Việt Nam cần tập trung ưu tiên cải cách giảm chi phí thương mại; Trái cây Việt Nam từng bước thâm nhập thị trường thế giới; Ngân hàng Việt đã tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 đến đâu?
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-06-2018
- Cập nhật : 15/06/2018
Sở hữu 4 “cục nợ” nghìn tỷ, bức tranh tài chính của Vinachem ra sao?
Nợ phải trả của Vinachem hơn 38.000 tỷ đồng trong đó nợ vay và nợ thuê tài chính là hơn 28.800 tỷ đồng, nợ vay lớn dẫn đến áp lực trả lãi lớn, năm 2017 Vinachem phải trả chi phí lãi vay 2.105 tỷ đồng.
Nợ hơn 38.000 tỷ, lỗ luỹ kế 1.967 tỷ đồng
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã được kiểm toán. Báo cáo cho thấy, doanh thu năm 2017 của Vinachem tăng từ 40.264 tỷ đồng năm 2016 lên 42.564 tỷ đồng năm 2017, còn tập đoàn đã lợi nhuận sau thuế 14,7 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ hơn 789 tỷ đồng .
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ vẫn âm gần 423 tỷ đồng năm 2017. Trước đó, năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ lên đến hơn 1.196 tỷ đồng.
Lỗ luỹ kế đến hết năm 2017 của Vinachem đã lên đến hơn 1.967 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến 31/12/2017, nợ phải trả của Vinachem đã lên tới 38.061,1 tỷ đồng, tăng gần 492 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Trong đó, nợ vay và nợ thuê tài chính đã lên đến hơn 28.800 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn hơn 11.437 tỷ đồng và nợ vay dài hạn hơn 17.395 tỷ đồng). Nợ vay lớn dẫn tới áp lực trả lãi lớn, năm 2017 Vinachem phải trả chi phí lãi tiền vay lên đến hơn 2.105 tỷ đồng.
Vinachem đang tham gia góp vốn đầu tư tại gần 40 đơn vị, doanh nghiệp, việc hoạt động kinh doanh không hiệu quả dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn.
4 dự án nghìn tỷ vay nợ ngân hàng nào?
Vinachem là doanh nghiệp sở hữu tới 4 dự án, nhà máy trong danh sách 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ thuộc Bộ Công Thương. Đó là dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc thuộc CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc và dự án Nhà máy DAP số 2 thuộc CTCP DAP số 2 - Vinachem và CTCP DAP – Vinachem.
4 dự án nêu trên vay vốn đầu tư dài hạn tại 2 ngân hàng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và vay vốn lưu động từ Vietinbank, BIDV, Vietcombank và các ngân hàng thương mại khác.
Cụ thể, khoản vay ngắn hạn của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tính đến 31/12/2017 là 1.173 tỷ đồng; CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc là 593 tỷ đồng; CTCP DAP Vinachem là 167 tỷ đồng; CTCP DAP số 2 Vinachem là 376 tỷ đồng.
Trong khi CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc có khoản vay dài hạn lớn nhất lên đến hơn 7.438 tỷ đồng, tiếp đến là CTCP DAP số 2 Vinachem hơn 2.850 tỷ đồng.
Hồi tháng 10/2017, Vinachem đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương liên quan đến việc vay vốn đầu tư dài hạn, vay vốn lưu động, lãi suất và cơ cấu nợ vay các ngân hàng tại 4 dự án nêu trên đồng thời đề nghị kéo dài thời gian hạn vay, giảm lãi suất tiền vay đối với các khoản nợ vay đầu tư dài hạn chưa được VDB xem xét giải quyết do các kiến nghị này vượt quá thẩm quyền của VDB.
Vinachem cũng cho biết, các đơn vị hiện nay đang thực hiện quyết toán dự án hoàn thành nhưng việc thanh toán cho các nhà thầu sẽ gặp khó khăn do các ngân hàng không giải ngân cho vay tiếp mặc dù hợp đồng tín dụng đã ký chưa giải ngân hết.
Bên cạnh đó, việc vay vốn lưu động của các công ty hiện nay gặp nhiều khó khăn, chỉ các ngân hàng đang có dư nợ tại các đơn vị mới tiếp tục cho vay để thu hồi dần nợ. Các ngân hàng không cấp lại hạn mức hoặc cấp ở mức rất thấp đồng thời kèm theo các điều kiện giải ngân khắt khe hơn…
Ngoài ra, theo Vinachem, các đơn vị vẫn đang chịu mức lãi suất cao so với các đơn vị khác do hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ.(Bizlive)
----------------------
Vừa kế nghiệp, con trai tỷ phú Hồng Kông sắp có thương vụ gần 10 tỷ USD
Victor Li, người vừa thừa kế vị trí lãnh đạo tập đoàn CK từ cha - tỷ phú giàu nhất Hồng Kông Lý Gia Thành (Li Ka-shing), bắt đầu nhiệm kỳ của mình với thương vụ đấu thầu mua lại công ty vận hành đường ống Australia APA Group với giá 9,8 tỷ USD. Đây sẽ là thương vụ thâu tóm ở nước ngoài lớn nhất trong lịch sử CK nếu thành công.
Giá trị thương vụ này - được thực hiện bởi các công ty con thuộc tập đoàn gồm CK Asset Holdings Ltd., CK Infrastructure Holdings Ltd. và Power Assets Holdings Ltd., cao hơn 33% so với giá đóng cửa cổ phiếu APA phiên ngày 12/6.
APA là công ty truyền tải khoảng một nửa khí gas của Australia với đường ống ở mọi bang và lãnh thổ đất liền của Australia. Với việc thâu tóm công ty này, Li bổ sung thêm vào danh mục đầu tư của CK tại Australia hiện đã có nhà cung ứng năng lượng Duet Group.
APA cũng phù hợp khuôn mẫu của một công ty tiện ích hoặc cơ sở hạ tầng - mang lại nguồn tiền mặt ổn định - mà các công ty thuộc CK đang nhắm tới trong giai đoạn tỷ phú Lý Gia Thành chuyển giao quyền lực sang cho con trai cả. Đồng thời, động thái này cho thấy xu hướng mua sắm các tài sản an toàn của CK dưới thời của Victor Li.
"Đây sẽ là thương vụ lớn đầu tiên sau khi Victor tiếp quản tập đoàn", nhà chiến lược Linus Yip tại First Shanghai Securities Ltd cho biết. "Nếu thương vụ được tiến hành suôn sẻ, Victor sẽ chứng tỏ được năng lực của mình trong công ty cũng như với các nhà đầu tư".
Ngoài ra, thương vụ cũng cho thấy cơ hội đa dạng hóa đầu tư bên ngoài nước Anh - thị trường nước ngoài lớn nhất của đế chế CK, trong bối cảnh có nhiều bất ổn khi quốc gia này rời khỏi Liên minh châu Âu.
Cổ phiếu của CK Asset, CKI và Power Assets (thuộc CK Hutchison Holdings Ltd.) - 3 công ty thường hợp tác để thực hiện các thương phụ thâu tóm, không biến động nhiều đầu phiên giao dịch tại Hồng Kông.
Thương vụ này đang chờ được sự chấp thuận của cơ Cơ quan Giám sát Đầu tư Nước ngoài (FIRB) của Autralia. Cơ quan này sẽ tiến hành xem xét thương vụ này trong bối cảnh Australia đang vật lộn để đảm bảo đủ nguồn cung khí gas tự nhiên.
Hiện tại, nhiều nơi của nước này thường xuyên chịu cảnh mất điện và giá năng lượng tăng cao khi chuyển đổi từ việc dùng than đá. Australia hiện là một trong những nơi có giá năng lượng cao nhất thế giới. (Vneconomy)
-----------------------
Giá tôm toàn cầu đang giảm
Giá tôm nuôi trên thị trường thế giới liên tiếp giảm sâu và dường như đã chạm đáy do tồn trữ ở Mỹ cao và nhiều nước châu Á tăng sản lượng ngay từ đầu vụ.
Người nuôi thu hoạch sớm, đa phần ở cỡ tôm 70-100 con/kg, để tiếp tục cải tạo ao, thả nuôi vụ tôm mới. Trong khi đó tại Mỹ, tồn kho ở mức cao sau khi lượng nhập khẩu tăng 10% vào năm ngoái. Trong tháng 2/2018, nhập khẩu tôm vào Mỹ tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2002 là thời điểm thị trường tôm chạm đáy, và hiện đang gần chạm mức đó. Giá tôm tại Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc đồng loạt giảm.
Giá tôm Ấn Độ liên tục giảm do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, đặc biệt là sản phẩm tôm nguyên liệu giao ngay. Ông Subbu Rajan, đại diện công ty đóng gói tôm của Ấn Độ, VV Marine Products, cho hay “Khoảng cuối tháng 2, cả giá tôm xuất khẩu và giá tôm nguyên liệu đều giảm”. Giá tôm chân trắng cỡ 50 con, nguyên đầu và vỏ giảm xuống 270-280 rupee/kg (4,04-4,20 USD/kg). Mức giá này thấp hơn chi phí sản xuất. Hầu hết người nuôi tôm ở Andhra Pradesh và Orissa bị lỗ từ 20-30 rupee/kg trong vụ nuôi đầu tiên, ông S. G. Nair giám đốc công ty đóng gói tôm Forstar cho biết. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu tập trung chế biến tôm nhằm nâng cao giá trị gia tăng thay vì bán tôm nguyên liệu thì sẽ bớt lỗ.
Giá tôm Việt Nam cũng giảm theo xu hướng chung trên thị trường thế giới và bởi vụ thu hoạch chính đầu tiên trong năm đạt sản lượng cao. Giá bán tôm chân trắng tại đầm quý 1/2018 giảm 15% so quý 4/2017 và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4/2018, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng 3 xuống 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tôm cỡ 100 - 110 con/kg giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg xuống 85.000 - 90.000 đồng/kg. Không chỉ tôm Việt Nam, xuất khẩu tôm từ Ấn Độ và Ecuador qua Việt Nam sang Trung Quốc cũng bị giảm mạnh.
Trong bối cảnh giá tôm liên tục giảm, nhiều hộ nuôi tôm lo ngại giá tôm tiếp tục giảm nên tăng cường thu hoạch. Đồng thời, tôm thẻ chân trắng năm nay phát triển rất chậm, giá biến động liên tục, người nuôi thu hoạch sớm (đa phần ở cỡ tôm 70-100 con/kg) để tiếp tục cải tạo ao, thả nuôi vụ tôm mới.
Sản lượng tôm nước lợ ước đạt 119.800 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 56.900 tấn, sản lượng tôm thẻ ước đạt 62.900 tấn. Riêng vùng ĐBSCL sản lượng tôm sú ước đạt 46.700 tấn, tăng 1%; sản lượng tôm thẻ ước đạt 51.500 tấn, tăng 28 % so với cùng kỳ năm 2017.
Giá tôm Indonesia ở mức đạt 4,89-5,04 USD/kg đối với tôm chân trắng HOSO cỡ 50 con. Người nuôi Indonesia có thể giảm lượng thả nuôi do giá thấp. Họ có thể thả nuôi chậm hơn một tháng hoặc giảm mật độ thả nuôi. Công ty xuất khẩu tôm Central Proteina Prima cũng đang gặp khó khăn khi giá tôm thế giới gần chạm đáy. Theo Giám đốc công ty này ông Arianto Yohan, các nhà nhập khẩu Mỹ đang yêu cầu giảm giá 10-20%. Năm ngoái, Indonesia là nhà cung cấp tôm lớn thứ hai của Mỹ, đứng sau Ấn Độ. Điều này đồng nghĩa các nhà cung cấp khác cũng phải điều chỉnh theo giá Ấn Độ.
Giá tôm chân trắng Thái Lan trung bình loại 80 con/kg giảm xuống 135 baht (3,17 USD)/kg. Sản lượng tôm lớn ngay từ đầu vụ thu hoạch đồng nghĩa với nhu cầu dự trữ tôm trong vụ sắp tới sẽ giảm. Sản lượng tôm của Thái Lan năm 2018 ban đầu được dự báo sẽ đạt khoảng 350.000 tấn nay được điều chỉnh xuống còn hơn 300.000 tấn. Công ty chuyên kinh doanh sản phẩm tôm đông lạnh Gulkin cho hay sản lượng tôm cỡ nhỏ ngày càng nhiều do nông dân thu hoạch sớm trước nguy cơ giá tôm sẽ tiếp tục giảm. Đặc biệt tại Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, lượng tôm cỡ nhỏ càng nhiều.(Vinanet)
-------------------------------
Doanh nghiệp Thái nắm gần 53% vốn điều lệ Nhựa Bình Minh
Đăng ký mua trên 2,86 triệu cổ phiếu, The Nawaplastic Industries (Saraburi - Thái Lan) kịp "tóm" được 1,69 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần nhựa Bình Minh để nâng tỉ lệ sở hữu tại đây lên gần 53% sau một thời gian kiên trì thâu tóm.
Như vậy, tính đến ngày 14-6, Saraburi đã nắm trong tay khoảng 43,35 triệu cổ phiếu (làm tròn), tương ứng 52,96% vốn điều lệ của Nhựa Bình Minh.
Và nếu tính từ thời điểm ngày 4-5 cho đến nay, Saraburi đã mua được hơn 1,38 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,07% vốn điều lệ Nhựa Bình Minh, trong một thời gian khá ngắn.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, cổ đông Thái Lan dường như mua cổ phiếu Nhựa Bình Minh dồn dập hơn kể từ sau đại hội cổ đông thường niên kết thúc vào tháng 4-2018, khi chức danh chủ tịch HĐQT đã thuộc về ông Sakchai Patiparnpreechavud cho giai đoạn nhiệm kỳ 2018-2023.
Cùng với ông Sakchai, HĐQT Nhựa Bình Minh nhiệm kỳ 2018-2023 còn có thêm hai nhân sự người Thái Lan khác là ông Sumphan Luveeraphan và ông Wisit Rechaipichitgool, cùng ông Praween Wirotpan nằm trong Ban kiểm soát khi đại hội cổ đông kết thúc.
Nhựa Bình Minh và Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hiện là hai doanh nghiệp lớn khu vực phía Nam có nhân sự biến động nhất kể từ khi các "ông chủ" Thái Lan chính thức "tiếp quản" việc điều hành tại đây.
Tại Sabeco, dự kiến trong phiên họp đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 21-7 tới, vấn đề nhân sự tiếp tục được bổ sung sau khi phó tổng giám đốc Nguyễn Minh An chính thức nghỉ việc.
Hiện nay, ba phó tổng giám đốc của Sabeco đều là nhân sự thuộc các công ty thành viên của tỉ phú Thái Lan sở hữu ThaiBev, cùng chủ tịch HĐQT là ông Koh Poh Tiong - cũng là nhân sự cấp cao thuộc tập đoàn sở hữu đa ngành đến từ Thái Lan này.(Tuoitre)