6.100 tỉ USD có tiềm năng chuyển thành giao dịch điện tử; TP.HCM mất ngôi quán quân về giá trị kim ngạch xuất khẩu; Bộ Công Thương phải báo cáo Thủ tướng các dự án nhà máy điện mặt trời; Hà Nội: Một quận, hàng chục dự án có dấu hiệu vi phạm luật đất đai
Tin kinh tế đọc nhanh 18-05-2018
- Cập nhật : 18/05/2018
Ngân sách An Giang sẽ 'bội thu' nếu bán đấu giá hàng lậu
Ông Nguyễn Hoàng Vân - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường An Giang - nói nếu hàng nhập lậu được bán đấu giá thì chắc chắn số tiền thu về cho ngân sách nhà nước sẽ tăng gấp nhiều lần.
Xe tải này vừa bị công an huyện Tịnh Biên bắt giữ chiều ngày 16-5 khi đang chở 70 bao đường cát Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam - Ảnh: BỬU ĐẤU
Chiều 17-5, ông Nguyễn Hoàng Vân - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường An Giang đã trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc sắp tới An Giang sẽ bán đấu giá hàng nhập lậu bị bắt giữ.
Theo ông Vân, kể từ khi Luật Đấu giá có hiệu lực từ ngày 1-7-2017 đến nay, chính phủ yêu cầu tất cả các mặt hàng lậu bị bắt giữ phải mang ra bán đấu giá theo để tăng thu ngân sách nhà nước.
Theo đó, tất cả hàng hóa bị bắt giữ không có hóa đơn, chứng từ và là hàng nhập lậu phải sung công quỹ nhà nước.
Nếu hàng không phải hàng mau hư, mau hỏng đều phải mang ra bán đấu giá nhưng tùy theo mặt hàng mà có thời gian lâu hay mau.
Nếu hàng lậu bị lưc lượng Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang bắt giữ vắng chủ thì sau khi thông báo vắng chủ sau 30 ngày sẽ có quyết định sung công quỹ. Hoặc hàng đã có quyết định tịch thu thì sẽ thành lập hội đồng định giá rồi mang ra bán đấu giá do Trung tâm đấu giá tài sản tỉnh An Giang thực hiện công khai.
Cũng theo ông Vân, trong năm 2017, Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã tiêu hủy 6 đợt thuốc lá nhập lậu, với khoảng 1,6 triệu bao thuốc, trị giá hàng hóa khoảng 16 tỉ đồng. Riêng đường cát Thái Lan nhập lậu do đơn vị bắt giữ được trên 95 tấn, bán chỉ định cho các doanh nghiệp thu về số tiền trên 1,13 tỉ đồng.
“Nếu số đường này đưa ra bán đấu giá thì chắc chắn số tiền thu về cho ngân sách nhà nước có thể gấp 2-3 lần. Dù ngoài thị trường đường cát chỉ có giá 14.000 đồng/kg nhưng mang ra bán đấu giá thì có thể tăng gấp 3 lần giá thị trường. Tuy nhiên, mặt trái của đấu giá là nhóm buôn lậu có thể quay vòng hóa đơn để hợp thức hóa cho số hàng lậu khác.” - ông Vân nói.
Đây là số gỗ lậu vừa bị lực lượng Biên phòng Tịnh Biên bắt giữ trong xe khách từ Campuchia về Việt Nam - Ảnh: BỬU ĐẤU
Còn ông Lê Văn Nưng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban chỉ đạo 389 - cho biết vài năm trước, An Giang có chủ trương bán hàng lậu chỉ định cho một vài doanh nghiệp nhỏ lẻ trong tỉnh để bán cho người tiêu dùng, tránh tình trạng nhóm buôn lậu lợi dụng hóa đơn bán đấu giá để quay vòng chống lại lực lượng chức năng.
“Việc bán đấu giá đường cát Thái Lan là để tăng nguồn thu ngân sách. Việc này chắc chắn sẽ gây khó khăn không ít trong công tác chống buôn lậu thời gian tới nhưng các lực lượng phải làm và làm quyết liệt hơn trên tuyến biên giới. Bằng cách là tăng cường kiểm tra, kiểm soát không để lợi dụng hóa đơn mà qua mặt lực lượng chức năng.” - ông Nưng nói.(Tuoitre)
-----------------------
Chỉ một cấp có quyền quyết mua sắm tài sản công
Việc định giá theo giá trị thị trường thay vì theo giá hóa đơn theo đại diện Cục quản lý công sản sẽ khắc phục được việc tiếp nhận tài sản “sang quá mức” – ông Thịnh cho hay.
Chiều ngày 17/5, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ 1/1/2018 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Theo ông Nguyễn Tấn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản – Bộ Tài chính, với 12 văn bản được ký ban hành, đây trở thành một trong những luật có nhiều văn bản chi tiết nhất. Nhiều nghị định được ban hành vào cuối năm 2017 nhưng đa có hiệu lực ngay từ 1/1/2018.
Về việc tiếp nhận quà tặng ô tô, Thủ tướng đã có văn bản chi đạo các bộ ngành địa phương yêu cầu không tiếp nhận ô tô. Theo quy định tại Nghị định số 9 /2018, đối với tài sản xác lập sở hữu toàn dân và tài sản biếu tặng, trước khi quyết định giao một đơn vị điều chuyển, phải thành lập hội đồng định giá để xác định sát giá thị trường, không căn cứ giá trên hóa đơn. Việc định giá theo giá trị thị trường khắc phục được việc tiếp nhận tài sản “sang quá mức” – ông Thịnh cho hay.
