% và 60%.
Về chất lượng gạo XK, ngoài gạo thơm, gạo japonica và nếp có tỷ lệ tăng, các sản phẩm chính của Việt Nam như gạo trắng 5% tấm giảm 29%, gạo trắng 25% tấm giảm 25,6%... Tình hình khó khăn sẽ còn kéo dài trong những tháng cuối năm nay.
VFA dự báo, những tháng cuối năm, Việt Nam sẽ chỉ XK khoảng 3 triệu tấn gạo các loại. Tổng cộng, lượng gạo XK cả năm đạt khoảng 5,65 triệu tấn, giảm đến 14% so với năm 2015. Đây là lần thứ 3 VFA điều chỉnh giảm dự báo lượng gạo XK trong năm nay, do những khó khăn về mặt thị trường.
Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch VFA lo lắng, các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia… tới hiện tại vẫn chưa có tín hiệu đột phá nào. Ông Năng lo ngại, tình trạng khó khăn thời điểm những năm 2014 – 2015 có thể sẽ lặp lại trong quý II năm nay.
Giải thích những nguyên nhân giảm sút ở các thị trường, nhiều ý kiến lo lắng rằng, việc liên tục tăng năng suất nhưng chất lượng gạo giảm khiến việc tìm kiếm thị trường, tăng giá bán của doanh nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Thanh (Đồng Tháp) chia sẻ, năm 2013, doanh nghiệp này XK thử 10.000 tấn gạo đi Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa hàng đi, công ty nhận thư phản đối từ phía Mỹ vì Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) kiểm tra mẫu và không đạt yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Dù rằng với loại gạo này, Phương Thanh XK đi Hàn Quốc rất thuận lợi.
“Mỗi năm, Phương Thanh cũng vài lần XK vào châu Âu nhưng bao nhiêu lần kiểm tra mẫu đều không đạt, trong khi gạo Thái Lan và Myanmar không bao giờ mắc lỗi - ông Việt Anh nhấn mạnh.
Hay như đại diện một doanh nghiệp chuyên XK gạo vào Trung Quốc cho biết, thị trường này luôn có nhu cầu nhập khẩu gạo các loại. Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo đó, người Trung Quốc cần các loại gạo trắng hạt dài, không bạc bụng và có chất lượng tốt.
Doanh nghiệp không thể “nằm chờ”
Cũng theo nhận định của VFA, trong quý I.2016, XK gạo tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2015, chủ yếu do các hợp đồng tập trung từ năm trước chuyển qua. Tuy nhiên, sang quý II, XK gạo giảm đến 32%, Việt Nam gần như không ký thêm được hợp đồng tập trung mới nào.
Bà Đặng Thị Liên- Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An chia sẻ, doanh nghiệp sẽ không thể cải thiện được tình hình thị trường nếu không giải quyết các vấn đề liên quan đến chất lượng gạo Việt Nam hiện nay.
Bà Liên cho rằng, nhiều doanh nghiệp, nhiều vùng sản xuất “lạm dụng” thuốc BVTV khiến dư lượng thuốc trong sản phẩm cao, nhiều thị trường từ chối gạo Việt. Hiện tại, VFA đã xây dựng kế hoạch hành động để nâng cao chất lượng gạo XK, tuy nhiên, nếu không giải quyết được vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu, gạo Việt sẽ còn nhiều khó khăn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể chỉ “nằm chờ” cơ quan chức năng ra tay hỗ trợ mà phải “tự thân vận động” trước, xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho XK
Về vấn đề này, ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch VFA cho rằng, đã được Bộ NNPTNT, các ngành cũng như doanh nghiệp nhận ra từ nhiều năm trước. Do đó, Việt Nam đang tiến hành tổ chức lại sản xuất.
Theo ông Năng, qua khảo sát, VFA phát hiện có khoảng 12 hoạt chất thường tồn dư trong gạo. Các hoạt chất này có trong hàng trăm loại thuốc BVTV. VFA đã yêu cầu Bộ NNPTNT thay thế các hoạt chất này trong thời gian tới. Điều khiến ông Năng trăn trở nữa là Việt Nam không có phòng xét nghiệm nào đạt chuẩn quốc tế để có thể kiểm tra được tất cả các hoạt chất trong gao trước khi XK. Muốn kiểm tra, doanh nghiệp phải qua Thái Lan hoặc Mỹ, mất rất nhiều thời gian và tiền của.
“Bộ NNPTNT đã yêu cầu sử dụng vốn ODA để xây dựng 1 phòng xét nghiệm chuẩn quốc tế. nhưng tới nay vẫn chưa thấy đâu. VFA đề nghị có thể nâng cấp phòng xét nghiệm của Đại học Cần Thơ, hiện đã có sẵn nhân lực, cơ sở vật chất”- ông Năng đề nghị. (DV)