tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 21-08-2017

  • Cập nhật : 21/08/2017

Trung Quốc có nhiều hơn một 'Thung lũng Silicon'

Trung Quốc đã xây dựng 17 trung tâm công nghệ trên toàn quốc để chuyển đổi từ một nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất sang nền kinh tế công nghệ và đổi mới.

Khi Ben Hu và đối tác cũ của ông, người từng làm việc ở Google, muốn xây dựng một sản phẩm sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phá vỡ hoàn toàn việc giảng dạy ngôn ngữ theo lối truyền thống, Hu đã không tìm đến Thung lũng Silicon của Mỹ, thay vào đó ông lựa chọn Thượng Hải để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Vào thời điểm đó, tại đô thị phát triển ở phía đông của Trung Quốc, Hu đã nhìn thấy viễn cảnh ứng dụng Liulishuo sử dụng AI để giúp học sinh học tiếng Anh theo nhu cầu của ông phát triển lớn mạnh và có được 600.000 người dùng trả phí, chỉ bốn năm sau khi nó được tung ra thị trường vào năm 2013.

mot san pham dien toan dam may cua cloudminds, mot cong ty cong nghe khoi nghiep cua trung quoc duoc gioi thieu tai mot hoi nghi o bac kinhanh: reuters

Một sản phẩm điện toán đám mây của CloudMinds, một công ty công nghệ khởi nghiệp của Trung Quốc được giới thiệu tại một hội nghị ở Bắc KinhẢNH: REUTERS

“Tôi thực sự tin tưởng vào công nghệ trí thông minh nhân tạo, đặc biệt khi Trung Quốc cung cấp cho các doanh nhân một cơ hội lớn để nhảy vọt so với các công ty ở Thung lũng Silicon”, ông Hu nói.

Thung lũng Silicon từ lâu được xem là thủ đô công nghệ của thế giới, nơi có những công ty công nghệ hùng mạnh nhất trên thế giới đặt trụ sở hoạt động như Facebook, Apple, Google, Netflix... Trong khi đó, Trung Quốc tuy không có một “Thung lũng Silicon” tập trung trong khuôn viên hơn 4.801km2  như ở Mỹ, nhưng họ đang rất tự tin vào 17 trung tâm công nghệ hiện nằm rải rác tại nhiều thành phố lớn trên khắp cả nước, trong đó đi đầu là Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.

Theo Jenny Lee, quản lý đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm GGV Capital, trong khi chính phủ Mỹ không có nhiều sự can thiệp đối với Thung lũng Silicon, thì Bắc Kinh lại ra sức đưa ra các chính sách và biện pháp nhằm tạo ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghệ, nhất là trong những lĩnh vực đang có xu hướng nổi lên mạnh mẽ nhưng không được kiểm soát như xe tự lái, robot tự động hoặc máy bay không người lái.

“Ngoài các chính sách đã được quy định, hầu hết những người tham gia vào AI, không giới hạn từ chuyên gia cho đến người mới bắt đầu ở Trung Quốc đều nhận được sự hỗ trợ thường xuyên”, bà Lee nói.

Trung Quốc cũng đã tạo ra hơn 1.600 vườn ươm công nghệ cao trên khắp đất nước và hơn 20% của Quỹ An sinh Xã hội Quốc gia được phân bổ cho vốn đầu tư mạo hiểm và đầu tư cổ phần tư nhân. Matthew Graham, một nhà cố vấn đầu tư mạo hiểm, nói rằng chính những biện pháp của chính phủ đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi để Trung Quốc từ một nhà máy của thế giới dần trở thành cường quốc công nghệ cao.

Cùng với nhau, các “ông lớn” công nghệ của Đại lục bao gồm Baidu, Alibaba, Tencent và JD đã đạt số vốn hóa thị trường 950,35 tỉ USD, vượt qua tổng giá trị 665 tỉ USD của các công ty công nghệ toàn cầu như Intel, Cisco, Oracle và IBM. Nhóm các công ty tư nhân có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã phát triển theo cấp số nhân trong vòng ba năm qua.

