tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 24-08-2018

  • Cập nhật : 24/08/2018

Nga mạnh tay mua vàng dự trữ

Theo số liệu chính thức, Ngân hàng Trung ương Nga tăng mức nắm giữ vàng thêm gần 29 tấn trong tháng 7. Đây là mức mua ròng vàng mạnh nhất trong 1 tháng của Ngân hàng Trung ương Nga kể từ tháng 11/2017.

Trước đó, Nga đã mua 20 tấn vàng cho dự trữ quốc gia trong tháng 5 và mua thêm 17 tấn nữa trong tháng 6. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, tổng dự trữ vàng của Nga đã tăng 37%, hiện đạt trị giá khoảng 76 tỷ USD.

Việc gom mua vàng này diễn ra song song với việc Nga giảm mạnh nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, lượng nợ Mỹ trong tay Ngân hàng Trung ương Nga sụt 84%, còn 14,9 tỷ USD.

Hiện tại, trái phiếu kho bạc Mỹ chỉ chiếm 17% dự trữ ngoại hối mà Ngân hàng Trung ương Nga quản lý.

Nhà phân tích Eugene Chausovsky thuộc công ty tư vấn địa chính trị Stratfor nhận định rằng việc Nga gom vàng là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD vào thời điểm mà mối quan hệ giữa nước này với Mỹ vẫn còn căng thẳng.

Ngoài ra, Moscow có thể lo ngại rằng lệnh trừng phạt của Mỹ có thể khiến Nga khó bán trái phiếu kho bạc Mỹ trong tương lại hoặc khiến các ngân hàng của Nga không thể sử dụng đồng USD cho các giao dịch.

"Nga có lợi ích trong việc cách ly nền kinh tế của mình một cách nhiều nhất có thể khỏi đồng USD nhằm ngăn ngừa khả năng Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt", ông Chausovsky nói.

Hồi đầu tháng 8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói Nga sẽ tiếp tục bán nợ Mỹ để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Washington. "Chúng tôi đã giảm mạnh đầu tư vào tài sản Mỹ", ông Siluanov nói. "Trên thực tế, đồng USD, dù được coi là đồng tiền quốc tế, đã trở thành một công cụ rủi ro đối với hoạt động thanh toán".

Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Nga đã thăng hạng mạnh trong danh sách các quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Năm nay, Nga đã vượt qua Trung Quốc trong danh sách này. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước dự trữ nhiều vàng nhất, ở mức khoảng 9.000 tấn.

Sức ép kinh tế đối với Nga gia tăng từ năm 2015, khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến vai trò của Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Năm nay, phương Tây tăng cường trừng phạt Nga sau khi Anh cáo buộc điện Kremlin đứng sau vụ mưu sát bất thành một cựu điệp viên hai mang người Nga đang sống tại Anh. Trong đó, Mỹ đã áp trừng phạt lên nhiều cá nhân và tổ chức của Nga, đồng thời đánh thuế bổ sung đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Nga.

Giới phân tích nói rằng việc Nga tăng tích trữ vàng là một dấu hiệu cho thấy Moscow không loại trừ khả năng phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn từ phương Tây.

"Điều này cho thấy Nga ngày càng lo ngại về khả năng leo thang trừng phạt. Những biện pháp trừng phạt áp lên Nga, dù nhẹ, cũng có thể gây ảnh hưởng gián tiếp to lớn, bởi các tổ chức và nhà đầu tư sẽ bắt đầu lo sợ những bước trừng phạt có thể đến tiếp theo", ông William Jackson, chuyên gia kinh tế trưởng về các thị trường mới nổi thuộc Capital Economcis, phát biểu.

Tỷ giá đồng Rúp của Nga đã giảm từ mức 55 Rúp đổi 1 USD hồi tháng 2 xuống còn 70 Rúp đổi 1 USD vào tuần trước.

Trong cuộc khủng hoảng tiền tệ vào năm 2014-2015, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải rút khoảng 150 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp. Cho đến nay, Nga vẫn đang nỗ lực làm đầy lại dự trữ ngoại hối. Hiện tại, dự trữ ngoại hối của Nga đang ở mức 458 tỷ USD, thấp hơn 66 tỷ USD so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng.(VNeconomy)
-------------------

ADB: Kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng vững bất chấp đối đầu thương mại Trung - Mỹ

Kinh tế của nhóm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 5% đến quý thứ 4 liên tiếp.

Kinh tế nhiều nước Đông Nam Á duy trì được tốc độ tăng trưởng 5% trong quý 2/2018 bởi chính phủ các nước đã dùng đến các biện pháp kích thích nhằm tăng tiêu dùng và giảm thiểu tác động từ cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng, theo tin từ Nikkei.

Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế quý 2/2018 tại Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Singapore tính trung bình thấp hơn so với con số 5,3% trong quý 1/2018. Tuy nhiên, kinh tế của nhóm nước này như vậy vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 5% đến quý thứ 4 liên tiếp.

