Việt Nam cho cá cược hợp pháp các trận bóng đá quốc tế; Hạ viện Nhật Bản chính thức thông qua dự luật phê chuẩn CPTPP; 4 tháng đầu 2018, sản lượng xuất khẩu ống thép của Hòa Phát gấp gần 3 lần cùng kỳ; Nhà đầu tư Mỹ muốn đầu tư dự án điện Sơn Mỹ 2
Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-05-2018
- Cập nhật : 18/05/2018
Huy động trên 56.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước huy động được 56.026 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại Sở. Lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ đã liên tục tăng trên tất cả các kỳ hạn gọi thầu kể từ giữa tháng 4.
Riêng trong phiên đấu thầu tuần này (ngày 16/5), đã gọi thầu 6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính Phủ. Theo đó, tại kỳ hạn 5 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, 7 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, 10 năm gọi thầu 2.000 và 15 năm là 2.000 tỷ đồng.
Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 3.980 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu tiếp tục tăng trên tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 13 thành viên dự thầu, huy động được 500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 3%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 2/5/2018).
Trái phiếu kỳ hạn 10 năm có 8 thành viên dự thầu, huy động được 1.300 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,23%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 9/5).
Phiên thầu phụ kỳ hạn 10 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, có 1 thành viên tham gia dự thầu, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,23%/năm.
Trái phiếu kỳ hạn 15 năm có 7 thành viên dự thầu, huy động được 980 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,58%/năm, tăng 0,03%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 9/5).
Phiên thầu phụ kỳ hạn 15 năm gọi thầu 600 tỷ đồng, có 1 thành viên tham gia dự thầu, huy động được 600 tỷ đồng với lãi suất 4,58%/năm.
Trái phiếu kỳ hạn 7 năm không có lãi suất trúng thầu.(TTXVN)
-------------------
Chậm bỏ quy định vô lý, doanh nghiệp gas bế tắc
Điều kiện kinh doanh gas quá khó khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh hoạt động bất hợp pháp, chờ ngày sửa quy định
Ngày 15-5 là thời hạn chót chuyển tiếp 2 năm theo Nghị định 19 về kinh doanh khí. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) gas đang rơi vào cảnh không đủ điều kiện hoạt động vì 2 năm qua không đầu tư để đáp ứng điều kiện mà tập trung "kêu cứu" mong Chính phủ sửa nghị định để được hoạt động theo nguyên trạng.
Trạm nạp lo phá sản
Sở Công Thương TP HCM vừa có văn bản gửi một số DN sở hữu trạm nạp gas trên địa bàn yêu cầu ngưng nạp gas do không đáp ứng quy định theo Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí. Lý do là DN chưa cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện làm DN gas đầu mối (DN có sở hữu vỏ bình gas, có thương hiệu riêng). Theo Nghị định 19, từ ngày 15-5-2018, trạm nạp gas phải thuộc sở hữu của DN đầu mối, để tiếp tục hoạt động các trạm nạp gas phải đầu tư cơ sở vật chất để "lên đời" là DN đầu mối hoặc phải bán mình cho một DN đầu mối khác.
Nhiều doanh nghiệp gas bế tắc do điều kiện kinh doanh quá khó Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Gas Thanh Bình (TP HCM), đang là tổng đại lý gas có sở hữu trạm nạp công suất 30 tấn/ngày - vô cùng lo lắng về khả năng phá sản trong những ngày tới. "Chúng tôi đã đầu tư vào trạm nạp 100 tỉ đồng, sử dụng 60 lao động, cung cấp gas cho 50 đại lý bán lẻ, 150 khách là nhà hàng, khách sạn, trường học… nếu phải dừng hoạt động, thiệt hại sẽ rất lớn" - ông Bình bức xúc. Theo ông Bình, 2 năm qua, công ty ông đã liên hệ, tìm kiếm các DN đầu mối hiện tại để liên kết, sáp nhập nhưng không đơn vị nào chấp nhận. Khó khăn nhất là định giá tài sản DN và những quy định trong lĩnh vực liên kết, sáp nhập quá phức tạp.
Ông Trần Thanh Trúc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Hải Việt (sở hữu trạm nạp Mai Hạnh và Tân Hải Việt tại TP HCM), cho biết thị trường gas đang khủng hoảng thừa nên Tân Hải Việt chỉ thực hiện chiết nạp gas gia công và phân phối gas cho các thương hiệu mạnh. Bởi lẽ, với thị trường khó như hiện nay, đầu tư thêm vỏ bình, kho chứa và bán hàng theo thương hiệu mới sẽ lỗ.
Theo Sở Công Thương, các trạm nạp tại TP HCM gặp vướng mắc đều là trạm chiết gia công cho gas Saigon Petro, chưa từng vi phạm về chiết nạp lậu và hoạt động trên 20 năm. Trước vướng mắc của các DN, sở đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị cho phép các trạm nạp trên tiếp tục hoạt động đến khi có nghị định mới. "Đối với các trạm nạp, chỉ nên quản lý về điều kiện an toàn, không nên buộc các trạm nạp phải thuộc sở hữu của DN gas đầu mối. Để ngăn ngừa tình trạng nạp gas lậu, các trạm nạp phải ký hợp đồng độc quyền nạp gas cho DN gas đầu mối, trường hợp muốn nạp gas cho thương hiệu khác, phải có sự chấp thuận bằng văn bản của DN có hợp đồng độc quyền" - Sở Công Thương nêu.
