Xây sân golf tại Cam Ranh
Giả danh con lãnh đạo cao cấp lừa "chạy án" hàng tỉ đồng
TP.HCM vẫn chưa có nền nông nghiệp đô thị hoàn chỉnh
Hà Lan hỗ trợ người trồng hoa Sa Đéc
Cảnh báo nguy cơ bị tấn công mạng từ nước ngoài
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 18-07-2016
- Cập nhật : 18/07/2016
Chính phủ sắp lập 'siêu uỷ ban' quản khối tài sản 130 tỷ USD
Ủy ban Quản lý-giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ về kết quả, hiệu quả đầu tư vốn.
Việc thành lập một cơ quan chuyên trách với tên gọi Ủy ban Quản lý - giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp được xác định sau khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì xây dựng khung pháp lý. Theo đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – đơn vị thuộc Bộ - đã trực tiếp xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước để cụ thể hóa chủ trương này.
Trước đó theo báo cáo của Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), tính cuối năm 2015, tổng vốn Nhà nước ở trong 800 doanh nghiệp có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản khoảng 130 tỷ USD. Như vậy, nếu được thành lập, đây sẽ là một "siêu uỷ ban" với khối tài sản quản lý rất khổng lồ.
Về chức năng nhiệm vụ, Ủy ban có vai trò giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước. Theo dự thảo, Uỷ ban sẽ đầu tư và quản lý toàn bộ danh mục tài sản, vốn của Nhà nước tại các doanh nghiêp nhằm hợp lý hóa danh mục, tối đa hóa giá trị tài sản cho Nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan này còn trực tiếp hoặc chủ trì tham mưu, giúp Chính phủ và Thủ tướng về chính sách sở hữu Nhà nước, về tái cơ cấu và đổi mới doanh nghiệp, đầu tư, quản lý và sử dụng vốn tại các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế.
Cũng theo tinh thần của dự thảo, Uỷ ban sẽ được quản lý bởi các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực, song sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp với Chính phủ về kết quả và hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng tài sản và vốn tại các doanh nghiệp.
Cụ thể, cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp... Tiêu biểu là một số tập đoàn như Dầu khí, Điện lực, Hoá chất, Dệt may, Công nghiệp Than - Khoán sản, Bưu chính - Viễn thông, Công nghiệp Cao su, Xăng dầu, Bảo Việt... Các tổng công ty gồm Cà phê, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Thuốc lá, Giấy, Thép, Dược, Cảng hàng không, Lâm nghiệp, Sông Đà, Habeco và Sabeco…
Các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an vẫn do các bộ này quản lý.
Đặc biệt, trong danh mục quản lý của Uỷ ban này còn có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Riêng phần vốn mà SCIC nắm giữ tại các doanh nghiệp tính đến cuối năm 2015 khoảng 98.000 tỷ đồng.
Cơ quan này sẽ căn cứ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước để nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư theo hai nhóm: Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn và nhóm nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.
Trường hợp báo cáo của doanh nghiệp có dấu hiệu không đầy đủ, không chính xác, Ủy ban được quyền yêu cầu thuê công ty kế toán, kiểm toán độc lập, đáp ứng điều kiện chuyên môn thực hiện việc soát xét lại số liệu để có cơ sở đưa ra đánh giá, nhận xét và kết luận giám sát.
Khi phát hiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro, Ủy ban này phải cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp, chỉ đạo đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục các rủi ro, yếu kém; đưa ra các biện pháp chấn chỉnh và xử lý sai phạm; báo cáo Thủ tướng đối với các trường hợp vi phạm pháp luật.
Theo dự thảo, cơ cấu tổ chức của Uỷ ban gồm Chủ tịch và các Phó chủ tịch do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm và nhiều ban khác như: Ban đầu tư tài chính; Ban phân tích, dự báo, kế hoạch và đầu tư chiến lược; Hội đồng tư vấn độc lập...
Đến năm 2025, 100% mua sắm thường xuyên thực hiện trên mạng
Đây là mục tiêu của Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ KH&ĐT sẽ điều chỉnh tăng tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cho từng năm. Ảnh: Internet
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2018, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ được nâng cấp, hoàn thiện bộ phận hỗ trợ người sử dụng, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ; triển khai thu chi phí lựa chọn nhà thầu qua mạng và bảo lãnh dự thầu qua mạng thông qua ngân hàng, cổng thanh toán trực tuyến, kết hợp sử dụng hóa đơn điện tử; triển khai bảo lãnh dự thầu qua mạng; triển khai các dịch vụ cung cấp thông tin đấu thầu thông qua thiết bị di động, thư điện tử.
