Huy động trên 56.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ; Chậm bỏ quy định vô lý, doanh nghiệp gas bế tắc; Tôm xuất khẩu liên tục bị cảnh báo "dính" chất cấm; Doanh nghiệp năng lượng Anh "chấm" thị trường Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-05-2018
- Cập nhật : 17/05/2018
Cục Cạnh tranh: Thương vụ Grab mua lại Uber có dấu hiệu phạm luật
Kết quả điều tra sơ bộ của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy việc Grab mua lại hoạt động của Uber tại thị trường Việt Nam có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.
Cụ thể, quá trình điều tra sơ bộ đã xác minh các nội dung về bên bị điều tra, thị trường liên quan, thị phần kết hợp trên thị trường liên quan và dấu hiệu của hành vi vi phạm. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy: Việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%.
"Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) nhận định.
Căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Cục CT&BVNTD đang xem xét ra quyết định điều tra chính thức theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Cạnh tranh năm 2004. Kết thúc quá trình điều tra chính thức, Cục sẽ chuyển hồ sơ để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 16 tháng 4, Cục CT&BVNTD đã ban hành Quyết định điều tra sơ bộ hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về tập trung kinh tế giữa Công ty TNHH GrabTaxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam liên quan đến vụ việc Grab mua lại các hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Cục đã tổ chức làm việc với các bên bị điều tra, tiến hành thu thập thông tin về thị trường liên quan từ các Hiệp hội, Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để có đánh giá khách quan về thương vụ này.(Baotintuc)
-------------------------
Sắp có USD Coin, tiền thuật toán của đô la Mỹ
Hãng startup công nghệ tài chính Circle, công ty được ngân hàng Goldman Sachs hậu thuẫn, đang tìm cách tạo ra đồng USD kỹ thuật số nhanh hơn, tốt hơn có tên USD Coin.
Ảnh: Circle
Theo CNBC, hôm nay 16.5, Circle công bố rằng đồng mới sẽ được neo vào USD hệt như Tether đang có mặt trên thị trường tiền thuật toán. Ngoài ra, Circle cũng công bố vòng đầu tư 110 triệu USD do hãng khai thác tiền mã hóa Bitmain dẫn đầu. Bitmain từng giúp đưa giá trị Circle lên gần 3 tỉ USD.
“Việc này mở ra quyền lực đáng kinh ngạc cho USD. Về cơ bản, nó là đồng đô la Mỹ hoạt động trên blockchain”, CEO Jeremy Allaire của Circle cho hay.
Circle là một trong các hãng khởi nghiệp blockchain được tài trợ khá nhất. Trong dàn nhà đầu tư lớn có ngân hàng Goldman Sachs Group và doanh nghiệp Trung Quốc Baidu. Hãng vận hành mạng lưới thanh toán trực tiếp và ngang hàng giữa đôi bên, không qua trung gian sử dụng blockchain. USD Coin ra đời nhằm giải quyết vấn đề lớn cản trở việc sử dụng tiền mã hóa: Biến động giá cả mạnh.
Nhiều nhà phê bình, trong đó có Stan Druckenmiller, từng cho hay tiền thuật toán không thể được dùng như phương tiện thanh toán vì giá trị của nó thay đổi quá thường xuyên và quá nhanh. Đơn cử bitcoin biến động rất mạnh trong 12 tháng qua, tăng lên gần 20.000 USD trong tháng 12.2017 và giờ thì giao dịch ở mức 8.450 USD.
Khách hàng của Circle sẽ được yêu cầu giữ 1 USD cho mỗi đồng USD Coin, giúp giá ổn định. Nhiều hãng khác như Tether và Basis cũng đã giới thiệu các “đồng ổn định” với giá trị gắn chặt vào USD, song ông Allaire cho hay thị trường cần “giải pháp thay thế phù hợp” cho Tether, đồng đang có 2,2 tỉ USD giá trị thị trường, theo trang Coinmarketcap.
“Khi tôi nhìn vào sự hội tụ của tài chính truyền thống và mảng tiền thuật toán, tôi rất mong nó xảy ra. Có một số ngân hàng đang vui mừng về việc này và sẽ hỗ trợ đồng tiền”, ông Allaire nói.
