Xuất khẩu gỗ dăm sang Nhật Bản
Hà Nội cần hơn 1,2 triệu tỉ đồng đầu tư giao thông
Nga tăng cường hợp tác năng lượng với Venezuela
Microsoft sa thải gần 3.000 người, mảng điện thoại thêm tối tăm
Nếu Hillary Clinton thắng, người Mỹ có thêm 10 triệu việc làm
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-07-2016
- Cập nhật : 31/07/2016
Hacker đánh cắp hàng tỷ USD từ Mỹ chuyển sang Trung Quốc
Các hacker lấy cắp bằng cách giả email CEO để lừa gửi tiền, hơn 80% số này chuyển đến các ngân hàng ở Trung Quốc.
James C. Trainor Jr. là trợ lý giám đốc tại bộ phận an ninh mạng của FBI. Anh đã đề cập đến tình trạng này trong một hội nghị tại New York hồi giữa tuần.
Theo đó, các hacker sẽ chiếm tài khoản email của CEO, sau đó lừa bộ phận tài chính của công ty chuyển tiền đến một tài khoản ngân hàng bên ngoài. Ví dụ, giám đốc tài chính (CFO) của một công ty sẽ nhận được email nói rằng: "Chúng ta cần thanh toán cho nhà cung cấp này ngay bây giờ. Hãy chuyển 1 triệu USD sang tài khoản này".Sau đó, số tiền sẽ được chuyển như yêu cầu, vì lệnh này xuất phát từ chính CEO của công ty. Hoặc ít ra thì, họ nghĩ đó chính là email CEO.
FBI cho biết giai đoạn tháng 10/2013 - 2/2016, họ nhận được hơn 17.640 báo cáo của các công ty, thiệt hại tổng cộng 2,3 tỷ USD vì mánh khóe này. Trainor cho biết anh nghi ngờ số nạn nhân thực sự và số tiền bị mất còn lớn hơn nhiều. Do không phải công ty nào cũng báo việc này lên FBI.
"Tôi nhận được khoảng 2,3 email như thế này mỗi ngày, 7 ngày một tuần, suốt hơn một năm nay rồi", anh nói.
Phần lớn số tiền được chuyển đến các ngân hàng tại Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc). Dù vậy, trong nhiều trường hợp, nếu báo cho FBI, các công ty có thể lấy lại những gì đã mất.
Trong 72 giờ, FBI có thể lần ra số tiền này và đề nghị ngân hàng Trung Quốc hoàn lại tiền. Với phần lớn trường hợp, nếu chúng chưa bị rút, nhà băng Trung Quốc sẽ rất hợp tác.
Hiện chưa rõ lý do tại sao số tiền này lại được chuyển tới Trung Quốc. Một số cho rằng vì Trung Quốc không có chính sách dẫn độ với Mỹ. Vì thế, họ sẽ không đưa công dân sang Mỹ để chịu xét xử. Dù vậy, hacker có thể ở bất kỳ đâu, chứ không nhất thiết là Trung Quốc.
Trong khi đó, Marcus Carey - cựu nhân viên tình báo Mỹ cho rằng hacker có lẽ nghĩ đến vai trò của Hong Kong trong tài chính toàn cầu và muốn lợi dụng việc này. "Hong Kong từ lâu đã là cửa ngõ cho các công ty nước ngoài giao dịch với Trung Quốc. Vì thế, cũng dễ hiểu nếu đề nghị các giám đốc tài chính giao dịch với một ngân hàng ở Hong Kong", ông nói.
Việc này còn diễn ra với cả các công ty an ninh mạng. Năm ngoái, CFO của Malwarebytes nhận được nhiều email có vẻ là từ CEO công ty - Marcin Kleczynski, đề nghị anh thanh toán cho một nhà cung cấp số tiền hơn 52.000 USD. Email này là marcin@malwerabytes.com.
Nó gần như y hệt tiền miền thật - malwarebytes.com. Nhưng may mắn là cả CEO và CFO trước đó đều đã thống nhất sẽ kiểm tra chéo tất cả giao dịch. Vì thế, họ đã phát hiện ra. "Tuân thủ đúng quy trình và có giao tiếp với nhau sẽ giúp tiền của anh an toàn", Kleczynski kết luận.(Vnexpress)
Thịt bò Brazil được phép trở lại Mỹ sau 17 năm đàm phán
Sau 17 năm đàm phán, Mỹ đã cho phép Brazil xuất khẩu 64.000 tấn thịt bò mỗi năm vào thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này.
