tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-08-2018

  • Cập nhật : 30/08/2018

Các nhà máy lọc dầu tư nhân Trung Quốc tăng cường nhập khẩu dầu sau mùa hè

Các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc tăng cường mua dầu thô từ nước ngoài sau khi trở lại từ đợt bảo dưỡng kéo dài trong mùa hè để tăng cường cho nhu cầu nhiên liệu trong mùa đông, một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng từ thuế và giá dầu cao đã dịu đi hiện nay.

Sự phục hồi trong nhập khẩu của các nhà máy lọc dầu tư nhân (thường gọi là teapot) đã thúc đẩy giá giao ngay với dầu thô Trung Đông và dầu của Nga lên mức cao nhất trong nhiều tháng.

Sự trở lại thị trường của họ cũng do lợi nhuận cải thiện sau khi đóng cửa kéo dài giúp giảm tồn kho xăng dầu và dầu diesel, thúc đẩy giá nhiên liệu trong nước. Các nhà máy lọc dầu độc lập đã nhập 6 triệu tấn hay 1,4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 8/2018, tăng 40% so với tháng 7/2018, và cao hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Thomson Reuters.

Lượng nhập khẩu của họ là thấp thứ 2 trong kỷ lục tính từ ngày 10/2016, do các nhà máy lọc dầu đóng cửa hay dừng hoạt động bởi nhu cầu dầu diesel giảm, giá dầu thô cao và các quy định thuế mới. Số liệu tính toán này không gồm lượng nhập khẩu từ các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn Hengli Petrochemical và Rongsheng Group. Các nhà máy teapot chiếm khoảng 1/5 trong số gần 9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày nhập vào Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Quản lý của một nhà máy lọc dầu độc lập tại Dongying dấu tên cho biết “lượng đặt hàng dầu thô nặng của chúng tôi tăng trong tháng 8 và tháng 9 do chúng tôi trở lại sau 20 ngày bảo dưỡng trong tháng 7/2018”. Ông nói “lợi nhuận tích cực một chút, nhưng cuối cùng chúng tôi đã có lợi nhuận trong tháng 8”, bổ sung rằng giá sản phẩm xăng dầu tăng khuyến khích thêm các nhà máy trở lại hoạt động sau bảo dưỡng.

Việc nhập khẩu duy trì từ các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc sẽ bổ sung cho nhu cầu toàn cầu tại cùng thời điểm có khả năng gián đoạn nguồn cung dự kiến từ các nhà sản xuất chính như Venezuela và Iran. Sự tăng vọt trong nhu cầu sẽ thúc đẩy giá trong tương lai.

Điều này cũng sẽ làm giảm lo lắng về nhu cầu yếu hơn khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm. Zhou Guoxia, một nhà phân tích thuộc công ty tư vấn dầu mỏ JLC cho biết “nhu cầu dầu thô trong tháng 9 sẽ tiếp tục phục hồi so với tháng 8 vì các nhà máy độc lập sẽ tăng cường để sản xuất mùa đông trong quý 4”, bổ sung rằng ngành công nghiệp này đã bị ám ảnh bởi tín dụng siết chặt và khảo sát kỹ hơn về thuế của họ.

Mức cộng của dầu Oman và dầu Blend ESPO của Nga, các loại thường được các nhà máy teapot mua, tăng lên mức cao nhất nhiều tháng trong tuần này, được hỗ trợ bởi nhu cầu phục hồi từ các nhà máy lọc dầu tư nhân.

Theo JLC công suất hoạt động của 44 nhà máy lọc dầu ở Sơn Đông tăng lên 58% ở tuần thứ 2 của tháng 8, tăng từ trung bình 52,5% trong tháng 7. Mức độ hoạt động này thấp hơn so với các nhà máy lọc dầu nhà nước thường hoạt động với 70% công suất.

Lợi nhuận đã cải thiện khiêm tốn do giá các sản phẩm tăng bởi nguồn cung nhiên liệu yếu. Nhưng các nhà điều hành cảnh báo rằng lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu teatop vẫn yếu và các nhà máy nhỏ hơn đang vật lộn với những vấn đề kéo dài về thuế và giá dầu thô tăng, khả năng yêu cầu một số đóng cửa.

Các nhà máy teapot cũng mất lợi nhuận vì họ thiếu mạng lưới bán lẻ của các công ty như tập đoàn Dầu mỏ và hóa chất Trung Quốc. Các nhà máy lọc dầu không được chính phủ cấp phép xuất khẩu nhiên liệu, nghĩa là họ cũng bỏ lỡ khả năng bán hàng ra nước ngoài để trục lợi.

Một nhà quản lý khác tại nhà máy lọc dầu Dongying, mà đang chuẩn bị trở lại hoạt động hoàn toàn, cho biết việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn kể từ đầu tháng 7/2018 khi nhà máy hóa dầu Haiyou ở Sơn Đông phá sản gây nghi ngờ cho sức khỏe tài chính của lĩnh vực này.(VITIC)
----------------------

Ba nhóm sản phẩm thép có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức

Cục Phòng vệ thương mại nêu rõ: Nhóm sản phẩm có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức là thép tấm mạ/tráng vật liệu khác (sơn, quét vécni, phủ plastic,…)

Theo thông tin mới nhất từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), căn cứ số liệu xuất nhập khẩu của EU cập nhật đến tháng 6, mặt hàng thép tấm mạ/tráng vật liệu khác (sơn, quét véc ni, phủ plastic), thép tấm dẫn điện (trừ thép tấm dẫn điện có định hướng) và thép tấm mạ/tráng thiếc, crôm thuộc nhóm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019 nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong những tháng tới.

