Người dân nước nào đang sở hữu nhiều bất động sản ở Dubai nhất?; Tăng thuế xe bán tải, bị phản ứng; “Điểm mặt” các dự án đầu tư không hiệu quả: Vinacafe, Vinafood 2 “đội sổ”; Bán dầu thô cho Trung Quốc giá rẻ, “mất trắng” hơn 300 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-09-2017
- Cập nhật : 16/09/2017
Giảm giá tới đáy có giúp thị trường ô tô Việt lặp lại kỷ lục 300.000 xe/năm?
Trên lý thuyết, thị trường ô tô Việt vẫn còn cơ hội lặp lại kỷ lục 300.000 xe của năm 2016.
Tăng trưởng 10% - Mục tiêu khó khả thi
Chưa bao giờ thị trường ô tô Việt Nam lại diễn ra sôi động như năm 2016. Chỉ trong vòng 12 tháng, toàn thị trường đã tiêu thụ được 304.000 xe, mức doanh số cao nhất trong 20 năm qua. Con số này vượt xa so với kỷ lục 244.914 xe được thiết lập trong năm 2015 và xa hơn nữa là 160.000 xe của năm 2009.
Trong bối cảnh thị trường khởi sắc, lượng ô tô bán ra của hầu hết các hãng xe đều ở mức cao. Cụ thể, năm 2016, Trường Hải tiêu thụ được 112.847 xe, tăng trưởng 40% so với năm 2015. Toyota Việt Nam đạt doanh số 57.036 xe, tăng 13%; Honda bán được 11.501 xe, tăng 38% so với năm trước đó. GM, Mitsubishi, Ford cũng tăng trưởng lần lượt 32%, 47% và 40%.
Với những tín hiệu tích cực trong năm 2016, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo doanh số của toàn thị trường ô tô năm 2017 sẽ tăng 10%, tức người Việt sẽ mua thêm gần 335.000 ô tô mới trong năm nay. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trong 8 tháng vừa qua, kỳ vọng trên rất khó khả thi.
Điểm nổi bật nhất trên thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2017 cho đến thời điểm này là cuộc đua giảm giá quyết liệt của các hãng xe. Từ Trường Hải, Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi cho đến Nissan hay GM đều mạnh tay ưu đãi cho hàng loạt mẫu xe. Tuy nhiên, bất chấp các chương trình đại hạ giá, doanh số cũng chẳng mấy “khá khẩm” hơn.
Theo thống kê của VAMA, tính chung 8 tháng đầu năm, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 177.037 xe, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, ô tô du lịch giảm 4%; xe thương mại giảm 7% và xe chuyên dụng giảm 17%. Xét về xuất xứ, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 11% trong khi xe nhập khẩu tăng 10% so với cùng kì năm ngoái.
Nhưng vẫn còn cơ hội cán mốc 300.000 xe
Trên lý thuyết, thị trường ô tô Việt vẫn còn cơ hội lặp lại kỷ lục 300.000 xe của năm 2016. Khi chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa là bước sang năm 2018, xu hướng giảm giá xe được dự báo sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn do các nhà sản xuất và phân phối cố gắng đẩy hàng tồn, thu hồi vốn cũng như không để mất thị phần vào tay đối thủ. Điều này có thể phần nào khuyến khích những người có nhu cầu mua ô tô “mở hầu bao”.
Thêm vào đó, nhiều người Việt có tâm lý sắm sửa những tài sản giá trị vào thời điểm cuối năm nên doanh số thị trường ô tô hoàn toàn có khả năng tăng đột biến trong vài tháng tới. Lấy ví dụ, 9 tháng đầu năm 2016 không tháng nào thị trường đạt 27.000 xe, nhưng doanh số 3 tháng cuối năm đều trên 28.000 xe. Riêng tháng 12 năm ngoái, các hãng ô tô đã bán được 33.295 xe.
Hiện nay nhiều người tiêu dùng vẫn đang có tâm lý chờ giá xe giảm sâu hơn trong năm tới. Tuy nhiên, liệu giá xe có thật sự xuống thấp hơn không vẫn là điều khó đoán.
Theo lộ trình đến năm 2018, thuế nhập khẩu các dòng xe dưới 9 chỗ từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống 0% thay vì mức 30% như hiện nay. Với xe lắp ráp trong nước, một số linh kiện nhập khẩu từ Đông Nam Á đáp ứng đủ điều kiện cũng sẽ được áp dụng mức thuế nhập khẩu 0%. Bộ Tài chính vừa đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện, phụ tùng ô tô sản xuất trong nước. Như vậy, cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp đều có cơ hội giảm giá.