Vào thời điểm năm 2014, tăng trưởng kinh tế của nhóm nước trên duy trì ở ngưỡng khoảng 4%, sau đó đến quý 3/2018, tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,5%. Dù trong quý 2/2018 kinh tế của nhóm nước này giảm tốc phần nào, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tin rằng kinh tế khu vực sẽ không rơi vào chu kỳ suy giảm.

Nền kinh tế lớn nhất khu vực, Indonesia, đạt được tăng trưởng 5,3% trong quý 2/2018, cao hơn 0,2% so với tốc độ tăng trưởng của quý 1/2019. Tiêu dùng tăng trưởng mạnh. Giá trị thực phẩm được tiêu thụ tăng khoảng 20%. Việc chính phủ trợ cấp mạnh cho các công ty năng lượng đã giúp hạn chế tác động của việc giá năng lượng tăng.

Tại Philippines, chương trình chi tiêu phát triển hạ tầng của Tổng thống Rodrigo Duterte đã khiến cho giá nguyên liệu tăng, tăng trưởng kinh tế Philippines quý 2/2018 giảm tốc 0,6% xuống 6%. Tuy nhiên, chi tiêu của nhà nước trong quý 2/2018 tăng trưởng hơn 10%. 

Hoạt động sản xuất tại một số ngành quan trọng của Malaysia ví như sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên chững lại trong quý 2/2018.  Tiêu dùng nội địa tăng trưởng, tiêu thụ ô tô tăng. 

ADB dự báo tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á năm 2018 sẽ vẫn duy trì ở mức 5,2%. Một số rủi ro khác có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á bao gồm việc lãi suất cơ bản tại Mỹ tăng cao và đồng lira sụt giá mạnh gây ra lực bán mạnh đối với đồng tiền của các nước mới nổi. Chi phí nhập khẩu hàng hóa và nhiên liệu tại Đông Nam Á sẽ tăng lên.

Xung đột thương mại ngày một leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ tác động xấu đến kinh tế khu vực bởi nhiều doanh nghiệp Đông Nam Á hiện đang tham gia trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.(Bizlive)
------------------------

ASEAN trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang các nước thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong nửa đầu năm 2018 đã tăng 5,9% lên 48,93 tỷ USD.

Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, xuất khẩu của nước này sang các nước thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong nửa đầu năm 2018 đã tăng 5,9% lên 48,93 tỷ USD, đưa khối này trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc. 

Cũng trong sáu tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc tăng 21% lên 79,2 tỷ USD, và sang Mỹ tăng 1,3% lên 34,45 tỷ USD. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2018 đã đạt mức cao kỷ lục 296,79 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, nhờ doanh số bán chip nhớ và các sản phẩm hóa dầu tăng mạnh. 

Xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2018 tăng 42,9% lên mức cao kỷ lục 61,27 tỷ USD, nhờ chất bán dẫn và thiết bị lưu trữ có giá trị, thúc đẩy mức tăng trưởng xuất khẩu tổng thể. Còn xuất khẩu sản phẩm hóa dầu của Hàn Quốc trong cùng kỳ tăng 34,3% lên 22,01 tỷ USD, nhờ giá dầu thô tăng và nhu cầu tăng mạnh ở các thị trường chủ chốt, trong đó có Trung Quốc. 

Ngược lại, xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2018 giảm 5,6% xuống còn 20,28 tỷ USD do kết quả kinh doanh èo uột tại thị trường Bắc Mỹ. Còn xuất khẩu chip của Hàn Quốc trong cùng kỳ giảm 54,8% xuống còn 10,81 USD, do sự sụt giảm kéo dài của thị trường thế giới. 

Bộ trên cho rằng sự hồi phục kinh tế thế giới sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc song tình trạng xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sự biến động của thị trường tài chính thế giới sẽ là những rủi ro tiềm ẩn. 

Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (Statistics Korea), thu nhập hộ gia đình trong quý II/2018 đạt trung bình 4,53 triệu won (4.030 USD)/tháng, tăng danh nghĩa 4,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, thu nhập thực tế đã điều chỉnh theo lạm phát của Hàn Quốc trong quý II/2018 cũng tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2017. 

Tuy vậy, Statistics Korea cho hay, mức chênh lệch giàu nghèo ở Hàn Quốc đã lên tới đỉnh điểm trong vòng một thập niên qua. Mức thu nhập trung bình hàng tháng của 20% dân cư nghèo nhất Hàn Quốc giảm 7,6% xuống còn 1,32 triệu won, trong khi con số tương ứng của 20% dân số giàu nhất Hàn Quốc tăng 10,3% lên 9,1 triệu won. Đây là mức chênh lệch lớn nhất kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu thống kê số liệu này vào năm 2003. 

Ngoài ra, theo số liệu sơ bộ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, tín dụng hộ gia đình trong quý II/2018 chỉ tăng 7,6%, mức tăng chậm nhất trong hơn ba năm qua trong bối cảnh chính phủ nước này nỗ lực thắt chặt các quy định về hoạt động cho vay.(Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục