Đức bắt CEO Hãng xe Audi vì bê bối gian lận đo lường khí thải; Giá đậu tương rơi xuống mức 'đáy' vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; Google rót 550 triệu USD cho hãng Trung Quốc JD.com; Long An phạt các dự án chưa có giấy phép đã xây dựng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-06-2018
- Cập nhật : 17/06/2018
Fitch: Việt Nam cần thận trọng để trở thành nền kinh tế đáng đầu tư
Fitch Ratings cảnh báo, Việt Nam không nên đánh đổi sự ổn định để lấy tăng trưởngnhanh nếu muốn trở thành một nền kinh tế đáng để đầu tư.
Fitch Ratings muốn nhìn thấy các bằng chứng cho thấy sự ổn định kinh tế vĩ mô duy trì bền vững trước khi cân nhắc nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam, ông Stephen Schwartz – giám đốc xếp hạng tín nhiệm quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Fitch, cho biết.
Tháng trước, Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên BB nhờ dự trữ ngoại hối tăng và tăng trưởng mạnh mẽ.
Fitch cũng đang theo dõi các nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các yếu kém trong cơ cấu kinh tế, trong đó có cải cách doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu.
“Thách thức đối với các chính sách là làm sao duy trì tăng trưởng kinh tế cao mà không hy sinh lợi ích của ổn định kinh tế vĩ mô, vốn là cơ sở để chúng tôi nâng xếp hạng vừa qua. Chính phủ đang nhìn thấy và cải thiện các lĩnh vực yếu kém và thách thức mang tính cơ cấu”, ông Schwartz cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại Hà Nội.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới sau khi tăng trưởng GDP bứt phá lên 7,4% trong quý I năm nay, cao nhất kể từ năm 2005. Chính phủ muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát, gần đây đã đưa ra các giải pháp như bình ổn giá xăng dầu và không tăng giá điện.
“Trong bối cảnh chính sách tiền tệ đang được thắt chặt trên toàn cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng trung ương các nước trong khu vực cần phải thận trọng”, ông Schwartz cho biết.(Vietnambiz)
-----------------------
Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009
Chuyên gia kinh tế Winarno Zain nhận định cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào năm 2008 - 2009 là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thế giới tính từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1930.
Lehman Brothers tuyên bố phá sản vào ngày 15/9/2008 sau nỗ lực bất thành về việc tìm kiếm đối tác trợ giúp, đánh dấu trường hợp sụp đổ lớn nhất trong cuộc khủng hoảng. Nguồn: Internet
Cú sốc tài chính diễn ra từ năm 2008 tại Mỹ đã gây cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu. Mười năm sau, Indonesia vẫn đang phải vật lộn với hậu quả của cuộc khủng hoảng này.
Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Indonesia (KPK) vẫn đang tiến hành điều tra gói cứu trợ của Ngân hàng Thế kỷ của Indonesia, đây cũng là ngân hàng duy nhất của Indonesia bị phá sản do tác động của cuộc khủng hoảng.
Rất nhiều nhà đầu tư của Indonesia khi đó đã mất hàng triệu USD vào các ngân hàng Mỹ.
Trong giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng từ năm 2007-2009 ở Mỹ, GDP của nước này đã biến động mạnh. Vào quý III/2008 tăng trưởng GDP ở mức 3,7%, đến quý IV/2008 con số này tăng lên 8,9% và đến quý I/2009 thì hạ xuống còn 5,3%.
Cuộc khủng hoảng này khiến nền kinh tế toàn cầu thất thoát 4.500 tỷ USD vào năm 2009. Các quốc gia khác đã mất một thời gian dài sau đó mới có thể khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và thậm chí có nhiều lĩnh vực không thể nào phục hồi được. Sau đúng 10 năm, thế giới lại đang phải đối mặt với những mầm mống có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng mới.
Giá nhà ở tăng cao tại Mỹ đang tạo áp lực đối với các ngân hàng và rất dễ xảy ra tình trạng tăng trưởng nóng. Trong 3 tháng đầu năm 2018, giá nhà ở tại nước này đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017.
