Thu nhập bình quân người Việt năm 2015 hơn 45 triệu đồng
Lãi suất tiền gửi VND tiếp tục tăng
Đại gia địa ốc kêu khổ vì trùng tên với công ty bị kiện
Tài sản chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng vượt một tỷ USD
Phiên giao dịch “chấn động” của chứng khoán Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-12-2015
- Cập nhật : 25/12/2015
Tăng trưởng tín dụng năm sau ước đạt 18%
Đó là thông tin được bà Nguyễn Thị Hồng, phó Thống đốc NHNN cho biết tại buổi họp báo của NHNN sáng 24-12.
Theo bà Hồng, vốn sẽ được tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa… Còn hoạt động cho vay đối những lĩnh vực rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, NHNN sẽ theo sát đảm bảo tín dụng mở rộng đi đôi với hiệu quả.
Về tăng trưởng tín dụng của năm nay, theo bà Hồng là cao hơn năm trước, đạt khoảng 18%. Dòng vốn được phân bổ hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 21-12 tăng 13,55% so với cuối năm 2014.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm khoảng 0,3- 0,5%/ năm, qua đó hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất giảm nhưng huy động vốn vẫn tăng 13,59% so với cuối năm trước, tạo điều kiện cho các ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ tiếp tục được giữ ổn định, niềm tin vào đồng tiền VN được củng cố.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2016, bà Hồng cho hay lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Vốn tiếp tục được hướng vào khu vực sản xuất kinh doanh. NHNN chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, để tiếp tục giải tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
“Tuy nhiên, diễn biến dự báo, kinh tế vĩ mô năm 2016, có một số vấn đề thách thức trong điều hành lãi suất. Cụ thể, lạm phát năm 2016 không thực sự ổn định ở mức thấp khi giá dầu thế giới có thể tăng trở lại. Còn trong nước, giá dịch vụ y tế, học phí chuyển sang cơ chế giá sẽ tác động đến lạm phát.
Bên cạnh đó, nhu cầu vốn cung ứng ra nền kinh tế vẫn rất lớn khi DN vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn ngân hàng.
Đồng thời, hệ thống ngân hàng tham gia chính trên thị trường tài chính khi mua trái phiếu Chính phủ. Đặc biệt hệ thống ngân hàng vẫn đang tiếp tục cơ cấu lại, lấy lợi nhuận của mình để xử lý nợ xấu nên lãi suất cho vay khó giảm” - bà Hồng cho biết.
Còn về điều chỉnh tỷ giá, thị trường vừa qua chịu tác động tâm lý rất nặng nề, đã gây khó khăn cho điều hành. Do đó, năm 2016, NHNN tiến tới cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt hơn để giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ.
Về xử lý nợ xấu, theo bà Hồng, chỉ tiêu đưa nợ xấu về 3% đã hoàn thành thông qua trích lập dự phòng rủi ro, bán VAMC… Kết quả là tỷ lệ nợ xấu giảm từ 17% năm 2012 còn 2,72% cuối tháng 11 năm nay.
Kinh tế Trung Quốc năm 2016 được dự báo tiếp tục ảm đạm
Hơn 31% lượng hàng nhập khẩu vào Hà Nội là từ Trung Quốc
Ngoài Trung Quốc, lượng hàng nhập khẩu từ các nước khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc ở mức khá khiêm tốn, lần lượt chiếm 9,3% và 7,3%.
Theo số liệu từ Cục thống kê Thành phố Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng Mười hai tăng 15,1% so tháng trước và giảm 2,6% so cùng kỳ.
Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng so cùng kỳ là hàng dệt may (tăng 52,7%), linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 23,6%), hàng điện tử (36,4%). Tuy nhiên vẫn còn một số nhóm hàng xuất khẩu giảm là giầy dép các loại và các sản phẩm từ da (giảm 32,1%), xăng dầu (giảm 26,6%).
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tăng 1,4% so tháng trước và giảm 1% so cùng kỳ. Trong tháng Mười hai, tất cả các nhóm, mặt hàng chủ yếu đều tăng so tháng trước, trong đó, máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 3,1%), sắt thép (tăng 3,3%), hóa chất (tăng 4,1%)...
Ước tính năm 2015, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 3,1%.
Năm 2015, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới cũng như sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Trong năm, một số nhóm hàng có tốc độ tăng khá cao so cùng kỳ là nhóm hàng dệt may (tăng 18,7%), thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng 9,4%).
Các nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ là xăng dầu (giảm 20,7%), hàng thủ công mỹ nghệ (giảm 9,5%).
Cục thống kê Hà Nội cho biết, kim ngạch xuất khẩu xăng dầu giảm mạnh là do giá xăng dầu xuất khẩu giảm so cùng kỳ. Năm 2015, xuất khẩu nông sản tăng 3,8% so cùng kỳ, tuy nhiên, các mặt hàng cà phê, chè lại giảm so cùng kỳ cả về lượng và trị giá.
Đức và Mỹ là hai thị trường tiêu thụ cafe lớn nhất song sức mua cafe của 2 thị trường này giảm mạnh, bên cạnh đó do hạn hán kéo dài tại khu vực Tây Nguyên và sâu bệnh khiến sản lượng thu hoạch giảm.
