tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-08-2018

  • Cập nhật : 25/08/2018

Phê duyệt dự án khu đô thị gần 250ha

UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị phía Nam Quốc lộ 19, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn nhằm hướng quy hoạch chung đô thị Phú Phong đạt chuẩn đô thị loại IV.

Theo quy hoạch sử dụng đất, khu đô thị phía Nam Quốc lộ 19 (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) có diện tích đất khoảng 242,6 ha chia thành 3 tiểu khu gồm: tiểu khu A (khu vực phía Tây) với diện tích đất 110,6 ha, tiểu khu B (khu vực dọc Quốc lộ 19) có diện tích đất 42,7 ha và 89,3 ha còn lại là Tiểu khu C (khu vực phía Đông Nam).

Với hướng cụ thể hóa quy hoạch chung đô thị Phú Phong theo hướng đạt chuẩn đô thị loại IV, dự án được sử dụng với mục đích xây dựng công trình dịch vụ, công cộng; đất nhà ở; đất công viên - thể dục thể thao; đất giao thông khu vực, nội bộ; đất hỗn hợp - dịch vụ thương mại (ngân hàng, showroom, văn phòng,...); đất tôn giáo; đất hành lang tuyến điện, hành lang thoát lũ; đất cơ quan;…

Mục tiêu của quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/200 nhằm phân khu chức năng khu đô thị để cải tạo, chỉnh trang và phát triển theo hướng thương mại - dịch vụ và du lịch; tạo động lực phát triển cho đô thị Phú Phong; quy hoạch khai thác hiệu quả giá trị sử dụng đất của khu vực trên cơ sở lợi thế giao thông đối ngoại; làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết xây dựng, thực hiện dự án đầu tư phát triển, cải tạo chỉnh trang và quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị.(NDH)
----------------------

Buôn lậu nườm nượp ở vùng biên

Nước lũ đang tiếp tục dâng cao tại những cánh đồng ven biên giới. Tranh thủ thời cơ này, các đầu nậu tung lực lượng vận chuyển hàng lậu về suốt ngày đêm với nhiều thủ đoạn ma mãnh

Hoạt động buôn lậu vẫn tiếp diễn bởi nhu cầu tiêu thụ đường cát và thuốc lá điếu trong nước còn cao, đồng thời lợi nhuận từ hàng lậu rất đậm. Chúng tôi đã về các vùng biên giới để tận mục sở thị.

Vào đất của dân "đai" hàng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những ngày qua, hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới thuộc các huyện Tịnh Biên, An Phú, TP Châu Đốc và thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang hết sức sôi động, chủ yếu diễn ra vào ban đêm.

Buôn lậu nườm nượp ở vùng biên - Ảnh 1.

Ung dung chở đường cát lậu trên Quốc lộ 80

Khu vực thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), các đối tượng buôn lậu chọn cống Thằng Cần và kênh Tư Mèo để vận chuyển đường cát và thuốc lá lậu về kinh Vĩnh Tế trước khi giao lại cho các chủ tại địa phương. Vào khoảng 18 giờ mỗi ngày, các đầu nậu huy động lực lượng dùng xuồng máy, vỏ lãi có công suất lớn băng qua cánh đồng ngập lũ để lấy hàng tại nhiều kho chứa phía bên kia biên giới. Một đối tượng có tiếng ở đây còn dùng cả nhà máy xay xát lúa gạo làm kho chứa hàng lậu quy mô lớn, nhiều nhất là đường cát Thái Lan. Lượng hàng lậu này nhanh chóng được chuyển đi nơi khác tiêu thụ bằng các loại xe tải hạng nặng. Riêng thuốc lá thì được các đầu nậu thuê người chở về đây không dưới 600 thùng (mỗi thùng 500 gói).

Buôn lậu nườm nượp ở vùng biên - Ảnh 2.

Khu vực Đường Xuồng luôn sôi động giao nhận hàng

Chúng tôi ngược dòng kinh Vĩnh Tế và phát hiện tại khu vực gần cầu Cống Đồn thuộc ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế (TP Châu Đốc) có rất nhiều người đang tất bật đưa đường cát Thái Lan lên xe cải tiến để vận chuyển lên Tỉnh lộ 955. Nhiều xe tải mang biển kiểm soát Hậu Giang, Bến Tre và TP HCM cũng thay phiên nhau vào lấy hàng rồi tức tốc chạy ra tuyến đường tránh Quốc lộ 91 hướng về TP Long Xuyên. Tại các ngã ba đường dẫn ra tuyến tránh này đều có nhiều "chim lợn" mắc võng nằm canh lực lượng chức năng, báo tin cho đầu nậu biết để tìm cách đối phó.