Tuy nhiên, một chuyên gia cho biết thuế nhập khẩu 0% chỉ áp dụng cho những xe sản xuất tại khu vực ASEAN đạt tiêu chuẩn nội địa hóa liên khối 40% trở lên. Những xe nhập khẩu từ các quốc gia khác hoặc không đạt điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa sẽ không được hưởng ưu đãi này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất áp dụng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt cho xe bán tải bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích. Nếu được thông qua, thuế cho xe pick-up sẽ tăng lên 30% (với xe từ 2.0-2.5L), 33% (với xe từ 2.5-3.0L) và 54% (với xe trên 3.0L). Việc này dẫn tới giá các mẫu xe bán tải có thể tăng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.(NDH)
-----------------------
Nga và EU bất đồng về trung chuyển khí đốt qua Ukraine
Ngày 15/9, Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố triển vọng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đến Liên minh châu Âu (EU) sau năm 2020 liên quan đến lĩnh vực kinh tế, chứ không mang tính chất chính trị, nên việc cung cấp sẽ theo tuyến đường có lợi nhất cho Moskva và Brussels.
Nhân viên vận hành đường ống dẫn khí đốt tại cơ sở trữ khí đốt dưới lòng dất Bilche-Volytsko-Uherske, gần làng Bilche, vùng Lviv, miền tây Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh trước đó Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maroš Šefčovič phụ trách vấn đề năng lượng của EU nhấn mạnh việc duy trì hoạt động trung chuyển khí đốt qua Ukraine đến các nước thành viên EU sau năm 2020 là “ưu tiên quan trọng nhất đối với EU”.
Trả lời câu hỏi của báo giới việc liệu Nga có tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine hay không, ông Peskov cho biết, việc trung chuyển khí đốt này không phải là vấn đề chính trị, mà mang tính chất và lợi ích kinh tế, khả năng dự báo, tính ổn định và an ninh nguồn cung khí đốt. Do đó, việc cung cấp khi đốt sẽ được thực hiện theo tuyến đường có lợi nhất cho bên bán và bảo đảm an ninh năng lượng cho khách hàng ở các nước Tây Âu.
Tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga là Gazprom đang lên kế hoạch xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt mới đi qua đáy biển Baltic và biển Đen để cung cấp cho châu Âu. Vấn đề ký kết hợp đồng mới về trung chuyển khí đốt với Ukraine thay thế hợp đồng hết hạn vào năm 2019 vẫn đang bị bỏ ngỏ. Hồi tháng 2/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đến EU có thể tiếp tục duy trì sau năm 2019, nếu hoạt động này có lợi về mặt kinh tế. EC nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”, nếu được xây dựng, sẽ đe dọa hoạt động trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đến EU.(TTXVN)
------------------------------
Tiền ảo bitcoin lao dốc không phanh trước tin đồn Trung Quốc đóng sàn
Sau khi có tin Trung Quốc quyết định đóng cửa các sàn giao dịch bitcoin vì “quá ư rối loạn”, giá trị của đồng bitcoin ngay lập tức sụt giảm liên tiếp trong mấy ngày gần đây.
Báo The Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ ngày 12/9 dẫn "một nguồn tin giấu tên" từ Chính phủ Trung Quốc cho biết thời điểm công bố lệnh cấm các sàn giao dịch bitcoin vẫn chưa xác định.
Trong khi đó, một nguồn tin khác lại khẳng định lệnh cấm chỉ mới là ý tưởng và sẽ mất một vài tháng để hoàn tất.
Phản ứng trước tin này, giá của bitcoin đã rớt xuống 4.108 USD trong cùng ngày.
Nhiễu loạn nên phải dẹp hết?
Ngày 13/9, Bitkan - một dịch vụ giao dịch trực tuyến OTC (giao dịch phi tập trung, hay không có sàn giao dịch) cho các loại tiền ảo ở Trung Quốc - thông báo sẽ đình chỉ các giao dịch trên OTC, trong bối cảnh chính quyền ngày càng tăng cường kiểm soát.
Giá bitcoin lập tức trượt xuống mức 3.962 USD ngay sau thông báo của Bitkan, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Quyết định của Bitkan làm dấy lên suy đoán Chính phủ Trung Quốc đang quyết mạnh tay dẹp hết các loại hình giao dịch bitcoin ở nước này, bao gồm cả tập trung (sàn giao dịch) lẫn phi tập trung (OTC).
