Giá chung cư TP. Hồ Chí Minh vẫn leo thang; Năm 2020, xử lý dứt điểm doanh nghiệp gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; Điều tra hàng loạt dự án bất động sản có dấu hiệu lừa đảo ở Đồng Nai; 3 kênh đầu tư khi đất nền chững lại
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-06-2018
- Cập nhật : 15/06/2018
Mỹ mở rộng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Bộ Thương mại Mỹ hôm 12-6 vừa mới tiến hành cuộc điều tra đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với cáo buộc các nhà sản xuất bồn chứa propan bằng thép bán phá giá và nhận trợ cấp không công bằng.
Theo ước tính của bộ này, mặt hàng bồn chứa propan bằng thép nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 89,8 triệu USD trong năm 2017. Trong khi đó, mặt hàng này nhập khẩu từ Đài Loan trị giá 10,1 triệu USD, còn từ Thái Lan là 14,1 triệu USD.
Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ thực hiện cuộc điều tra trên, để xác định xem liệu các bồn chứa nhiên liệu nêu trên có được bán ở Mỹ với giá thấp hơn giá trị hay không và liệu các nhà sản xuất Trung Quốc có nhận tiền trợ cấp không công bằng của chính phủ hay không.
Hai công ty Mỹ cáo buộc Trung Quốc bán phá giá và trợ cấp không công bằng đối vơi mặt hàng bồn chứa propan bằng thép. Ảnh: EGYPT INDEPENDENT
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi có đơn kiện đề ngày 22-5 của 2 công ty Mỹ Worthington Industries (ở Ohio) và Manchester Tank & Equipment (ở Tennessee). Đơn kiện tố cáo nhà sản xuất Trung Quốc bán phá giá và nhận trợ cấp không công bằng đối với mặt hàng bồn chứa bằng thép nên đã bán tại thị trường Mỹ với giá thấp, tạo ra cuộc cạnh tranh không công bằng đối với các công ty Mỹ.
Theo đó, phía Trung Quốc trợ cấp cho việc sản xuất mặt hàng trên khoảng 55%-109% qua nhiều chương trình khác nhau - bao gồm thuế, trợ cấp và tín dụng xuất khẩu đối với gần 90 triệu USD hàng xuất khẩu.
Trong trường hợp cuộc điều tra tìm ra chứng cứ của hành động bán phá giá hoặc nhận trợ cấp không công bằng, Mỹ sẽ áp đặt các loại thuế chống bán phá giá. Kết quả sơ bộ sẽ được công bố trước ngày 7-6.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tập trung vào việc giảm thâm hụt thương mại của nước này và đã có lập trường đặc biệt khắt khe đối với Trung Quốc.
Tính đến nay, Bộ Thương mại dưới thời Tổng thống Trump đã mở 118 cuộc điều tra chống bán phá giá và khoản trợ cấp thiếu công bằng của chính phủ.
Trên đây là vụ mới nhất trong một loạt tranh cãi thương mại với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Trump. Lớn nhất trong số đó là vụ áp thuế 25% đối với 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc do nước này bị cáo buộc đánh cắp công nghệ của Mỹ.(NLĐ)
-------------------
Đường lậu giá thấp tràn ngập thị trường
Đến đầu tháng 6, các nhà máy đường cả nước đã ép được 13,5 triệu tấn mía, sản xuất gần 1,3 triệu tấn đường. Giá mía tại ruộng phổ biến 850.000 đồng đến hơn một triệu đồng một tấn, loại 10 chữ đường (CSS).
Giá đường liên tục giảm, hiện khoảng 10.500 - 11.500 đồng một kg, thấp hơn 2.000 - 2.900 đồng một kg so với đầu vụ. Các nhà máy bán đường sát với giá đường lậu Thái Lan nhưng vẫn khó tiêu thụ. Lượng đường tồn kho lên đến 670.000 tấn, tăng gần 200.000 tấn so hai tháng trước.
Về nguyên nhân tồn kho lớn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng do đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng gia tăng và tinh vi. Việc nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm, nhất là nước giải khát có xu hướng gia tăng. Nổi lên là tình trạng đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu của các nhà máy, công ty trong nước…
Tại miền Tây, đã có 3 trong số 10 nhà máy đường đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được. Tổng giám đốc một công ty mía đường (thành viên Hiệp hội mía đường Việt Nam) than vãn: "Tình hình tiêu thụ đường sản xuất trong nước rất khó khăn vì đường Thái Lan nhập lậu đang áp đảo".
Hiện giá đường Thái Lan nhập lậu bán tại miền Tây khoảng 10.000 - 10.500 đồng một kg, lên đến Sài Gòn khoảng 10.700 – 10.800 đồng. "Với giá này thì các nhà máy đường trong nước không cạnh tranh nổi nhưng phải giảm giá, thậm chí bán lỗ để giải phóng tồn kho nhưng vẫn rất khó vì trận địa đường lậu quá dày đặc", Tổng giám đốc này nhìn nhận.
Lãnh đạo các nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng đường Thái Lan nhập lậu trốn thuế trong khi doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này trong nước phải chịu nhiều loại thuế, nghĩa vụ với an sinh xã hội, hỗ trợ người trồng mía… Vì thế chi phí cao hơn. Trong bối cảnh này, cần sự công bằng trong cạnh tranh thương mại; cần sự quyết liệt ra tay chống buôn lậu của các ngành chức năng.Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp ngoài việc tái cơ cấu, giảm chi phí còn phải cùng nông dân tập trung hạ giá thành sản xuất mía.
