Trung Quốc hối hả đổ tiền vào Iran; Bộ Công Thương chưa bỏ điều kiện với nhập khẩu ôtô; Ấn Độ vẫn là quốc gia cung cấp ô tô nhập khẩu rẻ nhất vào Việt Nam; Tổng cục Hải quan: Siết chặt kiểm soát xuất nhập khẩu các loại tiền chất
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 17-09-2017
- Cập nhật : 17/09/2017
Trung Quốc và nhiều nước từ bỏ USD trong giao dịch dầu thô
Bắc Kinh vừa công bố kế hoạch khởi động hợp đồng kỳ hạn dầu thô mới bằng nhân dân tệ, có thể chuyển đổi thành vàng.
Theo Russia Today, bước đi này có thể dẫn đến sự xuất hiện của một chuẩn dầu thô mới của châu Á để cạnh tranh với chuẩn dầu Brent và West Texas Intermediate (WTI) trong tương lai.
Nhà đầu tư và bình luận tài chính Jim Rogers nhận định về yếu tố đột phá trong bước đi mới của Trung Quốc: “Đây chỉ là một bước đi theo hướng đó. Nhiều người không thích dùng đồng đô la Mỹ vì nếu nước Mỹ giận dữ với bạn, họ có thể tạo ra áp lực rất lớn cho bạn, thậm chí có thể khiến bạn không giao thương được. Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác hiểu điều này và họ đang cố gắng để chuyển thương mại thế giới, tài chính thế giới ra khỏi nó”.
Vì Trung Quốc là nước mua dầu thô nhiều nhất thế giới, hợp đồng mới có thể cho phép các nhà xuất khẩu tránh lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách mua bán dầu thô bằng nội tệ Đại lục. Những nước như Nga, Iran, Pakistan và nhiều quốc gia châu Á khác đang quan tâm đến việc này.
Hợp đồng tương lai cho phép các bên tham gia thanh toán bằng vàng hoặc chuyển đổi nhân dân tệ thành vàng mà không cần phải giữ tiền trong tài sản Trung Quốc hoặc chuyển đổi thành USD.
“Thế giới đang dần làm như thế. Bây giờ Iran sẽ chấp nhận nhân dân tệ từ Trung Quốc. Trung Quốc và Nga hiện hoán đổi rúp Nga và nhân dân tệ. Mọi việc đang diễn ra nhưng chậm”, ông Rogers nói.
Nhà đầu tư nhấn mạnh rằng sự thay đổi này sẽ không diễn ra một cách nhanh chóng. Dù vậy, ông cũng cho hay trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, nhiều người sẽ nhận thấy bước chuyển lớn trong việc giao dịch dầu thô sang châu Á. “Khi USD thay thế bảng Anh, không ai có thể làm thế một cách nhanh chóng. Song giờ đây bạn đang có các nền kinh tế lớn: Nga, Trung Quốc, Iran và nhiều nước khác rất muốn điều này xảy ra. Vì vậy, nó sẽ diễn ra nhanh hơn”.(Thanhnien)
-------------------------------------
Cuộc chiến huynh đệ trong tập đoàn Lotte đã đến hồi kết thúc?
Ký ức cay đắng về cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trong tập đoàn Lotte vẫn còn đó, nên không thể dễ dàng tin vào việc có một ngày người anh trai chấp nhận ra đi trong hòa bình.
Sau nhiều năm có những cuộc đối đầu căng thẳng tại tập đoàn lớn thứ năm của Hàn Quốc, ông Shin Dong-joo, anh trai lớn trong gia đình có hai anh em thừa kế “triều đại” Lotte, trong tuần này đã cam kết sẽ bán phần lớn cổ phần tại công ty sản xuất bánh kẹo, bán lẻ, đồ uống và thực phẩm thuộc tập đoàn Lotte.
Theo nhận định được Bloomberg đăng tải trong bài viết mới đây, quyết định của ông này đã giúp dọn đường cho em trai Shin Dong-bin củng cố quyền lực tại tập đoàn với doanh thu hàng năm lên đến 31 tỷ USD và được coi như một trong những tập đoàn mạnh nhất Hàn Quốc này.
Thông tin mới công bố lập tức làm dấy lên những đồn đoán về việc cuộc chiến giữa các anh em trong gia đình Lotte chuẩn bị đến hồi kết. Chắc chắn người ta lạc quan với khả năng này. Tuy nhiên Bloomberg khẳng định thật khó mà tin vào cái kết hòa bình trên nếu xét đến những gì đã từng xảy ra trong quá khứ.
