Sắp có lộ trình chuyển 70 triệu thẻ ATM sang thẻ chip; Nhật Bản, EU lên kế hoạch trả đũa thuế quan của Mỹ; Khách hàng 'tố' liên tục, Lazada bị kiểm tra; Starbucks sẽ mở thêm gần 3.000 cửa hàng mới ở Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-05-2018
- Cập nhật : 19/05/2018
6.100 tỉ USD có tiềm năng chuyển thành giao dịch điện tử
1,3 tỉ người dùng Internet tại châu Á - Thái Bình Dương truy cập Internet bằng smartphone nhưng mới có 45% trong số đó sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Tổ chức thẻ quốc tế Visa cho biết, theo số liệu thống kê, gần một nửa dân số đang sinh sống tại các thị trấn và thành phố, và hơn 2/3 (1,3 tỉ) trong tổng số 1,9 tỉ người dùng Internet tại châu Á - TBD truy cập Internet bằng smartphone.
Xét về doanh số sử dụng, thị trường châu Á - TBD có giá trị tương đương 11 nghìn tỉ USD. Nhưng hiện tại, hơn một nửa (55%) giao dịch tại đây vẫn đang được thực hiện bằng tiền mặt. Như vậy đồng nghĩa với việc vẫn còn 6,1 nghìn tỉ USD có tiềm năng chuyển đổi thành các giao dịch điện tử.
Theo Visa, dù có tiềm năng lớn để phát triển giao dịch điện tử nhưng sự thay đổi chóng mặt của hệ sinh thái thanh toán cùng với việc tội phạm thẻ bùng phát đang đòi hỏi phải có các biện pháp bảo mật mới.
Bốn nguyên tắc bảo mật được Visa đưa ra là: giảm giá trị dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, khai thác dữ liệu và trao quyền cho người dùng.
Cụ thể, dữ liệu của người dùng cần được chuyển thành những hình thức ít giá trị với tội phạm như dùng thẻ chip EMV hay Token hóa. Hay như việc tận dụng các công nghệ mới như AI, 3D 2.0, sinh trắc học... phân tích, dự đoán nhằm phát hiện và ngăn chặn những trường hợp gian lận trước khi nó xảy ra.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin trước đó, Việt Nam đang có lộ trình chuyển đổi 70 triệu thẻ ATM từ thẻ từ sang thẻ chip nhằm hạn chế tình trạng đánh cắp dữ liệu thẻ để chế tạo thẻ giả. Tuy nhiên việc chuyển đổi đang bị vướng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó lý do quan trọng nhất là chi phí để chuyển đổi quá lớn.(Tuoitre)
----------------------------
TP.HCM mất ngôi quán quân về giá trị kim ngạch xuất khẩu
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, lần đầu tiên TP.HCM mất vị trí quán quân về kim ngạch xuất khẩu của các địa phương trong cả nước. Vị trí đầu về tay Bắc Ninh.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng qua, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM chỉ đạt 11,345 tỉ USD. Trong khi đó, Bắc Ninh có sự tăng trưởng vượt trội khi đạt 11,624 tỉ USD, chiếm đến 15,73% tổng giá trị kim ngạch của cả nước.
So với cùng kỳ năm 2017, tổng giá trị kim ngạch của Bắc Ninh tăng hơn 4 tỉ USD, với tỉ lệ tăng gần 54%.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ kể trên giúp Bắc Ninh vượt qua TP.HCM trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, TP.HCM để mất ngôi vị số 1 cả nước về xuất khẩu.
Nhìn lại cùng kỳ năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, TP.HCM luôn giữ ở vị trí đứng đầu cả nước với giá trị kim ngạch đạt gần 10,8 tỉ USD. Cùng thời gian này của năm ngoái xuất khẩu của Bắc Ninh chỉ đạt 7,552 tỉ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, sự vươn lên của Bắc Ninh là nhờ tăng trưởng hoạt động sản xuất, xuất khẩu những sản phẩm chủ lực gồm điện thoại, máy tính bảng... của Tập đoàn Samsung.
Còn thống kê tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng trị giá đạt 25,548 tỉ USD, trong khi Bắc Ninh chỉ đạt 20,409 tỉ USD.(Tuoitre)
------------------------
Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng các dự án nhà máy điện mặt trời
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc bổ sung một số dự án nhà máy điện mặt trời vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo đề nghị của Bộ Công Thương hôm 26/4/2018.
Thông báo nêu rõ, việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh hiện nay đã bộc lộ một số khó khăn và hạn chế. Trong đó, nhiều dự án nguồn điện có tiến độ chậm so với kế hoạch, nhất là các dự án nguồn điện tại khu vực miền Nam như: Long Phú I, Long Phú II, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Vĩnh Tân III… Việc phát triển nguồn nhiệt điện than thêm khó khăn do yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng như yêu cầu về hạ tầng nhập khẩu, cung cấp than cho các nhà máy...