Đồng thời, giai đoạn này cũng phải nghiên cứu, xây dựng và triển khai sáng kiến hợp đồng công khai (Open Contracting); hệ thống theo dõi, đánh giá công tác đấu thầu, hệ thống cơ sở dữ liệu về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.
Nghiên cứu xây dựng hệ thống danh mục hàng hóa điện tử (e-Catalog) áp dụng cho mua sắm thường xuyên qua mạng và mua sắm tập trung qua mạng; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể...
Đến giai đoạn 2019-2025, nhà đầu tư PPP trong quá trình vận hành, khai thác sẽ được quản lý, giám sát qua hệ thống đấu thầu qua mạng tổng thể.
Các văn bản quy phạm pháp luật cho đấu thầu qua mạng giai đoạn mới sẽ được xây dựng phù hợp với Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể; thực hiện kết nối Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể với các hệ thống chính phủ điện tử khác.
Phát triển các tiện ích cung cấp thông tin đấu thầu, tham gia đấu thầu, giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, quá trình thực hiện hợp đồng thông qua thiết bị di động và triển khai thanh toán trực tuyến giữa chủ đầu tư cho nhà thầu trúng thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng theo đúng tiến độ giải ngân.
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ điều chỉnh tăng tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cho từng năm đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, áp dụng mua sắm tập trung trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đấu thầu qua mạng là một thành phần quan trọng của Chính phủ điện tử, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào quá trình tương tác giữa các bên liên quan trong các hoạt động mua sắm công và quản lý thực hiện hợp đồng nhằm nâng cao khả năng quản trị Nhà nước, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội, cải cách thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu; giúp phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Trên 3.300 người mắc đột qụy mỗi ngày
Bác sỹ Vũ Đăng Lưu- Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh- Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đột quỵ não bao gồm chảy máu não và nhồi máu não. Trong đó nhồi máu não chiếm từ 80-85% các trường hợp. Đây là tình trạng bệnh lý thường gặp ở người trên 40 tuổi, phổ biến nhất là những người có tiền sử bệnh lý tiểu đường, tim mạch, huyết áp, hay tăng cholesterol máu, hút thuốc lá...
Ở các nước phát triển, đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây tử vong, sau bệnh tim mạch và ung thư. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, hiện có trên 3.300 người mắc đột quỵ mỗi ngày. Tỷ lệ đột quỵ não được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng và sẽ đạt 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm vào năm 2025.
Tại Việt Nam, cùng với mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, lối sống thay đổi theo hướng giảm vận động, tuổi thọ tăng thì nguy cơ xuất hiện các bệnh lý đột quỵ não, đặc biệt là nhồi máu não cũng gia tăng.
Bác sỹ Mai Duy Tôn- Khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đối với đột quỵ thiếu máu não (do tắc mạch máu não), bệnh nhân có thể được xử trí cấp cứu như dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong 4,5 giờ đầu, nếu bệnh nhân có tắc các động mạch não lớn có thể lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch trong 6 giờ đầu. Khi bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được xử trí cấp cứu có thể giảm tỉ lệ tử vong cũng như tỉ lệ tàn phế.
Bác sỹ Tôn cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió vì những tác động này vô tình có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Không tự ý dùng thuốc huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 180/100mmHg (không dùng thuốc hạ huyết áp dạng nhỏ dưới lưỡi).
Hội đồng bầu cử quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Chiều 17/7/2016, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp đột xuất Phiên thứ 8 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Tham dự Phiên họp có các đồng chí thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia; đại diện thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban tổ chức trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Ban công tác đại biểu, đại diện các Tiểu ban giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng bầu cử quốc gia đã thận trọng xem xét, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV. Tại phiên họp này, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tiến hành biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín để xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với 494 đại biểu.
Bên cạnh đó, Hội đồng bầu quốc gia cũng tiến hành bỏ phiếu kín không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Kết quả kiểm phiếu có 100% các thành viên trong Hội đồng bầu cử quốc gia có mặt tại phiên họp nhất trí xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với 494 đại biểu; 100% các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XIV và cá nhân có đơn xin rút không tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV vì không đủ tiêu chuẩn
Trước đó tại phiên họp thứ 7 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia diễn ra sáng 15/7, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu biểu quyết việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy 100% các thành viên trong Hội đồng Bầu cử có mặt tại phiên họp nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Thanh.
Như vậy, Quốc hội khoá XIV sẽ có 494 đại biểu. (VOV)