Các công đoạn trồng, thu hoạch mía thủ công khiến chi phí gia tăng. Ảnh: Cửu Long
Các chuyên gia tính toán một năm Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn đường. Nếu như trong nước có điều kiện sản xuất mà không làm, để phải nhập khẩu thì tốn lượng ngoại tệ rất lớn.
"Nhưng vấn đề là tại sao đường Thái Lan nhập lậu phải đi rất xa, đi chui nhủi qua nhiều nơi, tốn nhiều chi phí mới vào được Việt Nam mà giá vẫn rẻ hơn đường trong nước", Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ (chuyên gia nông nghiệp, giảng viên Đại học Cần Thơ) nói và cho rằng câu trả lời nằm ở chỗ giá thành sản xuất mía của nông dân quá cao; công suất các nhà máy thấp, công nghệ dù có cải tiến nhưng vẫn chưa bằng các nước lân cận.
Miền Tây có khoảng 50.000 ha đất trồng mía nhưng đa số nhỏ lẻ và manh mún, đa phần dưới một ha mỗi hộ. Giá thành sản xuất ra mỗi kg mía của nông dân cao, khoảng 555 - 720 một kg (tùy theo vùng đất, giống, kinh nghiệm người trồng); nhưng chất lượng, chữ đường còn thấp.
Sau khi thu mua, vận chuyển về đến các nhà máy đường ở miền Tây thì mía có giá khoảng 900 đồng một kg, trong khi tại các nước trong khu vực chỉ 700 đồng.Bình quân các nhà máy cần 11 kg mía làm ra một kg đường, cộng với các chi phí khác thì giá thành bình quân cao hơn 2.000 - 3.000 đồng một kg so với các nước trong khu vực.
Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ khuyến cáo ngoài việc phải nâng cao công suất, cải tiến công nghệ để nhà máy tiêu thụ từ 6.000 tấn mía mỗi ngày trở lên thì cơ giới hoá sản xuất mía là một trong những mấu chốt, quyết định vấn đề sống còn của ngành mía đường trong nước.
Giá thành sản xuất mía, đường ở miền Tây cao hơn nhiều nước trong khu vực. Ảnh: Cửu Long.
"Không cần nhắc đến Thái Lan mà ở Campuchia, việc trồng mía được cơ giới hóa tận răng như trồng lúa ở Việt Nam. Trong khi đó hơn 60% công đoạn trồng mía của chúng ta là thủ công thì làm sao cạnh tranh lại", tiến sĩ Vệ nói.
Còn theo ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần mía đường Cần Thơ, cần cuộc cách mạng về giống mía và kỹ thuật canh tác để khai thác lợi thế của miền Tây là nắng nhiều - đất đai phù sa màu mỡ và nước tưới dồi dào.Từ đó chọn ra được các giống mía có năng suất cao, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng phù hợp với từng vùng.(Vnexpress)
-----------------------
Kiều hối về TP.HCM đạt 2 tỷ USD
Lượng kiều hối chuyển về 5 tháng đầu năm nay chảy nhiều vào sản xuất kinh doanh thay vì đầu tư bất động sản, tiết kiệm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối về Thành phố sau 5 tháng đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với quý I/2018 (1,1 tỷ USD). Ngoài ra, số kiều hối này chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh thay vì để đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm như trước.
Kiều hối thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình của người lao động ở nước ngoài, các dịch vụ thu hút kiều hối... Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho rằng, từ đầu năm đến nay, tình hình có vẻ khả quan, lượng kiều hối được gửi về nước rất ổn định và tăng dần đều.
Ngoài ra, thời gian qua kinh tế vĩ mô ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường bị loại bỏ chính là nguyên nhân lớn khiến người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng.
Nhờ đó, tỷ giá USD/VND từ đầu năm đến nay không biến động quá mạnh. Đến cuối ngày 12/6, mỗi USD được các ngân hàng niêm yết quanh 22.775 - 22.845 đồng, không thay đổi so với ngày trước đó. Những năm gần đây, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng bình quân 8-10% mỗi năm.(Vnexpress)
--------------------------
Hà Nội thêm khu đô thị 30ha ở huyện Thanh Trì
Theo phê duyệt, khu đô thị tại xã Liên Ninh rộng 30ha, với quy mô dân số khoảng 4.500 người.
Phối cảnh một khu đô thị ở huyện Thanh Trì. Ảnh minh họa
UBND TP.Hà Nội vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, tỷ lệ 1/500.
Theo đó, khu đô thị có quy mô 30ha, các chức năng sử dụng đất được quy hoạch gồm: Đất nhà ở (19 ô đất), đất trường học, nhà trẻ (3 ô đất), đất cây xanh thể dục thể thao (5 ô đất), đất giao thông và bãi đỗ xe tập trung, đất công trình công cộng...
Khu đô thị được tổ chức không gian theo cấu trúc sinh thái, tăng cường không gian cây xanh, mặt nước, phát triển xung quanh là các nhóm nhà ở thấp tầng, công trình công cộng, trường học.
Theo phê duyệt, khu nhà ở cao tầng được bố trí tại phía Nam dự án, tạo điểm nhấn cho trục đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Khu đô thị sẽ có quy mô dân số khoảng 4.500 người.
Để thực hiện quy hoạch trên, UBND TP. Hà Nội giao Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hòa Bình tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo đúng nhiệm vụ quy hoạch được UBND Thành phố phê duyệt.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, các chủ đầu tư, chính quyền địa phương trong quá trình lập quy hoạch chi tiết; phối hợp triển khai đồng bộ, đảm bảo thống nhất và khớp nối với các quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành trong phạm vi nghiên cứu.(bizlive)