“Người ta có thể tranh luận về việc liệu Trung Quốc có sao chép Thung lũng Silicon hay không, nhưng những nỗ lực để xây dựng ngành công nghệ của nước này là không thể phủ nhận”, Tim Zanni, Chủ tịch Hiệp hội công nghệ và truyền thông KPMG, nhận xét.

Song, việc các công ty internet hàng đầu của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trên sân nhà đang là nguyên nhân khiến cho hầu hết sản phẩm dịch vụ từ các công ty công nghệ khổng lồ ở Thung lũng Silicon bị chặn bởi “bức tường lửa”, đồng thời họ còn bị ép buộc phải hoạt động theo những quy tắc không giống với bất kỳ nước nào khác trên thế giới.

Theo South China Morning Post, một số nhà đầu tư mạo hiểm cho biết việc Trung Quốc tiếp tục hạn chế quyền truy cập và lưu lượng thông tin miễn phí trên internet, cũng như tình trạng thiếu các nghiên cứu khoa học chuyên sâu, điều rất cần thiết cho sự đổi mới công nghệ, có thể khiến cho nhiều doanh nhân và các chuyên gia trên toàn cầu e ngại bước vào một thị trường, nơi mà lợi thế sân chơi chỉ nghiêng về phía các doanh nghiệp địa phương.(Thanhnien)
----------------------

Aeon, 7-Eleven "mạnh tay" mở rộng

Nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài như Aeon, Lotte, 7-Eleven… đang tăng cường đầu tư mở rộng hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.

Tăng đầu tư, mở rộng hệ thống

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết, tiềm năng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam còn rất lớn, nên việc đầu tư, mở rộng hệ thống là việc chắc chắn phải làm.

Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Aeon đã ký kết hợp tác với một doanh nghiệp trong nước là BIM Group để phát triển Dự án Trung tâm thương mại AEON Mall tại quận Hà Đông (Hà Nội). Trong khi đó, tại TP.HCM, đại gia này đang nhanh chóng xúc tiến việc triển khai đầu tư trung tâm mua sắm thứ 3.

tap doan aeon dang de xuat xay trung tam mua sam thu 3 voi dien tich dat su dung khoang 10 ha tai tp.hcm

Tập đoàn Aeon đang đề xuất xây trung tâm mua sắm thứ 3 với diện tích đất sử dụng khoảng 10 ha tại TP.HCM

“Chúng tôi đã bị chậm so với kế hoạch trước đây là mở 20 trung tâm mua sắm đến năm 2025, nhưng đến nay mới có 4 trung tâm, chủ yếu do không có mặt bằng”, ông Yasuo Nishitohge nói.

Ông Nishitohge cũng cho biết, Aeon sẽ tăng tốc đầu tư trong thời gian tới, với kế hoạch mở 2 trung tâm mua sắm mỗi năm. Trong ngắn hạn, đại gia bán lẻ của Nhật Bản sẽ tập trung làm các trung tâm mua sắm tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng…, sau đó mới đến các địa phương khác.

Riêng tại TP.HCM, Tập đoàn Aeon đã đề xuất xây trung tâm mua sắm thứ 3 với diện tích đất sử dụng khoảng 10 ha. Do đang trong quá trình thương thảo, đại diện Aeon chưa thể tiết lộ về vị trí cụ thể, song cho biết, các quận vùng ven như quận 8, quận 12, quận Thủ Đức… là những khu vực mà nhà đầu tư này quan tâm, có thể xây trung tâm mua sắm.

Bên cạnh các đại gia ngoại đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như Aeon, Lotte…, thời gian gần đây, một số tên tuổi mới cũng rót vốn hoặc tìm hiểu môi trường để đầu tư dự án.

Tháng 6 vừa qua, một đại gia khác đã chính thức “ghi danh” vào danh sách những tập đoàn bán lẻ lớn bước chân vào thị trường Việt Nam. Đó là việc 7-Eleven (Nhật Bản) chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.

Theo thông tin của Tập đoàn bán lẻ 7-Eleven, trong năm 2017, họ dự kiến mở 20 cửa hàng và sẽ tăng lên 100 cửa hàng trong 3 năm tiếp theo. Sự xuất hiện của 7-Eleven tiếp tục làm nóng thêm sức cạnh tranh khốc liệt vốn đã rất sôi động trên thị trường bán lẻ hiện nay.

