Đất Vân Phong tăng giá 100 lần trong 2 năm; Mỗi năm phải chi hàng chục tỉ USD để nhập lương thực thực phẩm; Iran yêu cầu Trung Quốc duy trì nhập khẩu sau lệnh trừng phạt của Mỹ; Malaysia thu gần 300 túi hàng hiệu, 72 bao tiền tại nhà cựu thủ tướng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-05-2018
- Cập nhật : 17/05/2018
Giao dịch qua Samsung Pay chạm mốc 350 tỉ sau 6 tháng
Sau hơn 6 tháng có mặt trên thị trường, ứng dụng thanh toán trên thiết bị di động Samsung Pay đã có gần 400.000 lượt người dùng đăng ký và 500.000 giao dịch thành công, với tổng giá trị giao dịch lên đến 350 tỉ đồng.
Samsung giới thiệu tính năng mới cho phép khách hàng kết nối điện thoại di động Samsung với đồng hồ thông minh Gear S3, rồi từ đó thanh toán bằng Samsung Pay - Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Thông tin được Công ty Điện tử Samsung công bố ngày 16-5, trong lễ công bố công bố mở rộng hệ sinh thái Samsung Pay thông qua việc tăng cường hợp tác chiến lược với các tổ chức chuyển mạch thẻ và hạ tầng số hóa cùng các ngân hàng (NH).
Đại diện Samsung cho biết nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng, giúp việc thanh toán di động bằng Samsung Pay dễ dàng, theo lộ trình phát triển 2018, số lượng các NH thương mại và các loại thẻ thanh toán có thể sử dụng trên Samsung Pay không ngừng được gia tăng.
Đến nay, có 15 NH thương mại và 3 tổ chức chuyển mạch thẻ tham gia vào mạng lưới thanh toán di động Samsung Pay, chiếm 75% thị trường thẻ thanh toán nội địa.
Cụ thể, chủ thẻ ATM của các NH như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Sacombank, Shinhan Bank, ABBank, Agribank, Techcombank... hay thẻ ghi nợ và tín dụng quốc tế của Vietinbank, Sacombank, TP Bank, Maritime Bank, SCB… đều có thể thanh toán qua ứng dụng Samsung Pay.
Các chủ thẻ ATM của NH Shinhan đã có thể thực hiện rút tiền bằng Samsung Pay tại các máy ATM mà không cần thẻ.
Theo ông Lê Quốc Hưng - phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) - việc Samsung mở rộng hệ sinh thái thanh toán di động qua thẻ tại thị trường Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán thẻ nội địa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Ông Sean Preston - giám đốc quốc gia Visa Việt Nam, Lào, Campuchia - cho rằng trong tương lai, thanh toán di động sẽ là kênh chủ yếu để người tiêu dùng sử dụng thẻ Visa.
Khi thương mại đang phát triển với tốc độ chóng mặt và Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tiến đến xây dựng xã hội không tiền mặt vào năm 2020, những dự án đầu tư như Samsung Pay là ví dụ điển hình là rất cần thiết để đảm bảo sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Dịp này, Samsung Pay cũng giới thiệu đến người dùng những tính năng mới như thanh toán qua đồng hồ thông minh Gear S3, cho phép khách hàng kết nối điện thoại di động Samsung với đồng hồ thông minh Gear S3, rồi từ đó thanh toán bằng Samsung Pay.(Tuoitre)
----------------------------
Ngân hàng siết cho vay bất động sản
Lãi suất cho vay tăng lên, điều kiện ưu đãi giảm xuống là động thái mới của ngân hàng gần đây.
Cần vay 1,5 tỷ đồng mua đất, chị Thu Trang (TP HCM) đã đến một chi nhánh của Vietcombank tìm hiểu. Chị được nhân viên ngân hàng cho biết, nếu chọn vay cố định trong 12 tháng đầu, lãi suất ưu đãi là 7,7% một năm; còn cố định 24 tháng, lãi suất 8,7% mỗi năm.
Sau thời gian ưu đãi trên, lãi suất cho vay sẽ bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 24 tháng cộng với biên độ 3,5% một năm (theo mức tính hiện nay là khoảng 10,5% mỗi năm).
Chị Trang cho biết, nhân viên ở đây khuyên chị vay sớm, vì để lâu lãi suất có thể tăng và điều kiện cũng khó hơn. Theo nhân viên giải thích, thời gian qua bất động sản tăng nóng, rủi ro cao mà dư địa cho vay lĩnh vực này lại hạn chế.
