Trong báo cáo về Tương lai nghề nghiệp 2018 (The Future of Jobs Report 2018) của Diễn đàn Kinh tế thế giới, các số liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng tính trong vòng ngắn hạn 3 năm tới, 30% công việc được biết đến sẽ hoàn toàn thay đổi. Thời điểm này cũng là lúc đặt ra cho thế hệ trẻ toàn cầu tính cấp thiết của việc tư duy nhằm tìm ra hướng đi mới trong kỷ nguyên số hóa của thời đại.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 18-07-2016
- Cập nhật : 18/07/2016
Môi trường kinh doanh bước vào cuộc đua thứ hạng mới
Áp lực với công chức…
Cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình hồi đầu tuần này có lúc tưởng như bế tắc bởi hai luồng ý kiến đan chéo nhau. Điểm đáng nói là sự khác biệt này đều đến từ các công chức của các cơ quan chính quyền địa phương.
Luồng ý kiến thứ nhất, chủ yếu từ lãnh đạo tỉnh, yêu cầu các sở, ngành giải trình những than phiền của doanh nghiệp về các khó khăn khi làm việc với các công chức. Nhóm ý kiến ngược lại, nằm ở chính những người phải giải trình, cho rằng, không phải doanh nghiệp cứ kêu ca là công chức phải “vắt chân lên cổ” để báo cáo.
Doanh nghiệp sẽ bỏ tiền đầu tư khi nhìn thấy sự thân thiện của Nhà nước với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đ.T
Cũng phải nói thêm, các than phiền của doanh nghiệp được tập hợp từ các cuộc cà phê doanh nhân, nơi các vị lãnh đạo đầu tỉnh và doanh nghiệp đặt mục tiêu trao đổi không giới hạn, từ khen, chê đến góp ý. Đặc biệt, với các kiến nghị có địa chỉ được đề nghị “bỏ hòm phiếu kín”, trên cơ sở đó, Văn phòng UBND tỉnh phân loại, gửi các địa chỉ được nhắc tên yêu cầu làm rõ.
Cuối cùng, tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã được đưa ra để giải tỏa các cuộc tranh luận, đó là “chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp”. Theo Nghị quyết, chủ tịch UBND các tỉnh phải công khai quy trình và cán bộ có trách nhiệm xử lý hồ sơ, tăng cường thanh tra công vụ; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Tất nhiên, người đứng đầu các đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm về các vi phạm của công chức, viên chức trong phạm vi quản lý.
“Các doanh nghiệp thực sự hài lòng với cách làm việc này. Họ đã chia sẻ với tôi, chưa bao giờ tiếng nói của doanh nghiệp tác động nhanh và mạnh đến như vậy tới các cơ quan của địa phương. Tất nhiên, công việc của công chức cũng trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Nhưng đã đến lúc, các công chức phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, một vài ý kiến phản đối của doanh nghiệp có thể chưa đúng, nhưng khi nhiều người có ý kiến thì mọi việc buộc phải thay đổi”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người chứng kiến khá nhiều câu chuyện tương tự trong nội bộ các cơ quan của chính quyền địa phương sau khi Nghị quyết 35/NQ-CP được ban hành vào giữa tháng 5/2016, đúng 16 ngày sau cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ.
… và sự thay đổi về bản chất trong quan hệ Chính phủ - doanh nghiệp
Tới đây, công chức phải chấp nhận bảng điểm từ người dân, doanh nghiệp sẽ không phải là lựa chọn muốn hay không từ chính quyền địa phương và các bộ, ngành.
Trong Chương trình hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, Bộ sẽ cùng VCCI xây dựng và công bố Bộ chỉ số Đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2017. Khi đó, các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển doanh nghiệp sẽ nhìn thấy thứ hạng của mình trong bảng tổng sắp.
Có nghĩa, sẽ có sự thay đổi lớn trong quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, giữa từng công chức thực thi với các doanh nghiệp cụ thể. Sự thay đổi này được xác định rõ hướng, đó là quản lý nhà nước trên cơ sở lòng tin, quản trị rủi ro thay vì cơ chế tiền kiểm, quản lý dựa trên sự nghi ngờ tất cả doanh nghiệp.
