Môi trường kinh doanh bước vào cuộc đua thứ hạng mới
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế: Thu hút đầu tư thực chất, hạn chế hội thảo hình thức
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tập trung bảo đảm tăng trưởng, kiểm soát lạm phát
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 16-07-2016
- Cập nhật : 16/07/2016
Vạch mặt nhiều DN sai phạm trong kinh doanh tạm nhập, tái xuất
Thực tế trong công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái nhập, tái xuất (TNTX), lực lượng Hải quan đã vạch mặt nhiều doanh nghiệp cố tình khai báo sai tên hàng, giả mạo con dấu của công chức Hải quan.
Pho tượng phật trong lô hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất vi phạm. Ảnh do lực lượng Hải quan cung cấp.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong hoạt động kinh doanh TNTX, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch 46/KH-TCHQ ngày 30-7-2010, Kế hoạch 98/KH-TCHQ ngày 22-6-2012 để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tình trạng vi phạm liên quan đến hoạt động này.
Qua xử lý, lực lượng Hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp kinh doanh TNTX cố tình khai báo sai tên hàng, thậm chí giả mạo con dấu của công chức Hải quan để gian lận thuế.
Đơn cử như sai phạm của Công ty TNHH TSC mở 4 tờ khai TNTX tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ (Cục Hải quan Hải Phòng), đăng ký cửa khẩu tái xuất tại Trà Lĩnh, Cao Bằng. Hàng hóa theo DN trên khai báo là “Máy chiếu hiệu INFOCUS độ phân giải SVGA 800x600 công suất chiếu 300inch, hàng mới 100%”.
Tuy nhiên, tại cửa khẩu Trà Lĩnh, lực lượng Hải quan khi kiểm tra thực tế hàng hóa phát hiện lô hàng trên không có mặt hàng như DN khai báo, mà hàng tạm nhập gồm 200 mặt hàng không khai báo hải quan đã qua sử dụng thuộc nhóm các mặt hàng cấm XK, cấm kinh doanh TNTX, tạm ngừng kinh doanh TNTX, hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện.
Trong đó, hàng hóa cấm xuất khẩu có cổ vật là tượng phật thế kỷ 18; hàng hóa cấm kinh doanh TNTX đã qua sử dụng bao gồm: Bản vi mạch máy tính, linh kiện máy tính các loại, bản mạnh điện tử các loại, linh kiện điện tử, quạt tản nhiệt máy tính; hàng hóa tạm ngừng kinh doanh TNTX gồm bàn phím các loại, đầu đọc đĩa dùng cho máy tính Dell…
Theo xác định của Hội đồng định giá tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tà Lĩnh (Cục Hải quan Cao Bằng), trị giá 3 tờ khai gần 6 tỷ đồng (1 tờ khai hàng cũ chưa xác định).
Ngay sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ra Quyết định khởi tố vụ án về tội Buôn lậu và chuyển toàn bộ hồ sơ, tang vật vu án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Cao Bằng điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã khởi tố 3 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới liên quan đến kinh doanh hàng TNTX.
Các Công ty vi phạm gồm: Công ty TNHH MTV Phương Thảo, Công ty TNHH XNK Thành Đạt và Công ty CPTM Trường Phú Quý đã giả mạo con dấu công chức Hải quan tại ô xác nhận thực xuất trên tờ khai, sau đó nộp hồ sơ để thanh khoản ở Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1.
Thực hiện các Kế hoạch nêu trên, Tổng cục Hải quan chỉ ra những bất cập, sơ hở trong công tác quản lý đối với hàng hóa kinh doanh TNTX, đồng thời đề xuất và kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các văn bản liên quan đến quản lý đối với mặt hàng TNTX, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị và được sửa đổi. Cụ thể như kiến nghị rút ngắn thời gian hàng TNTX được lưu giữ tại Việt Nam. Trước đây, theo quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP thì thời hạn tối đa là 180 ngày. Hiện nay, theo Nghị định 187/2013/NĐ-CP thì thời hạn lưu giữ tối đa tại Việt Nam được rút ngắn còn 120 ngày.