Còn nhớ vào năm 2015, em trai ông đã bằng mọi cách để đẩy ông ra khỏi đế chế kinh doanh mà cha họ đã sáng lập cách đây bẩy thập kỷ. Ký ức cay đắng hẳn vẫn còn đó, nên không thể dễ dàng tin vào việc có một ngày ông quyết định rút lui trong hòa bình.
Người ta cũng chưa thể quên được rằng mới chỉ tháng Mười hai năm ngoái, khi phát biểu với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn, ông Shin từng thề sẽ gạt em trai mình ra khỏi tập đoàn và mục tiêu cao nhất của ông chính là nắm toàn bộ quyền kiểm soát của Lotte.
Giới quan sát nhận định có thể ông Shin đang thay đổi chiến lược của mình. Cũng có thể, ông đang chấp nhận lùi bước tại Lotte Corp, công ty do tập đoàn Lotte mới thành lập. Ông hiện đang nắm chỉ 5,7% cổ phiếu tại đây.
Thay vào đó, ông sẽ âm thầm mua gom cổ phiếu tại nhiều công ty nhỏ khác thuộc Lotte để né tránh con mắt soi mói của công chúng và sự kiểm soát của chính phủ.
Hiện nay, trong tập đoàn Lotte có bao gồm bôn công ty lớn đang quản lý khoảng một nửa trong tổng số tài khoản khoảng 100 tỷ USD của Lotte.
Ngoài ra, tập đoàn Lotte còn có rất nhiều các công ty thành viên khác ví như công ty tại Nhật hay công ty dịch vụ khách sạn Hotel Lotte mới bị hủy kế hoạch IPO cổ phiếu vào năm ngoái sau khi nhà sáng lập và hai con trai ông dính bê bối biển thủ tiền tập đoàn và vụ kiện tụng có liên quan đến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác, người ta chủ yếu biết đến Lotte Shopping, thế nhưng chính Lotte Shopping lại không có vị trí quá quan trọng trong tập đoàn.
Công ty của Lotte tại Nhật luôn có tầm quan trọng rất lớn trong tập đoàn Lotte, công ty này quản lý đến 99% hoạt động kinh doanh khách sạn của Lotte và chính vì vậy cũng nắm cổ phần lớn tại tập đoàn Lotte.
Với những quyết định mới nhất, thay cho việc tốn công tốn sức tranh giành trong một cuộc chiến mà không đảm bảo được phần thắng, ông Shin Dong-joo có thể dùng tiền mua thêm cổ phần tại công ty của Lotte tại Nhật, lấy đó làm bàn đạp thâu tóm thêm quyền kiểm soát trong tapajd doàn.
Cuối cùng, khi ông đã củng cố quyền lực, kết quả sẽ có thể là thay cho việc tranh nhau bất phân thắng bại như trước đây, hai anh em con trai nhà sáng lập tập đoàn Lotte sẽ có thể cùng phân chia đế chế Lotte trong hòa bình. Người em trai Shin Dong-bin sẽ quản lý Lotte Hàn Quốc còn người anh trai Shin Dong-joo nắm Lotte tại Nhật. (Bizlive)
---------------------------------
Ant Financial thúc đẩy Mỹ chấp nhận việc mua lại MoneyGram
Ant Financial đang chuẩn bị đề nghị Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) xem xét lại thỏa thuận chào mua MoneyGram, hãng thanh toán trực tuyến của Mỹ, với giá 1,2 tỉ USD.
Theo Bloomberg, đây là lần thứ ba liên tiếp công ty con của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba nỗ lực thúc đẩy ban hội thẩm điều tra của Mỹ chấp thuận về việc tiếp quản MoneyGram. Tuy nhiên, quá trình này dự kiến sẽ rất khó khăn vì Washington đang rất cảnh giác với những thương vụ mua lại công ty Mỹ từ các nhà đầu tư Trung Quốc vì các lo ngại xung quanh vấn đề an ninh quốc gia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14.9 đã ngăn chặn Canyon Bridge, một quỹ đầu tư được hậu thuẫn bởi nhà nước Trung Quốc, thâu tóm Lattice, công ty bán dẫn có trụ sở tại bang Oregon (Mỹ). Được biết thương vụ này cũng đã được CFIUS xem xét ba lần nhưng không được thông qua. Theo giới chuyên gia, động thái này của Tổng thống Trump là tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ sẽ phản đối các vụ mua bán với Đại lục, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ có thể ứng dụng vào quốc phòng.