Vốn quá lớn
Thời gian qua, một số DN bắt đầu phát triển thương hiệu gas riêng (được xếp vào DN gas đầu mối) gặp vướng bởi quy định phải có bồn chứa 300 m3 và có ít nhất 100.000 vỏ bình, phải sở hữu trạm nạp cũng như thiết lập hệ thống phân phối. Ông Trần Trung Nhật, Giám đốc Công ty Gas Thái Dương (Tây Ninh), cho biết trước đây, công ty cũng đã đầu tư tương đối nhưng 2 năm qua, phải chi thêm 20 tỉ đồng để có bồn chứa, vỏ bình đáp ứng điều kiện kinh doanh. Không phải DN nào cũng có điều kiện như DN trên nên đa số đều "chịu trận" không thể đáp ứng điều kiện theo quy định. Theo Công ty Gas Phát Vinh (TP HCM), để đáp ứng điều kiện trên phải tốn từ 50-70 tỉ đồng, trong đó nặng nhất là vỏ bình (47 tỉ đồng), trạm nạp (10 tỉ đồng), bồn chứa (6 tỉ đồng) chưa kể các chi phí về thuê đất, xây dựng, vận hành - đây là khoản đầu tư quá lớn đối với DN.
Ông Lê Minh Lợi, Giám đốc Công ty Gas Thành Lợi (Thừa Thiên - Huế), cho biết đến thời điểm có khá nhiều DN ở khu vực miền Trung, miền Bắc ngưng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng chờ quy định mới. Riêng DN của ông cũng đã chuyển sang làm gia công cho các công ty khác. Ông Lợi cho biết công ty đã đầu tư gần 20 tỉ đồng để sở hữu gần 50.000 vỏ bình, bồn chứa gần 100 m3 và trạm chiết nạp gas nhưng không đầu tư tiếp vì thị trường quá nhỏ, nếu đầu tư tiếp sẽ lãng phí. Để đầu tư phải vay vốn ngân hàng sẽ chịu gánh nặng về tài chính.
Trước đó, trong tờ trình gửi Chính phủ về giải trình, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ liên quan đến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19 về kinh doanh khí, Bộ Công Thương nhấn mạnh quan điểm đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đang là rào cản cho sự phát triển của DN. Các thành viên Hiệp hội Gas Việt Nam, cả các DN lớn, đã đủ điều kiện kinh doanh cũng ủng hộ quan điểm này dù nghị định mới có thể giúp nhiều DN vừa và nhỏ chính thức tham gia thị trường, cạnh tranh khốc liệt hơn. Các DN cho rằng đối với ngành gas, vấn đề cần quản lý là an toàn phòng chống cháy nổ; về quy mô, hệ thống phân phối, cơ sở vật chất DN có thể thuê, không nhất thiết phải sở hữu. (NLĐ)
-------------------
Tôm xuất khẩu liên tục bị cảnh báo "dính" chất cấm
Liên tiếp bị thị trường nhập khẩu “cảnh báo” vi phạm về an toàn thực phẩm khiến mục tiêu xuất khẩu tôm 4 tỉ USD trong năm 2018 có thể gặp khó
Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), phía Hàn Quốc sẽ cử đoàn công tác sang đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh của Việt Nam trong chế biến, xuất khẩu tôm vào Hàn Quốc trong tháng 6 tới.
Nafiqad cho biết Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đã gửi liên tiếp 2 công thư trong tháng 4 thông báo đã phát hiện liên tiếp dư lượng Nitrofurans (một loại kháng sinh cấm dùng trong thủy sản) trong các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam, mặc dù đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% từ năm 2017.
Còn trong báo cáo vi phạm khi nhập khẩu hàng thực phẩm vào Úc tháng 3 vừa được Bộ Công Thương công bố thì Việt Nam có 2/38 lô vi phạm. Cả 2 lô thực phẩm Việt Nam vi phạm đều là tôm, những lô hàng này sẽ không được phép bán tại Úc, đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2017, kim ngạch tôm xuất khẩu đạt trên 3,8 tỉ USD, là mặt hàng chủ đạo (chiếm từ 45-75%) của xuất khẩu thủy sản trong 10 năm tới. Như vậy, trong mục tiêu xuất khẩu thủy sản 8,5 tỉ USD năm 2018, riêng ngành tôm phải đạt ít nhất 4 tỉ USD.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tôm nguyên liệu sạch kháng sinh
Trong quý I/2018, xuất khẩu tôm rất khả quan, khi đạt 742,9 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý là Hàn Quốc và Úc, 2 thị trường có cảnh báo lại có mức tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, Hàn Quốc (đứng vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường chính) tăng mạnh nhất 46,7% và Úc (đứng vị trí số 6) có mức tăng trưởng 44%.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, việc những thị trường tăng trưởng cao vướng "cảnh báo" cũng dễ hiểu vì khi số lượng hàng tăng thì tỉ lệ rủi ro cũng tăng lên.
