Johnson & Johnson bồi thường 72 triệu USD vì phấn rôm gây ung thư
Hãng Mars thu hồi chocolate tại Việt Nam và nhiều nước
Giá lương thực tăng 0,66% nhờ tăng xuất khẩu gạo
Phí “gầm bàn” khiến các nhà đầu tư Nhật Bản ái ngại
Hơn 75% công ty có nhu cầu tuyển dụng sau tết
Tin kinh tế đọc nhanh 24-02-2016
- Cập nhật : 24/02/2016
Chuyên gia Yun Hang Jin: Cú sốc tỷ giá có khả năng lặp lại trong năm nay
Vấn đề tỷ giá có thể một lần nữa tạo ra cú sốc trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2016. Tuy nhiên, đáng lo hơn cả lại là tác động từ việc thị trường thế giới biến động và việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đến Việt Nam.
Bên lề buổi Hội thảo “Triển vọng Thị trường Việt Nam 2016” do Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 19/2, phóng viênNgười Đồng Hành đã có cuộc trao đổi với ông Yun Hang Jin - Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (KIS Hàn Quốc).
Thưa ông, TTCK Việt Nam năm ngoái có một cú sốc từ vấn đề tỷ giá, còn năm kia có cú sốc từ sự kiện Biển Đông. Liệu KIS có dự phòng một cú sốc nào cho năm nay hay không?
Năm nay, CTCK KIS dự báo cú sốc về tỷ giá có khả năng sẽ lặp lại. Mặc dù năm ngoái tỷ giá của Việt Nam đã điều chỉnh khá mạnh, nhưng năm nay do tình hình bất ổn từ bên ngoài nên tỷ giá có thể là 1 vấn đề gây ảnh hưởng lên tâm lý nhà đầu tư.
Một lý do khiến cho cú sốc tỷ giá có thể lặp lại là năm nay Trung Quốc được dự báo sẽ có thay đổi về đường lối chính sách đối với việc điều hành tỷ giá. Điều đó sẽ dẫn đến sự thay đổi tỷ giá của Việt Nam.
Trong báo cáo của mình, KIS có dự báo tỷ giá Việt Nam sẽ được điều chỉnh 3-5% trong năm 2016, tương đương với năm ngoái. Thế có gìkhác với năm ngoái?
Thực ra, nếu là nói là một cú sốc thì hơi quá. Có thể nó không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều như thế. Tuy nhiên, khi tỷ giá được điều chỉnh 3-5%, nó không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong nước, mà nó còn ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài. Một khi khối ngoại bị ảnh hưởng và rút vốn ra khỏi Việt Nam, nó sẽ kéo theo tâm lý tiêu cực đối với các nhà đầu tư trong nước.
Tỷ giá có phải là yếu tố đáng lo ngại nhất đối với các nhà đầu tư trong năm nay hay không? Nếu không thì là yếu tốt nào, thưa ông?
Tỷ giá là yếu tố ảnh hưởng không tốt lên thị trường. Tuy nhiên, tỷ giá không phải là vấn đề chủ chốt khiến nhà đầu tư lo lắng, vì vấn đề khiến nhà đầu tư lo lắng hơn cả là ảnh hưởng từ những biến động của thị trường bên ngoài và ảnh hưởng từ việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn. Một khi các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, rút vốn ra khỏi thị trường Việt Nam, thì nó mới kéo theo vấn đề về tỷ giá.
Nói về nhà đầu tư nước ngoài, KIS dự báo khối ngoại sẽ bán ra vào đầu năm và mua lại vào cuối năm. Vậy KIS có dự báo nào về tổng lượng mua ròng hay bán ròng cho cả năm?
Như phía KIS đã dự đoán, nửa đầu năm các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục bán ròng, và sau đó, do những yếu tố tích cực từ bên ngoài nên họ sẽ trở lại mua ròng vào cuối năm.
