Malaysia thận trọng với đầu tư Trung Quốc; Phát triển các cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ; Hàng loạt nhà máy điều Việt Nam đóng cửa; 5 tháng, tiến hành 12.000 cuộc thanh tra và kiểm tra thuế
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-06-2018
- Cập nhật : 17/06/2018
Việt Nam cần tập trung ưu tiên cải cách giảm chi phí thương mại
Ngày 14/6, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã tổ chức công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam với nhiều khuyến nghị tập trung vào các ưu tiên cải cách, nhằm giảm chi phí thương mại và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Ảnh minh họa. Nguồn: tapchithue.com.vn
WB nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện với dự báo GDP trong năm 2018 sẽ tăng 6,8%. Mức tăng trưởng gần đây đã cao hơn do điều kiện thuận lợi trong nước và quốc tế, nhưng cũng có thể tốc độ tăng sẽ giảm dần.
Ông Ousmane Dione – Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, giai đoạn kinh tế hiện đang vận hành vững chắc sẽ là cơ hội lớn để đầu tư cho nguồn nhân lực, qua đó giúp giải quyết những thách thức nhằm duy trì đà tăng trưởng. WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng bền vững hơn trong dài hạn.
Đưa ra những khuyến nghị trong trung hạn, WB nhấn mạnh, Việt Nam cần phải tăng cường phối hợp liên ngành và cơ chế thực hiện để giảm chi phí thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, ưu tiên cải cách tạo thuận lợi thương mại phải dựa trên những trụ cột chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (KTCN) – hiện vẫn chiếm 55% tổng thời gian nhập khẩu.
Cần phải áp dụng chuẩn quốc tế trong phân loại các biện pháp KTCN trên cơ sở thực hiện phân tích chi phí – lợi ích của từng biện pháp; tăng cường KTCN hiệu quả bằng cách áp dụng quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua cơ chế một cửa quốc gia và cho phép kiểm tra sau thông quan.
Cùng với đó, cần phải ưu tiên cải cách hạ tầng kết nối và cải thiện chất lượng dịch vụ logistics, bởi theo đánh giá của WB, hiện nay vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP.
Trong khi đó, hệ thống hạ tầng đường bộ cao tốc chất lượng cao còn ít dẫn đến tốc độ và mức độ tin cậy về dịch vụ vận tải thấp và có sự chênh lệch lớn giữa cung – cầu về khả năng xếp dỡ hàng hóa do quy hoạch không hiệu quả và không dự báo được nhu cầu vận tải chuỗi giá trị hàng hóa.
WB nhấn mạnh, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng và phát triển một hệ thống thống kê logistics đáng tin cậy để hỗ trợ các cơ quan chính phủ xây dựng chính sách, giám sát tiến độ cải cách logistics để tạo thuận lợi cho DN có điều kiện phát triển chiến lược kinh doanh hợp lý, giảm chi phí logictics một cách hiệu quả hơn.(TCT)
------------------------
Trái cây Việt Nam từng bước thâm nhập thị trường thế giới
Nhờ vào cách làm bài bản, đáp ứng tốt các quy định về an toàn thực phẩm, trái cây Việt Nam đã từng bước thâm nhập vào thị trường thế giới và ngày càng tăng trưởng mạnh.
Nếu canh tác đúng tiêu chuẩn, chôm chôm Đồng Nai là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Nguồn: internet
Các doanh nghiệp Việt đã biết cách làm ra trái cây có chất lượng cao, an toàn, đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ.
Nỗ lực chinh phục thị trường khó tính
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật để trái cây vào được các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc... Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến tháng 4/2018, trái cây xuất khẩu đã đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2017, trái cây xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Dự báo năm 2018 sẽ đạt giá trị kim ngạch từ 4,3 - 4,5 tỷ USD.
Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm rất cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Song song đó là tính hiệu quả về xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng như sự kết nối, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu và với chuỗi tiêu thụ của các nước.
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mất 7 năm nộp hồ sơ và đáp ứng các điều kiện đặt ra của nước sở tại, chôm chôm Việt Nam mới được cấp phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand. Đối với thị trường Mỹ, mất đến 10 năm đàm phán, quốc gia này mới mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu trái vú sữa.
"Để vào được các thị trường khó tính, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề gồm kiểm dịch, an toàn (không được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) trái cây. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, và đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng 7 nhà máy chế biến với quy mô vùng và khu vực", ông Hoàng Trung cho biết.
Chất lượng quyết định thành bại
Đưa trái cây vào thị trường khó tính đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải đầu tư rất nhiều nguồn lực, từ việc vượt qua các rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu cho đến cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Theo ông Hoàng Trung, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính, gồm vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng, nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số, sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Huy Long An - một doanh nghiệp thành công trong việc trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Nhật chia sẻ, để vào được thị trường Nhật Bản phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, từ thổ nhưỡng đến quy trình chọn giống, chăm bón đến thu hoạch, kích cỡ, bao bì, vệ sinh, cách xếp chuối trong container.
Sự phức tạp trong việc trồng chuối xuất khẩu là phải chăm sóc cho từng trái trên nải nhằm đảm bảo được sự đồng đều về kích cỡ và chất lượng. Chẳng hạn, chuối có nhiều nải, nhưng chỉ cho trổ khoảng 10 nải để có trái to và đẹp, và trên một nải cũng không được để quá nhiều trái.
