Việt Nam nằm trong tầm ngắm của ông lớn thời trang Nhật; Vỡ mộng đầu tư căn hộ cho thuê; TP.HCM sẽ đơn giản hoá một nửa số điều kiện đầu tư, kinh doanh
Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-08-2018
- Cập nhật : 24/08/2018
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Vòng đấu chưa tới điểm dừng
Sau đợt áp thuế và trả đũa đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 6/7 vừa qua, tới nay cả hai bên đều đã cảm nhận được tác động.
Hai đợt áp thuế chỉ trong vòng một tháng rưỡi, bất chấp cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa được nối lại tại Washington sau nhiều tháng đình trệ, có vẻ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị cuốn vào một vòng xoáy chưa có điểm dừng, mà tâm điểm của nó là cuộc chiến thương mại tổng lực.
Trung Quốc ngày 23/8 áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD từ Mỹ. Ảnh: TTXVN phát
Rõ ràng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang thực thi chính sách cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc khi liên tiếp quyết định áp thuế nhập khẩu và đe dọa áp thuế với nhiều mặt hàng có tổng trị giá hàng chục tỷ USD từ Trung Quốc, còn Bắc Kinh thì cũng chưa có dấu hiệu nhượng bộ khi hết lần này tới lần khác "đáp trả tương xứng".
Động thái mới của Mỹ và Trung Quốc từ ngày 23/8 áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 16 tỷ USD của mỗi bên đang "phủ bóng đen" lên cuộc đàm phán thương mại vừa bắt đầu trước đó 1 ngày.
Đây là lần đầu tiên hai bên nối lại đàm phán kể từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hồi đầu tháng 7 vừa qua, với việc Washington áp thuế nhập khẩu với lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc.
Quyết định tiếp tục kế hoạch áp thuế này được xem là cách để Washington gây sức ép tối đa đối với Bắc Kinh trên bàn đàm phán, phản ánh chính sách "cây gậy và củ cà rốt" mà Mỹ đang tiếp cận đối với Trung Quốc.
Điều này cũng đã được dự cảm từ trước khi Tổng thống Trump từng yêu cầu Trung Quốc nhượng bộ nhiều hơn trên bàn đàm phán, trong khi Cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng Larry Kudlow (La-ri Cút-lâu) cũng cảnh báo Trung Quốc "không nên xem nhẹ quyết tâm của Tổng thống Donald Trump" trong vấn đề thương mại.
Sau đợt áp thuế và trả đũa đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 6/7 vừa qua, tới nay cả hai bên đều đã cảm nhận được tác động. Trong hơn 1 tháng, cả đồng nội tệ và thị trường chứng khoán Trung Quốc đều sụt giảm đáng kể.
Chỉ số chứng khoán của 50 công ty lớn nhất trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm 15% và đồng Nhân dân tệ giảm gần 7% so với đồng USD. Giới chuyên gia cũng lo ngại rằng "cuộc chiến thuế quan" này sẽ tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng hơn đến kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ cũng bị đánh giá là đã bắt đầu "ngấm đòn" trước các biện trả đũa của Trung Quốc, gồm cả tẩy chay hàng hóa Mỹ. Từ những tập đoàn lớn như hãng xe hơi Ford vốn đã "bắt rễ" vào thị trường đông dân nhất hành tinh, tới những người nông dân Mỹ không thể bán hàng sang Trung Quốc.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Mỹ tăng hàng rào thuế quan 10% thì lợi nhuận của 500 tập đoàn lớn nhất của Mỹ giảm 15%. Các đòn "ăn miếng trả miếng" trong một cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc còn giáng mạnh vào thị trường lao động, làm suy yếu mức tăng trưởng. Ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng đã phải chia sẻ gánh nặng này.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới kéo dài cũng để lại hậu quả đối với kinh tế nhiều nước và khu vực.
Đồng nội tệ nhiều nước châu Á đã mất giá so với đồng USD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, Canada hay Mexico, những nước phụ thuộc vào quan hệ đối tác thương mại với Trung Quốc và Mỹ, đều được dự báo sẽ giảm.
Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Trump tiếp tục đẩy căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang phần nào phản ánh chính sách của Washington luôn xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, mà kinh tế chỉ là một mặt trận.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi thì cho rằng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ chỉ là một mô hình thu nhỏ của "ván bài chiến lược" lớn hơn giữa hai nước, nói cách khác, thực chất chỉ là một góc của "tảng băng" cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.
Bởi vậy, chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump đối với vấn đề thương mại với Trung Quốc, không đơn thuần chỉ là sự bất bình vì mức thâm hụt thương mại hơn 24 tỷ USD với Bắc Kinh, hay vì hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ gấp 4 lần khối lượng hàng nhập khẩu.
Cũng vì thế mà cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần này ít được kỳ vọng, ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định việc giải quyết xung đột thương mại "sẽ cần nhiều thời gian".
Không những thế, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục cáo buộc Trung Quốc đã điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ để bù đắp lại số tiền tiền thuế quan phải trả cho Mỹ, đồng thời yêu cầu Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có biện pháp đối phó.
Trước những diễn biến trên, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Scott Kennedy, cho rằng vòng đàm phán này chỉ mang tính thăm dò khi "kỳ vọng của cả hai bên có lẽ đều ở mức thấp".
Trong khi đó, ông Derek Scissors, học giả về Trung Quốc từ Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ, nhận định trong bối cảnh thành phần tham gia đàm phán lần này đều là các quan chức ở cấp đại diện tương đối thấp, "đến 80-90% hai bên chỉ lãng phí thời gian vô ích với cuộc đàm phán".
Xét tổng thể, Mỹ có lý do không cần thỏa hiệp khi nước này đang được đánh giá ở vị thế "trên cơ" trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Tăng trưởng của Trung Quốc có dấu hiệu giảm sút do tác động từ căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Trong khi đó, các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, ZTE, China Mobile đang gặp nhiều khó khăn dù cuộc chiến mới chỉ bắt đầu. Chính quyền Tổng thống Trump tính toán rằng với mức thặng dư thương mại lớn, Trung Quốc cần thị trường 20.000 tỷ USD của Mỹ hơn là các công ty Mỹ cần thị trường Trung Quốc, do đó sớm muộn Bắc Kinh sẽ phải nhượng bộ.
Theo Giáo sư Quan hệ quốc tế Bàng Trung Anh của Đại học Hải dương Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không thể đưa ra những nhượng bộ mang tính thực chất về cải cách cơ cấu kinh tế, Tổng thống Trump khó có thể giảm nhẹ sức ép đối với Trung Quốc và bế tắc hiện nay khó có thể được khai thông trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11 tới.
Dẫu vậy, vẫn có một số ý kiến lạc quan về triển vọng giải quyết chấp thương mại Mỹ - Trung. Nhà nghiên cứu Mai Tân Dục, chuyên gia Viện Hợp tác kinh tế và thương mại thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nhấn mạnh mặc dù hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận vào thời điểm hiện tại, song các cuộc đàm phán vẫn rất cần thiết bởi nó giúp thu hẹp bất đồng để hướng tới giải pháp trong tương lai khi thời cơ chín muồi.
Nói cho cùng, mối quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc mang nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ cao, nên dù bất đồng và căng thẳng vẫn tồn tại, thì việc chọn giải pháp phá vỡ quan hệ này chắn chắn không phải là lựa chọn tối ưu.(Bnews)
-------------------
Bỏ IMF theo Trung Quốc, nhiều thị trường mới nổi sắp mất chỗ “bấu víu”
Thay vì chịu đựng những điều kiện ngặt nghèo từ các gói viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhiều quốc gia tìm tới Trung Quốc với những khoản vay dễ thở hơn.
Trung Quốc sẵn sàng cho vay với những quy định không quá ngặt nghèo khiến ngân hàng của nước này trở thành bạn của những thị trường mới nổi. Tuy nhiên, có nhiều lý do để tin rằng dòng tiền dồi dào và dễ dàng này có thể cạn kiện một cách đột ngột bởi những vấn đề từ chính nội tại nền kinh tế Trung Quốc.