Kim ngạch xuất khẩu chè giảm là do chất lượng chè chưa cao, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chè ra nước ngoài nhưng gặp khó về nguồn nhân lực, thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm. Đối với một số thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ các doanh nghiệp xuất khẩu chè không xâm nhập được hoặc xuất khẩu không đáng kể.
Riêng lĩnh vực thủy sản, xuất khẩu sang thị trường lớn là Trung Quốc, Nhật Bản đều giảm đáng kể. Một số thị trường xuất khẩu lớn của Hà Nội hiện nay là Mỹ (chiếm 16,4% tổng kim ngạch), Nhật Bản (chiếm 13,3%) tiếp đến là Trung Quốc (chiếm 12,5%) …
Ước tính kim ngạch nhập khẩu tăng 4,5% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 4,6%. Một số thị trường nhập khẩu lớn của Hà Nội hiện nay là Trung Quốc chiếm 31,2% tổng kim ngạch nhập khẩu, Nhật Bản chiếm 9,3%, Hàn Quốc chiếm 7,3%.
Du lịch tăng trưởng mạnh cả 3 chỉ tiêu
Theo báo cáo tổng kết của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, về tăng trưởng số lượng khách, sau 5 năm thực hiện Chiến lược, tốc độ tăng trưởng trung bình khách quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 xấp xỉ 5,7%/năm, khách nội địa đạt khoảng 16,3%/năm.
Cụ thể, năm 2011, ngành du lịch đã đón được hơn 6 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 30 triệu lượt khách nội địa. Năm 2014 đón gần 7,9 triệu lượt khách quốc tế và 38,5 triệu lượt khách nội địa. Trong 11 tháng năm 2015, Việt Nam đón được gần hơn 7 triệu khách quốc tế và 53,8 triệu lượt khách nội địa.
So với mục tiêu Chiến lược đặt ra (năm 2015 đạt từ 7-7,5 triệu lượt quốc tế; 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa) thì chỉ tính đến tháng 11 năm 2015 ngành du lịch thực hiện vượt mức 6,7% khách quốc tế và khách nội địa vượt 46%.
Các chỉ tiêu về khách quốc tế còn có thể đạt cao hơn nếu không bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố mang tính toàn cầu như chiến tranh, dịch bệnh và thiên tai...
Ngành du lịch cũng hoàn thành vượt kế hoạch mục tiêu về tổng thu từ du lịch và đóng góp vào GDP với mức tăng trưởng trung bình hơn 25%/năm. Nếu như năm 2011 tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, đến năm 2014 đạt 230.000 tỷ đồng, thì 11 tháng năm 2015 đã đạt gần 313.000 tỷ đồng.
Như vậy, so với mục tiêu của Chiến lược về thu nhập ngoại tệ (năm 2015 đạt 10-11 tỷ USD, tương đương 220.000-230.000 tỷ đồng theo giá hiện hành), thì thực tế có thể vượt hơn 100.000 tỷ đồng (tương đương 44%).
Chỉ tiêu về cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động ngành du lịch cũng đạt vượt kế hoạch ban đầu đề ra: Đến năm 2015, cả nước đã có 14.535 cơ sở lưu trú với hơn 419.280 buồng. Bình quân tăng trưởng số buồng khách sạn là 15,87%/năm.
Như vậy, nếu so với mục tiêu 390.000 buồng của Chiến lược đặt ra thì trên thực tế đã phát triển hơn 29.000 buồng.
Các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng 3-5 sao bao gồm: 91 cơ sở hạng 5 sao với 24.412 buồng; 219 cơ sở hạng 4 sao với 27.649 buồng; 442 cơ sở hạng 3 sao với 30.799 buồng. Các cơ sở 1-2 sao và đạt tiêu chuẩn kinh doanh gồm: 13.880 cơ sở với 335.420 buồng các loại.
Trong lĩnh vực khách sạn, đã hình thành những khu du lịch (resorts) cao cấp tại các bãi biển miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Quốc và một số bãi biển phía Bắc theo mục tiêu Chiến lược đã đặt ra. Chất lượng khách sạn được nâng cao.
Đặc biệt, xu hướng huy động nguồn vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng đã diễn ra rất mạnh trong 5 năm qua.
Lĩnh vực khách sạn thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Sự hiện diện của các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới như Accord, IHG, Mariot, Movenpick, Park Hyatt, Starwood, Hilton, Victoria…; sự hình thành chuỗi khách sạn Vinpearl của tập đoàn Vingroup, Sun Group, Mường Thanh, khách sạn A25, khách sạn Golf, Công ty H&K… đã nâng cao cả số lượng và chất lượng khách sạn cũng như năng lực phục vụ khách của du lịch Việt.
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư đã hướng tới phân khúc khách hạng sang với mức chi tiêu lớn.
Số lao động trong ngành du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp) tăng trưởng bình quân 13,4%, chiếm 2,5% trong tổng số lao động trong cả nước với hơn 1,2 triệu lao động.
Mặc dù còn nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng ngành du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, vượt kế hoạch đặt ra. Du lịch đang thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tích cực cho GDP bằng doanh thu, ngoại tệ và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tại những khu vực khó khăn không có điều kiện phát triển công nghiệp như miền Trung và Duyên hải Nam Trung Bộ, du lịch đã góp phần xóa đói giảm nghèo, qua đó thay đổi bộ mặt của địa phương.
Tham vấn điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với bột ngọt nhập