Ant Financial đã thất bại trong việc giành được sự chấp thuận từ CFIUS cho hợp đồng mua lại MoneyGram hồi tháng 1.2017 sau thời gian xem xét ban đầu kéo dài 75 ngày. Nhưng hãng này quyết tâm gửi lại yêu cầu và bây giờ phải chờ thêm 75 ngày nữa trong thời hạn xem xét.
“Chúng tôi không bình luận về quá trình làm việc của CFIUS. Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với nhiều cơ quan quản lý khác nhau và vẫn giữ sự tập trung vào mục tiêu sẽ kết thúc giao dịch này vào cuối năm nay”, Ant Financial cho biết trong một email hôm 15.9.
Cuộc xem xét kéo dài trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng vì vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, ngay cả khi Washington đang tìm kiếm sự trợ giúp từ Bắc Kinh để giải quyết căng thẳng hạt nhân với Bình Nhưỡng, chính quyền Tổng thống Trump vẫn ủng hộ lối đi cứng rắn nhằm chống lại Trung Quốc tiếp quản các doanh nghiệp Mỹ.
Hai thành viên của Hạ viện Mỹ đã yêu cầu CFIUS tiến hành điều tra đầy đủ và toàn diện về thương vụ MoneyGram, vì họ cho rằng nếu hợp đồng mua lại MoneyGram thành công, Trung Quốc sẽ có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng tài chính quan trọng của Mỹ. Ngoài việc thu thập và giữ bí mật thông tin từ khách hàng, những dịch vụ thanh toán như MoneyGram còn xử lý yêu cầu bảo mật từ Kho bạc Mỹ về các giao dịch có thể liên quan đến tội phạm tài chính, khủng bố hoặc rửa tiền.
Ant Financial đã nhiều lần tranh luận về những ý kiến khẳng định an ninh Mỹ sẽ bị tổn hại, đồng thời thỏa hiệp rằng họ sẽ giữ nguyên đội ngũ quản lý, nhân viên của MoneyGram, trụ sở, các máy chủ và dữ liệu được lưu trữ cũng sẽ ở lại Mỹ. Song, không phải ngẫu nhiên mà CFIUS đề xuất ngăn chặn một thỏa thuận đến Tổng thống, nếu giao dịch đó không gây ra các mối đe dọa về an ninh quốc gia.
Trước Tổng thống Trump, các đời tổng thống trước đây của Mỹ chỉ mới trực tiếp ngăn chặn ba thỏa thuận vì lo ngại đến an ninh quốc gia. Cụ thể, cựu Tổng thống George H. W. Bush đã đình chỉ vụ bán lại hãng sản xuất máy bay Mamco Manufacturing cho Trung Quốc. Năm 2012, cựu Tổng thống Barack Obama đã ngăn chặn Ralls Corp, công ty điện lực quốc doanh Trung Quốc, phát triển một trang trại gió gần căn cứ hải quân Mỹ ở bang Oregon, và năm 2016 ông Obama cũng ủng hộ một khuyến cáo của CFIUS không cho phép một công ty Trung Quốc mua nhà cung cấp thiết bị bán dẫn Aixtron SE. (Thanhnien)
----------------------------
Mặc tình hình kinh doanh bết bát, giới tài chính vẫn lạc qua về cổ phiếu ngân hàng
Giới đầu tư Wall Street đang đặc cược vào cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng, mặc cho kết quả kinh doanh tệ nhất trong 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P. Họ cho rằng cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch dưới giá trị thực.
Cổ phiếu ngành tài chính có kết quả kinh doanh tệ thứ ba trong 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 năm 2017, và đang trong xu hướng tệ nhất so với thị trường kể từ 2011. Tuy nhiên trong cuộc khảo sát 10 chiến lược gia cổ phiếu của Bloomberg, 9 người đặt cược vào các ngân hàng và công ty bảo hiểm, trong khi đó chỉ có 1 người giữ quan điểm trung lập.
Điều này hoàn toàn đối lập với quan điểm còn lại trên thị trường, thiên về những công ty công nghệ, chăm sóc sức khỏe đang dẫn dắt thị trường, thu hút lượng mua gấp 4 lần từ các nhà đầu tư chiến lược.
Các ngân hàng được coi là nhóm hưởng lợi nhiều nhất từ lời hứa của Tổng thống Trump như nới lỏng các chính sách, cắt giảm thuế, và các nhà cho vay trông đợi đường cong lãi suất trái phiếu chính phủ phục hồi trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt lại.
