Tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu hiện phụ thuộc vào Trung Quốc và Ấn Độ; Phát triển CN hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ôtô tại Ninh Bình - Thu hút các nhà đầu tư lớn; Tôm tẩm bột phải xử lý nhiệt trước khi xuất khẩu vào Australia; Phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm xã hội
Tin kinh tế đọc nhanh 15-06-2018
- Cập nhật : 15/06/2018
Đề xuất nội tệ trong Tiểu vùng Mê Kông
Chính phủ các nước nên chấp nhận đồng tiền của nhau nhằm tạo điều kiện cho hoạt động biên mậu
Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Kông (ACMECS) Sanan Angubolkul cho biết tổ chức này sẽ đề xuất sử dụng nội tệ trong biên mậu Tiểu vùng Mê Kông trong cuộc họp cấp cao về Chiến lược hợp tác kinh tế ACMECS diễn ra vào cuối tuần này ở Thái Lan.
Hiện các quốc gia Tiểu vùng Mê Kông gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đang tăng cường hợp tác nhiều mặt, đặc biệt là thương mại. Tuy nhiên, ông Sanan nhận định việc chuyển đổi ngoại tệ hiện nay gây nhiều tốn kém cho doanh nghiệp, chính phủ các nước nên chấp nhận đồng tiền của nhau nhằm tạo điều kiện cho hoạt động biên mậu.
Ông cũng kêu gọi thành lập trung tâm kiểm soát một cửa ở cửa khẩu để giao thương trong khu vực diễn ra nhanh chóng và thông suốt hơn. Thực tế, hàng hóa thông quan thường bị hư hỏng, đặc biệt là thực phẩm, do phải trải qua quá nhiều thủ tục.(Thanhnien)
--------------------------
Trung Quốc sẽ là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam
Ngày 12-6, tại hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức ở TP HCM, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết dự kiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 đạt khoảng 10 tỉ USD, tăng khoảng 1,7 tỉ USD so với năm 2017.
Bốn tháng đầu năm, thủy sản xuất khẩu đạt 2,5 tỉ USD; 4 thị trường dẫn đầu có thị phần tương đương nhau là Mỹ, Nhật Bản (15%), châu Âu, Trung Quốc (14%). Đáng chú ý, Trung Quốc từ tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu nước ta nhưng gần đây tăng trưởng liên tục, năm 2017 lần đầu lọt vào top thị trường tỉ USD (1,28 tỉ USD, đứng thứ 4, chiếm 15% tổng kim ngạch) và có thể vươn lên vị trí số 1 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam từ quý II nhờ tốc độ tăng trưởng cao nhất (37%).
Doanh nghiệp tự giới thiệu bằng tiếng Anh và tiếng Hoa tại một triển lãm thủy sản
"Do nguồn lực tài chính của VASEP, các hoạt động quảng bá thủy sản một cách chuyên sâu và dài hạn chưa thể tổ chức. Hiện công tác xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Quốc không được quan tâm đúng mức. Kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại năm 2018 bị cắt 20% so với năm 2017; chương trình bị cắt giảm là hội chợ thủy sản và nghề cá Trung Quốc - hội chợ chuyên ngành lớn thứ 2 trên thế giới. VASEP đã kiến nghị Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương bổ sung hội chợ này vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018 nhưng chưa nhận được phản hồi" - đại diện VASEP cho biết.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng cho rằng Trung Quốc là thị trường chính của thủy sản Việt Nam. Theo ông, sắp tới đây, bộ sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ các khách hàng Trung Quốc tại Quảng Ninh để xúc tiến thương mại. Bộ cũng sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc để tháo gỡ các rào cản thương mại khi xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như thủy sản, trái cây, gạo. (NLĐ)
-------------------------
Gần 6,7 triệu tấn thép được bán ra trong 5 tháng, tăng trưởng 35%
Sản lượng bán hàng đạt 6,7 triệu tấn sau 5 tháng
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong tháng 5 ngành thép sản xuất 2.083.816 tấn, tăng 4% so với tháng 4 và tăng 27% so với cùng kỳ 2017; trong đó sản xuất Ống thép đạt mức tăng trưởng cao nhất trong tháng 5.
Sản lượng bán hàng đạt 2.108.626 tấn, tăng 14% so với tháng trước và tăng 45% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu thép đạt 387.477 tấn, giảm 5% so với tháng 4, nhưng tăng khoảng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp sản xuất được 9.678.653 tấn, tăng 24%. Công tác bán hàng đạt 6.698.893 tấn, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu đạt 1.568.826 tấn, tăng trưởng 47,7%.
Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm
Tình hình nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm có xu hướng giảm. Nhập khẩu thép thành phẩm đạt hơn 4,28 triệu tấn, với tổng kim ngạch đạt gần 3,027 tỷ USD, giảm 24% về lượng, và giảm 6% về giá trị.
Trong đó, nhập khẩu thép từ Trung Quốc khoảng 1,82 triệu tấn, giảm 34% về lượng và giảm 13,4% về trị giá so với cùng kỳ 2017; Đáng chú ý tỷ trọng thép nhập khẩu từ quốc gia này chỉ còn chiếm khoảng 42,5% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu.
Về tình hình xuất khẩu 4 tháng 2018, xuất khẩu thép thành phẩm đạt gần 1,91 triệu tấn, với kim ngạch đạt hơn 1,4 tỷ USD, tăng 43% về lượng, và tăng 61% về giá trị.
ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính, với lượng xuất khẩu hơn 1,087 triệu tấn thép, chiếm tới hơn 57% tổng lượng thép thành phẩm xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Hoa Kỳ (15,2%), EU (10%), Hàn Quốc (4,1%), Đài Loan (3,3%).(NDH)
------------------------
Chính phủ Mỹ thâm hụt ngân sách 147 tỷ USD một tháng
Ngân sách của Chính phủ Mỹ thâm hụt 147 tỷ USD trong tháng 5, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, do nguồn thu giảm mà chi tiêu lại tăng - tờ Wall Street Journal dẫn dữ liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 12/6 cho biết.
Tháng 5/2017, thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ là 88 tỷ USD. Mức thâm hụt 147 tỷ USD cũng cao hơn mức dự báo thâm hụt 144 tỷ USD mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng việc chính quyền Tổng thống Donald Trump cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp song song với tăng chi tiêu công sẽ đẩy thâm hụt ngân sách tăng mạnh, cho dù nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vững vàng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất 18 năm.
Mức thâm hụt ngân sách của tài khóa bắt đầu vào tháng 10/2017 hiện đã lên tới 532 tỷ USD, tăng 23% so với mức 433 tỷ USD cùng kỳ tài khóa trước.
Báo cáo công bố ngày thứ Ba cho thấy thu ngân sách của Chính phủ Mỹ giảm 10% trong tháng 5 trong khi chi tăng 11%.
Từ tháng 10/2017-5/2018, nguồn thu là thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 25% so với cùng kỳ tài khóa trước. Trong tháng 5, nguồn thu là thuế thu nhập cá nhân giảm còn 92,5 tỷ USD, so với 104 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, chi tiêu tăng chủ yếu tập trung vào các chương trình quân sự, an ninh nội địa, chăm sóc y tế Medicare và Medicaid.
Đầu năm nay, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ sẽ lên mức 804 tỷ SSD trong tài khóa hiện tại, so với mức thâm hụt 665 tỷ USD trong tài khóa 2017.(Vneconomy)