Khả năng EU dỡ bỏ trừng phạt đối với một bộ phận của nền kinh tế Nga
ICO: Xuất khẩu cà phê thế giới giảm 11% trong tháng 6
Saudi Aramco cắt giảm giá dầu thô Arab nhẹ bán sang châu Á
Giá gạo Thái Lan giảm, gạo Ấn Độ tăng
Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 7 có thể cao kỷ lục
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-08-2016
- Cập nhật : 01/08/2016
M&A khách sạn Việt Nam xếp thứ 4 châu Á Thái Bình Dương
6 tháng qua, lượng vốn đầu tư vào thị trường khách sạn tại châu Á Thái Bình Dương bật lên 3,8 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam đứng thứ tư, đạt 237,6 triệu USD, theo Jones Lang LaSalle (JLL).
Theo báo cáo đầu tư bất động sản khách sạn của đơn vị này, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số lượng phòng được giao dịch trên toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương là 14.025 phòng, cao hơn so với con số 10.976 phòng vào cùng kỳ năm ngoái. Nhật chiếm tỷ trọng đáng kể về lượng giao dịch trong thời gian vừa qua, đóng góp năm trong số 10 giao dịch đứng đầu trong khu vực. Hệ thống khảo sát của đơn vị này ghi nhận 59 giao dịch tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ.Cụ thể, Nhật dẫn đầu về khối lượng giao dịch bất động sản khách sạn với 2,1 tỷ USD, theo sau là Australia (278 triệu USD), Trung Quốc (252,6 triệu USD). Xếp thứ tư là Việt Nam (237,6 triệu USD), Đài Loan (217,6 triệu USD) và Thái Lan (138,3 triệu USD). Trong đó, 10 giao dịch bất động sản khách sạn hàng đầu có giá trị lên đến gần 1,7 tỷ USD.
Các giao dịch đầu tư mua bán khách sạn tại Việt Nam đang xếp thứ 4 khu vực châu Á Thái Bình Dương về giá trị giao dịch. Ảnh: Vũ Lê
Bảng xếp hạng 10 giao dịch bất động sản khách sạn có giá trị cao nhất tại châu Á Thái Bình Dương nửa đầu năm 2016 do JLL công bố cũng ghi nhận sự hiện diện của một đại diện Việt Nam là khách sạn InterContinental Asiana Saigon, TP HCM, với giá trị chuyển nhượng 74,9 triệu USD (không bao gồm khối bán lẻ và các hạng mục khác), đứng ở vị trí thứ chín.
Giám đốc điều hành bộ phận Khách sạn và nghỉ dưỡng JLL tại châu Á Thái Bình Dương, Mike Batchelor cho biết, trong tương lai vẫn còn một nguồn vốn nhất định tìm đến những bất động sản chất lượng. Nhật được dự kiến sẽ thống trị môi trường đầu tư trong khoảng thời gian còn lại của năm 2016, tuy nhiên dòng vốn vẫn sẽ di chuyển tích cực vào những thị trường khác như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc và Myanmar với những hoạt động giao dịch mạnh mẽ.
Dự báo của đơn vị này, mặc dù giá bán tại các đô thị loại một nằm ở mức tương đối cao, song các nhà đầu tư vẫn bị hấp dẫn bởi những khoản đầu tư vào các thị trường có những yếu tố cơ bản tốt và có khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ. Các nhà đầu tư cũng đang mở rộng mục tiêu của họ vào những đô thị loại hai nhằm tìm kiếm các cơ hội sinh lời tốt hơn.
Dưới đây là bảng xếp hạng 10 giao dịch khách sạn có giá trị cao nhất tại Châu Á Thái Bình Dương nửa đầu năm 2016 do JLL công bố.(Vnexpress)
Số thứ tự | Tên khách sạn | Giá trị (triệu USD) | Quốc gia và vùng lãnh thổ |
1 | Grand Pacific Le Daiba | 604,7 | Nhật Bản |
2 | Grand Hi Lai | 190,1 | Cao Hùng, Đài Loan |
3 | Loisir Hotel Spa Tower Naha | 176 | Nhật Bản |
4 | Urawa Royal Pines | 159,6 | Nhật Bản |
5 | Westin Resort Guam | 125 | Tumon, Guam |
6 | Somerset Zhong Guan Cun | 92,5 | Bắc Kinh, Trung Quốc |
7 | The Mosiac Collection Grand Pujian Residence | 86,4 | Thượng Hải, Trung Quốc |
8 | Route Inn Gotanda | Không công bố | Tokyo, Nhật Bản |
9 | InterContinental Asiana Saigon | 74,9 | TP HCM, Việt Nam |
10 | Sunroute Shinagawa Seaside | Không công bố | Tokyo, Nhật Bản |
Anh xem xét lại dự án hàng tỷ USD từ Trung Quốc vào phút chót
Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định tạm hoãn việc ký kết thỏa thuận dự án điện hạt nhân khổng lồ trị giá 24 tỷ USD sử dụng nguồn vốn tài trợ từ Trung Quốc để xem xét lại kỹ lưỡng một lần nữa trước khi đi đến kết luận cuối cùng.
Trong cuộc phỏng vấn với đài BBC ngày 30/7, cựu Bộ trưởng kinh doanh Anh Vince Cable cho biết Thủ tướng Theresa May tỏ ra lo ngại trước những tác động về an ninh của dự án điện hạt nhân sử dụng vốn tài trợ từ Trung Quốc, và đã đích thân can thiệp để tạm hoãn dự án này lại trước khi cùng chính phủ đưa ra quyết định cuối cùng.
Theo kế hoạch ban đầu, ngày 29/7, Anh sẽ ký thỏa thuận với Tập đoàn Điện lực nhà nước Pháp (EDF) để xây dựng 2 lò phản ứng ở Hinkley Point, phía tây nam nước Anh với mục tiêu đáp ứng 7% nhu cầu điện năng của Anh. Dự án này được Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) rót vốn và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cựu Thủ tướng Anh David Cameron như một cách để thu hút đầu tư từ nước ngoài vào Anh.
Tuy nhiên, sau khi bà Theresa May chính thức tiếp quản ghế Thủ tướng của ông Cameron, bà tỏ ra không hài lòng với chính sách muốn thu hút đầu tư từ Trung Quốc như người tiền nhiệm từng làm. Theo đó, bà đã quyết định tạm hoãn việc ký kết hợp tác xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân sử dụng vốn từ Trung Quốc vào phút chót khi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa lễ ký kết sẽ diễn ra theo lịch trình.
Nhận định về động thái bất ngờ của bà May, ông Cable cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể hiểu được. “Trước đó, khi chúng tôi còn là đồng nghiệp trong chính phủ (của Thủ tướng Cameron), bà May đã công khai bày tỏ sự bất bình về chính sách thu hút đầu tư từ Trung Quốc và đã lên tiếng phản đối dự án Hinkley từ thời điểm đó”, ông Cable cho biết.
Ông Cable sau đó chia sẻ với hãng tin Sky rằng bà May lo ngại việc Trung Quốc “nhúng tay” vào dự án này có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. “Vấn đề đó được nêu lên một cách chung chung, nhưng rõ ràng có liên quan cụ thể tới dự án Hinkley”, cựu Bộ trưởng kinh doanh Anh cho biết thêm.
Sau khi trở thành tân Thủ tướng Anh vào ngày 13/7, bà May vẫn giữ lập trường rằng Anh luôn mở cửa chào đón các dự án đầu tư nước ngoài, nhưng nhấn mạnh vai trò của chính phủ trong các dự án và lĩnh vực then chốt. Năm ngoái, Chánh văn phòng của Thủ tướng Theresa May, Nick Timothy, cho biết các chuyên gia an ninh lo ngại về việc nếu để Trung Quốc tham gia vào dự án điện hạt nhân lần này thì sẽ tạo điều kiện cho họ được tiếp cận với hệ thống máy tính, từ đó có thể chi phối hệ thống sản xuất điện năng của Anh bất kỳ lúc nào.
Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) dự kiến sẽ nắm 33% cổ phần trong dự án Hinkley Point. Việc Bắc Kinh tham gia tới một phần ba vào một dự án điện hạt nhân lớn nhất của Anh sẽ dọn đường cho nước này được tham gia tiếp vào các dự án khác. CGN ngày 30/7 nói tập đoàn này tôn trọng quyết định từ Anh, cho rằng chính phủ mới cần có thời gian để làm quen với dự án.
Dự án xây dựng lò phản ứng tại Hinkley Point được khởi xướng từ năm 2006 dưới thời của Thủ tướng Tony Blair. Sau đó, năm 2013, chính phủ Anh và Tập đoàn Điện lực nhà nước Pháp đạt được thỏa thuận hợp tác về dự án này dưới thời Thủ tướng David Cameron. Tháng 10/2015, nhân chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới London, thỏa thuận sơ bộ về nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point mới được ký kết và việc nhận tài trợ vốn từ Bắc Kinh được xác nhận vào thời điểm đó. Tuy nhiên, tân Thủ tướng Theresa May đã quyết định xem xét lại dự án này và chưa xác nhận thời điểm đưa ra tuyên bố cuối cùng.(DT)
Hà Nội công bố 34 dự án thế chấp ngân hàng
Theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, tính đến ngày 29/7 có 34 dự án do chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại các ngân hàng.