Do đó, việc xem xét điều chỉnh bổ sung các dự án nhà máy điện mặt trời (là nguồn điện sạch có tiến độ đầu tư xây dựng nhanh) vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh như đề nghị của Bộ Công Thương là cần thiết. Việc đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo có tiềm năng ở nước ta, trong đó có điện mặt trời, là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài các dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, số lượng và tổng quy mô công suất các dự án điện mặt trời được các nhà đầu tư quan tâm đã trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt hiện nay là rất lớn. Do đó, việc xem xét bổ sung các dự án điện mặt trời cần được xem xét tổng thể để bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong quản lý quy hoạch, bảo đảm sự phù hợp về yêu cầu cung cấp điện, khả năng đấu nối và vấn đề sử dụng đất cho các dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo cụ thể danh mục các dự án nhà máy điện mặt trời đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường quản lý quy hoạch đối với các dự án đã được bổ sung quy hoạch, bảo đảm phát triển các dự án thực chất theo đúng tiến độ, không theo phong trào. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7/2018.
Thông báo cũng chỉ rõ, trong giai đoạn tới khi chưa hoàn thành Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, chỉ xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với các dự án nhà máy điện mặt trời Bộ Công Thương đã hoàn thành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, trong đó có dự án nhà máy điện mặt trời BIM2 (250MW) tỉnh Ninh Thuận và Phù Mỹ (330MW) tỉnh Bình Định và một số dự án điện mặt trời khác.
Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung thẩm định, nhất là nội dung tính toán xác định sự cần thiết bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy mô công suất các dự án, mức độ khả thi trong việc triển khai đầu tư xây dựng và sự phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật; Văn phòng Chính phủ thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực là khá lớn. Trong đó, riêng Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung trên 70 dự án đưa vào vận hành trước tháng 6/2019 với tổng quy mô công suất trên 3.000MW (các dự án có quy mô công suất đến 50MW). Quy mô công suất này đã vượt hơn nhiều so với quy mô phát triển điện mặt trời dự kiến đến năm 2020 trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt(VOV)
----------------------
Hà Nội: Một quận, hàng chục dự án có dấu hiệu vi phạm luật đất đai
Hiện tại ở quận Bắc Từ Liêm đang triển khai đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng 146 dự án. Qua kiểm tra, giám sát, phát hiện 25 chủ đầu tư thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
Chiều 17/5, Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn làm việc với quận Bắc Từ Liêm về tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm luật Đất đai trên địa bàn.
Theo báo cáo, quận Bắc Từ Liêm hiện đang triển khai đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng 146 dự án. Qua kiểm tra, giám sát, phát hiện 25 chủ đầu tư thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai như chậm giải phóng mặt bằng; không đưa đất vào sử dụng sau 12 tháng; chậm tiến độ thực hiện dự án sau 24 tháng so với dự án đầu tư được phê duyệt; chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Quận Bắc Từ Liêm kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra đối với các tổ chức được giao đất trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh xử lý các trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm pháp luật hoặc không có đủ năng lực tài chính khi thực hiện dự án.
Quận kiến nghị kiên quyết thu hồi đất các dự án không sử dụng đất liên tục sau 12 tháng; chậm tiến độ so với dự án đầu tư phê duyệt 24 tháng mà không có lý do chính đáng; không chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các chủ đầu tư không đủ khả năng tài chính thực hiện dự án.
Trong số các dự án này, có 5 dự án chưa giao đất, gồm Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 30 mét và tuyến đường 21,5 mét tiếp giáp khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh của Cty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Cổ Nhuế, Xuân Đình) hiện đã thi công xong, còn vướng một phần giải phóng mặt bằng tại khu đất ở; dự án xây dựng trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Hà Nội của trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Hà Nội tại Đông Ngạc, chủ đầu tư không liên hệ với UBND quận để triển khai giải phóng mặt bằng, hiện đang bị thanh tra.
Dự án mở rộng vườn ươm Cổ Nhuế của Cty công viên cây xanh Hà Nội (Cổ Nhuế 2), chủ đầu tư cũng không liên hệ với UBND quận để triển khai giải phóng mặt bằng, hiện đang bị thanh tra. Dự án xây dựng khu nhà ở 3 – 5 tầng để bán của Cty đầu tư và phát triển nhà số 12 Hà Nội (Cổ Nhuế 2) cũng đang bị thanh tra. Dự án đầu tư xây dựng bãi đỗ xe và nhà điều hành của Cty CP Đầu tư thương mại BMV (Tổ dân phố Xuân Lộc 1) hiện đã cơ bản giải phóng mặt bằng xong, nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành các thủ tục để được xác nhận hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Dự án cũng đang bị thanh tra.