Về chính sách thuế đối với hàng TNTX, quy định về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức TNTX hoặc tạm xuất tái nhập là 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn TNTX hoặc tạm xuất, tái nhập. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2012 thì hàng hóa kinh doanh TNTX phải nộp thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa.
Cục Thuế TP.HCM: Thu hồi gần 6.700 tỉ đồng tiền nợ thuế
Theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến ngày 30-6, đơn vị đã thu hồi được 6.686 tỷ đồng tiền nợ thuế. Đây là số nợ thuế từ năm 2015 chuyển sang năm 2016. Trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 3.962 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 2.724 tỷ đồng.
Cục Thuế TP.HCM cho biết, năm 2016, công tác quản lý thu nợ thuế được đơn vị xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.
Để xử lí nợ hiệu quả, Cục Thuế đã bám sát chỉ đạo của UBND TP.HCM, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế tăng cường rà soát, theo dõi, quản lý số thuế nợ, phân loại nợ đúng tiêu thức, triển khai các biện pháp thu nợ, xử lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định và các quy trình hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Cục Thuế còn triển khai các giải pháp như giao chỉ tiêu thu nợ cho các đơn vị; Tuyên truyền, hướng dẫn cho người nộp thuế về chính sách nhằm giúp người nộp thuế tự giác kê khai, nộp thuế đúng hạn. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện công khai 54 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, tính đến ngày 30-6, tổng số nợ có khả năng thu (số tiền thuế nợ đến 90 ngày và số tiền thuế nợ trên 90 ngày) tại đơn vị là 11.785 tỷ đồng, giảm 5,6% so với nợ thuế đến thời điểm 31-12-2015, tương đương giảm 699 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ dự kiến chưa thu được là 4.507 tỷ đồng bao gồm: các khoản thu từ đất là 1.869 tỷ đồng; tiền chậm nộp là 2.352 tỷ đồng; tiền phạt vi phạm hành chính là 286 tỷ đồng. Như vậy, số nợ có khả năng đôn đốc thu là 7.287 tỷ đồng.
Tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu 6,7%
Kinh tế của Việt Nam đi qua nửa đầu năm 2016 đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ tăng trưởng cả năm không đạt mục tiêu đề ra.
Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như XK, sản xuất công nghiệp, nông lâm thủy hải sản đang có nhiều khó khăn, dẫn tới nguy cơ tăng trưởng kinh tế 2016 khó đạt mục tiêu. (Ảnh: HỮU LINH)
Động lực tăng trưởng đang yếu
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được. Mặc dù có những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong trung hạn, kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn khó có khả năng ghi nhận tốc độ tăng tưởng cao khi những nền tảng cho tăng trưởng chưa được thiết lập chắc chắn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực từ môi trường xung quanh khi các nền kinh tế trong khu vực đối mặt với những thách thức suy giảm của hoạt động sản xuất.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam những tháng đầu năm 2016 chỉ đạt mức tương đối thấp (5,52%), thấp hơn so với mức tăng của năm 2015. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm 2016 như đã đề ra, trong nửa cuối năm 2016, GDP của Việt Nam phải đạt mức 7,6%, điều này là rất khó khăn bởi Việt Nam đã và đang phải đối diện với nguy cơ sụt giảm ở các động lực tăng trưởng chính như sản xuất công nghiệp, sản xuất nông lâm thủy sản, tăng trưởng XK…
Phân tích về thách thức cụ thể mà kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt để giải quyết bài toán tăng trưởng, TS. Lê Quốc Phương, Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay tình hình tương đối khó khăn và nếu chúng ta không nỗ lực thì khó đạt được. Theo TS.Lê Quốc Phương, hai động lực tăng trưởng chính là sản xuất công nghiệp và tăng trưởng XK của hai quý đầu năm đều đạt tương đối thấp. Tăng trưởng XK chỉ đạt 5,9% và chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ đạt 7,5%, trong khi năm ngoái là 9,3%.