Các hoạt động liên quan đến bitcoin, ethereum và những loại cryptocoin (hiểu nôm na là tiền ảo) diễn ra nhộn nhịp, công khai lẫn bí mật tại Trung Quốc. Quốc gia này là nơi có nhiều "mỏ" tiền ảo lớn nhất thế giới.
Theo Bitcoinity.org, ba sàn giao dịch bitcoin của Trung Quốc là Bitfinex, OkCoin và BTCC chiếm tới 45% các giao dịch toàn cầu chỉ trong vòng một tháng qua.
Sự phổ biến ngày càng tăng của bitcoin ở Trung Quốc đã khiến Chính phủ Trung Quốc bắt đầu chú ý và xem nó như một mối đe dọa với đồng nhân dân tệ, đặc biệt kể từ khi các nhà đầu tư đổ xô mua bitcoin và đánh cược nó với đồng nội địa hồi năm ngoái.
Chưa có thông tin chính thức nào từ Chính phủ Trung Quốc về lệnh cấm các sàn giao dịch bitcoin ở nước này. (Ảnh: Reuters)
Hoài nghi
Đây không phải là lần đầu tiên thị trường bitcoin ở Trung Quốc bị đặt vào tầm ngắm của nhà chức trách.
Hồi tháng 2, các sàn giao dịch bitcoin lớn của Trung Quốc đã tăng cường giám sát khách hàng, ngừng việc rút bitcoin sau cuộc họp với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, thông tin Trung Quốc quyết tâm dẹp các sàn giao dịch lần này làm dấy lên nghi ngờ lớn.
Tờ Cointelegraph của Anh đặt dấu chấm hỏi lớn đối với các thông tin nặc danh được những tờ báo tài chính hàng đầu phương Tây như Bloomberg, WSJ đăng tải.
"Không có bất kỳ tuyên bố chính thức hay ai đó đủ can đảm nói tên mình trong các bản tin đó" - Cointelegraph viết.
Bobby Lee, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của sàn giao dịch BTCC, đã mở một cuộc bỏ phiếu trên Twitter về độ xác thực của lệnh cấm. Kết quả, 82% người cho rằng đó chỉ là tin tức giả, chỉ có 18% tin là thật.
Trong một thông cáo báo chí được gửi ngày 13/9, đại diện OkCoin cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được thông báo từ bất kỳ cơ quan hữu trách nào của Trung Quốc về việc đóng cửa sàn giao dịch. Nếu có bất kỳ quyết định nào, chúng tôi ngay lập tức đăng tải trên trang web".
"Bitcoin chỉ là trò lừa"
Ông Jamie Dimon, lãnh đạo ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan, khẳng định tiền ảo chỉ là một trò bịp và chỉ dành cho bọn tội phạm và quốc gia bị cấm vận như Triều Tiên.
Vị giám đốc điều hành JP Morgan khẳng định ông sẽ sa thải ngay lập tức bất cứ nhân viên nào bị phát hiện giao dịch bitcoin. "Vì hai lý do: nó trái luật và họ thật ngu ngốc. Cả hai đều nguy hiểm" - báo Guardian ngày 13/9 dẫn lời ông Dimon.
"Nếu anh ở Venezuela hay Ecuador hay Triều Tiên hay xứ nào như vậy, hoặc anh là tay buôn ma túy, giết người, đại loại vậy, anh nên xài bitcoin thay vì đôla Mỹ. Có nhiều thị trường cho nó, nhưng là thị trường bị giới hạn" - ông giải thích thêm. (VTC)
---------------------
Đề xuất xây lại ga Hà Nội cao 40 – 70 tầng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa nhận được văn bản của UBND TP Hà Nội đề nghị đóng góp ý kiến về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000.
Đồ án này nhằm cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó có liên quan tới vấn đề xử lý không gian khu vực Ga Hà Nội.
Ga Hà Nội sẽ không di dời ra khỏi nội đô
Theo quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, do Sở Quy hoạch-kiến trúc Hà Nội lập, với sự tư vấn của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltđ-Nhật Bản (viết tắt là NSC), vị trí quy hoạch sẽ thuộc địa giới hành chính các quận Đống Đa (các phường Văn Miếu, Quốc Tử Giám, hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên), quận Hoàn Kiếm (phường Cửa Nam), quận Ba Đình (phường Điện Biên), quận Hai Bà Trưng (phường Nguyễn Du).