Theo thông báo của Chính phủ Mỹ ngày 28/7, thỏa thuận giữa hai nước đạt được sau cuộc đàm phán kéo dài để đạt được sự thống nhất chung về tiêu chuẩn vệ sinh và quy định kiểm dịch động vật. Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia kiểm dịch thú y của Mỹ đã đến thị sát tại các lò mổ tại Brazil để đánh giá tình hình và dỡ bỏ một trong những rào cản cuối cùng.
Washington đã cấm nhập khẩu thịt bò từ Brazil trong nhiều năm kể từ khi dịch bệnh lở mồm long móng của gia súc bùng phát tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Brazil cho biết ước tính việc xuất khẩu thịt bò trở lại thị trường Mỹ sẽ mang lại cho quốc gia này thêm khoảng 900 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Brazil kỳ vọng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này để đạt được mức 300 triệu USD trong năm 2017.
Khối lượng thịt bò nhập khẩu bị hạn chế kể từ khi Chính phủ Mỹ áp đặt kiểm soát chặt chẽ lượng thịt bò nhập khẩu mỗi năm. Cơ quan chức năng chỉ cho phép nhập khẩu một lượng thịt bò hạn chế.
Trong năm 2015, Australia - nước xuất khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, được cấp hạn ngạch xuất khẩu vào Mỹ 418.000 tấn, trong khi quốc gia sản xuất thịt bò lớn thứ hai trên thế giới là New Zealand được phép xuất 213.000 tấn.
Thỏa thuận mới đạt được giữa Mỹ và Brazil chỉ liên quan đến thịt bò tươi sống và đông lạnh trong khi Brazil cũng muốn xuất khẩu thịt bò đã qua chế biến vào thị trường Mỹ(VN+)
Sắp bỏ kiểm dịch trứng gia cầm
Đây là tin vui của người chăn nuôi nhưng lại là nỗi lo của người tiêu dùng
Theo Thông tư 25 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, có hiệu lực từ ngày 15-8 thì trứng gia cầm tươi, trứng muối, trứng bắc thảo và các sản phẩm từ trứng sẽ miễn thủ tục kiểm dịch như hiện tại. Đối với trứng xuất khẩu, nếu có yêu cầu thì vẫn thực hiện kiểm dịch.
Ông Lâm Thanh Đức (chủ trại gà đẻ trứng ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết trước giờ, quả trứng được quản lý qua việc cấp giấy kiểm dịch nhưng phần lớn làm thủ tục theo đăng ký của chủ hàng. Chủ hàng khai không đúng vẫn được cấp giấy kiểm dịch khiến thủ tục này không còn ý nghĩa.
Còn người kinh doanh thường mua hàng từ nơi có giấy kiểm dịch mà không tự kiểm soát nguồn gốc, chất lượng vì cho đó là trách nhiệm của ngành thú y. Vì vậy, khi bỏ kiểm dịch, người kinh doanh buộc phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của mình, cơ quan nhà nước chỉ hậu kiểm và phạt nặng khi phát hiện sai phạm. Như vậy, người kinh doanh trứng sẽ phải tìm nguồn hàng đạt chuẩn.
Ông Trịnh Đức Khoa - một người nuôi gà lấy trứng ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai - cho rằng có những thời điểm trứng tại trại ế nhưng giá bán lẻ ở TP HCM vẫn cao ngất ngưởng. Người nuôi gà muốn đưa trứng về TP HCM tiêu thụ cũng không được vì bị ràng buộc bởi các thủ tục kiểm dịch mà chỉ “đầu nậu” mới làm được. Sắp tới, nếu bỏ kiểm dịch, ông có thể tự chở trứng lên TP HCM bán cho các tiểu thương, với giá giảm từ 300-400 đồng/quả do không qua trung gian.
Theo đại diện một doanh nghiệp (DN) kinh doanh trứng lâu năm ở TP HCM, lâu nay trứng gia cầm bị kiểm soát quá chặt dù không có nhiều mối nguy gây mất an toàn thực phẩm hoặc lan truyền dịch bệnh, nhất là khi dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát tốt.
“Việc kinh doanh trứng gia cầm bị cản trở nhiều vì thủ tục cấp giấy kiểm dịch. Phí cấp giấy kiểm dịch không đáng kể, gần đây đã bỏ nhưng để được cấp nhanh, kịp tiến độ giao hàng, DN phải “biết điều” với cán bộ thú y. Có những khi xe giao hàng hư giữa đường, nếu là hàng thường thì chỉ cần đổi xe là đi tiếp nhưng với trứng, DN phải liên hệ cán bộ thú y để xác nhận sự việc, đổi biển số xe trên giấy chứng nhận, mất nhiều thời gian” - vị đại diện này nói.
