Tiêu thụ nông sản: Những rào cản cần tháo gỡ; Nhà đầu tư châu Á mạo hiểm bước vào thị trường Mỹ Latin; Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về chi tiêu cho hạ tầng; Liên kết đưa nông sản sạch ra thị trường
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-09-2017
- Cập nhật : 16/09/2017
Cựu "quân sư" của tổng thống Trump khuyên Mỹ nên theo đuổi hiệp định thương mại với Việt Nam
Cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon cho biết Mỹ nên theo đuổi các hiệp định thương mại song phương với Việt Nam, Nhật Bản và Philippines.
Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei của Nhật sau khi phát biểu kín trong một cuộc họp các nhà đầu tư tại Hồng Kông tuần này, ông Bannon cho biết Mỹ nên hợp tác với 3 nước Việt Nam, Nhật Bản và Philippines đồng thời đối chất với Trung Quốc về vấn đề đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Vị cựu quân sư của tổng thống Donald Trump khẳng định không chống Trung Quốc nhưng Mỹ "rõ ràng phải lấy lại cân bằng về thâm hụt thương mại" với cường quốc châu Á này. Các công ty sản xuất và công nghệ của Mỹ từ lâu đã than phiền về việc chính quyền Bắc Kinh yêu cầu chuyển giao công nghệ để được tiếp cận thị trường rộng lớn của nước này. Ông nói thêm rằng sự tăng trưởng nhanh chóng trong đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ và các vụ mua lại khác cũng là "một mối lo ngại lớn".
Ngoài ra, ông Bannon hoàn toàn đồng tình với việc Washington từ bỏ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP vì phạm vi quá rộng còn Mỹ chỉ là "một người chơi nhỏ". Thay vào đó, cường quốc này nên phát triển quan hệ song phương với từng nước trong khu vực. Ngược lại, ông Trump không nên vì những căng thẳng từ phía Triều Tiên mà ngần ngại sửa đổi hoặc hủy bỏ thỏa thuận thương mại tự do với đồng minh Hàn Quốc vì hiệp định thương mại tự do Mỹ - Hàn KORUS "không có hiệu quả".(NDH)
-----------------------------
Thủ tướng đề nghị APEC thành lập Quỹ hỗ trợ, khuyến khích DN nhỏ và vừa
Dự Hội nghị Bộ trưởng DN nhỏ và vừa APEC, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu việc thành lập một Quỹ hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tăng cường kết nối với các tập đoàn công ty đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Sáng 15/9 tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị các Bộ trưởng DN nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) và các sự kiện quan trọng có liên quan.
Hội nghị diễn ra từ ngày 10 - 15/9, với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên toàn cầu hoá”. Đây là một trong những Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác APEC.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chào mừng các vị Bộ trưởng, các đại biểu đến dự Hội nghị tại trung tâm kinh tế thương mại năng động hàng đầu của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng sức mạnh của mỗi nền kinh tế APEC có sự đóng góp quan trọng của các DN nhỏ và vừa, chiếm khoảng 97% số DN, tạo ra 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới, sáng tạo tại các nền kinh tế APEC.
Hoan nghênh chủ đề của Hội nghị, Thủ tướng cho rằng đây là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của chủ đề Năm quốc gia APEC 2017 và thể hiện mong muốn của Việt Nam được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận mạng thông tin và thị trường toàn cầu để vươn lên trong kỷ nguyên số.
“Khát vọng vươn lên hùng cường của mỗi quốc gia, ý chí vươn lên làm giàu của mỗi người dân chính là khơi nguồn cho sự sáng tạo không giới hạn, sức mạnh phát triển to lớn của nhân loại trong kỷ nguyên số”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ra đời của các công nghệ mới như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot cao cấp, công nghệ nano, công nghệ in 3D,... đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm ra của cải vật chất và thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới.
Trong xu thế đó, các DN nhỏ và vừa với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng chính họ cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, theo Thủ tướng, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của khối DN này mở rộng quy mô, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng cho rằng con đường phát triển của Việt Nam là một minh chứng sống động cho vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng DN nhỏ và vừa, như một động lực chủ yếu để tạo ra nhiều việc làm cho người dân, vừa góp phần duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội vừa tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, sáng tạo và làm giàu.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tác động của công nghệ số đang lan tỏa đến từng DN, người dân, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chính phủ Việt Nam trên tinh thần kiến tạo phát triển và hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân đã có nhiều quyết sách quan trong nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và bao trùm: Thuận lợi, bình đẳng, tin cậy, thân thiện với với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa; không chỉ khuyến khích tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư; không chỉ làm cho chi phí giao dịch thấp mà còn có rủi ro thấp; các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh khi sáng tạo, thành công và đóng góp nhiều cho xã hội.