Trong cuộc đối thoại chính sách với giới đầu tư - kinh doanh cuối tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã gọi đây là “sự xích lại gần nhau hơn trong mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp”.
“Rào cản lớn nhất trong môi trường kinh doanh Việt Nam lâu nay chính là khoảng cách giữa chính quyền và doanh nghiệp. Lâu nay, các cơ quan chính quyền có tư duy coi doanh nghiệp là những người làm ăn chưa tốt, cần phải quản lý chặt chẽ, nên chính sách đưa ra đôi khi gây khó khăn, thậm chí nhũng nhiễu doanh nghiệp. Khi mối quan hệ này thay đổi, dựa trên sự thân thiện, thì cơ chế chính sách cũng sẽ thay đổi theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ quan điểm với giới đầu tư - kinh doanh.
Nỗ lực rà soát hệ thống điều kiện kinh doanh, bãi bỏ toàn bộ các loại giấy phép con - các điều kiện có trong các thông tư, quyết định của các bộ, ngành đang được coi là thành công bước đầu. Tiếp theo, các kế hoạch rà soát các văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh đang được tiếp tục. Một văn bản luật sửa nhiều luật đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, ngay cả Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, nếu thấy không phù hợp cũng sẽ phải sửa đổi, đảm bảo môi trường kinh doanh Việt Nam thực sự hấp dẫn, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, cũng như đón nhận các làn sóng đầu tư mới từ bên ngoài.
Điều quan trọng của sự thay đổi này, đúng như Bộ trưởng đã nói, đó là doanh nghiệp sẽ bỏ tiền đầu tư, kinh doanh khi thực sự nhìn thấy sự thân thiện của Nhà nước với các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trở lại các nội dung của Nghị quyết 35 đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ, có thể nhìn thấy, mọi nhiệm vụ, yêu cầu đang đổ dồn vào một mục tiêu chính, đó là Việt Nam sẽ có được 1 triệu doanh nghiệp năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững vào năm 2020. Trong số này, khu vực tư nhân sẽ đóng góp 48-49% GDP, 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Công việc đang rất nhiều, từ các cơ quan hoạch định chính sách đến các cấp thực thi. Giới doanh nghiệp thì kỳ vọng sẽ có một cuộc đua thứ hạng giữa các bộ, ngành, địa phương vì sự phát triển doanh nghiệp. Đương nhiên, môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam, từng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi.(BĐT)
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế: Thu hút đầu tư thực chất, hạn chế hội thảo hình thức
Thưa ông, công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào?
Về hướng xúc tiến đầu tư, năm nay tỉnh sẽ đổi cách làm mới nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Thứ nhất, hạn chế tổ chức những hội thảo, hội nghị mang tính chất hình thức, tăng cường tận dụng các mối quan hệ của các cá nhân, tổ chức, cơ quan ngoại giao, các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam để kết nối mời gọi nhà đầu tư.
Thứ hai, tranh thủ mối quan hệ với các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, uy tín trong và ngoài nước để gặp gỡ, kết nối với các nhà đầu tư khác tại các nước nhằm mời gọi họ đến với tỉnh.
Thứ ba, kết nối với các tổ chức tài chính – tín dụng, ngân hàng để mời gọi các nhà đầu tư là đối tác chiến lược, tiềm năng của các tổ chức này đến nghiên cứu, đầu tư tại địa phương.
Tất nhiên, việc lựa chọn các dự án đầu tư, đối tác đầu tư cũng phải thực hiện một cách có chọn lọc, nhằm phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Vậy đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, lĩnh vực nào được xem là trọng tâm trong việc mời gọi thu hút đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?
Đối với Thừa Thiên Huế, đầu tiên đó là du lịch, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp và các dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực... để phục vụ cho phát triển du lịch.
Do địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trải dài trên một phạm vi diện tích khá rộng, không phải tất cả các vùng đều có điều kiện phát triển du lịch, nên phát triển công nghiệp cũng rất quan trọng trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân địa phương. Trong đó, tập trung vào các ngành nghề công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường và công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó Tỉnh chú trọng mời gọi đầu tư vào các ngành sản xuất mà Thừa Thiên Huế có lợi thế như chế biến cát trắng silica, nước giải khát, công nghệ thông tin - phần mềm (tập trung tại trung tâm thành phố Huế); các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao…
Đối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, ngoài mảng du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển, tỉnh sẽ tập trung vào việc kêu gọi các dự án trung tâm, tạo động lực để thúc đẩy khu kinh tế phát triển một cách mạnh mẽ. Cụ thể là các dự án đầu tư cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan, các dự án sản xuất công nghiệp và thương mại lớn. Để khu kinh tế này có thể phát triển một cách đột phá, việc xúc tiến đầu tư được thực hiện theo hướng kêu gọi từng nhóm nhà đầu tư để nghiên cứu, triển khai các dự án một cách đồng thời.
