Ưu đãi Samsung tỉ đô nhưng thu thuế bà bún bò có công bằng?; Doanh nghiệp nước giải khát lo bị ảnh hưởng nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt; Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đang có chiều hướng giảm dần; Bơ, ổi, chà là... Thái Lan ồ ạt tràn vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-09-2017
- Cập nhật : 17/09/2017
Triều Tiên ngồi trên nguồn tài nguyên khoáng sản trị giá 10.000 tỉ USD
Ước tính Triều Tiên đang nằm trên trữ lượng của hơn 200 loại khoáng chất, trong đó có các khoáng chất đất hiếm, trị giá khoảng 10.000 tỉ USD.
Theo một dự báo từ phía Hàn Quốc do Quartz công bố, hiện chưa có báo cáo chính thức về mức độ giàu có nguồn khoáng sản của Triều Tiên, nhưng ước tính sơ bộ từ đầu thập niên này cho thấy, mỏ đá, quặng sắt, kẽm, đồng, vàng, bạc, magie, graphite… mà quốc gia khép kín nhất thế giới đang sở hữu có giá trị từ 6.000 đến 10.000 tỉ USD.
Trước khi Liên Xô sụp đổ, Triều Tiên đã ưu tiên khai thác khoáng sản và buôn bán với các đối tác thân cận. Nhưng ngành khai thác mỏ đã bị suy giảm kể từ đầu những năm 1990, do thiếu vốn để phát triển cơ sở hạ tầng cũng như hỗ trợ các hoạt động khai thác.
Hiện tại, ngành thương mại trong lĩnh vực khai thác mỏ của Triều Tiên đang gặp phải lệnh cấm nghiêm ngặt của Liên Hiệp Quốc (UN) vì Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân. UN bắt đầu cấm đất nước Đông Á kinh doanh kim loại vào năm ngoái, nhưng đã có những báo cáo rằng chế độ ông Kim Jong-un ngày càng sáng tạo hơn để đối phó với các biện pháp chế tài.
Theo một cuộc điều tra gần đây của kênh truyền hình ABC Four Corners, Triều Tiên có nhiều tài sản kinh doanh ở châu Á, Trung Đông và ngay cả châu Âu, điều này trái với nhận thức chung rằng đây là một quốc gia rất cô lập. Văn phòng 39, một trong những phòng ban của đảng Lao động Triều Tiên, thực tế là một “quỹ đầu tư” mỗi năm tạo ra khoảng 1,6 tỉ USD cho chế độ ông Kim Jong-un. “Triều Tiên rất tinh vi trong việc che giấu thực tế về các thương vụ kinh doanh ở nước ngoài”, Andrea Berger, trợ lý của Học viện Dịch vụ Hoàng gia Anh (RUSI), cho hay.
UN trong năm nay đã ban hành lệnh cấm giao thương toàn bộ than đá, sắt và quặng sắt của Triều Tiên, sau khi cấm nước này buôn bán đồng, niken, bạc và kẽm vào tháng 11.2016. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, trước các sức ép từ phía cộng đồng quốc tế, cũng đã phải đưa ra lệnh cấm nhập khẩu than cho đến hết năm nay, một trong những nguồn kinh tế quan trọng của nước láng giềng. Kho bạc Mỹ cho biết chỉ tính riêng giao dịch than cũng đã tạo ra hơn 1 tỉ USD doanh thu hằng năm cho Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 11.9 đã đưa ra lệnh cấm mới như một sự đáp trả dành cho cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên hồi đầu tháng này. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới không cấm hoàn toàn việc vận chuyển dầu cho quốc gia Đông Á như dự thảo từ phía Mỹ, thay vào đó chỉ hạn chế Bình Nhưỡng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ.
Theo Lloyd R. Vasey, nhà sáng lập kiêm cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) viết trong một báo cáo hồi tháng 4.2017, trữ lượng magnesit của Triều Tiên lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, trữ lượng mỏ vonfram của nước này ước tính lớn thứ sáu toàn cầu. Ngoài ra, Triều Tiên còn sở hữu lượng lớn hơn 200 loại khoáng chất khác nhau và “tất cả đều có tiềm năng phát triển thành các mỏ quặng quy mô lớn” nếu có điều kiện phù hợp. (Thanhnien)
-----------------------------
72 dự án của DNNN với tổng vốn 42.700 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố báo cáo Đề án nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, tính đến ngày 25/8/2017, có 11/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 1/8 cơ quan thuộc Chính phủ (Đài Truyền hình Việt Nam), 39/63 địa phương, 2/6 Tập đoàn kinh tế (VNPT, VRG), 9 Tổng công ty (Vinafood 1, Vinafood 2, SCIC, Vinataba, Vinalines, SBIC, Vinapaco, Vinacafe, Khánh Việt) đã gửi báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Một số Bộ, địa phương quản lý nhiều doanh nghiệp nhà nước như Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh; một số Tập đoàn kinh tế là Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản, một số Tổng công ty như Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị… chưa gửi báo cáo theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đặc biệt trong số này phải nói tới Bộ Công Thương bởi đây là Bộ có 12 dự án thua lỗ gần 63.600 tỷ đồng và khoản nợ phải trả trên 55.000 tỷ đồng (theo báo cáo hồi tháng 4/2017).