Trong danh sách này có sự góp mặt của một số đại gia trong lĩnh vực bất động sản như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Nam Cường, Gleximco, Văn Phú Invest…
Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội thế chấp quyền sử dụng đất tại một số thửa đất phường Yên Nghĩa và phường Dương Nội, quận Hà Đông. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Gleximco thế chấp quyền sử dụng đất một số thửa đất tại khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội (Hà Đông) và các thửa đất tại xã An Khánh, xã La Phù (huyện Hoài Đức).
Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest thế chấp quyền sử dụng khu đất tại Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội (Hà Đông). Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Văn Phú - Trung Kính thế chấp quyền sử dụng đất khu A, B tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh cũng thế chấp một phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong lương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng lý giải, việc chủ đầu tư thế chấp vay vốn là chuyện rất bình thường. Cơ quan này vẫn đang kiểm soát tốt việc thế chấp của doanh nghiệp để đảm bảo quyền cấp giấy chứng nhận, sổ đỏ cho người mua nhà. Vị này cũng khuyến cáo, người mua nhà trước khi quyết định chọn dự án nào thì có thể liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để tìm hiểu thông tin về tình trạng thế chấp cũng như khả năng cấp sổ cho các căn hộ.
Trước Hà Nội, đoàn công tác liên ngành của TP HCM đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó, nhiều doanh nghiệp đang triển khai và mở bán dự án căn hộ trên địa bàn cho biết đang phải liên tục giải tỏa nỗi hoài nghi cho khách mua nhà, bởi lẽ mọi người ngộ nhận rằng dự án đang thế chấp tức là tài sản của họ bị đe dọa, năng lực chủ đầu tư có vấn đề.
Doanh nghiệp nuôi tôm lo phá sản vì bị truy thu thuế
Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất tôm giống cho hay họ có thể phá sản do bị truy thu thuế đối với mã hàng hóa nhập khẩu là trứng Artemia - thức ăn cho tôm giống từ 0% lên 5%.
Là đơn vị chuyên sản xuất tôm giống, tôm thịt và chế biến tôm xuất khẩu, Giám đốc Công ty Thông Thuận (Bình Thuận), Trương Hữu Thông, phản ánh, hiện thức ăn cho nuôi tôm giống tại Việt Nam chưa chủ động được mà phải nhập khẩu. Từ năm 2011 đến nay, khi nhập trứng Artemia về làm thức ăn cho tôm giống, công ty đã khai báo và áp vào mã hàng 2309.9013 (thức ăn dùng cho tôm), nhập khẩu 0%.
Vừa qua, phía hải quan lại yêu cầu cung cấp thông tin theo mã 0511.913000 và 0511.9100, hai mã hàng này đều chịu thuế nhập khẩu 5%. "Nếu hải quan áp mức thuế suất này chúng tôi sẽ bị truy thu số tiền thuế rất lớn, từ năm 2011 đến nay khoảng 5 tỷ đồng”, ông lo lắng.
Ông Thông cũng cho biết thêm, khi khai mã hàng nhập khẩu về Việt Nam, công ty đã nghiên cứu các mã hàng tương ứng được quy định trong danh mục hàng hóa nhập khẩu để khai báo. Sau đó đã được phía hải quan kiểm tra, giám sát, đồng ý xác nhận cho thông quan trên tờ khai hải quan đối với các lô hàng nhập khẩu từ năm 2011 đến nay.Mặt khác, toàn bộ hàng Artemia công ty nhập về là phục vụ nuôi tôm giống (tức trứng của con Artemia, được sấy khô đóng hộp. Trước khi cho tôm giống và cá giống ăn, trứng Artemia phải ấp nở 10-15 giờ. Do đó, cũng như nhiều đơn vị khác, Thông Thuận căn cứ vào mức thuế suất 0% để tính toán giá thành và xác định giá bán tôm giống cho nông dân. Nếu ngành hải quan áp mặt hàng này với thuế suất 5%, đương nhiên giá bán tôm giống sẽ phải tăng hơn so với giá hiện tại.
Các doanh nghiệp nuôi tôm đang lo ngại bị áp mức thuế trứng Artemia từ 0% lên 5% sẽ tăng thêm chi phí và khó khăn cho ngành này. Ảnh: Dân Việt
Đại diện Công ty TNHH TMDV Khai Nhật (TP HCM), bà Phan Thị Thu Thủy cho biết: “Nếu ngành hải quan truy thu thuế, chúng tôi sẽ phải đóng cửa". Bà giải thích, 2 năm nay, người nuôi tôm gặp khó khăn nên việc bán tôm giống rất chậm, hoặc bị nông dân chịu tiền, trong khi thức ăn cho tôm giống vẫn phải nhập. Nếu truy thu thuế và tăng thuế nhập khẩu Artemia lên 5%, chắc chắn giá tôm giống sẽ tăng lên, làm tăng chi phí sản xuất của nông dân.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc nhập mặt hàng Artemia làm thức ăn cho tôm giống đã phát sinh từ năm 2011 đến nay, nếu thay đổi thuế suất từ 0% lên 5% để truy thu yêu cầu công ty nộp, các doanh nghiệp sẽ không tìm được nguồn nào để bù đắp cho khoản này. Do tôm giống đã bán cho nông dân, việc đi đòi thêm khoản thuế này từ các hộ nuôi là điều không thể.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trương Đình Hòe cho biết đã có văn bản gửi Bộ Tài chính. Theo đó, VASEP đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) về việc giảm thuế cho mặt hàng trứng Artemia từ 5% xuống còn 0%.