Đối với Khu đô thị mới An Vân Dương, tỉnh đã và đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh định hướng đầu tư theo hướng tập trung phát triển từng khu vực một cách đồng bộ từ khu đô thị đến các dịch vụ đi kèm để tạo ra sức sống, sức hút và động lực phát triển, lan tỏa trong khu đô thị.
Việc tạo ra sức bật cho đô thị Huế thông qua kết nối giao thông cũng là vấn đề đột phá được đặt ra. Tỉnh đã kêu gọi đầu tư tuyến đường từ trung tâm thành phố về sân bay Phú Bài và từ trung tâm thành phố về biển Thuận An, đường vành đai 3 ven thành phố, nhà ga quốc tế sân bay Phú Bài... Hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm đăng ký nghiên cứu đầu tư.
Thưa ông, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chính sách hỗ trợ như thế nào đối với các nhà đầu tư khi đến nghiên cứu, thực hiện đầu tư dự án tại tỉnh?
Chúng tôi cho rằng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nghiên cứu, quyết định đầu tư dự án và triển khai dự án một cách nhanh chóng chính là nhiệm vụ hỗ trợ quan trọng hàng đầu của công tác xúc tiến đầu tư.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh… Tỉnh đã chi đạo lập hồ sơ chi tiết các dự án kêu gọi đầu tư với đầy đủ các thông số để nhà đầu tư có thể tính toán, nhanh chóng quyết định nghiên cứu đầu tư; thành lập tổ công tác liên ngành để hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát, nghiên cứu đầu tư, thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai đầu tư. Những thay đổi này đã được các nhà đầu tư đánh giá tích cực, mang lại những hiệu quả thiết thực cho nhà đầu tư.
Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi sẽ tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong công tác nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng tôi đã được tỉnh cho phép thí điểm thực hiện hoàn thiện thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục đầu tư thay cho nhà đầu tư và tiến hành thuê tư vấn độc lập để giám sát, đánh giá hoạt động của bộ phận một cửa trong đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư.
Hiện nay việc giải quyết bài toán giữa phát triển đô thị và bảo tồn các giá trị văn hoá di sản đang là một bài toán khó với nhiều địa phương, vậy Thừa Thiên Huế đã thực hiện việc “giải bài toán” này như thế nào?
Hiện nay, rút kinh nghiệm của nhiều địa phương khác trước đây, Thừa Thiên Huế đã xác định rằng, để đảm bảo sự cân bằng hài hoà giữa việc phát triển đô thị và bảo tồn các giá trị văn hoá di sản cố đô Huế thì công tác quy hoạch phải luôn được đi trước. Công tác này phải công khai, minh bạch, trước khi thực hiện phải lấy ý kiến phản biện góp ý từ người dân. Khi đã có sự đồng thuận nhất trí thì mới thực hiện.
Đối với khu vực bờ Bắc thành phố Huế mà trung tâm là khu vực Đại nội, hiện nay tỉnh đang nghiên cứu chủ trương xã hội hoá các hoạt động kinh doanh ở các di tích tại khu vực Đại nội, theo đó các đơn vị tư nhân được khuyến khích đầu tư vào đây, còn phần quản lý các công trình di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ chịu trách nhiệm quản lý. Hiện tỉnh đang xây dựng đề án, có thể trong năm nay sẽ tiến hành thực hiện.
