Bắt giữ tàu Trung Quốc chở đầy cá mập; Bộ Tài chính công bố sửa đổi 5 luật thuế; Ô tô nhập khẩu từ Indonesia tăng mạnh; Những điều 'chưa từng có' trên thị trường nhà đất
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 23-08-2017
- Cập nhật : 23/08/2017
Chile từ chối dự án mỏ sắt 2,5 tỉ USD để bảo vệ chim cánh cụt
Chính quyền Chile vừa bác bỏ dự án mỏ khai thác quặng sắt trị giá 2,5 tỉ USD để bảo vệ hàng ngàn con chim cánh cụt có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo hãng tin AFP, công ty Andes Iron của Chile muốn khai thác hàng triệu tấn quặng sắt ở vùng Coquimbo phía bắc nước này, đồng thời xây dựng một cảng mới để vận chuyển số kim loại đó ra.
Tuy nhiên một ủy ban bộ trưởng của Chile cho biết dự án do công ty Andes Iron đệ trình đã không đưa ra đủ các biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả. Các tổ chức hoạt động môi trường cũng lên tiếng cảnh báo về tác động môi trường tiêu cực của dự án.
Bộ trưởng môi trường Chile, ông Marcelo Mena, nói: "Các giải pháp bù đắp là không đủ và cũng không đảm bảo cho việc bảo vệ các loài vật bị đe dọa, như loài chim cánh cụt Humboldt".
"Tôi hoàn toàn tin vào sự phát triển, nhưng điều đó không thể đánh đổi với di sản môi trường của chúng tôi cũng như gây ra nguy cơ cho sức khỏe, cho các quần thể sinh thái đặc hữu trên thế giới".
Cũng theo ông Mena, quyết định của ủy ban bộ trưởng được đưa ra dựa trên những phương diện kỹ thuật và chứng cứ của 14 cơ quan hữu trách, không liên quan tới những cân nhắc chính trị.
Ông Marcelo Mena nói thêm: "Chúng tôi không phản đối sự phát triển kinh tế cũng như các dự án cần thiết cho sự phát triển của đất nước, nhưng chúng phải đưa ra được những giải pháp thỏa đáng để giải quyết những ảnh hưởng do chúng gây ra".
Vùng Coquimbo của Chile nằm ở bờ biển phía nam của ba quần đảo tạo nên khu bảo tồn quốc gia cho loài chim cánh cụt Humboldt. Khu vực này là nơi cư ngụ của 80% số chim cánh cụt Humboldt trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã khác như cá voi xanh, rái cá biển.
Chưa thể thống kê chính xác số chim cánh cụt Humboldt có ở khu vực này, tuy nhiên ước tính có khoảng vài ngàn con đang cư ngụ tại đây.
Theo đài BBC (Anh) giới quan sát cho biết những năm qua, nhiều công ty khai khoáng cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy phép làm ăn tại Chile do công luận cũng như chính giới nước này ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề bảo vệ môi trường.(Tuoitre)
-----------------------------
Ưu tiên chính sách cho nông nghiệp hữu cơ
Một nghị định về quản lý sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế và đưa Việt Nam thành một trong những trung tâm nông nghiệp hữu cơ của khu vực.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo chia sẻ thông tin về chính sách quản lý để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM ngày 22-8.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hữu cơ tăng nhanh trên quy mô toàn cầu thời gian qua kéo theo mức tăng trưởng về sản xuất, thương mại lĩnh vực này trên quy mô toàn cầu.
Việt Nam với các lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và các giống cây con bản địa đang có lợi thế rất lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu với giá trị cao.
Nông sản hữu cơ đang trở thành mặt hàng nông nghiệp mà Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các chuỗi bán lẻ toàn cầu nhất.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ lẻ với nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau từ các tiêu chuẩn quốc tế đến các tiêu chuẩn tự kiểm soát hay tự phong.
Vì vậy, Việt Nam cần sớm ban hành hành lang pháp lý để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ đi vào quy củ, tạo ra các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Phạm Đồng Quảng, nguyên Cục phó Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trước đến nay Việt Nam chưa có văn bản quy định cụ thể về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, quy chuẩn về hữu cơ đã có nhưng thiếu và cần phải thay đổi.
“Thực phẩm hữu cơ là mối quan tâm của toàn cầu và là cơ hội rất lớn cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, quan điểm của các nhà soạn thảo nghị định là cần có những chính sách đặc thù để phát triển nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên những chính sách hiện có cho nông nghiệp hữu cơ”, ông Quảng nói.(Tuoitre)
---------------------------------
Dự án “thung lũng silicon” Đà Nẵng sẽ được hồi sinh đón APEC
Khu Công nghệ thông tin (DITP) hay còn gọi là “thung lũng silicon” mới của TP Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 278 triệu USD đang được hồi sinh để đón Hội nghị cấp cao APEC (sẽ diễn ra vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng).
