NHNN khẳng định đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ
Santomas Việt Nam dự kiến đầu tư nhà máy 20 triệu USD tại KCN VSIP Bắc Ninh
Kiểm tra 5 doanh nghiệp nhập khẩu thép hợp kim
8 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lại "than trời" vì cách tính thuế
Tái khởi động Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2
Tin kinh tế đọc nhanh 19-11-2015
- Cập nhật : 19/11/2015
SAM mua lại hãng phân phối độc quyền Bia Sài Gòn tại Bắc Mỹ
Không tiết lộ giá trị thương vụ, song SAM cho biết giao dịch bằng tiền mặt và được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị hai bên.Với giao dịch này, công ty sẽ mở rộng vị thế trong việc kinh doanh nhãn hiệu bia hàng đầu Việt Nam tại thị trường Bắc Mỹ. Heritage Beverage đã có lịch sử 22 năm kinh nghiệm trong việc phân phối bia tại Mỹ và Canada. Việc mua lại cũng cho phép SAM có thể giới thiệu danh mục sản phẩm thực phẩm và đồ uống Việt Nam tại hai quốc gia này.
“Việc mua lại này sẽ giúp nắm bắt các cơ hội được tạo ra bởi sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp bia nhập khẩu ở Mỹ và Canada", ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị SAM cho biết. Trong khi đó, ông Eli Holsinger, Giám đốc điều hành Heritage Beverage nhận xét gia nhập Saigon Asset Management sẽ cho phép công ty cung cấp rộng rãi bia Việt Nam cho vùng tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới.
Sau thương vụ, ông Eli Holsinger sẽ tiếp tục là Giám đốc điều hành Heritage Beverage và công ty vẫn giữ nguyên trụ sở chính tại Beverly Hills, California (Mỹ). Trong khi đó, ông Louis Nguyễn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Heritage Beverage.
Saigon Asset Management Corporation được thành lập năm 2007, hiện quản lý đầu tư hai quỹ đầu tư là Vietnam Equity Holding (VEH) và Vietnam Property Holding (VPH). Đến nay, các quỹ này đã đầu tư hơn 250 triệu USD vào hơn 45 công ty và các dự án tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực thực phẩm & đồ uống, giáo dục, công nghệ, và y tế. SAM đồng thời đầu tư vào các công ty tư nhân tại Mỹ.
Nhập khẩu bông phải qua nhiều bước trung gian
Thị trường nhập khẩu bông lớn nhất của Việt Nam hiện vẫn là châu Phi. Tuy nhiên, nhập khẩu bông của Việt Nam từ châu Phi phần lớn thực hiện qua trung gian là các công ty thương mại của Pháp, Thụy Sỹ, Ấn Độ khiến chi phí tăng cao.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan Việt Nam, năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 754.392 tấn bông với trị giá 1,44 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó nhập khẩu bông từ Châu Phi, chủ yếu từ khu vực Tây và Trung Phi, chiếm 321 triệu USD năm 2014, tăng 20,5%.
Các nước cung cấp chính cho Việt Nam là Mali (70,5 triệu USD), Bờ Biển Ngà (63,9 triệu USD), Burkina Faso (48,9 triệu USD), Tanzania (37,7 triệu USD), Cameroon (18,6 triệu USD), Benin (31,5 triệu USD), Togo (17,3 triệu USD), Zimbabwe (7,9 triệu USD), Zambia (5,7 triệu USD), Chad (4,2 triệu USD), Mozambique (4 triệu USD)…
Trong 6 tháng đầu năm 2015, nước ta đã nhập khẩu bông từ 13 nước châu Phi với kim ngạch đạt 153,3 triệu USD.
Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Nam Á (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp Việt Nam đều đánh giá bông châu Phi có chất lượng khá tốt, giá thành hợp lý, phù hợp với yêu cầu sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên nhập khẩu bông của Việt Nam từ châu Phi phần lớn thực hiện qua trung gian là các công ty thương mại của Pháp, Thụy Sỹ, Ấn Độ. Thực tế này đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp của cả hai bên.
Trước tiên, doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí cho trung gian dẫn đến giá thành mua nguyên liệu đầu vào cao so với nhập khẩu trực tiếp. Một vấn đề nữa thỉnh thoảng doanh nghiệp Việt Nam cũng mua phải những lô bông từ châu Phi có lẫn tạp chất. Do nhập khẩu qua trung gian nên việc phản hồi chất lượng bông tới nhà sản xuất rất phức tạp và mất thời gian, khi việc khiếu nại hoặc thắc mắc phải thực hiện qua bên thứ ba. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất và giao hàng của doanh nghiệp nhập khẩu.
Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Thương mại Quốc tế và Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam đã tổ chức đoàn các nhà sản xuất và xuất khẩu bông khu vực Tây và Trung Phi sang Việt Nam có ý nghĩa thiết thực, tạo ra kênh liên hệ trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tại khu vực này.
Lào bãi bỏ thuế nhập khẩu xe ôtô có nguồn gốc xuất xứ tại ASEAN
Theo Bộ Công thương Lào, kể từ ngày 1/1/2016, ôtô có nguồn gốc xuất xứ thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu vào nước này.
Chính sách được áp dụng trong khuôn khổ Hiệp định khung về hàng hóa thương mại của ASEAN cũng là nhằm để khuyến khích tăng cường trao đổi thương mại và sản xuất công nghiệp của các nước ASEAN khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm nay. Theo đó, để được miễn giảm thuế về mức 0% khi nhập xe vào Lào, các doanh nghiệp phải chứng minh xe nhập khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ từ các nước ASEAN với tỷ lệ nội địa hóa trên 40%.