Trong khi đó, đại gia bán lẻ Auchan (Pháp) vừa đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Đồng Nai để xây siêu thị. Theo tìm hiểu, sau khi khảo sát 3 địa điểm, nhà đầu tư này dự kiến thuê 1.500 m2 tại khu vực trung tâm TP. Biên Hòa để đầu tư xây dựng một siêu thị kinh doanh sản phẩm sạch của địa phương.

Đại gia ngoại có thêm  “chiêu” mới

Song song với việc tăng đầu tư các siêu thị, mở rộng hệ thống, các đại gia bán lẻ nước ngoài cũng có thêm “chiêu” mới nhằm tăng sự gắn kết với các doanh nghiệp, nhà cung cấp nội. Trong đó, xu hướng đại gia bán lẻ ngoại “se duyên” với doanh nghiệp nội gần đây rất đáng chú ý. Đơn cử, Tập đoàn Aeon liên tục tăng quyền nắm giữ cổ phần tại 2 hệ thống siêu thị do doanh nghiệp Việt làm chủ là Citimart và Fivimart. Theo đó, Aeon cung cấp sản phẩm thương hiệu TopValu cho Citimart và Fivimart tiêu thụ, đồng thời, hợp tác với 2 đối tác để phát triển sản phẩm và mở rộng hệ thống cung ứng, lưu thông...

Không chỉ dừng lại ở việc thâu tóm hay sử dụng kênh phân phối của doanh nghiệp Việt để đưa hàng ngoại vào bán, các đại gia ngoại đang hướng đến mục tiêu xa hơn, bền vững hơn. Đó là hợp tác để đưa sản phẩm của doanh nghiệp Việt lên kệ của các siêu thị, cửa hàng ở nước ngoài.

Trao đổi về xu hướng này, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, khu vực ASEAN có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong toàn hệ thống của Tập đoàn Aeon. Do đó, khu vực này được xác định là trọng điểm đầu tư của Aeon. Tập đoàn Aeon hiện có hơn 14.000 cửa hàng trong khu vực châu Á, trong đó có hơn 11.000 cửa hàng tại Nhật Bản, hơn 2.000 cửa hàng tại các nước ASEAN.

“Trước mắt, sản phẩm của nhà cung cấp Việt Nam sẽ được bán tại các cửa hàng của Aeon tại khu vực ASEAN, sau đó là các cửa hàng tại Nhật Bản”, ông Yuichiro Shiotani cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện của Tập đoàn Aeon xác nhận, trong năm 2017, doanh nghiệp này sẽ tham gia lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đồng thời sẽ lấn sân vào thị trường đồ dùng dành cho trẻ em.

Trong một diễn biến khác, đại gia bán lẻ Lotte đang hoàn tất thủ tục để mua lại Dự án Ciputra Hanoi Mall để tăng cường hoạt động bán lẻ của mình tại Việt Nam. Hiện tại, Lotte đã có một trung tâm thương mại lớn trên đường Đào Tấn (Hà Nội) và sở hữu cả 4 tầng của khu thương mại tại Mipec Tower (229 - Tây Sơn, Hà Nội). Đến nay, đại gia bán lẻ đến từ Hàn Quốc này sở hữu 11 siêu thị, trung tâm mua sắm và theo kế hoạch sẽ có 60 trung tâm mua sắm vào năm 2025.(Baodautu)
-------------------------------

25 doanh nghiệp đa cấp vi phạm bị xóa sổ

Do vi phạm những quy định về hoạt động bán hàng đa cấp, 25 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép hoạt động.

Tin tức từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, mới đây đoàn công tác của đơn vị đã kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp. Qua đó, có hơn 25 doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm bị xóa sổ, hàng chục doanh nghiệp bán hàng đa cấp lớn nhỏ bị kiểm tra, cảnh cáo, áp dụng các mức phạt với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. 

Video: Công ty Green Life dụ dỗ sinh viên đi cầm đồ, lấy tiền tham gia đa cấp

Các hành vi vi phạm phổ biến bị phát hiện và xử lý bao gồm vi phạm trong cấp bổ sung, thay đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, hoạt động đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp; quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng; duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp...