Hiện một số ngân hàng cổ phần khác áp dụng mức lãi cho vay mua đất, mua nhà, xây sửa nhà cũng tương đối cao. Như ACB, lãi suất dao động 8,5-10% tuỳ từng đối tượng khách hàng. Riêng với những khách hàng có tài khoản lương tại nhà băng này và mua nhà để ở thì lãi suất thấp hơn đôi chút. Trong khi đó, tại OCB, lãi suất cho vay bất động sản thông thường là 8,99% cho 12 tháng đầu, sau đó tầm 11,5%.
Thậm chí, có ngân hàng cho biết mức lãi suất cho vay lĩnh vực này lên đến 12% mỗi năm nếu khách hàng vay trung hạn. Vay dài hạn, lãi suất thời điểm giải ngân lên đến 12,5% một năm. So với trước đó vài tháng, lãi suất cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng cổ phần đã tăng khoảng 1-2% một năm.
Bên cạnh đó, do giá nhà đất ở một số khu vực vừa qua tăng khá nóng, các ngân hàng cũng thẩm định lại giá và chỉ cho vay tối đa 70% giá trị thay vì 80% thậm chí 90%, đồng thời xem xét, tính toán khá chặt chẽ về nguồn trả nợ của khách.
Một lãnh đạo Vietcombank cho rằng, thời gian qua bất động sản một số nơi tăng nóng và dễ rơi vào tình trạng bong bóng, đặc biệt là phân khúc bất động sản cao cấp. Việc giới hạn tín dụng lĩnh vực bất động sản trong thời điểm này là hợp lý và cần thiết với các ngân hàng.
Ngoài ra, theo ông, việc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 36 theo hướng siết chặt tín dụng vào bất động sản, trong đó có hai điều khoản tác động nhiều nhất là tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% giảm còn 40%, sẽ giới hạn lại nguồn vốn cho vay bất động sản.
Với việc hệ số rủi ro đối với các khoản vay liên quan đến bất động sản tăng từ 150% lên 250%, ngân hàng phải duy trì nguồn vốn tối thiểu cao, nên tất nhiên không còn nhiều vốn để cho vay bất động sản như trước kia.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng cho biết, nhiều ngân hàng đang siết cho vay đầu tư ở những khu vực trải qua đợt sốt đất mạnh như các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, quận 9, Bình Chánh....
Vị này cho biết thêm, hiện cho vay bất động sản trên địa bàn chiếm khoảng 11% tổng dư nợ cho vay. Với dư nợ ở TP HCM vào khoảng 1,75 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2017, tính ra cho vay bất động sản đã tương đương khoảng 192.500 tỷ đồng.
Số dư nợ này là chưa tính khoản cho vay mua bất động sản đang "ẩn" trong cho vay tiêu dùng cá nhân. Hiện dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP HCM khoảng 220.000 tỷ đồng, trong đó cho vay liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 28,7% (tương đương khoảng hơn 63.100 tỷ đồng). Như vậy, tổng vốn vào bất động sản tại TP HCM ước khoảng hơn 255.600 tỷ đồng.
So với khoảng một năm trước, vốn vào bất động sản thành phố đã tăng hơn 15.000 tỷ đồng, nếu xét về con số tuyệt đối.
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam - Phạm Hồng Hải từng đưa ra đánh giá, để phát triển bền vững, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh mảng dịch vụ thay vì chỉ tập trung vào tín dụng như hiện nay. Ngoài ra, theo ông, các ngân hàng cũng cần lưu ý nhiều đến dòng vốn tín dụng đổ vào các kênh rủi ro như bất động sản, chứng khoán và BOT.(Vnexpress)
-------------------------
PGS.TS Vũ Minh Khương: Giao đất lâu chỉ thu hút nhà đầu cơ vào đặc khu
Ông Khương cho rằng cần chú trọng chính sách, môi trường thuận tiện để nhà đầu tư kinh doanh yên tâm thay vì chỉ chú trọng vào ưu đãi.
Bên lề một hội thảo, chia sẻ về những vấn đề xung quanh dự thảo Luật đặc khu kinh tế, PGS. TS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng thời hạn giao đất ở đặc khu có thể dài tới 99 năm không phải chủ trương đúng đắn để thu hút nhà đầu tư.
Thời hạn giao đất cho nhà đầu tư tại các đặc khu có thể lên tới 99 năm có cần thiết không thưa ông?
PGS. TS Vũ Minh Khương: Khi giao đất càng lâu chỉ thu hút các nhà đầu cơ.