Từ Argentina, Venezuela tới Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan đều đã tìm tới Bắc Kinh để có những khoản vay dễ dàng và ít nguy hiểm hơn rất nhiều so với những quy định từ một gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trong một thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Venezuela – quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong lạm phát tới 1.000.000%, vay hơn 62 tỷ USD. Hồi tháng 7 vừa qua, một khoản ứng trước 5 tỷ USD đã được phê duyệt nhằm tăng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này dù chương trình vay đổi dầu trước đó đã bị phản ứng. Ngân hàng Trung ương của Argentina cũng đang muốn vay 11 tới 15 tỷ USD từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn những vấn đề với nền kinh tế.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang thúc đẩy mạnh mẽ Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng thể hiện rõ sự rộng rãi với các khoản vay. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia từng là đồng minh quan trọng của Mỹ và cũng là một thành viên NATO, cũng được Trung Quốc cho vay. Ở thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng do những bất đồng sâu sắc với Mỹ.
Năm ngoái, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đơn vị chịu trách nhiệm cho phần lớn các khoản vay nước ngoài, đã cho Thổ Nhĩ Kỳ vay thêm tiền hơn 2 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2016. Pakistan cũng không tìm kiếm gói hỗ trợ thứ 13 từ IMF mà lựa chọn Trung Quốc để được vay tiền.
Tuy nhiên, điều đó có thể sẽ biến mất.
Những vấn đề với nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có cả cuộc chiến thương mại với Mỹ, có thể sẽ khiến cho Trung Quốc không tiếp tục hào phóng với các nền kinh tế mới nổi.
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc là một ví dụ điển hình. Được biết đến trong vai trò nhà tài trợ chính cho các dự án ở nước ngoài nhưng nhiệm vụ chính của ngân hàng này lại nằm trong nước. Trong báo cáo thường niên năm 2017, Hỗ trợ dành cho Vành đai, Con đường chẳng đáng kể gì so với chi phí chống đói nghèo và đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc cũng như các ngành chiến lược như bán dẫn và xe điện của ngân hàng này.
Năm ngoái, CDB đã đầu tư 880 tỷ nhân dân tệ (128 tỷ USD) cho việc tái thiết thị trấn tồi tàn nhưng chỉ chi 17,6 tỷ USD cho các dự án ở các quốc gia nằm trên trục Vành đai Con đường. Dư nợ cho vay đối với các điểm đến ngoài Trung Quốc đại lục chỉ chiếm 2,4% tổng số cho vay của CDB.
Vào cuối tháng 6, thị trường chứng khoán và Bất động sản Trung Quốc đã bị xáo trộn sau báo cáo cho thấy ngân hàng Chính sách đã thắt chặt việc chấp thuận dự án cho vay để tái thiết thị trấn sập sệ như một phần nỗ lực của chính phủ trong việc kiềm chế thị trường bất động sản đang rất nóng.
Điều đó sẽ làm tổn hại nền kinh tế. Năm 2017, ngân hàng chính sách chiếm 85% số tiền tài trợ để tái thiết các thị trấn hoang tàn. Các hộ gia đình nhận được các khoản thanh toán bằng tiền mặt từ chính phủ chiếm 23% doanh số bán tài sản theo giá trị ở 3 tới 5 thành phố vào năm ngoái. Điều này lần lượt chiếm một nửa tổng doanh thu tài sản của Trung Quốc.
Nếu Ngân hàng Phát triển Trung Quốc không thể hoàn thành mục tiêu chính là nâng mức sống của hàng triệu người Trung Quốc khỏi đói nghèo thì sẽ rất khó khăn để chứng minh rằng họ mở rộng bàn tay có thể giúp đỡ các quốc gia khác vượt qua điều tương tự.