Một khi USD được chuyển sang USD Coin của Circle, ông Allaire cho biết nó có thể được chuyển đi trong vòng vài giây nhờ công nghệ blockchain. Ông còn cho hay họ sẽ thêm đồng tiền thuật toán cho cả euro và bảng Anh, nhưng ít có khả năng tung đồng mã hóa cho các loại tiền tệ châu Á vì tính cạnh tranh hiện thời trong thị trường.
USD Coin có mã nguồn mở, đồng nghĩa với việc nhiều nhà phát triển có thể làm việc trên dự án và hỗ trợ sự phát triển. Dự án USD Coin đang được phát triển bởi tổ chức mang tên CENTRE, bên sẽ giám sát độc lập việc chào bán USD Coin của Circle.
TIN LIÊN QUAN
- Hội nghị tiền ảo Consensus đạt doanh thu 17 triệu USD
- Nhân tài Goldman Sachs bỏ ngang đi làm startup tiền ảo
- Dự báo bitcoin tăng mạnh sau Tuần lễ Blockchain New York
USD Coin chạy trên nền blockchain ethereum, song ông Allaire để ngỏ về việc đưa nó sang các nền tảng khác có thể hoạt động tốt hơn. “Ethereum là lựa chọn tối ưu nhưng không phải cuối cùng. Hiện giờ thì nó chỉ có trên ethereum”, ông Allaire nói.
Bitmain, hãng đào tiền mã hóa nổi tiếng và có lợi nhuận hoạt động từ 3-4 tỉ USD năm 2017, dẫn đầu khoản đầu tư chiến lược 110 triệu USD vào Circle. Vòng tài trợ cho Circle cũng có sự góp mặt của nhà đầu tư hiện thời như Breyer Capital, Tusk Ventures, IDG Capital, Pantera và Blockchain Capital. Circle là một trong các hãng đi đầu mảng giao dịch bitcoin ngoài quầy (tức mua bán không thông qua sàn giao dịch), vừa mua lại sàn giao dịch tiền thuật toán Poloniex hồi tháng 2.(THanhnien)
-----------------------------
Bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung thuế xăng lên 4.000 đồng/lít
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, theo đó thuế xăng sẽ tăng kịch khung, tức 4.000 đồng/lít.
Mua bán xăng tại cây xăng số 185 phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Trong tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính tính toán nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được tăng kịch khung từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít. Ước tính số thu ngân sách mỗi năm từ thuế xăng dầu sẽ đạt khoảng trên 55.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng.
Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng mỗi kilogram, tùy loại.
Cụ thể, đối với than đá, mức tăng dự kiến thêm 5.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Tổng số thu mà Bộ Tài chính tính sau khi tăng thuế đối với mặt hàng này sẽ khoảng 2.385 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 795 tỷ đồng/năm.
Đối với mặt hàng túi nilon, với đề xuất tăng 10.000 đồng mỗi kilogram, tức từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Ước tổng số thu sẽ đạt khoảng 67,5 tỷ đồng, tăng khoảng 13,5 tỷ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, nếu phương án được thông qua, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ khoảng 57.612 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỷ đồng/năm.
Bộ Tài chính cho rằng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được thực hiện từ năm 2012 đã nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển bên vững… khi Việt Nam thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế.
Về đóng góp cho ngân sách, theo Bộ Tài chính, từ năm 2012 đến năm 2017, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, bình quân số thu từ thuế bảo vệ môi trường mỗi năm ước đạt 25.000 ỷỉ đồng,
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay của đất nước, nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường lên mức phù hợp. Gía bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á. Hiện, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước, với mức 19.980 đồng/lít.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cho biết, các nghiên cứu cho thấy hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, túi nilon… trong quá trình sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Và cũng theo tính toán của các nhà khoa học, để trả lại môi trường thì thuế đối với các mặt hàng kể trên phải được điều chỉnh cao hơn rất nhiều.
Để xây dựng dự án Nghị định này, Bộ lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông điện tử Chính phủ và của ngành. Trong tổng số 77 ý kiến tham gia góp ý thì có 19 ý kiến của các bộ ngành, 43 ý kiến của các địa phương, 5 ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp, tổ chức khác.
