Thuế nhập ô tô cũ tăng thêm 5.000 USD/chiếc; Đề xuất tăng lương tối thiểu từ 180.000 – 230.000 đồng so với hiện nay; Chuyện đầu tư theo “tay to”, nhìn từ QCG; Chuyển nhượng 65% cổ phần 'Thung lũng silicon' Đà Nẵng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 22-08-2017
- Cập nhật : 22/08/2017
Tăng thêm hơn 8.400 tỷ đồng giá trị 8 DNNN sau kiểm toán Nhà nước
Riêng tổng giá trị tài sản của Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR) đã được KTNN điều chỉnh thêm 5.360 tỷ đồng, lên 72.876 tỷ đồng.
Chênh hơn 8.400 tỷ sau khi KTNN vào cuộc
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, Ths. Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành VI cho biết đã có hàng nghìn tỷ đồng giá trị doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tăng thêm.
Qua kiểm toán 08 DNNN được các tổ chức tư vấn định giá xác định theo phương pháp tài sản, KTNN đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn Nhà nước hơn 8.454 tỷ đồng. Trong đó, riêng tổng giá trị tài sản của Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR) đã được KTNN điều chỉnh thêm 5.360 tỷ đồng, lên 72.876 tỷ đồng.
Con số kiểm toán tại PV Power cũng chênh so với kết quả xác định giá trị doanh nghiệp của đơn vị định giá gần 1.995 tỷ đồng. Cùng theo phương pháp định giá tài sản, tại Công ty mẹ Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty XNK Thanh Lễ, KTNN cũng kiến nghị tăng định giá doanh nghiệp lên 512 tỷ đồng, 575 tỷ đồng và 95 tỷ đồng.
Có nhiều lý do khiến xuất hiện chênh lệch này nhưng cũng có những lý do khách quan như "vênh" về thời điểm DNNN được định giá và lúc DNNN cổ phần hóa hay việc thẩm định viên không có đầy đủ thông tin thời điểm định giá như kiểm toán viên Nhà nước.
Sự chênh lệch này cũng cho thấy vai trò của KTNN trong việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp trong tiến trình cổ phần hóa.
KTNN là đơn vị được giao kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa mà cụ thể, theo Công văn số 1532/TTg-ĐMDN ngày 30/8/2016 các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế Nhà nước nắm giữ 100% vốn có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa phải được KTNN kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh
nghiệp.
Dự kiến, thời gian tới, số lượng doanh nghiệp được KTNN kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp sẽ còn tăng lên (khoảng 80 doanh nghiệp) khi Nghị định 59 sửa đổi quy định đối tượng kiểm toán là doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 1.800 tỷ đồng thay vì mức 5.000 tỷ đồng.
Cần áp dụng ít nhất 2 phương pháp định giá để kiểm tra, đối chiếu
Phương pháp định giá cũng là việc được đặt ra tại Hội thảo. Theo ý kiến của TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính, rất cần thiết quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp phải áp dụng ít nhất 02 phương pháp (một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu).
Kết quả của KTNN cũng cho thấy 2 trong 8 DNNN được kiểm toán kết quả định giá gồm Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist và Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam đủ điều kiện áp dụng định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu nhưng lại chỉ thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản.
Khi định giá bằng phương pháp định giá tài sản, chênh lệch giữa con số kiểm toán và đơn vị định giá khoảng 400 tỷ đồng. Nhưng khi KTNN xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì GTDN tăng so với phương pháp tài sản do KTNN xác định là 15.684 tỷ đồng.
Chênh lệch hơn 400 tỷ đồng về kết quả định giá giá trị 2 DNNN theo cùng phương pháp định giá tài sản
Tuy nhiên, KTNN cũng lưu ý không kiến nghị điều chỉnh mà chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lưu ý khi thẩm định và phê duyệt trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Cũng phải nói thêm rằng, việc doanh nghiệp cổ phần hóa phải điều chỉnh lại sổ sách theo kết quả định giá lại ngay sẽ tạo ra sức ép lớn cho doanh nghiệp cổ phần do phải trích khấu hao dẫn tới tăng chi phí ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mặc dù toàn bộ khối tài sản này doanh nghiệp vẫn đang sử dụng như trước khi cổ phần.
Vấn đề bất cập này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép không phải điều chỉnh lại giá trị khi thực hiện cổ phần hóa tại Công ty TNHH 1 TV Cao su Tân Biên, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.(NDH)
--------------------------
Twitter mất 2 tỉ USD giá trị nếu không có Tổng thống Donald Trump
Nếu không có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Twitter có thể mất gần 1/5 giá trị. Đây là kết luận của nhà phân tích James Cakmak thuộc hãng Monness Crespi Hardt & Co.
Theo Bloomberg, ông Cakmak cho biết hãng Twitter có thể mất đến 2 tỉ USD giá trị thị trường nếu tài khoản @realDonaldTrump của Tổng thống Mỹ ngừng hoạt động. Chuyện Tổng thống Mỹ ngưng dùng Twitter, nếu có, sẽ không khiến số người hoạt động hằng ngày vốn giúp Twitter kiếm lời giảm đi, mà sẽ khiến hãng mất đi giá trị vô hình về thương hiệu. Tổng thống Mỹ Donald Trump là người dùng nổi bất nhất trên mạng xã hội này.
“Không có cách quảng cáo đến thế giới nào tốt hơn là cách thông qua Tổng thống Mỹ”, ông Cakmak, người có đánh giá trung lập về cổ phiếu Twitter nói.