“Từ nay đến cuối năm liệu chúng ta có thể đẩy được hai động lực là đầu tàu của nền kinh tế này lên không, tôi cho rằng tương đối khó khăn”, ông Phương nhận định. Đơn cử, với XK, để đạt mục tiêu tăng trưởng chung là 10%, từ nay đến cuối năm tăng trưởng XK phải đạt khoảng 13-14%, trong bối cảnh xu hướng XK của chúng ta đang có chiều hướng suy giảm thì đây là điều rất khó khăn, thách thức. Các chuyên gia cũng cho rằng, tăng trưởng XK khó có khả năng tăng cao, dự báo chỉ đạt mức 7%, điều này là do chiều hướng liên tục sụt giảm tăng trưởng XK từ 2011 đến nay. Hiện nay giá hàng hóa thế giới gia tăng nhưng chưa đủ mạnh, do kinh tế thế giới trì trệ. Bên cạnh đó, các mặt hàng XK chủ lực của chúng ta đã đạt ngưỡng sản lượng (đơn cử như mặt hàng dầu mỏ), khó tăng cao hơn nữa nếu không tăng được giá trị gia tăng của mặt hàng XK, không mở ra thêm các mặt hàng mới có kim ngạch XK cao, ví dụ như mặt hàng điện thoại di động trong năm 2011.
Tình hình cũng không mấy sáng sủa đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TS. Phương nhận định, hiện chưa có những đột biến để thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng cao, dự báo cả năm chỉ đạt 8%, lý do là vì chúng ta chưa có mặt hàng sản phẩm công nghiệp có sản lượng và giá trị lớn để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Rất nhiều các mặt hàng XK chủ lực do ngành công nghiệp chế biến chế tạo sản xuất ra đã đến ngưỡng nhất định và chúng ta chưa có mặt hàng mới. Từ những rào cản này, TS. Phương cho rằng, dự báo cả năm 2016 tăng trưởng GDP chỉ đạt 6,2-6,3%.
Bàn về những thách thức cho tăng trưởng kinh tế của năm 2016, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang dưới 6%, dưới mức tiềm năng. Hiện nay tăng trưởng kinh tế của chúng ta đang theo chiều rộng, đầu tư chiếm vai trò quan trọng, nhưng hiện tại đầu tư tư nhân đang bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao cũng như tình trạng nợ xấu dẫn đến rủi ro của tín dụng tương đối lớn, dẫn đến ngân hàng có thể hạn chế cho vay. Hai nữa, đầu tư công cũng bị hạn chế do nợ công cao vì thế không thể tăng lên nhanh được. Để giải quyết bài toán tăng trưởng, Chính phủ đã đặt ra giải pháp là tăng sản lượng dầu thô, tuy nhiên, bình luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng điều này phụ thuộc nhiều vấn đề. Trước hết sản lượng của chúng ta trong nhiều năm qua đã tăng đến mức giới hạn, khó có thể tăng mạnh được nữa. Bên cạnh đó, giá dầu thô đang thấp, nếu tăng sản lượng thì có thể dẫn đến thua lỗ và điều này không đáng để đánh đổi lấy tăng trưởng.
Tăng trưởng và bài toán môi trường
PGS.TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:
Cần tăng cường thu hút, thúc đẩy các nguồn đầu tư trong DN, trong dân. Thu hút đầu tư thực hiện trên cơ sở duy trì ổn định lạm phát, ổn định và tiến tới giảm dần mặt bằng lãi suất. Về lâu dài, nguồn lực trong nội bộ nền kinh tế, nguồn lực trong dân mới là động lực chủ yếu cho phát triển nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các cơ chế chính sách cũng như các hoạt động triển khai thực tiễn cần hướng tới huy động nguồn lực trong dân.
