Việt Nam xếp nhì top 10 điểm đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp APEC
Sắp sửa đấu giá cổ phiếu “vàng” của ngành hàng không
Hồng Đà Lạt khan hiếm, giá tăng hàng chục lần
Con gái ông Chuang ‘biến mất’ ngay khi nữ doanh nhân Hà Linh bị sát hại
Xây nhà máy phân đoạn huyết tương đầu tiên tại Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-11-2015
- Cập nhật : 18/11/2015
Việt Nam bất ngờ xuất siêu trở lại trong tháng 10
Số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 10 cả nước xuất siêu 500 triệu USD, đưa thâm hụt thương mại 10 tháng năm 2015 giảm xuống còn 3,6 tỷ USD.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10/2015 đạt 14,3 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước.
Kết quả đạt được trong tháng 10 đã nâng tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước 10 tháng năm 2015 đạt 134,4 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện vẫn đóng vai trò dẫn đầu về xuất khẩu cả nước, với kim ngạch đạt 25,67 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ.
Theo sau đó là các mặt hàng: hàng dệt may đạt 18,9 tỷ USD, tăng 9%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 12,8 tỷ USD, tăng 44,7%; giày dép các loại đạt 9,7 tỷ USD, tăng 17%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 6,65 tỷ USD, tăng 9,4%....
Ở chiều ngược lại, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu tháng 10/2015 đạt 13,8 tỷ USD; giảm nhẹ 1,6% so với tháng trước.
Lũy kế 10 tháng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 138 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng nhanh hơn kim ngạch xuất khẩu.
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính trong 10 tháng qua bao gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,9 tỷ USD, tăng 25,8%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 19,34 tỷ USD, tăng 28,4%; vải các loại đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,9%; sắt thép các loại đạt 6,3 tỷ USD, tăng 0,3%... so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong tháng 10 cả nước xuất siêu 500 triệu USD, đưa thâm hụt thương mại 10 tháng năm 2015 giảm xuống còn 3,6 tỷ USD.
Nhìn vào cơ cấu xuất nhập khẩu 10 tháng qua, khu vực FDI đóng góp 68% giá trị xuất khẩu và 59% giá trị nhập khẩu. Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng nhập khẩu lẫn xuất khẩu cao hơn mức bình quân của cả nước.
Bộ trưởng Tài chính: Nợ công vào năm 2017 là 63% GDP
Trả lời câu hỏi của một số đại biểu từ chiều qua về vấn đề nợ công, dù có khá nhiều thời gian chuẩn bị nhưng sáng nay (17.11), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vẫn đăng đàn khá dài dòng, vòng vo. Bộ trưởng giải trình một loạt các số liệu, nỗ lực, quyết tâm của ngành trong bối cảnh giá dầu sụt giảm, GDP được đặt chỉ tiêu tăng thấp, nhưng nợ công, thu - chi ngân sách không giảm theo, nên việc điều hành khó khăn.
Bộ trưởng dành nhiều thời gian để giải trình về cân đối thu chi ngân sách khó khăn, nợ thuế cao…
Quá sốt ruột với phần trình bày dài dòng này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải ngắt lời: "Đại biểu chỉ hỏi nợ đọng thuế 34.000 tỉ đồng năm nay có thu được không, Bộ trưởng chỉ cần trả lời thẳng vào vấn đề thôi".
Bộ trưởng Tài chính đáp: "Tôi khẳng định là chắc chắn thu được". Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng: "Thế là được rồi".
Về việc cắt giảm giờ tuân thủ thủ tục hành chính thuế, hải quan, Chủ tịch Quốc hội "đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng: cắt giảm được bao nhiêu so với trước đó?". Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đã cắt giảm được 420 giờ, riêng thủ tục thuế từ 537 giờ xuống còn 117 giờ.
Liên quan đến vấn đề nợ công, Bộ trưởng Tài chính cho biết: "Nợ công sẽ chỉ để dành cho đầu tư, không để ăn tiêu trả nợ. Về quản lý chiến lược nợ công giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2030, nợ công không quá 65% GDP. Trong đó, nợ công năm 2011 là 50%; năm 2012 là 50,8%; năm 2013 là 54,5%; năm 2014 là 59,6% và năm 2015 là 61,3%. Nợ công năm 2020 chỉ còn 58%, đỉnh nợ năm 2017 là 63%".
Hà Nội bàn giao 2.000m2 đất tại Long Biên cho Tổng cục Chính trị
Ngày 13/11, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6142/QĐ-UBND, giao đất tại các phường Giang Biên, Phúc Lợi (Long Biên) cho Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) quản lý.
Theo quyết định, giao 2.000 m2 đất tại các phường Giang Biên, Phúc Lợi (Long Biên) nằm trong tổng số 30.309,8 m2 đất UBND quận Long Biên đã có quyết định thu hồi (gồm 11.829,76 m2 đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích do UBND phường Giang Biên và UBND phường Phúc Lợi quản lý và 18.480,04m2 đất nông nghiệp do các hộ gia đình cá nhân đang quản lý sử dụng).
Hiện trạng 2.000m2 đất này Hà Nội đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng cho Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) để quản lý, bổ sung danh mục đất quốc phòng trên địa bàn thành phố Hà Nội và lập dự án sử dụng vàọ mục đích quốc phòng theo quy định. Hình thức sử dụng đất, nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) có trách nhiệm liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để nhận bàn giao đất trên bản đồ và ngoài thực địa. Đồng thời báo cáo Bộ Quốc phòng cập nhật, bổ sung khu đất vào danh mục đất quốc phòng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và lập dự án đầu tư xây dựng doanh trại báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt; hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND thành phố giao đất để thực hiện dự án theo quy định.