Tuy nhiên, do thời điểm đầu năm, tức là từ đầu năm cho đến tháng 2/2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới 1,6 nghìn tỷ đồng, là một mức khá lớn. Nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng đến khoảng cuối tháng 6, thì con số này sẽ tăng lên tới 2-3 nghìn tỷ đồng. Đây là con số khá lớn. Cho nên, nếu nửa cuối năm các nhà đầu tư nước ngoài có quay trở lại mua ròng đi chăng nữa, thì tính theo năm con số vẫn là bán ròng. Tuy nhiên, cụ thể con số bao nhiêu thì hơi khó đoán.
Ngành nào sẽ là ngành tăng trưởng tốt nhất mà KIS dự báo cho năm nay, thưa ông?
Trong hoàn cảnh hiện tại, giá dầu thế giới đang tiếp tục giảm xuống, giá cả các mặt hàng nguyên liệu trong thời gian tới chưa có khả năng phục hồi, cho nên đối với những nhóm ngành nhập khẩu nguyên vật liệu là nhóm ngành đáng quan tâm.
Thứ hai, do các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường quốc tế đang rút vốn ra khỏi các tài sản rủi ro cao, vì thế một nhóm ngành cũng khá an toàn ngành bất động sản. Đây cũng là nhóm ngành đáng quan tâm trong năm nay.(CafeF)
Đây có thể là lý do cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh
Nhóm cổ phiếu chứng khoán luôn là nhóm có nhiều lý do nhất để có sóng. Có khi là nhờ hoạt động tự doanh tích cực, có khi là thanh khoản cao đẩy kỳ vọng hoạt động môi giới tốt. Nhưng có một lý do rất khác khiến cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh phiên 22/2.
Trước đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán thường góp mặt trong những con sóng lớn của thị trường. Kỳ vọng vào hoạt động tự doanh tích cực hay hoạt động môi giới đẩy mạnh khi thị trường vào sóng giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán trở nên hấp dẫn với giới đầu tư.
Tuy vậy, việc TTCK trong năm 2015 diễn ra tương đối ảm đạm đã ảnh hưởng không nhỏ tới KQKD của các CTCK, qua đó khiến nhóm cổ phiếu này không thực sự hấp dẫn trong thời gian qua.
KQKD năm 2015 được công bố cho thấy lợi nhuận của không ít CTCK đã sụt giảm đáng kể. Có thể kể tới như HSC (mã HCM) lãi ròng 213 tỷ đồng (giảm 43%); SHS lãi 118 tỷ đồng (giảm 3%); BVS lãi 117 tỷ đồng (giảm 12%); MBS chỉ lãi chưa đầy 10 tỷ đồng (giảm 87%) hay KLS thậm chí lỗ hơn 68 tỷ đồng…..
Trong những tháng đầu năm 2016, xu hướng lình xình của thị trường được tiếp diễn và điều này khiến các CTCK khó có thể kỳ vọng vào KQKD đột biến trong quý 1 tới đây.
Cổ phiếu chứng khoán bất ngờ tăng mạnh
Sau quãng thời gian im hơi lặng tiếng, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán lớn, nhỏ như SSI, HCM, VND, BVS, SHS, BSI, VIX, AGR….đã bất ngờ tăng mạnh trong phiên giao dịch 22/2. Thậm chí, HCM, VIX còn đóng cửa tăng kịch trần và không còn dư bán.
Đây là điều khá bất ngờ với giới đầu tư bởi các nhóm cổ phiếu dầu khí, bất động sản, xây dựng mới là tâm điểm giao dịch trong thời gian qua.
Thông tin đáng chú ý nhất với nhóm chứng khoán là việc Daiwa Securities đăng ký mua 26,5 triệu cổ phiếu SSI và có lẽ tín hiệu tích cực của SSI phần nào đã kéo theo sự khởi sắc của các cổ phiếu chứng khoán khác.
Nới room?
Có thể thấy, việc nhóm cổ phiếu chứng khoán ồ ạt tăng điểm trong phiên 22/2 khó có thể đến từ KQKD mà có lẽ đến từ tác động của SSI hay kỳ vọng vào việc nới room cho khối ngoại.
