Kiếm hơn 10 triệu đô nhờ xuất ngoại cá cảnh
Vietcombank cho phép chuyển khoản ATM trở lại cho người nước ngoài
Thép Trung Quốc ‘núp bóng’ tràn vào Việt Nam
Cà phê chín rộ, ‘năn nỉ’ không có người hái
Nước dừa Bến Tre sắp đi Mỹ, châu Âu
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-11-2015
- Cập nhật : 18/11/2015
Giải pháp an ninh mạng Việt vào top 10 startup công nghệ tiềm năng
Giải pháp an ninh mạng CyRadar do Nhóm Bảo mật thuộc FPT, vừa lọt vào top 10 startup (dự án khởi nghiệp) công nghệ tiềm năng nhất của Echelon Thailand’s Startup Launchpad 2015.
Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Nhóm Bảo mật, Ban Công nghệ Tập đoàn FPT, cho biết CyRada ứng dụng công nghệ Học máy (Machine Learning) và Dữ liệu lớn (Big Data) giúp doanh nghiệp phát hiện các mối đe dọa mới nhanh và chính xác hơn.
Theo ban tổ chức cuộc thi, tiêu chí để chọn ra top 10 dự án khởi nghiệp phải là các sản phẩm có tiềm năng lớn từ ý tưởng cho đến giai đoạn phát triển ý tưởng và gọi vốn đầu tư cho sản phẩm. 7 quốc gia có sản phẩm lọt vào top 10 bao gồm Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ, Maylaysia, Myanmar và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu với 3 dự án là Q&Me; CancerCare và CyRadar, Thái Lan xếp sau với 2 dự án.
Dự kiến, top 10 của cuộc thi sẽ trình bày giải pháp trước Ban giám khảo vào ngày 26.11 tại Thái Lan để chọn ra top 5. Ngoài ra, 10 dự án khởi nghiệp này sẽ được trưng bày sản phẩm và giải pháp tại triển lãm của Echelon Thailand 2015. Dự án chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng lên đến 120.000 USD và cơ hội được rót vốn đầu tư.
Kinh tế Nhật suy thoái, doanh nghiệp Việt lo lắng
Ngày 16-11, chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý giảm thứ hai liên tiếp, phản ánh kinh tế Nhật đã rơi vào suy thoái (theo Wall Street Journal).
Tăng trưởng kinh tế của Nhật giảm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức khi các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại, trong đó có Trung Quốc. Trước thông tin này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam lo ngại hoạt động xuất khẩu sang thị trường Nhật sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết Nhật, Mỹ và EU là 3 thị trường xuất khẩu dệt may hàng đầu của Việt Nam. Việc kinh tế Nhật suy thoái chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước dù đến thời điểm này, đơn hàng vẫn ổn định do hợp đồng đã ký từ trước.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Sài Gòn Food, cũng cho biết đang lên kế hoạch kinh doanh của năm 2016 nhưng nếu kinh tế Nhật suy thoái thì phải tính toán lại hoạt động xuất khẩu qua thị trường này. Hiện Sài Gòn Food chủ yếu làm gia công cho các đơn hàng xuất khẩu thủy sản sang Nhật nên chưa bị ảnh hưởng nhưng với tình hình kinh tế Nhật khó khăn hơn, việc gia công xuất khẩu có thể gặp khó.
Nhà đầu tư tố Đà Nẵng ưu ái cho “người nhà”
Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư giải trí Đệ Nhất (gọi tắt là Công ty Đệ Nhất) Mark Ronald Richards vừa có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Chính quyền TP Đà Nẵng tuyên bố sẽ thu hồi nhiều dự án chậm triển khai ven biển, tuy nhiên đến nay chỉ mới duy nhất dự án bị rút giấy phép là “Trường dạy nghề lướt ván”. Trong ảnh: một số dự án treo ven biển Đà Nẵng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua - Ảnh: Việt Hùng
Đơn khiếu nại gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng về công văn thu hồi các dự án chậm triển khai ven biển Đà Nẵng, trong đó có dự án “Đầu tư giải trí Đệ Nhất” của doanh nghiệp này, do TP Đà Nẵng ban hành ngày 9-11.
Trong đơn khiếu nại, ông Mark Ronald Richards cho rằng trước đó ngày 29-7-2015, ông nhận được công văn của Sở Kế hoạch - đầu tư Đà Nẵng thông báo ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng về việc sẽ thu hồi ba dự án ven biển gồm “Trường dạy nghề lướt ván”, “Đầu tư giải trí Đệ Nhất” và “Khu thể thao giải trí Huy Khánh”.
Thế nhưng mới đây, Công ty Đệ Nhất nhận được thông tin TP Đà Nẵng có công văn thu hồi hai dự án “Trường dạy nghề lướt ván” và “Đầu tư giải trí Đệ Nhất”, riêng dự án “Khu thể thao giải trí Huy Khánh” vẫn tiếp tục cho triển khai trở lại.
