Nợ xấu Agribank bất ngờ giảm về dưới 3%
Không giao thẩm quyền điều tra cho cơ quan thuế
Rơm Sông Hậu sang Nhật 250.000 tấn/năm
TPP sẽ chính thức ký vào năm 2016
Sản xuất thành công phụ gia tạo hạt phân đạm
Tin kinh tế đọc nhanh 18-11-2015
- Cập nhật : 18/11/2015
Còn 1,3 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước chưa thoái hết
Kết quả cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội sáng 17/11. Theo người đứng đầu ngành tài chính, ước tính hết năm 2015 có 459 doanh nghiệp được cổ phần hóa, đạt khoảng 90% kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2011-2015.
Từ năm 2000 đến nay, theo Bộ trưởng, số vốn Nhà nước được thoái tại các doanh nghiệp khoảng 55.000-57.000 tỷ đồng (chiếm 5% tổng số vốn). "Hiện vẫn còn 1,2-1,3 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Thừa nhận số doanh nghiệp được cổ phần hóa là rất nhiều nhưng quy mô vốn thấp trong khi nhiệm vụ cổ phần hóa còn gặp nhiều khó khăn, theo người đứng đầu ngành tài chính, không nên sốt ruột và nóng vội. "Đẩy cổ phần hóa theo kế hoạch là cần thiết nhưng phải có trật tự, bán không cẩn thận dễ gây thiệt hại cho Nhà nước, cần đảm bảo nguyên tắc làm sao đạt kết quả cao nhất", Bộ trưởng Dũng cho biết.
Theo mục tiêu Chính phủ đề ra, 2015 là năm cuối để thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2011-2015.
Tổng giám đốc Vinamilk nhận giải thưởng New Zealand ASEAN
Thủ tướng New Zealand John Key đã trao giải cho bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk nhân kỷ niệm 40 năm hợp tác giữa khối ASEAN và quốc gia này.
Thủ tướng John Key trao giải cho bà Mai Kiều Liên tối 16/11.Đây là giải thưởng đặc biệt dành cho 40 cá nhân tiêu biểu tại 10 nước ASEAN. Chia sẻ tại buổi lễ trao giải diễn ra tối 16/11 tại Hà Nội, bà Mai Kiều Liên cho biết: "Vinamilk và New Zealand đã hợp tác gần 20 năm với mối quan tâm chung về cung ứng sữa và các sản phẩm từ sữa chất lượng với giá cả hợp lý. Tôi vinh dự khi nhận giải thưởng bởi những đóng góp của công ty được nước bạn ghi nhận". Theo bà, sự ghi nhận này sẽ giúp mối quan hệ giữa doanh nghiệp cũng như Việt Nam và New Zealand bền lâu và tốt đẹp hơn trong tương lai.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk (thứ 3 từ trái sang) chụp hình lưu niệm với thủ tướng New Zealand John Key, ông Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cá nhân được nhận giải.
Quá trình đề cử ứng viên do Đại sứ New Zealand tại các quốc gia Đông Nam Á thực hiện. Ngoài ý nghĩa tượng trưng cho tình hữu nghị sau 40 năm quan hệ ngoại giao, giải thưởng còn tôn vinh đóng góp của các cá nhân nhận giải cho sự hợp tác song phương giữa New Zealand và các quốc qua Đông Nam Á.
Trước đó, nữ lãnh đạo của Vinamilk là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng danh giá Nikkei châu Á trong lĩnh vực "Kinh tế và đổi mới doanh nghiệp" tổ chức tại Nhật Bản hồi tháng 5/2015.
Sau gần 40 năm phát triển, Vinamilk đã xây dựng thương hiệu quốc gia và hướng tới mục tiêu trở thành một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. Đơn vị đang có 8 trang trại quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, New Zealand và Mỹ. Ngoài ra, công ty còn liên kết với gần 8.000 trang trại và hộ dân chăn nuôi bò sữa (tổng đàn khoảng 100.000 con) trên cả nước, thu mua 650 tấn sữa mỗi ngày.