Về vấn đề phân cấp trong quản lý tài sản công, ông Thịnh cũng nhấn mạnh trong thời gian 1/1/2018 đến khi có quy định về phân cấp, thì việc phê, mua sắm, điều chuyển, thành lý.. thì chỉ một cấp mới có quyền quyết định. Cụ thể, ở trung ương chỉ người thủ trưởng hay ở địa phương cũng chỉ có một cấp có thẩm quyền là HĐND cấp tỉnh.
Tiêu chuẩn mức sử dụng tài sản công cũng đã được nâng thẩm quyền ban hành định mức từ Thủ tướng lên Chính phủ. Việc mua sắm tài sản công theo đó phải được kiểm soát ngay từ đầu bởi nếu để vượt quá sẽ rất khó xử lý. Ông cũng nêu ra ví dụ như việc giá ô tô vượt 90 triệu đồng thì không thể tháo 4 bánh ra để khắc phục được.
Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Khoản 1/ Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
------------------------
Cục trồng trọt lên tiếng về việc gom rễ tiêu bán sang Trung Quốc
Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn khẳng định không có chuyện chặt tiêu lấy rễ bán Trung Quốc sau hàng loạt thông tin dân trồng tiêu ở tỉnh Đồng Nai thu gom rễ bán cho thương lái.
Các hộ dân chỉ thu gom rễ tiêu khi cải tạo, tái canh hoặc chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác - Ảnh: B.A
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 17-5, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Nguyễn Hồng Sơn cho biết ngày 16-5, cục đã cử cán bộ kiểm tra tại các hộ dân trồng tiêu ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
"Qua kiểm tra cho thấy đây đều là các vườn tiêu già cỗi, năng suất thấp, chất lượng không cao. Tính ra, giá trị tiêu bán ra không đủ bù đắp chi phí nhân công, phân bón...
Các hộ ở đây đều khẳng định việc bán rễ tiêu chỉ thực hiện khi cải tạo, nhổ bỏ vườn tiêu bệnh, vườn tiêu già cỗi để tái canh tác bằng cây mới hoặc chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác.
Họ gom bán cho thương lái nhằm bù đắp một phần chi phí để cải tạo lại vườn tiêu chứ không có chuyện ham tiền mà đi đào rễ tiêu lên bán, vì lượng rễ tiêu thu được rất ít. Cho đến thời điểm này, tình trạng thu gom rễ hồ tiêu để bán cho thương lái đã không còn diễn ra", ông Sơn cho biết.
Ông theo ông Sơn, trong ngày 16-5, Cục Trồng trọt đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đề nghị thực hiện tốt việc vệ sinh các điểm có trụ tiêu bị chết do bệnh, không tổ chức mua, bán, hoặc phát tán rễ tiêu ra vùng lân cận.
Trước đó, ông Lê Đình Hưng - phó chủ tịch UBND xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) - xác nhận có tình trạng thương lái mua rễ tiêu trên địa bàn xuất sang Trung Quốc làm thuốc bắc.
Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai đã có văn bản cảnh báo tình hình thu gom gốc rễ cây hồ tiêu trên địa bàn gửi các huyện, thị, thành trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai, việc mua gốc rễ tiêu với mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường, có nguy cơ gây nên tình trạng người dân chặt phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.(Tuoitre)
-------------------------
Điều chỉnh quy hoạch TP Hải Phòng
Lần quy hoạch này sẽ phải rà soát lại tổng thể quy hoạch đã được phê duyệt từ năm 2009 và tình hình phát triển đô thị tại Hải Phòng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệtnhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Phòng, với diện tích 156.176 ha.
Ở lần quy hoạch này, Chính phủ yêu cầu rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2009 và tình hình thực tiễn phát triển đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Một góc Hải Phòng nhìn từ trên cao. Ảnh: Kinh tế và Đô thị.
TP Hải Phòng cũng cần rà soát định hướng phát triển các khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng. Từ đó, bản nghiên cứu phải đánh giá tính phù hợp của các quy hoạch trên với xu thế và vận hội phát triển thực tế của thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng cần bổ sung các nội dung mới về thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống không gian ngầm đô thị, chiếu sáng trang trí đô thị.
Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phải có thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỉ lệ dân số, lao động trong 5 năm gần nhất và phân tích xu hướng phát triển, các hiện tượng dịch cư, các vấn đề do đô thị hóa.
Bên cạnh đó, tình hình sử dụng đất đai phân tích đánh giá tại các khu vực lập quy hoạch, đặc biệt là quỹ đất đã xây dựng đô thị, công nghiệp, du lịch, hạ tầng... Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh giá quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất toàn thành phố.
Hiện nay, theo dự báo, đến năm 2025, toàn TP Hải Phòng có có 2,4 - 2,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 60 - 65%. Đến năm 2030, dân số tăng lên 3,5 - 4,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%.
Về đất đai, năm 2025, quy mô đất xây dựng đô thị hóa sẽ là 22.200 ha, với chỉ tiêu 150 m2/người. Dự báo năm 2030 tỷ lệ này là 56.700 ha và chỉ tiêu 180 m2/người.
Chính phủ cho biết mục tiêu của lần điều chỉnh này để xây dựng Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước. Cùng với đó, Hải Phòng cũng sẽ là trung tâm dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ.(NDH)