Chuyên gia kinh tế của CoreLogic, ông Frank Nothaft cho biết: “Nhu cầu cao và nguồn cung hạn chế đã đẩy giá nhà vượt qua mức tăng kỷ lục được ghi nhận vào đầu năm 2006. Hoạt động xây dựng nhà mới vẫn diễn ra chậm chạp, nguồn cung thiếu hụt tiếp tục tạo áp lực lên giá bán”.
Việc giá nhà ở bị đẩy lên cao sẽ ảnh hưởng nặng nề đến mức thu nhập cũng như đời sống của người dân, từ đó kéo theo những hệ quả xấu đối với nền kinh tế.
Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers Holdings nộp đơn xin phá sản sau 158 năm hoạt động. Cùng ngày, một tập đoàn ngân hàng lớn khác của Mỹ là Merrill Lynch đã tuyên bố sáp nhập với Bank of America với trị giá 50 tỷ USD, do thua lỗ bởi cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp nhà ở tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trước đó, Bear Stearns cũng đã được bán cho JP Morgan trong tháng 3/2008 với nguyên nhân tương tự.
Ngày 19/9/2008, Chính phủ Mỹ đưa ra kế hoạch cứu trợ cả gói trị giá 700 tỷ USD để mua lại các khoản vay thế chấp có tính thanh khoản yếu và các tài sản khác liên quan đến nợ xấu của ngân hàng, tập đoàn tài chính.
Tuy nhiên, khi khoản trợ cấp này chưa được Quốc hội Mỹ thông qua, các chỉ số chứng khoán chủ đạo của Mỹ đã sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1987, thậm chí, chỉ trong một ngày, thị trường chứng khoán Mỹ bị "bốc hơi" tới 1.100 tỷ USD.
Đối với Indonesia, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 rất nặng nề, với những ảnh hưởng có thể coi là lớn nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Tốc độ tăng trưởng GDP của nước này đã hạ từ mức 6,1% năm 2008 xuống còn 4,5% vào năm 2009. Thái Lan và Malaysia với mức tăng trưởng tương ứng là 2,3% và 1,5% vào năm 2009.
Ngay từ khi bắt đầu khủng hoảng tiền tệ, thị trường cổ phiếu của Indonesia cũng như các nước Đông Nam Á sa sút, chính phủ các nước cũng tuyên bố hạ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009.
Việc thắt chặt tiền tệ và nhu cầu toàn cầu giảm sút làm giảm lòng tin của nhà tiêu dùng và nhà đầu tư, điều này gây ảnh hưởng bất lợi đối với ngành chế tạo và xuất khẩu của khu vực.
Đối với Singapore, ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ toàn cầu đối với ngành du lịch nước này khá rõ rệt. Tháng 9/2008, khách du lịch đến Singapore giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2008 và tình trạng giảm sút này còn kéo dài đến hết năm 2009 cũng như năm 2010.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến 5 ngành lớn của Philipines. Cụ thể, lao động Philipines tại nước ngoài bị mất việc làm buộc phải quay về nước, ngành dịch vụ bao gồm bất động sản gặp khó khăn, các ngành điện tử, viện trợ nước ngoài, xuất khẩu nông sản giảm sút từ đó đã tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.
Dư âm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 vẫn còn đó. Bài học đầu tiên cần phải rút ra là nền kinh tế của mỗi quốc gia phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đây là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng.
Thêm nữa, các nước cần phải có các định chế tài chính chặt chẽ và nó không thể bị xâm phạm vì bất cứ lý do gì.
Hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 2008 - 2009 đối với một số quốc gia hiện vẫn chưa thể khắc phục.
Trên thế giới hiện đang xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mới nếu các quốc gia không có biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời.(TTXVN)
----------------------
Đầu tư nông nghiệp bền vững: Cần cải thiện môi trường và chính sách
Phát triển nông nghiệp bền vững nhiều năm qua được xem như xu thế tất yếu, và Việt Nam được xác định là quốc gia có nhiều lợi thế.
Tuy nhiên, từ lợi thế đến thực tiễn còn đòi hỏi phải cấp thiết cải thiện môi trường và chính sách để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong giai đoạn 2011 - 2017, tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 4,5 - 5%/năm, trong đó giá trị của ngành chăn nuôi chiếm 30 - 32% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng để tiếp thêm động lực cho người chăn nuôi, tuy nhiên, thực tế trong suốt năm qua giá heo hơi trên thị trường luôn trồi sụt thất thường khiến nhiều người chăn nuôi thua lỗ.