Quý III/2015, đơn vị đạt doanh thu 10.549 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2014, lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm đạt gần 5.877 tỷ đồng, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Theo hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance (Anh), Vinamilk là thương hiệu dẫn đầu của Việt Nam trong danh sách 50 thương hiệu giá trị lớn nhất nước.
Nước mắm, mì ăn liền góp gần nửa doanh thu cho Masan
Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015, với doanh thu đạt 19.129 tỷ đồng, tăng 76,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần (tính theo phương pháp proforma) đạt 1.597 tỷ, tăng 57,4%.
Mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống đạt doanh thu gần 9.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,1% so với cùng kỳ. Tập đoàn Masan đang sở hữu nhiều thương hiệu nước chấm, mì ăn liền và đồ uống phổ biến như: Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử,các loại mì gói Omachi, Kokomi, các loại cà phê như Vinacafe, Wake-Up và Phinn, ước khoáng Vĩnh Hảo và khoáng chanh Lemona...
Masan cho biết đang tiếp tục mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất thực phẩm và đồ uống. Tại Nghệ An, công ty vừa khánh thành nhà máy nước mắm và mì gói với công suất 120 triệu lít nước mắm và 600 triệu gói mì ăn liền mỗi năm.
Ngoài ra, công ty cũng đang đầu tư sản xuất bia tại Hậu Giang và gần đây Masan vừa công bố việc ký hợp đồng hợp tác với công ty nước khoáng Quảng Ninh (Quang Hanh). Việc này giúp Masan trở thành công ty Việt Nam lớn nhất trong ngành hàng nước khoáng.
Masan đánh giá ngành bia, chế biến gia vị, thịt chế biến, đồ uống không cồn là những ngành có cơ hội tiến xa và đem lại lợi nhuận lớn cho công ty những năm tới.
Mảng kinh doanh đạm động vật cũng thu về 8.557 tỷ đồng. Masan Nutri-Science có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ dự kiến cho doanh thu một tỷ USD trong năm 2015. Với thương hiệu này Masan đã nhanh chóng trở thành một doanh nghiệp lớn phục vụ thị trường thức ăn chăn nuôi trị giá 6 tỷ USD.
Trước đó, vào tháng 4, Masan Group đã mua lại Công ty Sam Kim (Masan Nutri-Science). Theo đó, công ty nắm 70% cổ phần của Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) và 52% cổ phần Công ty Việt – Pháp sản xuất thức ăn gia súc, và hiện nay đã tăng sở hữu cổ phần tại Proconco lên 65,8%.
Mảng tài nguyên khoáng sản và chế biến ghi nhận doanh thu đạt 1.573 tỷ, tăng 13,9% so với cùng kỳ.
Ở mảng ngân hàng, đơn vị liên kết là Techcombank đạt lợi nhuân trước thuế 1.552 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ 2014. Tỷ lệ nợ xấu là 2,27%.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của Tập đoàn Masan đạt 69.090 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với đầu năm 2015. Nợ phải trả của tập đoàn tăng 40,7%, đạt 43.679 tỷ, trong đó chủ yếu là do tăng nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu là 25.411 tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm 2015.
Marriott lên kế hoạch vụ thâu tóm 12 tỷ USD
Thương vụ sẽ được thanh toán bằng cả tiền mặt và cổ phiếu, AP cho biết. Cổ đông Starwood sẽ nhận được 0,92 cổ phiếu hạng A của Marriott và 2 USD cho mỗi cổ phiếu Starwood đang nắm giữ. Như vậy, họ sẽ nhận được 72,08 USD một cổ phiếu, cao hơn 4% giá đóng cửa của Starwood cuối tuần trước. Tổng giá trị thương vụ được ước tính ở mức 12,2 tỷ USD.Nếu hoàn tất, số phòng của Marriott sẽ được nâng gấp rưỡi. Đồng thời, họ sẽ có cơ hội tiếp cận các khách sạn thiết kế độc đáo dành riêng cho những khách du lịch trẻ tuổi.