Về cơ bản, theo Bộ Tài chính, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết về nội dung của dự thảo. Trong đó, 47/77 ý kiến nhất trí hoàn toàn, các ý kiến còn lại cũng được Bộ giải trình, tiếp thu…(TTXVN)
------------------------
Ngành khai khoáng trong không gian có thể có giá nghìn tỉ USD
Cuộc đua vào không gian không chỉ dừng lại ở thám hiểm và ý tưởng du lịch, mà còn tiến đến cả hoạt động khai khoáng.
Ảnh: AFP/Getty Images
Theo CNBC, đây là ý tưởng có thể mở ra nền văn minh mới và vô số lợi nhuận trên một hành tinh khác. SpaceX của tỉ phú Elon Musk, và Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos đang đặt mục tiêu biến du lịch không gian thành hiện thực, và cuối cùng là giúp con người sống được ở các hành tinh khác.
Hiện tại, công nghệ ngày càng khiến việc hạ cánh trên một tiểu hành tinh mới ngày càng khả thi. Đơn cử, việc phóng thành công tên lửa Falcon Heavy có thể tái sử dụng giúp việc chuyên chở vật dụng nặng vào không gian và giảm chi phí phóng.
Nhà vật lý thiên văn học Neil deGrasse Tyson cùng nhiều người khác tuyên bố rằng sẽ có những tỉ phú đầu tiên trên thế giới kiếm tiền từ việc khai khoáng trong không gian. Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), lượng khoáng chất nằm trong vành đai tiểu hành tinh giữa sao hỏa và sao mộc nhiều đến mức có giá trị tương đương 100 tỉ USD cho mỗi người trên trái đất.
Song Ian Christensen, giám đốc chương trình khu vực tư nhân tại Tổ chức bảo đảm thế giới (Secure World Foundation), viện chính sách có liên quan đến không gian, cho hay hiện chưa có sự rõ ràng về mặt luật pháp của quyền sở hữu tài nguyên trong không gian. Luật pháp đề cập đến không gian phần nhiều chưa rõ ràng.
“Có một vài lỗ hổng trong luật pháp, và một số thứ cần phải được làm rõ để cung cấp sự chắc chắn hơn trên cơ sở luật pháp hiện thời”, ông Christensen cho hay. Hiện chưa có cơ quan nào nhận trách nhiệm về việc phân bổ tài nguyên trong không gian. Luật toàn diện nhất hiện nay là Hiệp ước không gian vũ trụ do Liên Hiệp Quốc tài trợ vào năm 1967, song sự nhầm lẫn giữa các nước vẫn còn.
“Khi nhắc đến việc sử dụng tài nguyên trong không gian thì còn khá mơ hồ, và nó có thể được giải thích theo cả hai hướng. Các chính phủ và thậm chí chuyên gia trong lĩnh vực này vẫn đang tranh luận về việc sử dụng phù hợp nguồn tài nguyên. Đây vẫn còn là câu hỏi khó trả lời”, nhà phân tích khoa học và công nghệ Rebecca Keller tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Stratfor cho hay.
Ngày nay, chính phủ các nước cấp giấy phép hoạt động cho các bên muốn tiến hành hoạt động trong không gian. Các nước nơi có doanh nghiệp tư nhân hoạt động như trên chịu trách nhiệm thực thi quy định, pháp luật. “Việc thực thi quy định được chính quyền các nước thực hiện, song chưa một cơ quan không gian đặc biệt nào tồn tại”, chuyên gia Christensen cho hay.
Không gian ngày càng đông đúc hơn khi nhiều doanh nghiệp tìm cách tham gia, gặt hái lợi ích từ đây. Bà Keller cho biết chính phủ các nước sẽ phải hạn chế và kiểm soát việc lợi ích tư nhân mở rộng trong tương lai. Một trong những cách để thực hiện điều này là ứng xử với không gian hệt như thỏa thuận biến đổi khí hậu. Bà Keller cho rằng hầu như lúc nào luật pháp cũng đi sau công nghệ.
Hiện thời, hạn chế đối với thám hiểm không gian và du lịch không gian đồng nghĩa với việc ngành khai thác không gian sẽ phát triển như là mối quan hệ giữa khu vực tư và chính phủ, ông Christensen nhận định. Ông không loại trừ khả năng tư nhân hóa các hoạt động không gian một khi ngành công nghiệp này trưởng thành.(Thanhnien)