Cũng trong tháng 8/2017, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp là Công ty TNHH Organo Gold Việt Nam được thông báo chấm dứt hoạt động trên toàn quốc. 

Đại diện công ty Organo Gold Việt Nam cho biết, công ty sẽ có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.

Phía Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT) khuyến cáo, người tham gia bán hàng đa cấp (nếu có) có bất kỳ khiếu nại về việc công ty chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp có thể gửi trực tiếp tới công ty hoặc Cục QLCT để được giải quyết.(VTC)
----------------------------------

PVN đã thành lập 'hụt' ngân hàng Hồng Việt như thế nào?

Năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chủ trương thành lập một ngân hàng mới. Ngân hàng này dự kiến sẽ có tên gọi Ngân hàng TMCP Hồng Việt.

Một Ban trù bị thành lập ngân hàng đã được thành lập do Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc Công ty Tài chính dầu khí (PVFC) thời điểm đó làm Trưởng ban. Hàng loạt cổ đông tham gia góp vốn để thành lập ngân hàng bao gồm cán bộ công nhân viên của PVN.

pvn da thanh lap hut ngan hang hong viet nhu the nao

Ngân hàng Hồng Việt chết yểu, PVN và cổ đông của Hồng Việt chuyển hướng sang OceanBank.

Tuy nhiên, đến tháng 7 năm 2008 sau thời điểm các ngân hàng mới mọc lên như nấm sau mưa, NHNN tạm dừng xem xét đề nghị cấp giấy phép của ban trù bị thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần theo chỉ đạo của Chính phủ. Mặc dù đã được phê duyệt về mặt nguyên tắc, song “Ngân hàng Hồng Việt” không thể ra đời do Chính phủ yêu cầu cổ đông lớn là PVN phải rút vốn đầu tư.

Không lập được ngân hàng riêng, cuối năm 2008, PVN ký thỏa thuận và trở thành cả đông, đối tác chiến lược, góp 20% vốn điều lệ vào OceanBank. Theo thỏa thuận giữa PVN và OceanBank, PVN sẽ tham gia góp 20% vốn điều lệ và cổ đông là cán bộ công nhân viên của PVN đã tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt tham gia góp 10% vốn điều lệ OceanBank trong đợt góp vốn điều lệ năm 200, đồng thời OceanBank tiếp nhận cán bộ công nhân viên của Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt về làm việc tại OceanBank; PVN đề cử nhân sự tham gia Hội đồng quản trị, trong đó 01 thành viên đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐQT, 01 thành viên kiêm chức danh TGĐ và 01 nhân sự tham gia Ban Kiểm soát; OceanBank chấp thuận tiếp nhận cơ sở vật chất, thiết bị đã được Ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt đã đầu tư, mua sắm.

PVN đã giới thiệu và cử Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT, kiêm TGĐ OceanBank. Từ ngày 01/01/2009 đến ngày 15/11/2010, Nguyễn Xuân Sơn được HĐQT OceanBank bổ nhiệm giữ chức vụ TGĐ OceanBank.

Việc góp vốn của PVN vào OceanBank được thực hiện thành 3 đợt, cụ thể: Đợt 1, ngày 31/12/2008 trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ của OceanBank từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Trong đó PVN góp 400 tỷ đồng nắm giữ 20% vốn điều lệ và cán bộ công nhân viên của PVN góp 200 tỷ đồng nắm giữ 10% vốn điều lệ của OceanBank. Đợt 2, góp 300 tỷ đồng ngày 27/10/2010 để tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, đồng thời đảm bảo tỷ lệ sở hữu 20% vốn điều lệ. Đợt 3 góp 100 tỷ đồng ngày 17/5/2011 để tăng vốn điều lệ OceanBank lên 4.000 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, tổng số tiền góp vốn theo các đợt nêu trên của PVN tại OceanBank là 800 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ OceanBank, số tiền này có nguồn gốc được hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh. Hiện nay, OceanBank được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng, đồng thời PVN chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại OceanBank dẫn đến PVN phải ghi nhận một khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng.(Infonet)

Trở về

Bài cùng chuyên mục