"Tuy nhiên, việc các nước nhập khẩu còn áp dụng biện pháp cảnh báo và tổ chức đoàn sang Việt Nam kiểm tra nghĩa là ngành tôm Việt Nam vẫn còn cơ hội. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn các nước còn có thể cấm nhập khẩu, khi đó ngành tôm sẽ thiệt hại hơn" – ông Hòe đánh giá.
Đối với vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh, theo ông Hòe, nguyên nhân thuộc về khâu nuôi, không phải do nhà máy cho vào trong quá trình sơ chế, chế biến.
"Trách nhiệm của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu là quá trình kiểm soát đã để lọt nguyên liệu có dính kháng sinh vào nhà máy. Để khắc phục tình trạng này cần có một chương trình lớn về kiểm soát kháng sinh trên tôm do nhà nước chủ trì và VASEP đã đề nghị rất nhiều lần vì sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam. Đó là, cần phải kiểm soát việc nhập khẩu, lưu thông kháng sinh trên thị trường kể cả nguồn chính thức và nhập lậu; cần tạo môi trường sạch để nuôi tôm để hạn chế dịch bệnh cũng là hạn chế sử dụng kháng sinh. Đối với người nuôi tôm cần nâng cao nhận thức trong việc sử dụng kháng sinh (đúng loại, đúng cách) để đảm bảo cho tôm thương phẩm không còn tồn dư" – ông Hòe kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một doanh nghiệp có lô tôm xuất khẩu bị Hàn Quốc cảnh báo cho biết doanh nghiệp phải chịu toàn bộ thiệt hại dù nguyên nhân thuộc về khâu nuôi. "Khi mua tôm chúng tôi đã trả tiền cho nông dân và không thể bắt đền được. Chúng tôi có kiểm soát khi mua hàng những đã để lọt nên phải chịu rủi ro.
Mỗi năm, doanh nghiệp chúng tôi phải chi 1 triệu USD để kiểm soát kháng sinh bao gồm chi phí tuyên truyền hỗ trợ nông dân, kiểm soát quá trình nuôi, kiểm soát thu mua và chi phí xét nghiệm từng lô hàng trước khi xuất khẩu. Tuy nhiên, nỗ lực của các nhà máy là không đủ để kiểm soát tình hình. Bởi lẽ, vẫn còn 2 thị trường chưa kiểm soát chỉ tiêu kháng sinh là Trung Quốc và nội địa" – đại diện doanh nghiệp bức xúc.(NLĐ)
-----------------------
Doanh nghiệp năng lượng Anh "chấm" thị trường Việt Nam
75 công ty Anh hoạt động trong ngành dầu khí, gas và năng lượng tái tạo đã tham dự sự kiện EIC Connect Energy Vietnam 2018 do Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP HCM cùng EIC (Hội đồng Công nghiệp Năng lượng) phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 17-5 tại TP HCM.
Ông Ian Gibbons, Tổng Lãnh sự Anh tại TP HCM, cho hay đây là phái đoàn doanh nghiệp (DN) về năng lượng quy mô lớn nhất của Anh từ trước đến nay đến làm việc và tìm kiếm cơ hội hợp tác chiến lược, lâu dài với các công ty Việt Nam. EIC Connect Energy Vietnam 2018 được tổ chức trên cơ sở khảo sát của EIC về các quốc gia có nhu cầu sử dụng năng lượng và đầu tư các dự án năng lượng lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, trong đó Việt Nam thuộc tốp 10 quốc gia đứng đầu.
Các doanh nghiệp trao đổi tìm cơ hội hợp tác tại EIC Connect Energy Vietnam 2018
Trao đổi với các DN tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tinh năng lượng do nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế tăng cao trong khi nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế. Năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), gồm 75,5% năng lượng thương mại và 24,5% năng lượng phi thương mại. Dự báo đến năm 2035 tổng nhu cầu năng lượng sẽ tăng gần 2,5 lần so với năm 2015: từ 54 triệu TOE năm 2015 lên khoảng 90 triệu TOE năm 2025 và 134,5 triệu TOE vào 2035. Thực trạng trên khiến ngành năng lượng Việt Nam đang và sẽ đối mặt vấn đề an ninh năng lượng quốc gia do phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Song song đó, tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cũng như thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, bên cạnh việc phát triển năng lượng truyền thống, những năm gần đây, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo. Chỉ riêng lĩnh vực điện mặt trời, sắp tới sẽ có 33 dự án đầu tư được triển khai. DN nhiều quốc gia đã đầu tư vào các dự án năng lượng cũng như cung cấp thiết bị công nghệ cho các dự án năng lượng tại Việt Nam. Nổi bật nhất là Nhật, Hàn Quốc, Pháp. Trung Quốc, Ý… riêng DN Anh tham gia chưa nhiều.(NLĐ)