Đối với khu vực phía Nam thành phố Huế, theo quy hoạch hai bên bờ sông Hương, chiều cao các công trình tại khu vực bờ phía Nam sẽ tăng dần khi ra xa sông Hương. Còn trong quy hoạch phát triển đối với khu đô thị mới An Vân Dương, thời gian tới trung tâm hành chính của tỉnh, các trung tâm thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng cũng sẽ được dời về đây nhường lại mặt bằng của khu vực phía Nam thành phố Huế cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm.(BĐT)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tập trung bảo đảm tăng trưởng, kiểm soát lạm phát
"Vì sao chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng? Vì sao nước ta có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình? Vì sao phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường?…" Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đặt ra một loạt câu hỏi khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 16-7.
Ngành KH&ĐT phải coi nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho Đảng, Nhà nước theo tín hiệu thị trường là nhiệm vụ số một. Ảnh minh họa: Internet.
Tham mưu về quy hoạch theo tín hiệu thị trường
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hội nghị này không chỉ đánh giá công việc của ngành KH&ĐT trong 6 tháng đầu năm 2016 mà còn đặt ra nhiều vấn đề quan trọng để ngành nhận thức dứt khoát cho cả nhiệm kỳ 2016-2020, để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và các chương trình hành động, nghị quyết của Chính phủ trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng còn nhiều vấn đề của kinh tế - xã hội cần có câu trả lời.
“Vì sao chúng ta tăng trưởng dưới tiềm năng? Vì sao nước ta có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ “chưa giàu đã già” vì để lỡ thời cơ “dân số vàng”? Vì sao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia, của xã hội và doanh nghiệp còn hạn chế? Vì sao phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường? Vì sao đầu tư công không hiệu quả, hệ số Icor cao và nhiều dự án thất thoát lãng phí?…”, Phó Thủ tướng đặt ra một loạt câu hỏi và cho rằng những hạn chế này bắt nguồn từ chủ trương đầu tư và tổ chức thực hiện.
Để giải quyết những vấn đề trên, Phó Thủ tướng cho rằng trách nhiệm là của cả hệ thống chính trị nhưng ngành KH&ĐT với tư cách là cơ quan tham mưu, tổng hợp của Chính phủ phải nhận thức thật rõ về vai trò và trách nhiệm của mình.
Cụ thể, ngành cần xem lại đã làm tốt chức năng tham mưu, tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước chưa. Bộ Chính trị ra Nghị quyết chỉ đạo và Chính phủ có quy hoạch về 6 vùng kinh tế - xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhưng công việc còn rất ngổn ngang, quy hoạch chưa được xem xét, rà soát lại để điều chỉnh.
Phó Thủ tướng cũng nêu vấn đề lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quan trọng hơn là giải pháp tổ chức thực hiện, tổng kết đánh giá phải được ngành quan tâm đúng mức. Từ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành KH&ĐT phải coi nhiệm vụ tổng hợp, tham mưu về quy hoạch, kế hoạch, chiến lược cho Đảng, Nhà nước theo tín hiệu thị trường là nhiệm vụ số một.
Không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá
Về nhiệm vụ tham mưu thể chế, chính sách quản lý chung và một số lĩnh vực cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ KH&ĐT là cơ quan đóng góp hàng đầu, nhất là trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp.
Vì vậy, Phó Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đề nghị toàn ngành phải đổi mới tư duy hơn nữa, nhất là tư duy phát triển để giải quyết các nút thắt thể chế, góp phần quan trọng trong tham mưu phát triển kinh tế - xã hội.
Về quản lý đầu tư trong nước và nước ngoài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà phải chọn lọc các dự án để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu kinh tế, dự án có công nghệ tốt, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng cường xuất khẩu và bảo đảm thanh khoản ngoại tệ của quốc gia. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của ngành là tăng cường huy động vốn đầu tư của toàn xã hội hiệu quả nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ Đề án tổng thể tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 trong đó có cập nhật các vấn đề mới đặt ra; khẩn trương xây dựng kế hoạch đề án đầu tư công trung hạn, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai kế hoạch tài chính trung hạn trình Quốc hội vào tháng 10-2016…
Phó Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm, ngành KH&ĐT tập trung thực hiện nhiệm vụ để bảo đảm tăng trưởng, kiểm soát lạm phát dựa trên tinh thần chỉ đạo của các Nghị quyết 19, 35 và 60 của Chính phủ; các kịch bản điều hành giá; có kịch bản cụ thể đối với tăng trưởng kinh tế, bảo đảm cho nông nghiệp tăng trưởng dương từ nay tới cuối năm.(BHQ)