Kể từ đầu năm 2016 tới nay, câu chuyện nới room tại các doanh nghiệp đang là chủ đề “hot” và là yếu tố thúc đẩy đà tăng giá tại một vài cổ phiếu. Những cổ phiếu nới room lên 100% như VHC, EVE hay các cổ phiếu mở room cho khối ngoại như BIC, MBB đều có diễn biến tích cực.
Theo nhận định của HSC, câu chuyện mở room tại các doanh nghiệp sẽ còn được nhắc tới nhiều trong năm nay, đặc biệt trong khoảng thời gian từ nay đến ĐHCĐ.
Không tính SSI đã nới room lên ngưỡng tối đa 100%, hiện chỉ có HCM cùng VND là 2 cổ phiếu chứng khoán đáng chú ý nhất với tỷ lệ sở hữu của khối ngoại lần lượt là 49% và 44%. Do đó, 2 cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại nếu thực hiện nới room.
Trong năm 2015, HCM từng cho biết sẽ nới room khi các thông tư hướng dẫn cụ thể được ban hành. Do đó, khi mà SSI đã thực hiện nới room thành công thì việc HCM có hành động tương tự cũng không phải là điều quá bất ngờ. Có lẽ HCM tăng kịch trần trong phiên 22/2 không ngoại trừ đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về việc sẽ sớm thực hiện nới room.
Không nên kỳ vọng quá nhiều
Không thể phủ nhận việc nới room, thu hút nhà đầu tư ngoại sẽ mang lại lợi ích cho các CTCK như nâng cao năng lực quản trị, nguồn vốn, công nghệ…..Tuy vậy, có lẽ chỉ những CTCK top đầu mới thực sự thu hút được dòng vốn ngoại khi thực hiện nới room.
TTCK Việt Nam quy mô còn khá nhỏ bé, việc cạnh tranh tại các CTCK top dưới là khá khốc liệt. Các CTCK như Woori CBV, Mirae Asset….nhìn chung vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong hoạt động dù có sự hỗ trợ của vốn ngoại. Bên cạnh đó, các sản phẩm phái sinh sắp được triển khai cũng chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, không phải cổ phiếu nào nới room cũng sẽ mang lại hiệu quả và nhà đầu tư cần tỉnh táo, không nên mua đuổi các cổ phiếu theo tư duy “nước nổi bèo nổi” để tránh những rủi ro đáng tiếc.
TP HCM dùng 7,37 tỷ USD vốn vay ODA để xây dựng 8 dự án
UBND TP vừa đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về danh mục các dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản tài khóa 2016 và giai đoạn 2016 - 2018 cho 8 dự án.
Các dự án này bao gồm:
Xây dựng Nhà ga Trung tâm Bến Thành với tổng mức đầu tư khoảng 350 triệu USD.
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 1 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây) với tổng mức đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD.
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a, giai đoạn 2 (Bến xe Miền Tây - Tân Kiên) với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3b (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước) với tổng mức đầu tư khoảng 1,87 tỷ USD.
Cải thiện môi trường nước TPHCM (lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ), giai đoạn 3 với tổng giá trị vốn vay ODA dự kiến là 48 tỷ Yên.
Xây dựng nút giao thông An Phú (nút giao hoàn chỉnh) kết nối giữa tuyến Đại lộ Đông Tây và đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng giá trị vốn vay ODA dự kiến là 48,8 tỷ Yên.
Xây dựng tuyến monorail số 2 (Quốc lộ 50 - Bến xe Miền Tây mới, dự kiến kết nối với tuyến metro số 3a) với tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD.
Xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (trên đường vành đai số 2 (quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương) với tổng mức đầu tư khoảng 750 triệu USD.
UBND TP cũng kiến nghị Bộ bổ sung 15,11 tỷ Yên cho dự án cải thiện môi trường nước TP (lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ), giai đoạn 2.