Bắt nghi can bỏ độc giết doanh nhân Hà Linh ở Đài Loan
Bước đầu, nghi can được xác định đầu độc bà Linh theo chỉ đạo và việc bà Hà Linh bị sát hại là do mâu thuẫn trong làm ăn.
Theo một nguồn tin từ báo chí trong nước cho biết, Bộ Công an hai nước Trung Quốc, Việt Nam hiện đã bắt được đối tượng bỏ độc giết chết nữ doanh nhân Hà Linh.
Đối tượng bị bắt giữ trong khi đang lẩn trốn tại Đài Loan.
Trước đó, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã có văn bản thông báo về tình hình doanh nhân Hà Linh.
Văn bản này ghi nhận, vào sáng ngày 22-9-2015, cơ quan Công an Thường Bình, TP. Đông Quán, tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) thống báo, đã phát hiện một người phụ nữ trong tình trạng hôn mê.
Người phụ nữ trên được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong ngay trong buổi sáng. Ghi nhận hiện trường cho thấy nhiều nghi vấn người phụ nữ đã bị cướp, sau đó bị giết.
Đối chiếu nhiều thông tin tìm được, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Châu xác minh người phụ nữ đã tử vong là công dân Việt Nam tên Hà Thuý Linh (tên thường gọi là Hà Linh, 45 tuổi), giám đốc Công ty trà Oolong Hà Linh (Đà Lạt, Lâm Đồng).
Khi đưa vào bệnh viện, trên cơ thể bà Linh có nhiều vết bầm, tuỵ và lá lách bị dập.
Khởi tố nguyên giám đốc Cty TNHH MTV Bình Dương
Ngày 16-11, CAP Hải Châu 2 (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý hành chính đối với ông Nguyễn Văn Nguyên (1963, quê Gia Lai) và Nguyễn Văn Tươi...
Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết: Phòng điều tra hình sự Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đã thừa lệnh VKS quân sự Quân khu 5 đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Văn Khanh, nguyên Giám đốc Cty TNHH MTV Bình Dương (thuộc Tổng Cty 15) có trụ sở tại Gia Lai.
Theo đó, ông Khanh bị bắt giam về hành vi "Hủy hoại tài nguyên rừng" và bị di lý từ Hà Nội vào Gia Lai để tạm giam nhằm phục vụ công tác điều tra. Ngoài ra, CQĐT cũng khởi tố, bắt tạm giam 1 cán bộ nguyên là Trợ lý kế hoạch phụ trách xây dựng cơ bản của Cty TNHH MTV Bình Dương.
Trước đó, các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện Cty này tự ý lấy 248,6ha rừng tự nhiên không được phép chuyển đổi ở khu vực xã Ia Puch (H. Chư Prông, Gia Lai) để trồng cao su. UBND tỉnh Gia Lai đã lập đoàn kiểm tra và chuyển toàn bộ nội dung vụ việc sang CQĐT thuộc Bộ Quốc phòng để làm rõ, xử lý. Liên quan đến vụ án trên, trước đó, Bộ Quốc phòng đã kỷ luật khai trừ khỏi Đảng, giáng cấp bậc từ Đại tá xuống Trung tá và cách chức giám đốc Công ty THHH MTV Bình Dương đối với ông Trần Văn Khanh.
Giá đất tại Hàn Quốc tăng gấp hơn 3.000 lần trong 50 năm
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết giá đất đai trong nước đã tăng hơn 3.000 lần kể từ năm 1964.
Cụ thể, tổng giá trị đất đai danh nghĩa của "xứ sở kim chi" đạt 5,848 triệu tỷ won (5.000 tỷ USD) năm 2013, gấp 3.030 lần so với mức 1.930 tỷ won năm 1964. Cùng lúc, giá đất đai tại Hàn Quốc năm 2013 đã tăng lên mức 58.325 won/m2 từ mức 19,6 won/m2 năm 1964.
Trong khi đó, tỷ lệ đất thuộc sở hữu nhà nước tăng từ mức 13,2% năm 1964 lên mức 26,1% năm 2013.
Trước đó, trong tháng 7/2015, báo cáo của Viện Phát triển Hàn Quốc cho biết giao dịch mua bán nhà ở nước này đạt mức cao kỷ lục trong quý 2/2015, khi những người ở độ tuổi 20 và 30 tranh thủ mua nhà khi lãi suất hạ xuống mức thấp kỷ lục 1,5% và lãi suất vay thế chấp cũng giảm.
Cụ thể, lượng giao dịch mua bán nhà ở trên toàn quốc đạt 340.743 căn trong quý 2/2015, tăng 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 18,3% so với quý trước đó. Con số này là cao nhất ít nhất trong 10 năm, tính từ khi số liệu liên quan được thu thập vào năm 2006. Con số cao kỷ lục trước đó là 305.229 căn, được ghi nhận vào quý 2/2008, khi bong bóng nhà ở căng hết cỡ trên toàn cầu.
Với mức lãi suất thấp kỷ lục, các gia đình Hàn Quốc đã tăng vay ngân hàng để mua nhà. Theo Cơ quan dịch vụ giám sát tài chính, nợ của các gia đình ở Hàn Quốc tiếp tục tăng trong tháng Sáu. Con số này là 526.000 tỷ won (455 tỷ USD) tính đến cuối tháng trước, tăng 8.200 tỷ won, sau khi tăng 7.400 tỷ won trong tháng Năm.