Báo cáo cho thấy có khoảng 250 doanh nghiệp nhà nước do các cơ quan này làm đại diện chủ sở hữu đã được rà soát tình hình đầu tư dự án trong giai đoạn 2000-2016, chiếm hơn 31% tổng số doanh nghiệp thuộc diện phải rà soát.
Tổng công Giấy Việt Nam (Vinapaco) có 8 dự án với tổng vốn trên 11.080 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Ảnh: Vinapaco.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện tồn tại 72 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với ban đầu. Trong đó, số lượng dự án của các doanh nghiệp trực thuộc Bộ chiếm hơn phân nửa với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng trên 22.900 tỷ đồng.
Nổi bật trong số này là Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với 27 dự án với tổng mức đầu tư gần 910 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại ba doanh nghiệp là Tổng công ty Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Công ty TNHH MTV Thuỷ sản Hạ Long. Phần lớn các dự án này đã tạm dừng hoạt động hoặc đang sản xuất nhưng thua lỗ lớn.
Trường hợp của Bộ Giao thông vận tải chỉ có hai doanh nghiệp sở hữu các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả là Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nhưng tổng vốn đầu tư được phê duyệt cuối cùng lên đến gần 15.000 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm dữ liệu của SBIC do đơn vị này đang thực hiện đề án tái cơ cấu theo quyết định của Thủ tướng.
Đối với nhóm tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, trường hợp đáng chú ý nhất là Tổng công Giấy Việt Nam (Vinapaco) với 8 dự án có tổng vốn trên 11.080 tỷ đồng, chiếm hơn một phần tư tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết chưa ghi nhận các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả, nhưng đơn vị này đang vận hành dự án Phóng vệ tinh viễn thông Vinasat-2 với khoản lỗ luỹ kế 1.209 tỷ đồng kể từ thời điểm được phóng lên quỹ đạo vào giữa năm 2012. Dự án có tổng mức đầu tư là 5.462 tỷ đồng. Trong đó, 20% được lấy từ ngân sách tập đoàn, phần còn lại vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và vay thương mại. VNPT dự kiến nếu khai thác hiệu quả thì thời gian thu hồi vốn là 10 năm, nhưng do doanh thu những năm đầu không đạt kế hoạch nên nhiều khả năng phải kéo dài.
Theo báo cáo của các Bộ, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, nhìn chung các dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả là thời gian đầu tư kéo dài nhiều năm, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự án đi vào hoạt động nhưng không đảm bảo công suất thiết kế, thua lỗ kéo dài…; tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, nông nghiệp và ở các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty lớn là chính.
Báo cáo cũng đưa ra các dự án cụ thể có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả trên từng lĩnh vực.
Với lĩnh vực bất động sản, phát triển hạ tầng, đầu tư, mở rộng nhà máy, có 14 dự án thuộc Tổng công ty Thành An, Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương). Các dự án này tuy ít về số lượng (chiếm 28% trong tổng số 72 dự án), nhưng tổng mức đầu tư rất cao, trên 29.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).
Nguyên nhân chính là do năng lực chủ đầu tư yếu kém trong quá trình đề xuất, lập, thẩm định, triển khai và quản lý dự án, dẫn đến tình trạng đầu tư kéo dài nhiều năm (có dự án kéo dài trên 10 năm), phải điều chỉnh tổng mức đầu tư (14/14 dự án này phải điều chỉnh tổng mức đầu tư). Một số cơ quan quản lý chặt chẽ doanh nghiệp như Bộ Quốc phòng cũng có doanh nghiệp có dự án đầu tư không hiệu quả (5/5 dự án bất động sản với tổng mức đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng là của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng).
Ngoài ra 7/14 dự án (50% số dự án) nêu trên là các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng nhà máy sản xuất thuộc 1 doanh nghiệp là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Bộ Công Thương) với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 11.081 tỷ đồng (chiếm 26% trong tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng của các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả).
Về lĩnh vực nông nghiệp, có 33 dự án đang trong tình trạng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, chủ yếu thuộc Tổng công Lương thực Miền Nam, Tổng công ty Cà phê (Bộ NN&PTNT) và UBND TP. Hải Phòng.
Nguyên nhân các dự án này phải tạm dừng hoạt động, hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài do năng lực của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lập, triển khai và quản lý dự án; trong công tác dự báo biến động của thị trường nông sản trong nước và thế giới.
Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp có suất đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian hoàn vốn dài; phải chịu nhiều rủi ro về thiên tai, rủi ro về môi trường hoặc bệnh tật. Các dự án ra đời trong giai đoạn ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh gay gắt. Trong khi về thị trường tiêu thụ chưa kịp mở rộng, sản lượng bán ra thấp, chi phí cao, giá thành cao, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, dẫn đến lỗ phát sinh kéo dài.