Vingroup phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu
Trái phiếu có lãi suất cố định là 7,75% và 8,5% cho kỳ hạn 5 năm và 10 năm, là nguồn vốn dài hạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tập Đoàn Vingroup – Công ty CP (mã chứng khoán VIC) đã phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước có lãi suất cố định, không có tài sản đảm bảo. Trái phiếu có hai kỳ hạn 5 năm và 10 năm với lãi suất lần lượt là 7,75% và 8,5% được bảo lãnh thanh toán bởi CGIF, một quỹ ủy thác của Ngân hàng Phát Triển Châu Á (ADB).
Trái phiếu gồm 2 kỳ hạn 5 năm và 10 năm, lãi suất cố định, không có tài sản đảm bảo, với tổng giá trị trái phiếu phát hành là 3.000 tỷ đồng, được bảo lãnh thanh toán bởi Quỹ Đầu tư và Đảm bảo tín dụng (Credit Guarantee and Investment Facility, “CGIF”), một quỹ ủy thác của Ngân hàng Phát Triển Châu Á (ADB).
Đây là lần đầu tiên CGIF bảo lãnh thanh toán cho một doanh nghiệp trong ngành Bất động sản tại khối ASEAN và là giao dịch lớn nhất của CGIF tại Việt Nam tính đến nay. Đây cũng là giao dịch đầu tiên có nhiều kỳ hạn khác nhau của CGIF.
Trái phiếu có lãi suất cố định là 7,75% và 8,5% cho kỳ hạn 5 năm và 10 năm, là nguồn vốn dài hạn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
CGIF là một Quỹ đa quốc gia với các thành viên đóng góp gồm Chính phủ các nước ASEAN + 3 và Ngân hàng Phát triển Châu Á (" ADB"). CGIF hoạt động dưới cương vị quỹ ủy thác của ADB với ban đầu vốn đã góp của 700 triệu USD từ các thành viên.
CGIF được thành lập để phát triển và tăng cường thị trường tiền tệ và trái phiếu bằng đồng nội tệ của các nước ASEAN + 3. CGIF bắt đầu cấp bảo lãnh thanh toán từ ngày 1/5/2012 chủ yếu để tăng hạng mức tín dụng của các tổ chức phát hành uy tín trong khối ASEAN + 3.
Gemadept chính thức được cấp phép trồng cây cao su tại Campuchia
CTCP Gemadept (mã: GMD) thông báo đã nhận được giấy phép đầu tư ra nước ngoài từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, Gemadept đã thành lập CTCP Niềm kiêu hãnh Thái Bình Dương (Pacific Pride JSC), trụ sở tại thủ đô Phnom Pênh - Vương quốc Campuchia để thực hiện đầu tư trồng và khai thác cây cao su tại huyện Kohgnek.
Tổng diện tích dự án là 9.773 ha trong đó diện tích trồng cây cao su là 7.746 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án là 27,7 triệu USD.
Quyết định rót 27,7 triệu USD cho dự án trồng cao su tại Campuchia đã được HĐQT của GMD thông qua hồi đầu năm 2015 cùng với quyết định thành lập CTCP Niềm Kiêu Hãnh Thái Bình Dương . Cùng với Công ty Hòn Ngọc Thái Bình Dương (Pacific Pearl), Hoa Sen Thái Bình Dương (Pacific Lotus), Gemadept có 3 công ty con tại Campuchia để triển khai các kế hoạch liên quan đến đầu tư và khai thác cao su.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, ban lãnh đạo của GMD cho biết trong năm 2014 đã trồng thêm 2.000 ha cao su tại Campuchia theo đúng tiến độ. Đất trồng cao su tại Campuchia của công ty đã được cấp “sổ đỏ” thời hạn 50 năm.
Tuy nhiên, cũng tương tự như mảng bất động sản, đầu tư trồng cao su không được GMD xem là mảng kinh doanh cốt lõi nên GMD chủ trương sẽ thoái vốn khỏi dự án này trong tương lai.