Các dự án công nghệ cao thực chất chỉ cam kết trao quyền sử dụng đất 50 năm, tối đa đến 70 năm cho hoạt động của mình. Các dự án hóa chất cũng chỉ cần tới 70 năm.
Khi có chính sách, môi trường thuận tiện để nhà đầu tư kinh doanh yên tâm thì chỉ cần giao đất 70 năm là đủ, không cần thiết phải tới 99 năm.
Đặc biệt, với đất nước đây là một vấn đề nhạy cảm khi bỏ nhiều yếu tố để thu hút đầu tư. Khi đó, hiệu quả thu hút nhà đầu tư có thể cao nhưng hiệu lực với đất nước là thấp, theo tôi cũng không nên.
Theo quan điểm của ông, mức ưu đãi tại đặc khu của Việt Nam hiện nay ra sao so với các nước khác?
PGS. TS Vũ Minh Khương:Các ưu đãi tại đặc khu của Việt Nam hiện nay khá cao. Việt Nam vẫn đang chủ yếu lấy ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Vấn đề này cần phải xem lại lại một cách chiến lược, không thể ưu đãi sau đó dùng tiền ngân sách để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Như với câu chuyện ưu đãi thuế, chúng ta cần phải bàn thảo lại cụ thể. Chúng ta có thể ưu đãi trong những giai đoạn đầu tiên nhưng không nên quá ưu đãi.
Để người dân không quá băn khoăn về câu chuyện ngân sách, tôi cho rằng có cách sau. Giả sử trước khi có đặc khu có thể thu được 1.000 tỷ đồng nộp ngân sách. Khi có đặc khu vẫn điều kiện như vậy thu được 2.500 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch 1.500 tỷ kia có thể trích lại 80% - 90% cho chính các đặc khu sử dụng làm kinh phí vận dụng các phương án giúp các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư tiếp mà ngân sách không ảnh hưởng gì.
Hiện nay dư luận đang lo ngại ưu đãi cho đặc khu là lấy tiền của người nghèo chảy vào phía nhà giàu. Rõ ràng, đặc khu kinh tế sinh ra để tạo các đột phá về phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay vẫn còn tranh cãi có cần phải xây dựng đặc khu hay không, đặc khu mang lại gì cho nền kinh tế Việt Nam, ý kiến của ông về điều này thế nào?
PGS. TS Vũ Minh Khương:Tôi rất ủng hộ chủ trương xây dựng các đặc khu, bởi nó tạo ra một tư duy mới hoàn toàn. Kể cả các đặc khu chưa thành công thì cũng tạo ra một bài học.
Xây dựng các đặc khu cũng có nghĩa chúng ta sẽ tạo ra một thiết chế mới để nhìn xem 30 năm nữa từ đó sẽ có được gì, đất nước sẽ như thế nào. Khi chưa có điều kiện để thực hiện các thiết chế riêng ở Hà Nội, TP HCM thì các đặc khu sẽ như một cơ chế thử nghiệm. Có thể không cầu toàn 100% thành công đối với các đặc khu nhưng chúng ta phải bắt đầu thực hiện.
Khi có đặc khu, các địa phương khác cũng sẽ phải dồn dập thực hiện. Không làm được các địa phương cũng sẽ bị phê phán. Người đứng đầu cũng sẽ bị loại bỏ nhanh chóng bởi khi đó cả nước đang nhìn vào.
Đặc khu kinh tế cũng sẽ tạo ra một thiết chế đặc biệt để hướng cho phát triển trong tương lai của Việt Nam. Với thời đại số này, tất cả các dữ liệu đầu tư cũng sẽ được công khai tới mức các nhà lãnh đạo yếu sẽ không dám nhận làm đặc khu. Tất nhiên hiện nay ai cũng thích làm đặc khu vì tin rằng có thể hưởng lợi nhiều nhưng thực ra cơ chế của các đặc khu sắp hình thành sẽ rất khắc nghiệt, như cưỡi lên lúc hổ.
Tôi mong đặc khu ra đời và những người không làm được sẽ bị xử lý.
Còn về dự thảo Luật hiện nay ông đánh giá như thế nào?
PGS. TS Vũ Minh Khương: Tôi đề nghị Luật về đặc khu phải là khung luật chung, có thể áp dụng cho bất cứ nơi nào thay vì chỉ có Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong như hiện nay.
Luật cần phải là luật chung để khi 3 địa phương kia làm không tốt, những nơi khác kể cả Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi cũng có thể phát triển thành đặc khu.