Marriott sẽ củng cố vị trí chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới sau thương vụ với Starwood. Ảnh: Bloomberg
Công ty mới sẽ có 5.500 cơ sở, với hơn 1,1 triệu phòng trên khắp thế giới. Các thương hiệu khách sạn của Starwood Hotels & Resorts Worldwide, như Sheraton, Westin, W Hotels và St. Regis sẽ quy về một mối với rất nhiều thương hiệu của Marriott, gồm Courtyard, Ritz-Carlton và Fairfield Inn.
Hồi tháng 4, Starwood thông báo hội đồng quản trị của hãng đang xem xét các kế hoạch chiến lược. Khi đó, thị trường đã đồn đoán về khả năng có thương vụ giữa Starwood với Intercontinental Hotels Group và gần đây là Hyatt Hotels Corp.
Arne Sorenson - CEO Marriott cho biết trên CNBC rằng ban đầu, các lãnh đạo công ty cũng can ngăn thương vụ này. "Nhưng sau đó vài tháng, chúng tôi nhận thấy giá trị công ty thay đổi, có vẻ hấp dẫn hơn. Và thế là chúng tôi cho rằng hợp nhất cả hai sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa". Thương vụ dự kiến hoàn tất vào giữa năm 2016.
Thuế suất nhãn, hạt điều, thanh long… vào Peru còn 0%
Thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng hạt điều, nhãn, vải và thành long của VN vào Peru sẽ lập tức về 0% ngay sau khi hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực so với mức 9% hiện nay.
Ông Luis Tsuboyama, đại diện Đại sứ quán Peru tại VN cho biết như vậy tại Diễn đàn xuất khẩu 2015 tổ chức sáng 17-11.
Theo ông Luis Tsuboyama, các mặt hàng hoa quả trên của VN muốn vào Peru phải đáp ứng được quy định trong Hiệp định vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) mới của Peru, dự kiến hoàn thành vào năm tới, sẽ có cơ hội lớn để xuất khẩu sang thị trường này.
Theo thống kê, 10 sản phẩm chủ lực từ VN xuất sang Peru như điện thoại cho mạng không dây, một số thiết bị máy móc… hầu hết cũng đang được hưởng thuế 0%.
Riêng với nhóm giày dép, Peru chỉ áp dụng thuế 0% đối với nhóm giày thể thao, nhóm còn lại vẫn áp thuế 17%, tuy nhiên sẽ giảm theo lộ trình trong vòng 16 năm theo cam kết TPP.
Ông Luis Tsuboyama cũng cho biết tham gia hiệp định TPP, một trong những lợi ích quan trọng của Peru là tiếp cận 5 thị trường mới, trong đó có VN.
Theo đó, VN sẽ loại bỏ 66% dòng thuế tương đương với 98% xuất khẩu của Peru tới thị trường Việt Nam, riêng cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá cơm đông lạnh, dầu cá sẽ được miễn thuế ngay sau khi TPP có hiệu lực.
Ngược lại, Peru cam kết xóa bỏ tới 80,7% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% tổng số dòng thuế vào năm thứ 17.
Ngoài ra, các công ty Việt Nam còn có cơ hội thâm nhập tốt hơn trong lĩnh vực mua sắm công của Peru về hàng hóa, dịch vụ, xây dựng.
“Điều quan trọng doanh nghiệp VN không nên xem Peru là điểm cuối khi đưa hàng hóa sang đây mà là cửa ngỏ để hàng hóa vào thị trường châu Mỹ Latin”, ông Luis Tsuboyama nhấn mạnh.
Trong 12 nước tham gia đàm phán TPP có 3 nước thuộc khu vực Mỹ Latinh là Chile, Peru, Mexico.