Nói chung về nguyên nhân các dự án trên tất cả các lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động hoặc thua lỗ kéo dài, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, là do năng lực của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lập, triển khai và quản lý dự án cũng như dự báo biến động của thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, công tác đàm phán và ký kết hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài còn lúng túng, đặc biệt là đối với các dự án có công nghệ hiện đại dẫn đến phát sinh các tranh chấp khó giải quyết. Về khách quan, tác động của diễn biến tỷ giá và lãi suất nằm ngoài dự tính ban đầu cũng làm giảm hiệu quả đầu tư.(KT&TD)
--------------------------
Standard & Poor’s nâng hạng triển vọng tín nhiệm của Techcombank
Vị thế thị trường và khả năng sinh lời của Techcombank trong 12 tháng tới được Standard & Poor’s đánh giá cao, triển vọng tín nhiệm được nâng lên mức 'ổn định'.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor’s (S&P) vừa công bố nâng hạng triển vọng tín nhiệm của Techcombank lên mức “ổn định”. Theo đó xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Techcombank được giữ ở mức "BB-" và ngắn hạn là "B".
Kết quả xếp hạng của Techcombank bằng với mức xếp hạng Quốc gia của Việt Nam. Trên thực tế, đây là mức xếp hạng cao nhất mà một ngân hàng ở Việt Nam có thể đạt được (cho đến khi S&P nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam). Điều này thường được gọi là “trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia”, theo đó rất hiếm khi các ngân hàng và các doanh nghiệp khác được xếp hạng cao hơn mức xếp hạng của quốc gia. Tính tới thời điểm này, chỉ có Techcombank và Vietcombank là hai ngân hàng tại Việt Nam được đánh giá có cùng mức triển vọng và xếp hạng.
Việc đánh giá triển vọng “ổn định” thể hiện quan điểm của S&P rằng Techcombank “sẽ giữ vững vị thế thị trường và khả năng sinh lời cao trong 12 tháng tới với việc theo đuổi chiến lược định hướng bán lẻ”.
Thêm vào đó, S&P cũng đánh giá Techcombank “lựa chọn cân bằng giữa gia tăng lợi nhuận và kiểm soát rủi ro”. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank trong năm 2016 đã tăng 96,2% so với năm 2015, và nửa đầu năm 2017 tăng 72,3% so với cùng kỳ 2016.(Thanhnien)
-----------------------------
Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết với WTO
Sáng 15/9 (giờ Thụy Sĩ), tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã có các buổi làm việc với Ban Lãnh đạo của WTO, ông Roberto Azevedo Tổng Giám đốc WTO, ông Karl Brauner Phó Tổng giám đốc WTO và ông Xavier Carim, Chủ tịch Đại Hội đồng WTO nhằm tìm hiểu các định hướng phát triển của WTO trong bối cảnh hiện nay và thúc đẩy sự ủng hộ của WTO đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Phát biểu với các lãnh đạo WTO, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định WTO có vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; đánh giá cao vai trò của hệ thống thương mại đa biên trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại toàn cầu và khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam tại WTO; ủng hộ việc nâng cao vai trò của WTO và các sáng kiến, hoạt động của WTO căn cứ theo trình độ phát triển của mình.
Phó Thủ tướng đã đề nghị WTO dành cho Việt Nam các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để có thể thực thi đầy đủ các hiệp định của WTO; tận dụng tối đa quyền lợi thành viên; tiếp cận các thông tin thương mại và tăng cường hiểu biết của đông đảo thành phần xã hội về các vấn đề liên quan WTO.
Với tư cách là nền kinh tế chủ nhà APEC 2017, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp củng cố hệ thống thương mại đa phương nói chung và nỗ lực thúc đẩy đàm phán để có những kết quả cụ thể chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 (MC11) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2017 tại Argentina.
Các lãnh đạo WTO chúc mừng Việt Nam về những thành tựu đã đạt được trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu và sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng chương trình nghị sự của MC11. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhất trí với đề nghị của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam và chia sẻ những nội dung chuẩn bị cho MC11. Tổng Thư ký cũng khẳng định quyết tâm xây dựng một hệ thống thương mại đa phương có tính đoán định, minh bạch và bao trùm.
Nhân dịp này, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương, và Viện Đào tạo và Hợp tác kỹ thuật của WTO (ITTC) đã ký Thỏa thuận hợp tác kỹ thuật để tiến hành tổ chức một khóa đào tạo khu vực về kỹ năng đàm phán thương mại cao cấp tại Hà Nội, dự kiến trong nửa đầu tháng 11 năm 2017.
Chiều cùng ngày, trong buổi làm việc với ông Yves Mirabaud, Chủ tịch và ông Edouard Cuendet, Giám đốc Hiệp hội Trung tâm Tài chính Geneve, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thông tin về các chính sách của Việt Nam trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
Hai bên đã trao đổi về các khả năng hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn; tăng cường thể chế và năng lực quản trị, điều hành các định chế tài chính theo chuẩn mực quốc tế và xây dựng một trung tâm tài chính. Phó Thủ tướng cũng đã đề nghị Hiệp hội Trung tâm Tài chính Geneve mở rộng quan hệ với các hiệp hội trong thị trường tài chính của Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ cũng như hợp tác đào tạo nguồn nhân lực về thị trường tài chính.(Chinhphu)