Tổng diện tích đất lập quy hoạch sẽ khoảng 98,1ha; với tổng dân số dự kiến khoảng 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người).
Với đồ án này, Ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; là trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô.
Tăng khả năng tiếp cận giữa khu vực ga Hà Nội tới các công trình của khu phố cổ, khu phố Pháp và khu vực phía Tây quận Đống Đa.
Đồng thời, phát triển không gian ngầm nhằm khai thác tối đa hiệu quả quỹ đất hiện có, nâng cao đảm bảo an toàn, thuận tiện cho việc tiếp cận hành khách của các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 3 thông qua không gian các lối đi bộ ngầm kết hợp phát triển các công trình công cộng, dịch vụ, thương mại, văn hoá tại khu vực.
Quy hoạch cũng nhằm sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất theo hướng mật độ thấp, tạo nhiều không gian mở đô thị, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân cư...
Liên quan đến việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch cũng chỉ ra 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40-70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch; khu truyền thông cao khoảng 40-70 tầng và khu công viên bố cục ở phía Đông khu đất; khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40-60 tầng, bố cục ở phía Tây Nam khu đất lập quy hoạch; khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40-60 tầng, khu ga đường sắt cao 40-70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch.
Bên cạnh đó, công trình điểm nhấn cũng được Đồ án đề xuất với 3 phương án thiết kế chiều cao các công trình trong phạm vi quy hoạch, các công trình cao từ 100-200m xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang.
Trong đó, công trình điểm nhấn cao 200m được nghiên cứu bố trí tại các vị trí gồm: Phương án 1 tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang; phương án 2 tại phía Đông Nam hồ Linh Quang; phương án 3 tại khu vực phía Nam hồ Linh Quang. Với 3 phương án này, UBND thành phố đề xuất lựa chọn phương án 1 là bố trí 1 công trình điểm nhấn chính cao 200m tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang.
Cần 23.800 tỷ đồng để “biến” đồ án quy hoạch thành hiện thực
Về phân kỳ khu vực đầu tư, đồ án đưa ra 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 đến năm 2020: Triển khai xây dựng các công trình tái định cư khu vực Nhà máy nước Ngô Sỹ Liên và khu vực tập thể Văn Chương; thực hiện tái thiết ga Hà Nội và khu vực hồ Linh Quang; đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản và mạng lưới bãi đỗ xe ngầm.
Giai đoạn 2 (phát triển đến năm 2030), sẽ triển khai xây dựng mạng lưới đường giao thông và đường ngầm cho người đi bộ. Xây dựng các khu truyền thông, khu lối sống mới, khu thương mại quốc tế, khu ga đường sắt. Giai đoạn 3 (phát triển từ năm 2025 đến 2035), cùng với giai đoạn 2 đảm bảo 100% nhà ở tái định cư để thúc đẩy phát triển. Xây dựng các trung tâm tài chính trong khu quy hoạch.
Để biến quy hoạch thành hiện thực, đơn vị lập đồ án cũng đưa ra khái toán tổng nhu cầu vốn đầu tư sẽ rơi vào khoảng 23.800 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Hà Nội đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật (khoảng 700 tỷ đồng); chủ thể tuyến đường sắt đô thị số 3 đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến, nhà ga và các kết cấu ngầm của tuyến (khoảng 100 tỷ đồng); chủ thể tuyến đường sắt đô thị số 1 đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến, ga Hà Nội và các công trình trong phạm vi khu đất ga Hà Nội (khoảng 3.000 tỷ đồng); chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị trong phạm vi quy hoạch đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình dự án của mình (khoảng 20.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, một trong những giới hạn của đồ án trên chính là việc xây dựng các công trình cao tầng với chiều cao tối đa 200m tại khu vực phía Tây Bắc hồ Linh Quang, thuộc khu vực nội đô lịch sử, gần với di tích quốc gia cấp đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (do đây là khu vực không không cho phép xây dựng công trình mới có nhà ở cao tầng).
Mặt khác, đồ án cũng làm tăng quy mô dân số khu vực nội đô lịch sử trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 800.000 người lên thành 824.000.
Cùng đó là việc thay đổi hướng tuyến phố Quốc Tử Giám kéo dài kết nối với phố Lý Thường Kiệt (tại đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến phố này dự kiến kết nối với phố Trần Hưng Đạo sẽ ảnh hưởng đến công trình nhà ga Hà Nội hiện có).(VTC)