Nằm trong 20 dự án đã giao đất, Dự án thuê đất trả tiền hàng năm để làm nhà xưởng sản xuất của Cty Cổ phần TM Phú Xuyên (cụm CN MK, phường Minh Khai) được xác định sử dụng sai mục đích; Dự án khu nhà ở cho cán bộ cao cấp bộ Công an của Cty CP đầu tư và xây dựng số 4 Vạn Xuân ( Phường Xuân Đỉnh), hiện đã giải phóng mặt bằng xong năm 2015; hiện nợ 200,542 tỷ đồng; chậm triển khai do chưa có đường vào thi công sử dụng dự án.
Dự án xây dựng đường giao thông khớp nối HTKT khu đô thị mới Cổ Nhuế của Tập đoàn Nam Cường (phường Cổ Nhuế 1), chủ đầu tư đang báo cáo thành phố xin điều chỉnh quy hoạch; Dự án khu nhà ở thấp tầng để bán của Cty CP kiến trúc đầu tư xây dựng Thăng Long (phường Cổ Nhuế 1) không có thông tin; Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở công trình công cộng của Cty TNHH MTV kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội (tổ dân phố Viên 6, Cổ Nhuế 2) đã giải phóng mặt bằng xong giai đoạn 1, giai đoạn 2 còn khoảng hơn 1000 mét vuông chưa giải phóng mặt bằng.
Dự án xây dựng khu thương mại dịch vụ văn hóa tại ô đất K5-HC1 của Cty TNHH xuất nhập khẩu Hoàng Mai (tổ dân phố Viên 5) thành phố đã điều chỉnh tiến độ đến tháng 12/2018 và đang chờ bổ sung danh mục thu hồi đất trong nghị quyết HĐND thành phố; dự án xây dựng chợ lâm sản của Cty TNHH NN 1 thành viên đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (phường Thượng Cát) chủ đầu tư không liên hệ để triển khai giải phóng mặt bằng; Dự án khu đô thị Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh của Cty kinh doanh và dịch vụ nhà Hà Nội (Xuân Lộc 5) chủ đầu tư đang xin điều chỉnh quy hoạch .
Một loạt dự án như dự án bãi đỗ xe tĩnh của Cty CP đầu tư xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An (Khu đất bãi sông Hồng, tổ dân phố Đông Ngạc 1, phường Đông Ngạc); Dự án bãi đỗ xe của Cty Cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Dragonland (khu ruộng lính tổ dân phố Đông Ngạc 5); Dự án mở rộng, nâng cấp Viện di truyền nông nghiệp của Viện di truyền nông nghiệp (Cổ Nhuế 1); Dự án Trung tâm phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ Kim Minh của Cty CP đầu tư và phát triển nhân lực LADECO (Cổ Nhuế 1); Dự án khu nhà ở để bán cho Ban Thư ký bộ Công an của Cty cổ phần đầu tư Thành Đô (Cổ Nhuế 1) đều đang bị thanh tra.
Dự án xây dựng Trung tâm xúc tiến thương mại và văn phòng cho thuê của Cty Cổ phần doanh nghiệp trẻ Hà Nội (Cổ Nhuế 1) hiện đang thử tải; Dự án xây dựng khu nhà ở liền kề của Cty Cổ phần đầu tư và thương mại Trung Yên (Cổ Nhuế 1) không có thông tin; Dự án mở rộng trụ sở công ty của Cty Dệt kim Thăng Long (tổ dân phố 15 phường Phúc Diễn) đã giải phóng phần đất công và đất nông nghiệp, còn 16 hộ đất ở của khu TT Xí nghiệp xây lắp 4 cũ, chưa có vị trí tái định cư và đang đề nghị điều chỉnh quy hoạch.
Dự án khu đô thị Nam Thăng Long của Cty TNHH Phát triển khu đô thị Nam Thăng Long ( Đông Ngạc, Xuân Đỉnh) còn hơn 1ha chưa giải phóng mặt bằng tại phường Xuân Đỉnh. Hiện quận đang phối hợp với chủ đầu tư để thực hiện giải phóng mặt bằng; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao (Xuân Tảo, Xuân Đỉnh) hiện còn hơn 1ha chưa giải phóng mặt bằng phần đất ở, chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Đoàn giám sát đồng tình với kiến nghị của UBND quận Bắc Từ Liêm về việc thành phố sớm thanh tra các dự án đã được giao đất chậm triển khai, kiên quyết thu hồi nếu chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, hoặc chậm tiến độ sau 24 tháng không có lý do chính đáng. Bên cạnh đó, UBND thành phố giao các sở, ngành chức năng hướng dẫn quận xử lý tài sản trên đất đối với các trường hợp phải thực hiện thu hồi đất do cho thuê đất trái thẩm quyền.
Đoàn đề nghị, quận Bắc Từ Liêm rà soát cụ thể từng dự án chậm triển khai, qua đó tổng hợp theo nhóm, nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất với thành phố hướng xử lý. Khi thành phố quyết định thu hồi các dự án chậm triển khai, quận Bắc Từ Liêm cũng kịp thời đề xuất cho quận thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân cư đối với diện tích đất đã thu hồi. ...(Tienphong)