Chiến tranh Thương mại và thanh khoản chặt chẽ hơn đang bắt đầu bị xói mòn. Niềm tin tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm trong những tháng gần đây, trong khi báo cáo thu nhập quý II của các công ty công nghệ lại trông rất xấu xí.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng đang chịu gánh nặng khi Bắc Kinh hạn chế những Ngân hàng Bóng tối (được dùng để chỉ những sản phẩm đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro, hoạt động cho vay tư nhân giữa các cá nhân, tiệm cầm đồ và hoạt động cho vay "cắt cổ" ở các thị trường mới nổi). Trong khi đó, Chứng khoán Trung Quốc được mô tả là thị trường gấu.
Liệu người Trung Quốc sẽ nghĩ gì khi trước tình cảnh khó khăn nội tại nhưng chính phủ vẫn vung hàng chục tỷ USD để đổi lấy những mối quan hệ bạn bè?(CafeF)
-----------------------------
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không im lặng khi Mỹ phát động chiến tranh kinh tế
Theo RT, ngày 22/8, Ankara đã chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump vì “khoác lác” rằng cuộc khủng hoảng đồng lira có thể được ngừng lại “ngay lập tức” nếu Thổ Nhĩ Kỳ cúi đầu trước những yêu cầu của Mỹ.
Nguồn tin này cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Washington phát động một “cuộc chiến kinh tế” chống lại đồng minh NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng tiền tệ trầm trọng, xuất phát từ các đòn trừng phạt leo thang của Mỹ, vốn được Washington lệnh tiến hành để trả đũa vụ bắt giữ mục sư Andrew Brunson, người bị cáo buộc tham gia âm mưu đảo chính thất bại năm 2016.
Hôm 21/8, ông Bolton lưu ý rằng việc đồng lira rơi tự do có thể chấm dứt ngay lập tức nếu Thổ Nhĩ Kỳ phóng thích công dân Mỹ này, người đang phải đối diện mức án 35 năm trong nhà tù Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara đã chỉ trích Washington về chiến dịch gây sức ép của nước này liên quan đến việc bắt giữ mục sư, vốn được Ankara xem là một vấn đề pháp lý đơn thuần.
Người phát ngôn Ibrahim Kalin của Tổng thống Erdogan nói rằng: “Tuyên bố của ông Bolton là bằng chứng cho thấy chính quyền Trump đang nhằm vào một đồng minh NATO trong một cuộc chiến kinh tế," đồng thời lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không “giữ im lặng” khi nền kinh tế và bộ máy tư pháp của nước này bị tấn công.
Ông Kalin nhấn mạnh: “Chính quyền Tổng thống Trump đã xác nhận rằng họ có ý đồ sử dụng thuế quan thương mại và các biện pháp trừng phạt để khởi động một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu," đề cập đến những tranh chấp tương tự với Mexico, Canada, châu Âu và Trung Quốc.
Quan chức này nêu rõ: “Những chính sách mới nhất của chính quyền Mỹ mâu thuẫn với những nguyên tắc và giá trị cơ bản của liên minh quân sự NATO."
Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã rớt giá mạnh so với đồng USD hồi đầu tháng này, sau khi Trump quyết định tăng gấp đôi thuế nhập khẩu nhôm và thép từ Thổ Nhĩ Kỳ lên lần lượt 20 và 50%. Tổng cộng, đồng tiền của nước này mất khoảng 40% giá trị trong năm nay.
Để chống lại sự suy thoái kinh tế, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra nhiều biện pháp đối phó, và công bố thuế nhập khẩu đối với một số hàng hóa nhất định từ Mỹ, bao gồm xe hơi, rượu và thuốc lá.
Trong khi đó, Qatar đã cam kết gói đầu tư trực tiếp 15 tỷ USD vào các thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, và Ankara đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các khoản thuế của Mỹ đánh vào các sản phẩm của nước này.
Đáp lại, ông Trump tuyên bố tăng thêm các đòn trừng phạt trừ khi Ankara cúi đầu trước yêu cầu thả tự do vị mục sư “tuyệt vời” của Mỹ (Vietnam+)