Quan điểm của ông Hòe, các doanh nghiệp nuôi tôm kiến nghị, thức ăn dùng cho tôm được hưởng thuế suất bằng 0, thì trứng Artemia (Brine Shrimp Eggs) - một sản phẩm chuyên dùng cho sản xuất giống thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm giống, cũng phải là đối tượng được hưởng ưu đãi, có chung một mã hàng hóa với thức ăn dùng cho tôm. Do đó áp thuế suất bằng 0% để tránh việc nhầm lẫn giữa người kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước.
Trong văn bản gần đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Vũ Văn Tám gửi Bộ Tài chính nêu rõ, qua nhiều nghiên cứu và thực tiễn chỉ ra rằng trứng Artemia có vai trò rất quan trọng, gần như chưa có sản phẩm thay thế hoàn toàn trong sản xuất giống thủy sản ở Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất tôm giống nước lợ. Vì vậy, hàng năm ngoài số lượng trứng Artemia sản xuất trong nước, các DN vẫn phải nhập khoảng 160 tấn trứng Artemia từ nước ngoài để phục vụ sản xuất hơn 80 tỷ tôm giống nước lợ và đối tượng thủy sản khác.
Đánh giá về tác động của việc áp thuế, Bộ NNPTNT cho rằng, việc giảm thu ngân sách 21 tỷ đồng khi điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng trứng Artemia từ 5% xuống 0% có sức ảnh hưởng không lớn so với một ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỷ USD/năm. Trong khi đó, nếu áp thuế 0% thì sẽ có tác động rất tích cực cho sự phát triển chung của ngành tôm như: Tăng thu nhập cho người nuôi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm (giá giống có thể giảm từ 10-15%); thúc đẩy gia tăng, củng cố chất lượng Artemia trong nước nhờ sự cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; chất lượng, số lượng con giống cũng dần được nâng cao, ổn định…
Trong văn bản gần đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Vũ Văn Tám gửi Bộ Tài chính nêu rõ, qua nhiều nghiên cứu và thực tiễn chỉ ra rằng trứng Artemia có vai trò rất quan trọng, gần như chưa có sản phẩm thay thế hoàn toàn trong sản xuất giống thủy sản ở Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất tôm giống nước lợ. Vì vậy, hàng năm ngoài số lượng trứng Artemia sản xuất trong nước, các DN vẫn phải nhập khoảng 160 tấn trứng Artemia từ nước ngoài để phục vụ sản xuất hơn 80 tỷ tôm giống nước lợ và đối tượng thủy sản khác.
Đánh giá về tác động của việc áp thuế, Bộ NNPTNT cho rằng, việc giảm thu ngân sách 21 tỷ đồng khi điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng trứng Artemia từ 5% xuống 0% có sức ảnh hưởng không lớn so với một ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỷ USD/năm. Trong khi đó, nếu áp thuế 0% thì sẽ có tác động rất tích cực cho sự phát triển chung của ngành tôm. Đặc biệt là tăng thu nhập cho người nuôi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm (giá giống có thể giảm từ 10-15%).
Mặc dù các doanh nghiệp, hiệp hội và Bộ NNPTNT đã có văn bản đề xuất, nhưng Bộ Tài chính vẫn bỏ qua các ý kiến đóng góp và áp thuế đối với thức ăn tôm giống Artemia nhập khẩu 3%.
Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư 98, bổ sung danh mục nhóm mặt hàng và mức thuế xuất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng đối với mặt hàng trứng Artemia với mức thuế 3%. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 13/8 tới.
Trước đó, phúc đáp công văn của Công ty Việt Úc Bạc Liêu về việc phân loại thuế suất thuế nhập khẩu trứng Artemia, Bộ Tài chính căn cứ các biểu thuế nhập khẩu ưu đãi áp dụng cho các năm 2009 đến nay thì mặt hàng này có thuế suất nhập khẩu ưu đãi 5%. Bộ Tài chính cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện phân loại trứng Artemia còn sống làm thức ăn cho tôm theo hướng dẫn như trên và nộp thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.(Vnexpress)