Khởi công vào năm 2013, dự án DITP được xây dựng trên diện tích đất 341 ha - tại địa bàn 3 xã: Hòa Liên, Hòa Ninh và Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) - với tổng vốn đầu tư 278 triệu USD.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có diện tích 131 ha, xây dựng trong 5 năm 2013-2017 với vốn đầu tư 82 triệu USD. Giai đoạn 2 có diện tích 210 ha, xây dựng trong 6 năm 2017-2023 với vốn đầu tư 196 triệu USD.
Đây là dự án lớn mà chính quyền TP. Đà Nẵng kỳ vọng sẽ làm thay đổi tổng thể bộ mặt thành phố, biến Đà Nẵng thành một “thung lũng Silicon” mới của Việt Nam theo mô hình thung lũng Silicon của Hoa Kỳ và Khu công nghệ cao Hsinchu (Đài Loan) tại châu Á; thu hút 25.000 nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia CNTT trong và ngoài nước đến làm việc, phát triển khu đô thị vệ tinh tây bắc Đà Nẵng với 100.000 dân.
Tuy nhiên, siêu dự án này bị chậm tiến độ trong nhiều năm do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, thậm chí đứng trước nguy cơ bị thu hồi.
Năm 2016, Công ty CP Trung Nam thấy được tiềm năng phát triển của dự án nên đã thực hiện nhận chuyển nhượng 65% cổ phần từ tập đoàn Rocky Lai & Associates - Đà Nẵng và các nhà đầu tư tại Mỹ.
Sau khi được sự chấp thuận của UBND thành phố Đà Nẵng theo công văn số 5722/UBND-SKHĐT ngày 28/7/2017, về việc Bản cam kết liên quan đến dự án khu CNTT Đà Nẵng, DITP với sự tham gia của nhà đầu tư mới đã thanh toán gần 60 tỷ đồng cho Cục Thuế gồm: tiền thuê đất 50 năm và các khoản nợ ngân sách nhà nước... Đồng thời, DITP sẽ thanh toán các chi phí khác theo đúng lộ trình cam kết với thành phố.
Hiện, Công ty Trung Nam đang đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng, theo đó khoảng tháng 6/2018 sẽ hoàn thành san nền và tiến hành triển khai giai đoạn 1 vào cuối năm 2018.(NDH)
----------------------
Đàm phán lại NAFTA: khởi đầu chưa suôn sẻ
Sự khác biệt giữa Mỹ, Canada và Mexico trong việc đàm phán lại NAFTA vẫn còn rất rõ ràng và cơ bản
Mỹ, Canada và Mexico đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới. Trong tuyên bố chung, cả ba nước này đều thể hiện ý muốn và quyết tâm đàm phán thiện chí và nhanh chóng kết thúc thành công. Họ cũng còn cho thấy là đã cùng nhau đề cập đến tất cả những nội dung được quan tâm. Nếu chỉ nghe qua như thế thì cảm nhận chung sẽ là sự khởi đầu của tiến trình đàm phán này rất suôn sẻ và đàm phán nhanh chóng thành công là điều chắc chắn.
Trong thực chất lại không phải như vậy. Ba nước này chưa đạt được sự nhất trí về câu trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất và quyết định nhất ở giai đoạn khởi đầu là NAFTA mới khác biệt như thế nào với NAFTA cũ, tức cái đích của tiến trình đàm phán là xóa bỏ cái cũ để làm cái hoàn toàn mới hay chỉ chỉnh sửa và bổ sung, cải tiến và hoàn thiện, thích ứng hóa và hiện đại hóa cái cũ. Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ cho thấy liệu đàm phán có thể được kết thúc thành công hay không và nếu được thì sẽ kết thúc nhanh chóng hay chậm chạp.
Trên phương diện này, sự khác biệt vẫn còn rất rõ ràng và cơ bản. Canada và Mexico chủ trương xuất phát từ NAFTA cũ và chỉ đàm phán về chỉnh sửa và bổ sung. Trong khi ấy, phía Mỹ chủ trương chơi lại ván bài này từ đầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi còn vận động tranh cử đã coi NAFTA là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất đối với nước Mỹ. Đối với ông, NAFTA hoàn toàn mới không chỉ là cam kết tranh cử và thể diện cá nhân mà còn là nhận thức như thế mới đúng và tốt cho nước Mỹ. Khởi đầu vì thế chưa được suôn sẻ. Kết thúc vì thế chưa biết đến khi nào.(Thanhnien)
---------------------------