Luật cần có cơ chế linh hoạt hơn là chỉ có ba đặc khu rồi chờ xem từng cái hoạt động ra sao.(NDH)
--------------------------
Thống đốc nói về việc mua lại 3 ngân hàng giá 0 đồng
Phương án mua bắt buộc 3 ngân hàng là giải pháp cuối cùng, khi các phương án khác như không bán được cho nhà đầu tư mới, không thực hiện sáp nhập, hợp nhất tự nguyện và bắt buộc do mức độ thua lỗ lớn của các ngân hàng, kể cả việc cho phá sản… đều không thực hiện được.
Đây là một trong những nội dung trong văn bản Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng trả lời cử tri TP.HCM mới đây.
Theo đó, cử tri TP.HCM cho rằng cần xem xét việc mua lại các NH với giá 0 đồng gồm NH Đại Dương (OCEAN Bank), NH Dầu khí toàn cầu (GP.Bank); NH Xây dựng (VNCB). Cần làm rõ trách nhiệm đối với các NH này khi để thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, cần thiết cần xử lý trách nhiệm hình sự từng trường hợp để tránh việc kinh doanh thua lỗ rồi để NHNN gánh nợ…
Về vấn đề này, thống đốc cho biết qua công tác thanh tra, giám sát, NHNN đã xác định được các NH yếu kém, trong đó có 3 NH là Xây dựng, Dầu khí toàn cầu và Đại Dương. Đây là 3 NH thua lỗ lớn, có nguy cơ đổ vỡ cao hoặc lâm vào tình trạng phá sản. NHNN đã đặt 3 NH này vào tình trạng kiểm soát đặc biệt theo đúng quy định của Luật các Tổ chức tín dụng. Đồng thời, yêu cầu 3 NH phải xây dựng phương án cơ cấu lại để xử lý những tồn tại, yếu kém.
Thống đốc cho biết việc NHNN mua lại bắt buộc 3 NH yếu kém là có đầy đủ cơ sở pháp lý
"Dù đã được NHNN tạo điều kiện cơ cấu lại nhưng NH Dầu khí Toàn cầu không đề xuất được phương án cơ cấu lại khả thi; NH Xây dựng và Đại Dương không thực hiện được phương án đã được phê duyệt. Thậm chí tình hình tiếp tục xấu đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng và quyền lợi của người gửi tiền" – thống đốc trả lời cử tri.
Trong khi đó, các phương án xử lý pháp nhân đối với các NH yếu kém này đều không khả thi như không bán được cho nhà đầu tư mới; không thực hiện được việc sáp nhập, hợp nhất tự nguyện và bắt buộc do mức độ thua lỗ lớn. Phương án phá sản thời điểm đó cũng không thực hiện được do chưa có chủ trương vì nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội lớn, nguy cơ tác động rút tiền hàng loạt tại các NH thương mại khác rất lớn, khó kiểm soát.
"Trước tình hình trên, phương án mua bắt buộc 3 NH là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn, nhằm mục tiêu bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống NH và thị trường tài chính. Cũng như bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, bảo đảm quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng không ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội" – thống đốc giải thích.
Theo NHNN, việc cơ quan này mua lại bắt buộc 3 NH yếu kém là có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tế cho thấy giải pháp mua bắt buộc đã có tác dụng tích cực ngay lập tức đến tâm lý thị trường, người gửi tiền ngừng rút tiền ồ ạt, quay trở lại gửi tiền tại 3 NH. Đồng thời, NHNN không phải hỗ trợ thanh khoản cho các NH này.
Liên quan đến trách nhiệm đối với các NH khi để thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng, người đứng đầu NHNN cho biết cơ quan này đã chủ động triển khai các biện pháp quản lý, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Căn cứ kết quả thanh tra, đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, NHNN đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh. Việc để NH yếu kém, kinh doanh thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng trực tiếp thuộc về trách nhiệm giám sát, quản trị, điều hành yếu kém của các cổ đông lớn, HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban điều hành của chính các NH này.
Theo đó, cổ đông lớn, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, người quản lý, điều hành của các NH này có vi phạm pháp luật nghiêm trọng đều đã, đang bị cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
"Việc NHNN mua bắt buộc các NH thương mại yếu kém không làm giảm trách nhiệm và nghĩa vụ của các cổ đông NH, đặc biệt là các cổ đông có sai phạm. Trái lại, thông qua việc trực tiếp cử người tham gia quản trị, điều hành các NH, NHNN có điều kiện phát hiện đầy đủ, chính xác hơn các sai phạm và các nghĩa vụ của các đối tượng này, từ đó phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý theo quy định" – ông Lê Minh Hưng trả lời cử tri TP.HCM.(NLĐ)