“Xét cả ba dự án đều có cùng mức độ như nhau, vậy tại sao dự án “Khu thể thao giải trí Huy Khánh” nhận được sự ưu ái, mà các dự án còn lại vẫn chưa nhận được quyết định tương tự đó? Chúng tôi là nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc với mong muốn dự án của mình tiếp tục được triển khai. Nhưng những gì tôi nhận được ở đây là sự bất công và không minh bạch từ phía các nhà lãnh đạo TP Đà Nẵng” - đơn khiếu nại viết.
Cũng trong đơn khiếu nại, ông Mark Ronald Richards cho rằng: “Sở dĩ khu thể thao giải trí Huy Khánh tiếp tục hoạt động do có ông Nguyễn Văn Tiên - em vợ ông Trần Thọ, nguyên bí thư thành ủy, hiện là chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - bảo kê và nhận quà đút lót từ dự án này”.
Chiều 16-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thọ cho biết chưa nhận được đơn khiếu nại (đơn này có gửi trực tiếp đến ông Trần Thọ - PV), đồng thời khẳng định việc đơn khiếu nại cho rằng em vợ ông nhận tiền bảo kê, đút lót là “không bao giờ xảy ra”.
“Tôi khẳng định rằng không bao giờ có chuyện đó xảy ra” - ông Thọ khẳng định. Trong khi đó, ông Nguyễn Điểu - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Đà Nẵng - cho biết lãnh đạo TP đang lên kế hoạch mời các bộ, ngành trung ương vào Đà Nẵng để ngồi lại giải quyết số phận của dự án “Đầu tư giải trí Đệ Nhất” vì đây là dự án đầu tư nước ngoài.
Trước đó ngày 9-11, ông Phùng Tấn Viết - phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã ký ban hành công văn liên quan đến ba dự án này, trong đó cho biết triển khai ngay các thủ tục thu hồi mà không chờ quy hoạch điều chỉnh đối với dự án “Trường dạy nghề lướt ván”, đồng thời mời chủ đầu tư dự án “Đầu tư giải trí Đệ Nhất” đến làm việc để đàm phán việc thu hồi dự án, thu hồi đất trong tháng 11-2015.
Riêng dự án “Khu thể thao giải trí Huy Khánh” được phép triển khai trở lại. Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Tấn Viết cũng cho biết chưa nhận được thông tin khiếu nại của Công ty Đệ Nhất.
“TP đang tổng rà soát các dự án chậm triển khai, riêng dự án “Đầu tư giải trí Đệ Nhất” bị cấp chồng lấn trước đó nên chúng tôi phải dừng để kiểm tra” - ông Viết nói.(Tuoir Trẻ Online)
Hoàng tử Anh: Việt Nam nên có hệ sinh thái khởi nghiệp
Hoàng tử Andrew (Hoàng gia Anh) chia sẻ như trên tại tọa đàm Tiềm năng kinh doanh giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức ngày 16-11 tại Hà Nội.
Thăm Việt Nam, hoàng tử Andrew thấy nhiều khu bất động sản còn bỏ trống. “Việt Nam có thể tận dụng những nơi này để xây dựng những khu làm việc chuyên biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp” - hoàng tử Andrew gợi ý.
Hoàng tử Andrew cũng cho hay Vương quốc Anh đã triển khai đưa tư duy phát triển doanh nghiệp vào giáo dục cho trẻ em năm tuổi. Khi trưởng thành, những người trẻ luôn có tư duy sẽ trở thành một doanh nhân. “Để làm được điều này cần sự chung tay của mọi người. Đây cũng là một điểm quan trọng mà Việt Nam đặc biệt cần chú ý tới” - hoàng tử Andrew nói.
'Tạm dừng xây dựng trung tâm hành chính tập trung'
Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 17.11.
Một số đại biểu băn khoăn về tình trạng lãng phí khi nhiều địa phương xây dựng các khu trung tâm hành chính tập trung hoành tráng. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: "Vừa qua sau khi thấy một số địa phương khi thực hiện quy hoạch nguồn lực quá lớn nên Thủ tướng đã ra chỉ thị tạm dừng lại. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng rà soát lại toàn bộ xem tất cả các khu trung tâm hành chính này còn hạn chế, khiếm khuyết gì sau đó báo cáo Chính phủ để có văn bản chấn chỉnh".
Cũng theo Phó thủ tướng, việc xây dựng các trung tâm hành chính tập trung là theo đề án được Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện. Mục tiêu nhằm phục vụ cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận với dịch vụ hành chính công. Trước kia, bình quân các trụ sở hành chính tại một địa phương không tập trung chiếm diện tích 33 ha, đề án tính toán sau khi quy hoạch tập trung nếu làm tốt chỉ còn 3 - 6 ha.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, nhiều địa phương công bố kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính tập trung với quy mô mỗi trung tâm lên tới cả nghìn tỉ đồng. Trong khi đó, các trụ sở cũ lại khó bán do giá thị trường xuống thấp, gặp khó khăn trong thủ tục xử lý đất đai… Phần lớn số tiền xây dựng trụ sở mới tập trung phải đi vay, phải bỏ tiền ngân sách của địa phương và xin ngân sách Trung ương hỗ trợ.