"Chủ buôn lậu ở đây là một người đàn ông tên Việt, bị cơ quan chức năng ở tỉnh Kiên Giang truy nã nhưng không hiểu sao chẳng bị gì mà còn về đây hoạt động buôn lậu với quy mô lớn" - một người dân thắc mắc.

Tại khu vực giáp biên thuộc xã Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), các đối tượng vận chuyển thuê cũng chọn phương án "ăn đêm" để qua mặt lực lượng chức năng. Họ chạy thành từng tốp nhỏ trên con đường làng vừa được nâng cấp, mở rộng. Lượng hàng lậu này sẽ được chuyển qua sông Tiền bằng xuồng máy công suất lớn để giao lại cho các kho chứa bên bờ đối diện thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Còn tại khu vực chợ Gò Tà Mâu (Campuchia, nơi giáp ranh với phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc) thì không còn thấy xuất hiện mặt hàng đường cát Thái Lan vì một số kho chứa ở đây đã bị ngập lũ. Riêng thuốc lá điếu được vận chuyển về đêm bằng xuồng máy theo rạch Cây Gáo về khu vực khóm 7, phường Châu Phú A để giao hàng. Từ đây, các đầu nậu thuê người dùng xe máy chở "đai" thuốc lá về khu vực một trung tâm thương mại thuộc xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú để đưa lên xe tải, xe khách đi tiêu thụ khắp nơi.

Tấp nập như đi chợ!

Trước đây, "thủ phủ" đường cát lậu được biết đến là thuộc các xã ven sông Bình Di như Khánh An, Khánh Bình, thị trấn Long Bình của huyện An Phú và khu vực giáp ranh Gò Tà Mâu thuộc xã Vĩnh Ngươn (TP Châu Đốc), còn nay đã chuyển hướng sang địa bàn thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 7-8 vừa qua, chúng tôi men theo Quốc lộ 80 về khu vực cửa khẩu quốc tế Hà Tiên để ghi nhận tình hình buôn lậu. Khi xe vừa đến địa phận xã Mỹ Đức (thị xã Hà Tiên) chúng tôi bắt gặp hàng loạt xe ba gác, xe thồ nườm nượp đi ăn hàng chẳng khác nào đi chợ mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía lực lượng chức năng. Xe chở hàng lậu cứ ung dung chạy trên đường, ngay cả khi phát hiện có người chụp ảnh hay ghi hình, họ vẫn cười tươi rói!

Bám theo những người vận chuyển thuê, chúng tôi đến khu vực gần cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Từ bên phải Quốc lộ 80 có con đường nhỏ được làm bằng bê-tông hướng ra cánh đồng ngập nước quanh năm (ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức) mà người dân địa phương quen gọi là Đường Xuồng. Vừa qua khu vực ngã ba này một đoạn ngắn, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước hàng xe máy nối đuôi nhau chở thuốc lá điếu và đường cát Thái Lan tăng tốc phóng theo chiều ngược lại để ra Quốc lộ 80. Có xe chở đến 12 bao đường cát (loại 50 kg/bao). Xe thuốc lá cũng chất cao ngất vì được lực lượng chức năng cho "xả cửa".

Một phụ nữ buôn bán nhỏ ở đây cho biết hiện giá đường cát Thái Lan có giá tại Campuchia là 10.000 đồng/kg, đưa lậu sang Việt Nam bán lẻ cho người tiêu dùng khoảng 12.000 đồng/kg. Nếu bán sỉ hoặc cả bao thì giá thấp hơn nữa.

Qua mặt lực lượng chức năng

Theo báo cáo của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh An Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 An Giang), hiện các khu vực giáp biên với tỉnh này có 26 kho chứa hàng lậu. Đặc biệt, khi các tuyến đường thông qua biên giới bị nước lũ ngập sâu là lúc thuận lợi cho buôn lậu hoạt động, gây khó khăn cho lực lượng phòng chống.

Các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm và cách thức giao nhận hàng. Hàng lậu được tập kết sát biên giới để chờ thời cơ, sau đó dùng môtô, ghe, xuồng máy tốc độ cao hoặc thuê nhiều dân "đai" lén lút vận chuyển qua biên giới theo các đường mòn, kênh rạch rồi ém vào các kho hàng hay chia nhỏ cất giấu trong nhà, tiếp tục đưa lên các phương tiện khác để chuyển vào nội địa tiêu thụ. Nhằm đối phó lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu luôn cử người canh gác suốt ngày đêm và liên tục báo tin cho nhau. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, các đầu nậu tính toán rất kỹ, gắn trách nhiệm bồi thường cho đội quân "đai" hàng nếu bị bắt, vì vậy các lực lượng chống buôn lậu thường gặp phải sự chống trả gay gắt, táo tợn từ nhóm làm thuê này. (NLĐ)
------------------

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Chọn góc nhìn lạc quan

Có 2 điều mà những người làm kinh doanh không bao giờ muốn, đó là chi phí gia tăng và nhiều yếu tố bất ổn. Với việc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, các thành viên thị trường buộc phải đón nhận cả 2 điều này. Vậy trong những tháng tới, những diễn biến nào có thể xảy ra?