Twitter không tiết lộ tổng số người dùng như Cakmak ước tính số người dùng hằng ngày của trang mạng xã hội vào khoảng 125 triệu người, ít hơn 30% so với số người dùng ứng dụng của hãng Snap hằng ngày. Hồi tháng 7, Twitter thông báo số người dùng có hoạt động tăng 12% trong quý 2/2017 so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Trump có 36 triệu người theo dõi và đã tweet, hay đăng bài, hơn 35.000 lần kể từ khi đăng ký tài khoản vào năm 2009. Dù vậy, cổ phiếu Twitter hạ 14% từ khi ông Trump đắc cử vào ngày 8.11.2016. Giá trị thị trường hãng là 11,7 tỉ USD.(Thanhnien)
-------------------------
Hoán đổi nợ của Trung Quốc vượt qua mốc 100 tỷ USD
Gần một năm sau khi tiến hành các bước để kiềm chế đòn bẩy của doanh nghiệp, Trung Quốc ngày càng lo ngại rằng các công ty không xứng đáng đang hưởng lợi trong khi các hộ gia đình lại đang phải chịu rủi ro.
Trung Quốc công bố các hướng dẫn về hoạt động hoán đổi nợ thành vốn cổ phần trong tháng 10, một phần trong các biện pháp cắt giảm nợ công lớn nhất thế giới. Chính phủ nước này tin rằng cách doanh nghiệp "khỏe mạnh" sẽ sử dụng chương trình để cắt giảm các khoản vay có lãi suất còn các công ty cồng kềnh sẽ được loại bỏ.
Tuy nhiên thực tế lại không được như mong muốn, ngay cả khi tổng giá trị giao dịch hoán đổi đạt 776 tỷ Nhân Dân Tệ (116 tỷ USD) trong quý II còn khối lượng tăng lên mức kỷ lục, theo Natixis SA.
Giá trị hoán đổi ngày càng tăng
Mặc dù Hội đồng Nhà nước Trung Quốc từng tin rằng các công ty "zombie" có thể sẽ không tham gia, 55% số giao dịch hoán đổi trong quý vừa qua là của các ngành công nghiệp than và thép, vốn đang phải đối mặt với tình trạng thừa năng suất, theo Natixis. Tình trạng này mang đến rủi ro cao cho ngân hàng và cả các nhà đầu tư cá nhân vì một số người mua các sản phẩm quản lý tài sản được "đóng gói lại" từ các vụ hoán đổi.
Chương trình đang thu hút các công ty xấu vì những doanh nghiệp này coi các giao dịch hoán đổi nợ - vốn như một cách để được cứu trợ, chuyên gia kinh tế cao cấp Chi Lo tại BNP Paribas Asset Management, cho biết.
Giao dịch hoán đổi nói chung hoạt động như sau: Một ngân hàng đồng ý tiếp nhận các khoản nợ gốc của công ty. Sau đó, ngân hàng sẽ thành lập một đơn vị cùng các cổ đông khác để chia sẻ rủi ro. Đơn vị này sẽ gánh khoản nợ và tiến hành giao dịch với công ty để chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu và sau đó có thể thoái cổ phần này đi.
Những "zombie ẩn" tại Trung Quốc
Trong bản dự thảo gần đây nhất của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc, một ngân hàng được yêu cầu phải sở hữu không dưới 50% cổ phần trong đơn vị tiến hành hoán đổi. Hướng dẫn cũng nói rằng các đơn vị có thể bán trái phiếu và vay titừ thị trường liên ngân hàng.
Trước khi giải quyết cổ phần trong các công ty, các đơn vị ngân hàng có thể sẽ phải rất vất vả để quản lý, theo Victor Jong, lãnh đạo đơn vị dịch vụ phục hồi doanh nghiệp của PricewaterhouseCoopers LLP ở Thượng Hải. Một trong những công ty "zombie" này là Sinosteel, từng được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ để tránh vỡ nợ trong năm 2015.
Một ví dụ khác, tập đoàn Vàng Sơn Đông ký thỏa thuận hoán đổi nợ - vốn với ngân hàng Công thương Trung Quốc vào tháng 12. Cổ phiếu của công ty con khai thác Vàng Sơn Đông giảm khoảng 13% kể từ đó (chỉ số Shanghai Composite Index tăng 1% trong cùng kỳ).
Mức tăng trưởng của mảng giao dịch hoán đổi này cũng làm dấy lên lo ngại rằng rủi ro đang bị chuyển sang các nhà đầu tư cá nhân, khi các quỹ "đóng gói lại" số cổ phần thành các sản phẩm quản lý tài sản. Ngân hàng xây dựng Trung Quốc từng huy động vốn bằng cách đóng gói lại nợ nần của tập đoàn Thiếc Vân Nam và công ty Sắt Thép Vũ Hán thành các sản phẩm quản lý tài sản nhằm vào các nhà đầu tư cá nhân, theo S & P Global Ratings.(NDH)
-----------------
LienVietPostBank phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi
Ngân hàng Nhà nước VN vừa có quyết định chấp thuận phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi năm 2017 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Theo đó, LienVietPostBank phát hành trái phiếu chuyển đổi năm 2017 với tổng mệnh giá phát hành tối đa là 2.000 tỉ đổng. Theo tờ trình của LienVietPostBank tại đại hội đồng cổ đông vào tháng 3, việc phát hành trái phiếu chuyển đổi nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, hoạt động kinh doanh qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng...
Thời hạn trái phiếu chuyển đổi 1 năm, lãi suất cố định không quá 10%/năm. Mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tỷ lệ chuyển đổi 1:10, tức 1 trái phiếu chuyển đổi sẽ được chuyển thành 10 cổ phiếu LienVietPostBank.
Vào trung tuần tháng 7, LienVietPostBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho nâng vốn điều lệ từ 6.460 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2016 và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn tăng vốn điều lệ đã được cổ đông thông qua.(Thanhnien)