Cũng theo ông Huy, trước khi ký hợp đồng mua chuối, phía Nhật cử người đến lấy mẫu chuối, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí về Nhật Bản để kiểm tra đến 230 chỉ tiêu sinh lý - hóa sinh nhằm đảm bảo trái chuối đạt tiêu chuẩn "sạch - đẹp - ngon", tức không có kim loại nặng, không có vi khuẩn gây hại, không dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, không chất kích thích tăng trưởng, đều kích cỡ, khi chín màu vàng ươm, bùi, dẻo, ngọt.
Công ty Huy Long An cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đưa được chuối có thương hiệu Fohla vào hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei, Aeon ở Nhật Bản từ tháng 4/2016, không chỉ ở Tokyo mà còn ở các tỉnh Niigata, Chiba, với giá 11 USD/thùng 13,5kg. Hiện tại, mỗi tuần doanh nghiệp này xuất từ 2 - 3 container chuối tươi sang Nhật Bản bằng đường biển. Ngoài Nhật, chuối của Công ty còn xuất sang Singapore, Trung Đông, Hàn Quốc.
"Chất lượng quyết định sự thành bại để vào được thị trường khó tính", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty T&T Vina khẳng định. T&T Vina xuất khẩu gần 1.000 container/năm thanh long, nhãn, chôm chôm vào thị trường Mỹ. Đạt được kết quả ấy, T&T Vina phải quy hoạch vùng trồng trái cây xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và truy xuất được nguồn gốc. Để sản xuất trái cây ở quy mô thương mại, T&T Vina phải liên kết với nông dân để có diện tích đất đủ lớn, ít nhất là 100 hécta.
Theo ông Tùng, thuyết phục nông dân hợp tác với doanh nghiệp và trồng đúng theo quy chuẩn đặt ra vốn rất khắt khe và tốn nhiều công sức thì phải tạo niềm tin cho họ. Niềm tin đó được xây dựng bằng uy tín trong thanh toán, mua hàng ổn định, luôn có lợi nhuận tốt so với trồng thông thường và bán cho thương lái.
"Nhìn chung, doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính để xây dựng được vùng trồng, vì cứ mỗi 2 năm tốn 2.000 USD để được cấp tiêu chuẩn GlobalGAP. Chưa kể, ngay đầu vụ phải đặt cọc cho nông dân số tiền 50 triệu đồng/héc ta để mua nguyên vật liệu", ông Tùng chia sẻ.
Đầu tư mạnh ngay từ lúc trồng mới cho ra được loại trái cây đúng quy chuẩn xuất khẩu. Thông thường, trong 10 tấn sản phẩm thì chỉ lựa được vài ba tấn hàng đáp ứng thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng.
Cũng theo ông Tùng, vì xuất khẩu trái cây tươi nên các doanh nghiệp có khuynh hướng vận chuyển bằng máy bay, chi phí rất đắt, hiện có giá khoảng 3.000 USD/tấn hàng. T&T Vina đã tạo ra được công nghệ bảo quản trái cây giữ độ tươi lâu nhưng không lạm dụng chất bảo quản, không dư lượng thuốc nên vận chuyển theo đường biển với chi phí khoảng 2.500 USD/container, một container chứa được hơn 10 tấn hàng.
Sự chênh lệch chi phí giữa vận chuyển hàng không và đường biển giúp T&T Vina đưa ra giá thành trái cây rất cạnh tranh trên thị trường Mỹ.(DNSG)
-------------------
Ngân hàng Việt đã tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 đến đâu?
Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý...
Sáng ngày 15/6, tại trụ sở Ngân hàng Nhà (NHNN) nước diễn ra hội thảo "Ngành Ngân hàng Việt Nam với cuộc cách mạng công nghiệplần thứ tư".
Phát biểu khai mạc hội thảo, phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết nhằm đón đầu xu hướng phát triển của CMCN 4.0, các ngân hàng Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào một số công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 trong sản phẩm, dịch vụ, hoạt động và quản trị của mình.
Nổi bật nhất là việc triển khai thực tế các công nghệ số nền tảng như: Điện toán đám mây, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng, giải pháp như xác thực sinh trắc học, trao đổi dữ liệu mở qua giao diện chương trình ứng dụng (open API) …nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Sử dụng các kênh phân phối, tiếp cận người dùng trên nền tảng số, các điểm tương tác với khách hàng qua ứng dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội …và ứng dụng các công nghệ số trong cải thiện hiệu quả vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, các ngân hàng có thể nâng cao khả năng quản trị quan hệ khách hàng, giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc hơn về thói quen, sở thích khách hàng để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp, hỗ trợ quản lý danh mục rủi ro.
Các công nghệ số, công nghệ mới gắn với CMCN 4.0 không chỉ giúp chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hóa, giúp tương tác khách hàng nhiều và hiệu quả hơn; mà còn có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, giúp các ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của CMCN 4.0, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã ứng dụng một số công nghệ, giải pháp của CMCN 4.0 như Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học… để tạo ra một số dịch vụ thanh toán số, ngân hàng số; đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán doanh thu, nhu cầu thị trường, cảnh báo rủi ro; nhiều ngân hàng bước đầu đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ như các ngân hàng TpBank với ngân hàng tự động LiveBank, VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo, OCB với chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, Vietcombank với không gian ngân hàng số Digital Lab, Vietinbank với corebank thế hệ mới và kho dữ liệu Doanh nghiệp (EDW) hiện đại, MB với ứng dụng trở lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mở ra từ CMCN 4.0, ngành Ngân hàng cũng đồng thời phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh CMCN 4.0; thách thức đối với các ngân hàng trong thay đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc sản phẩm dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số cũng như thách thức trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số.(CafeF)