Vụ trưởng Vụ chính sách Ngoại thương, Bộ Công thương Lào, Tiến sỹ Laohoua Chieuching cho biết với chính sách giảm thuế nhập khẩuxuống 0%, các nước ASEAN có ngành công nghiệp sản xuất ôtô như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan... có thể bán xe thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ông Laohoua Chieuching cho rằng nếu không đáp ứng được những điều kiện về nguồn gốc và tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 40%, các xe nhập khẩu sẽ không được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu này.
Như vậy, với việc bãi bỏ thuế nhập khẩu ôtô đối với những dòng xe có tỷ lệ nội địa hóa trên 40% xuất xứ từ các nước ASEAN, người dân Lào sẽ có thêm nhiều lựa chọn với những sản phẩm xe hơi chất lượng cao. Nhưng xét cho cùng các nhà sản xuất ôtô tại ASEAN là được hưởng lợi nhiều nhất trong khi người tiêu dùng Lào lại ít cơ hội được mua xe giá rẻ bởi chính phủ nước này bãi bỏ thuế nhập khẩu nhưng tăng thuế nội địa để bảo vệ nguồn thu.
Kim ngạch nhập khẩu ôtô và các phụ kiện ôtô vào Lào đã lên tới 500 triệu USD, đứng thứ tư trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn trong năm 2014, sau hàng tiêu dùng, nhiên liệu và sắt thép.
Lần đầu tiên xuất khẩu rơm sang Nhật
Ngày 18/11, lãnh đạo Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) có buổi làm việc với Hiệp hội xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (JBIX) về dự án hợp tác chế biến rơm xuất khẩu số lượng lớn từ miền Tây sang Nhật Bản làm thức ăn trong ngành chăn nuôi.Phía JBIX cho biết rất cần nguồn thức ăn chăn nuôi tốt, sạch cho gia súc, đặc biệt là cho đàn bò hơn 4,3 triệu con. Trong đó, rơm là một trong những nguồn thức ăn được đặc biệt chú ý với nhu cầu khoảng 220.000 tấn một năm (đã qua chế biến).
“Với dự án này, chúng tôi sẽ cung cấp nguồn vốn, máy móc thiết bị cho bên Việt Nam, đồng thời đưa người sang Nông trường Sông Hậu hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công nhân”, ông Aoyama - Phó chủ tịch JBIX nói.
Giám đốc Nông trường Sông Hậu - Nguyễn Thanh Phú cho hay, nếu không có gì thay đổi thì ngay sau vụ đông xuân 2015-2016, sẽ có những tấn rơm đầu tiên đã qua chế biến được xuất sang Nhật Bản.
"Việc tận dụng nguồn nguyên liệu này sẽ giúp sinh lợi cho người nông dân và giảm thiểu tình trạng đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường", ông Phú nói.
Đề xuất giảm thuế nhập linh kiện, phụ tùng xe con về 0%
Theo lộ trình, từ năm 2018 thuế nhập xe nguyên chiếc khối ASEAN về 0% nên lượng xe từ khu vực này nhập về Việt Nam sẽ tăng mạnh. Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi một số bộ, ngành lấy ý kiến về đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho nhiều dòng xe.
Nhiều loại động cơ, bộ phận lắp ráp xe con có thể được giảm thuế nhập khẩu sớm hơn theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Với xe con có dung tích động cơ dưới 2 lít, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế với 7 mặt hàng trong nhóm động cơ và các bộ phận như: hộp số, cụm bánh xe, bật lửa điện. Thuế nhập động cơ ôtô từ Hàn Quốc giảm từ 20% xuống 3% vào năm 2016, ngang với mức cam kết trong FTA. Hiện giá trị tổng nhập khẩu động cơ từ thế giới là 65 triệu USD, trong đó các đối tác chính từ ASEAN chiếm 46%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc chiếm 16%.
Hộp số, cụm bánh xe sẽ sớm được giảm thuế xuống 5% từ năm sau thay vì chỉ giảm dần xuống 12-20% như kế hoạch trước đó. Tương tự với bật lửa điện, Bộ Tài chính cũng được đề xuất đẩy nhanh lộ trình giảm về đưa về 0% từ năm 2016.
Với xe tải, cơ quan này cũng đề xuất giảm thuế nhập khẩu 3 mặt hàng hộp số và phụ kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản bằng mức cam kết trong ASEAN là 0% ngay từ năm 2016. Trong khi đó, thuế từ Trung Quốc đến năm 2018 mới giảm về 0%.
Theo cơ quan này, việc giảm một loạt thuế cho các linh kiện, phụ tùng cho ôtô không ảnh hưởng lớn tới ngân sách do số thu nội địa sẽ tăng lên nhờ ngành sản xuất lắp ráp ôtô trong nước phát triển.
Đề xuất này nằm trong một loạt những chính sách của ngành tài chính nhằm hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước. Trước đó, cơ quan này đề xuất thay đổi cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe nhập khẩu. Bên cạnh đó, thuế nhập xe con dung tích dưới 3 lít từ các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có lộ trình cắt giảm sau 13 năm Hiệp định có hiệu lực, chậm hơn so với các xe sang dung tích lớn khoảng 3 năm.
Lý giải về việc ưu tiên giảm thuế xe sang, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, trong quá trình đàm phán, tinh thần chung là cần xây dựng lộ trình hợp lý cho các mặt hàng cần bảo hộ, trong đó có ôtô sản xuất trong nước. Với xe thuộc dòng dung tích lớn trên 3 lít, hầu như Việt Nam không sản xuất được, nên được dỡ bỏ thuế sớm hơn. Ngược lại, những dòng xe dưới 3 lít sẽ phải giảm thuế chậm hơn.