Mỹ đã đánh thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng 7, thêm 16 tỷ USD hàng hóa khác kể từ ngày hôm qua (23/8). Chưa kể, 200 tỷ USD hàng hóa từ Đại lục đang được xem xét các mức thuế và sẽ công bố thông tin vào đầu tháng 9.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đánh thuế lên đậu nành nhập khẩu từ Mỹ với giá trị khoảng 11,3 tỷ USD và các loại thực phẩm khác (3,77 tỷ USD thịt; 2,16 tỷ USD hoa quả).

Trong bối cảnh này, cuộc đối thoại lần thứ hai giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới về các căng thẳng thương mại được dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 8. Các thành viên thị trường đang có những ý kiến lạc quan và bi quan trái chiều. 

Lý do để lạc quan

Thứ nhất, Trung Quốc đã có những động thái cải thiện điều kiện thị trường và giảm bớt các rào cản với doanh nghiệp Mỹ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dù những “thiện chí” này còn khá khiêm tốn và chưa nhận được sự chú ý của chính quyền Mỹ.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia nhận định, động lực chính khiến cả 2 quốc gia dự kiến nối lại đối thoại vào cuối tháng 8 là việc Trung Quốc muốn thiết lập một quan điểm chung có thể làm hài lòng đối tác Mỹ, trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đo lường xem Đại lục có thể nhượng bộ tới mức nào.

Với góc độ này, nhiều khả năng cuộc đối thoại sẽ mang tới những kết quả dễ chịu hơn cho các thành viên thị trường, khi Trung Quốc có động thái thiện chí hòa hợp và Mỹ sẽ chấp nhận những đề nghị được đưa ra.

Thứ hai, đang có những tín hiệu tích cực đưa ra từ cả 2 phía. Cụ thể, Trung Quốc đang có biện pháp kiềm chế đà giảm của đồng nhân dân tệ so với USD, dù đồng tiền này đã giảm giá khá mạnh so với USD kể từ đầu năm tới nay, khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn so với các sản phẩm Mỹ.

Bên cạnh đó, dù đánh thuế “trả đũa” lên các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, nhưng quy mô và mức độ của biện pháp này vẫn “nhẹ nhàng” hơn so với hành động từ Mỹ. Điều này cho thấy, Trung Quốc không có ý định tiếp tục leo thang chiến tranh.

Về phía Mỹ, gần đây, Tổng thống Trump đã không ít lần có những phát biểu thể hiện sự tán dương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đáng chú ý, trong vòng 10 ngày, Mỹ 2 lần liên tiếp nhượng bộ ZTE – tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc với việc nới lỏng lệnh cấm doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm.

Với động thái này, nhiều chuyên gia nhận định, Mỹ đang cố gắng để “thu gọn” cuộc chiến và tránh mở rộng thêm các bất đồng trong cuộc đối thoại sắp tới. 

Cái nhìn màu xám

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố khó đoán định, việc đặt niềm tin trọn vẹn vào những mặt tích cực khó có thể xảy ra. Theo đó, vẫn có những lý do để một số chuyên gia, thành viên thị trường giữ cái nhìn màu xám với diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong thời gian tới.

Trong đó, đáng chú ý nhất là việc liệu cuộc đối thoái dự kiến diễn ra trong thời gian tới có mang lại kết quả tích cực hay không? Mục đích chính của chính quyền Mỹ trong việc đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là giảm thâm hụt thương mại với Đại lục.

Về mục tiêu này, chính sách thuế của Tổng thống Trump hầu như không có tác dụng.

Theo số liệu mới nhất, tính tới tháng 6, thâm hụt thương mại của Mỹ đạt 823 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2008 và cao hơn 11,8% so với tháng 12/2016, theo Panjiva/S&P Global Market Intelligence.

Trong đó, gần một nửa thuộc về Trung Quốc, khi thâm hụt thương mại Mỹ - Trung đạt 390,2 tỷ USD.

Chưa kể, Mỹ có nhiều toan tính hơn với Trung Quốc bên cạnh xung đột về thương mại, trong đó có cả vấn đề sức ảnh hưởng của quốc gia này ngày càng lớn sau khi Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). (ĐTCK)

Trở về

Bài cùng chuyên mục