Sau khi Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc, sự thua lỗ đã giảm đáng kể (hơn 3.000 tỷ đồng mỗi tháng). Song, theo tính toán của Hội Chăn nuôi, sự khủng hoảng về cung - cầu thịt heo vừa qua đã làm người chăn nuôi mất đi phần lãi khoảng 100 nghìn tỷ đồng trên tổng số tiền đầu tư mà lẽ ra họ được hưởng.
Không chỉ ngành chăn nuôi heo, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hằng năm đều có thể rơi vào tình trạng biến động thất thường. Những sản phẩm chăn nuôi nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung luôn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt mà chỉ riêng ngành nông nghiệp và nông dân không thể tự giải quyết được. Điều này thể hiện qua việc thị trường năm nào cũng lặp lại tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ với giá rất thấp, thậm chí dưới giá vốn. Phần thua thiệt chủ yếu vẫn thuộc về người sản xuất.
Vấn đề này thôi thúc và đòi hỏi những chính sách nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. Chúng ta có thể kỳ vọng gì khi mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP (ngày 17/4/2018) về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP? Nghị định mới cho thấy hàng loạt bất cập trong chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn đã được thay đổi.
Ví dụ, nghị định này quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước và quy định trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các DN đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Điển hình, DN có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án, miễn tiền sử dụng đất cho phần đất sau khi được chuyển đổi.
Chính sách khuyến khích cũng cho thấy nhiều sự đổi mới hơn: DN đầu tư vào dự án nông nghiệp - nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại. Mức hỗ trợ bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư, tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ. Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, thời gian tối đa 8 năm.
Bên cạnh đó, DN đặc biệt được ưu đãi từ chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp để đào tạo nghề cho lao động, sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/lao động trong thời gian 3 tháng. Đồng thời, DN này cũng được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; 50% kinh phí tham gia triển khai hội chợ trong nước, ngoài nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Nghị định 57 đề cập những giải pháp cấp thiết về cải thiện môi trường. Chẳng hạn đối với vùng đất nhiễm mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho người dân đã đưa ra giải pháp trước hết là quy hoạch công trình thủy lợi phục vụ cho chuyển đổi mục đích sản xuất, đảm bảo có thể lấy đủ nước mặn, nước ngọt cho phát triển nuôi trồng thủy sản trong mùa khô, cung cấp đủ nước ngọt và thoát nước trong mùa mưa lũ.
Đồng thời áp dụng các giải pháp đồng bộ phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi các vùng ven biển, xây dựng các vùng nuôi thâm canh thủy sản nước mặn -lợ.
Rà soát quy hoạch lại hạ tầng thủy lợi ở các vùng đồng bằng phù hợp phát triển nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành, chỉnh trang bố trí đồng ruộng, đảm bảo tưới tiêu chủ động, đáp ứng cơ giới hóa sản xuất.
Quy hoạch cho các trạm bơm lớn tưới tiêu có quy mô tiểu vùng từ 300 - 500ha thay cho các trạm nhỏ từ 5 - 100ha, cùng lúc hoàn thiện tổ chức quản lý tưới tiêu, bảo vệ môi trường, áp dụng các phương thức kỹ thuật tiên tiến để tiết kiệm nước, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản... Điểm rõ nhất ở các quy định mới là đưa ra cơ chế, chính sách về đất đai, khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch lại đồng ruộng...
Có thể nói, khá nhiều quy định mới sâu sát hơn với thực tiễn sản xuất và những đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên, lâu nay các chính sách ra đời đều cho thấy để có thể đưa vào thực tiễn hữu hiệu là khó khăn rất lớn, đòi hỏi một cơ chế vận hành và áp dụng năng động, sự am hiểu của nhà quản lý lẫn người dân. Nếu không, tình trạng "giải cứu" nông sản, hay khủng hoảng trong nghề chăn nuôi heo như đề cập ở trên vẫn lặp lại mà không thể thiết lập giải pháp khơi thông dài hạn phục vụ cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.(DNSG)