Hiện vẫn chưa có chuyện gì xảy ra nhưng các dự báo từ David Kostin của Goldman Sachs Group cho đến Savita Subramanian của Bank of America vẫn chưa từ bỏ. "Sự hồi phục đang đến", họ nói, và nó không phụ thuộc vào chính sách thắt chặt của Fed. Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ sẽ phải giảm các quy định và thuế, các ngân hàng cũng sẽ hạ mức định giá cổ phiếu để kích cầu giới đầu tư.
Chiến lược gia không phải là đối tượng duy nhất giữ sự lạc quan của họ. Các quỹ đầu tư cũng đã rót thêm 4,3 tỷ USD trong năm nay vào cổ phiếu tài chính, đứng thứ hai trong các ngành được theo dõi bởi Bloomberg.
Dưới đây là những yếu tố được các nhà chiến lược đánh giá sẽ đẩy giá cổ phiếu ngân hàng đi lên.
Goldman - Kỳ vọng từ lợi tức và cổ phiếu quỹ
Năm nay đánh dấu sự cho phép của Fed, dòng vốn đầu tư từ các công ty tài chính đổ vào ngân hàng. Theo số liệu dự đoán từ chuyên viên phân tích Goldman, Richard Ramsden, tổng lợi tức dưới dạng cổ tức và mua lại cổ phiếu quỹ có thể tăng trưởng lên 19%/năm đến năm 2020.
Chiến lược gia chứng khoán phái sinh của Goldman bao gồm Katherine Fogertey và John Marshall cho rằng, sau bầu cử, các cổ phiếu tài chính đã trở lại hiệu suất hoạt động tốt hơn, từ đó mang đến cơ hội tăng trưởng.
Bank of America - Tăng lợi nhuận từ chính sách nới lỏng
Theo số liệu của Bank of America, khi mà các chi phí quản lý, phí tổn thích nghi tăng lên gần bằng 1/4 tổng chi phí hoạt động, từ 14% trong năm 2007, thì chính sách nới lỏng sẽ làm tăng lợi nhuận ngân hàng.
Giảm điều tiết có thể làm tăng lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với ngành ngân hàng lên 3,5 điểm phần trăm đến năm 2020. Tỷ lệ lợi nhuận ở mức 11,3% trong năm 2016.
Citigroup - Tăng trưởng dư nợ thúc đẩy thêm cho ngành ngân hàng
Chuyên gia Tobias Levkovich đánh giá việc đầu tư vào các cổ phiếu tài chính đang thiếu hiệu quả. Bởi ngành đang đối mặt với những tiến bộ công nghệ, nhu cầu vay yếu đi và đường cong lãi suất phẳng (lãi suất ngắn và dài hạn trở nên gần với nhau).
Tuy nhiên mọi việc có thể thay đổi. Đơn cử như trái phiếu Chính phủ 10 năm, Levkovich cho hay, đã phản ánh gần với chỉ số ngạc kinh tế (surprise index) của Citigroup từ năm 2010. Thước đo cho thấy nền kinh tế đã biểu hiện tốt hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế học.
Tăng trưởng dư nợ có thể thúc đẩy thêm cho ngành ngân hàng. Cho vay thương mại và công nghiệp tăng nhiều vào năm 2015 và đầu năm 2016 khi giá dầu giảm, đã thôi thúc ngân hàng siết chặt cam kết tài trợ. Với điều kiện tín dụng thả lỏng kể từ quý II/2016 và các khoản nợ kéo dài hơn so với tiêu chuẩn bình thường 6 quý, Levkovich dự báo tín dụng sẽ tăng từ cuối năm nay, điều này sẽ gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư theo khuynh hướng thận trọng.
Deutsche Bank - Cổ phiếu tài chính giao dịch dưới 19% giá trị thực
Tăng trưởng lợi nhuận mạnh và định giá thấp đánh dấu động thái mua vào của Bankim Chadha. Ngoại trừ ngành năng lượng, ngân hàng là ngành duy nhất được kỳ vọng tăng trưởng ít nhất 10%/năm cho đến 2019, ước tính của các nhà phân tích Bloomberg.
Tuy nhiên theo mô hình hợp nhất tăng trưởng lợi tức và đòn bẩy, cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch dưới 19% so với giá trị thực, thấp hơn nhiều so với ngành công nghiệp khác. (KT&TD)