Về triển vọng kinh tế năm 2016, PGS.TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho biết đang có cả thuận lợi lẫn rủi ro đan xen. Bên cạnh những thuận lợi, PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng tăng trưởng kinh tế nửa cuối 2016 sẽ cao hơn nửa đầu năm, tuy nhiên dự báo khó đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra. “Nông nghiệp sẽ hồi phục, đạt tăng trưởng dương nhưng sẽ không cao. Công nghiệp sẽ tăng trưởng cao hơn nửa đầu năm nhưng chủ yếu vẫn ở khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện, công nghiệp khai khoáng sẽ duy trì và tăng trưởng không đáng kể, trong khi tăng trưởng XK sẽ bị hạn chế, khó đặt mức tăng trưởng theo mục tiêu là 10% do tình hình thế giới biến động khó lường, đặc biệt là cuộc bầu cử ở Mỹ và việc EU suy yếu do Anh rời EU. Điều này cũng dẫn đến khó duy trì mức xuất siêu như nửa đầu năm 2016”, PGS.TS Trần Kim Chung nhận định.
Dự báo nửa cuối năm 2016, PGS.TS Trần Kim Chung cho biết bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục duy trì một số hạn chế, theo đó, tình trạng khó khăn về ngân sách tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm. Dự báo của Bộ KH-ĐT cho biết, năm 2016 thu ngân sách sẽ chỉ đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Vay nợ sẽ là nguồn chính, hoặc duy nhất cho đầu tư phát triển.
Mức tăng trưởng âm của sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng GDP đạt thấp, đây cũng là mối lo ngại của các chuyên gia. Bình luận về vấn đề này dưới góc độ tăng trưởng bền vững, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, trong 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2016, việc sụt giảm tăng trưởng GDP cơ bản do ảnh hưởng về môi trường, ảnh hưởng về hạn hán, nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước… trực tiếp ảnh hưởng đến nhóm ngành nông nghiệp. Chuyên gia này lo ngại, “có một vấn đề đặt ra là trong hầu hết các báo cáo từ Trung ương đến địa phương đều xem việc cơ cấu của nhóm ngành nông nghiệp giảm xuống như một thành tích, trong khi nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp là những nhóm ngành lan tỏa tích cực đến nền kinh tế trong nước, trong khi đó lại ít lan tỏa đến NK và ít ảnh hưởng đến môi trường hơn các ngành công nghiệp chế biến”. Vì thế, theo chuyên gia Bùi Trinh, một số chuyên gia cho rằng nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng chưa tới 20% GDP nên ảnh hưởng không nhiều là phản cảm về mặt nhân văn và thiếu cẩn trọng về mặt khoa học, bởi ảnh hưởng của nông nghiệp không thể chỉ tính đến ảnh hưởng trực tiếp mà còn phải tính đến những ảnh hưởng gián tiếp, lan tỏa và hành vi tiêu dùng… “Theo tôi tăng trưởng GDP bao nhiêu không quan trọng bằng ảnh hưởng của môi trường đến cuộc sống của người dân Việt Nam trực tiếp và lâu dài. Như vậy vấn đề môi trường là vấn đề quan trọng nhất chứ không phải tăng trưởng GDP bao nhiêu”, chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh. (HQ)
Tăng cường hoàn thiện thể chế để chống buôn lậu, gian lận thương mại
Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái đạt hiệu quả cao trước hết phải nâng cao được nhận thức của người kinh doanh, tiêu dùng và hoàn thiện các thể chế, pháp luật. Nếu thể chế hoàn thiện, không còn kẽ hở thì công tác quản lý nhà nước sẽ hiệu quả hơn. Đó là nhận định của ông Lê Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội.
Ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Trưởng ban Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội. Ảnh: Quang Tấn