Tuy nhiên, một DN lớn trong ngành trứng tại TP HCM lại cho rằng quy định mới sẽ tạo điều kiện cho trứng trôi nổi tràn lan và rất khó kiểm soát nếu xảy ra dịch bệnh, khi đó người tiêu dùng sẽ quay lưng với trứng, cả ngành sẽ bị thiệt hại như đã từng xảy ra.(NLĐ)
Đình chỉ lưu hành, thu hồi 13 loại mỹ phẩm không đạt chất lượng
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 26/7, Sở Y tế Hà Nội đã ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi 13 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng.
Những mỹ phẩm đó đã được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.
Các sản phẩm bị đình chỉ thu hồi gồm: Mỹ phẩm Diễm Trang hấp dầu, số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 05/14/CBMP-TG ngày 25/01/2014; Diễm Trang wax bóng tóc, số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: 05/14/CBMP-TG ngày 25/01/2014.
Hai loại mỹ phẩm trên có thành phần công thức sản phẩm trên nhãn không đúng như hồ sơ đã công bố.
Bộ Y tế đã đình chỉ lưu hành và thu hồi 2 loại mỹ phẩm có chứa Clobetasol propionate - thành phần không được phép sử dụng trong mỹ phẩm gồm: Kem 3 trong 1 (nám-mụn-giảm thâm) Ngọc Ân, lô sản xuất: 015, ngày sản xuất 02/02/2016, hạn dùng: 02/02/2019, số tiếp nhận phiếu công bố: 000541/15/CBMP-HCM, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sản xuất-Thương mại Xuất nhập khẩu mỹ phẩm Tùng Ân sản xuất.
Nhau thai cừu phấn hoa NAK Q10 (18g), lô sản xuất: 006, ngày sản xuất 23/3/2016, hạn dùng 23/3/2019, số phiếu tiếp nhận công bố: 003018/14/CBMP-HCM, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV SX-TM mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My sản xuất.
Kem trắng da ngừa trị mụn Bảo Lâm 25g, lô sản xuất: 12, ngày sản xuất: 17/12/2015, hạn dùng 17/12/2018, số tiếp nhận phiếu công bố: 07/11/CBMP-HP, Công ty Cổ phần đông y dược Bảo Lâm sản xuất, cũng bị đình chỉ lưu hành, thu hồi do mỹ phẩm này có chứa Dexamethason acetat, là thành phần không được phép sử dụng trong mỹ phẩm.
Có 8 loại mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành, thu hồi do được sản xuất tại cơ sở không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn cơ bản về “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN).
Tám mỹ phẩm này được doanh nghiệp tư nhân Long Thuận sản xuất và đưa ra thị trường, có số tiếp nhận phiếu công bố, ngày công bố của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang bao gồm:
Dầu gội không bọt Thế hệ mới, số tiếp nhận phiếu công bố: 85/15/CBMP-TG, ngày 19/10/2015.
Tinh dầu hoa bưởi dưỡng tóc, số tiếp nhận phiếu công bố: 04/13/CBMP-TG, ngày 13/5/2013.
Tinh dầu hương bưởi nguyên chất, số tiếp nhận phiếu công bố: 03/13/CBMP-TG, ngày 13/5/2013.
Son dưỡng môi Nụ cười, số tiếp nhận phiếu công bố: 02/13/CBMP-TG, ngày 13/5/2013.
Tinh dầu hoa bưởi, số tiếp nhận phiếu công bố: 14/12/CBMP-TG, ngày 16/11/2012.
Trà ngậm chắc răng, số tiếp nhận phiếu công bố: 09/12/CBMP-TG, ngày 06/11/2012.
Tinh dầu hoa bưởi chuyển màu, số tiếp nhận phiếu công bố: 08/12/CBMP-TG, ngày 06/11/2012.
Kem dưỡng da thiên nhiên ban tặng, số phiếu công bố: 15/12/CBMP-TG.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu phòng y tế các quận, huyện, thị xã thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi sản phẩm mỹ phẩm nêu trên; kiểm tra, giám sát các cơ sở thực hiện thu hồi, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định hiện hành, đồng thời tổng hợp số liệu báo cáo Sở Y tế.(VN+)