Cục Phòng vệ thương mại nêu rõ: Nhóm sản phẩm có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức là thép tấm mạ/tráng vật liệu khác (sơn, quét vécni, phủ plastic,…) có mã HS: 7210 70 80, 7212 40 80. Tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam đã vượt quá 3%, có nguy cơ cao bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019 nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới. Hạn ngạch EU đang áp dụng cho tất cả các nước xuất khẩu vào EU là 414.324 tấn từ 19/7/2018-3/2/2019.

Nhóm sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức gồm thép tấm dẫn điện (trừ thép tấm dẫn điện có định hướng) và thép tấm mạ/tráng thiếc, crôm.

Cụ thể, thép tấm dẫn điện (trừ thép tấm dẫn điện có định hướng) có mã HS: 7209 16 10, 7209 17 10, 7209 18 10, 7209 26 10, 7209 27 10, 7209 28 10, 7225 19 90, 7226 19 80. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam hiện vẫn ở mức dưới 3%, tuy nhiên có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019 nếu có tăng trưởng mạnh trong những tháng tới. Hạn ngạch EU đang áp dụng cho tất cả các nước xuất khẩu vào EU là 178.704 tấn từ 19/7/2018-3/2/2019.

Với thép tấm mạ/tráng thiếc, crôm có mã HS: 7209 18 99, 7210 11 00, 7210 12 20, 7210 12 80, 7210 50 00, 7210 70 10, 7210 90 40, 7212 10 10, 7212 10 90, 7212 40 20, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn ở mức dưới 3%, tuy nhiên Việt Nam vẫn có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019 nếu có tăng trưởng mạnh trong những tháng tới. Hạn ngạch EU đang áp dụng cho tất cả các nước xuất khẩu vào EU là 367.470 tấn từ 19/7/2018-3/2/2019.

Trong đợt cảnh báo Cục Phòng vệ thương mại đưa ra ngày 31/7, nhóm thép xác định có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức là thép tấm mạ/tráng vật liệu khác (sơn, quét vécni, phủ plastic,…) với mã HS: 7210 70 80, 7212 40 80. Nhóm sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức là thép tấm mạ/tráng thiếc, crôm với mã HS: 7209 18 99, 7210 11 00, 7210 12 20, 7210 12 80, 7210 50 00, 7210 70 10, 7210 90 40, 7212 10 10, 7212 10 90, 7212 40 20.

Trước đó, ngày 26/3/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu do lo ngại sự gia tăng nhập khẩu có thể gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước.

Trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, EC đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với 23/28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra. Thuế suất trong hạn ngạch bằng với thuế suất MFN hiện hành. Khối lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch sẽ phải chịu thêm thuế suất nhập khẩu bổ sung là 25%. Biện pháp tự vệ tạm thời có thời hạn hiệu lực trong 200 ngày (từ 19/7/2018-3/2/2019). Sau đó, trên cơ sở kết quả điều tra cuối cùng, EC sẽ quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ chính thức hay không.

Căn cứ quy định của Điều 9.1 Hiệp định tự vệ WTO về việc loại trừ các nước đang phát triển ra khỏi biện pháp nếu có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%), Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 3/23 nhóm sản phẩm bao gồm: (1) Thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; (2) thép tấm mạ kim loại; (3) thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh. Đối với 20 nhóm sản phẩm còn lại, tạm thời các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam vào EU được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp (không bị áp dụng hạn ngạch và không phải chịu thuế suất vượt hạn ngạch bổ sung 25%. Tuy nhiên, nếu trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, nhập khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức (sau ngày 3/2/2019).(Baohaiquan)
------------------------

Áp dụng CBPG thép không gỉ cán nguội từ Indonesia, Malaysia và Đài Loan

 Ngày 05 tháng 9 năm 2014, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT (Quyết định 7896) về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan.

Thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá là 05 năm kể từ ngày Quyết định 7896 có hiệu lực.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương, 01 năm trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định tiến hành rà soát cuối kỳ đối với việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Nội dung rà soát cuối kỳ được quy định chi tiết tại Khoản 2 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 63 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định số 10).

Cục Phòng vệ thương mại thông báo chính thức tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ của vụ việc. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 62 Nghị định số 10, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo này của Cơ quan điều tra, nhà sản xuất trong nước có quyền nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo mẫu Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ (file đính kèm). Thời hạn Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 28/9/2018.

Hồ sơ phải được nộp trực tiếp tại Cục Phòng vệ thương mại trong thời hạn trên theo địa chỉ như sau:

Cục Phòng vệ thương mại - 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Email: giaovq@moit.gov.vn

Điện thoại: 024 73037898, máy lẻ 112   

Cục Phòng vệ thương mại

Nguồn: Moit.gov.vn 

Trở về

Bài cùng chuyên mục