“Từ thực tiễn Việt Nam, chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của APEC về tăng cường năng lực hệ thống thuế nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đồng thời ngăn chặn vấn nạn về chuyển giá, “tránh” nộp thuế,... của một số nhà đầu tư nước ngoài”, Thủ tướng chia sẻ và đề nghị các chuyên gia cấp làm việc (SOM) nghiên cứu việc thành lập một quỹ hỗ trợ, khuyến khích các DN nhỏ và vừa tăng cường kết nối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các DN nhỏ và vừa, chúng ta cần hợp tác thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ thông qua tiếp cận thuận lợi công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh; đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số; thúc đẩy DN khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và thân thiện để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo cho DN nhỏ và vừa trong khu vực, đề cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Thủ tướng nêu rõ: “Mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta có lòng tin, sự quyết tâm hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư,...”.
Thủ tướng tin rằng Hội nghị sẽ đạt kết quả tốt đẹp để báo cáo lên Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao APEC 2017 nhằm đưa “con tàu APEC” tới tương lai tươi sáng, thịnh vượng cho mọi người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Bộ trưởng, Trưởng đoàn dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng với bước tiến mạnh mẽ của công nghệ số, sự biến đổi không ngừng của kinh tế thế giới, những cơ hội và điều kiện phát triển mới cho DN nhỏ và vừa đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan hỗ trợ DN nhỏ và vừa phải theo kịp xu thế thời đại, tạo ra môi trường thuận lợi và áp dụng các phương pháp hỗ trợ hợp lý.
Bộ trưởng hoan nghênh các đại biểu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra các sáng kiến đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong tương lai giữa các cơ quan hỗ trợ DN nhỏ và vừa để các DN này thực sự là động lực mới, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế APEC.(Chinhphu)
-----------------------------
Diễn đàn Kinh tế thế giới có Chủ tịch mới
Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende đã được lựa chọn cho vị trí Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tổ chức đăng cai các diễn đàn kinh tế toàn cầu cấp cao thường niên tại Davos, Thụy Sĩ.
Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Borge Brende đã được lựa chọn cho vị trí Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Erna Solberg ở thủ đô Oslo ngày 15/9, ông Brende cho biết sẽ từ chức ngoại trưởng Na Uy vào trung tuần tháng 10 tới.
Ông cũng cho hay WEF có đối tác là những công ty lớn nhất trên thế giới, và phối hợp với các chính trị gia cũng như ngành công nghiệp và lĩnh vực tư nhân để đạt được các mục tiêu toàn cầu.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết hơn bao giờ hết phải có một tổ chức công bằng và có thể xây dựng niềm tin trong một thế giới địa chính trị mà trong đó các nước mong muốn đều có tiếng nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Solberg nhận định WEF đóng một vai trò quan trọng trong giải quyết các thách thức lớn về xã hội, chính trị và kinh tế.
Ngoại trưởng Brende tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử, luật và kinh tế. Ông từng đảm nhiệm chức Bộ trưởng Môi trường Na Uy vào năm 2001 và Bộ trưởng Kinh tế và thương mại Na Uy năm 2004. Ông tham gia WEF năm 2007, sau đó trở thành thành viên chủ chốt của diễn đàn này trong các giai đoạn 2008-2009 và 2011-2013.
Ông cũng đóng vai trò hòa giải trong các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC), dẫn đến việc 2 bên ký thỏa thuận hòa bình hồi tháng 11/2016 chấm dứt 53 năm nội chiến tại quốc gia Nam Mỹ này.
WEF được thành lập năm 1971 theo sáng kiến của nhà kinh tế Đức Klaus Schwab. Tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) này quy tụ hàng nghìn chính khách, học giả, doanh nhân... cùng thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường của thế giới.(TTXVN)
------------------------------
Khuyến khích phát triển điện mặt trời
Việc sử dụng năng lượng điện mặt trời đã bắt đầu đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả và tiết kiệm cho người dân TP HCM
Theo thống kê, TP HCM có tiềm năng lớn để phát triển điện mặt trời do nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,3 KWh/m2/ngày đến 6,6 KWh/m2/ngày; cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao (đạt 1.581 KWh/m2/năm), tương ứng 4,3 KWh/m2/ngày.
Tiềm năng đang được đánh thức
Điện mặt trời đang được TP khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn. Tổng Công ty Điện lực TP HCM là đơn vị tiên phong trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời, đã lắp đặt thí điểm 4 công trình điện mặt trời nối lưới tại 4 địa điểm, gồm tòa nhà trụ sở của tổng công ty, tòa nhà Thông tin Tuyên truyền An toàn - Tiết kiệm năng lượng, nhà điều hành trạm 110 KV Bến Thành và tòa nhà trụ sở Công ty Điện lực Thủ Thiêm với tổng công suất lắp đặt 226 KWp. Trong năm nay, tổng công ty triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới trên mái nhà của 15/16 trụ sở công ty điện lực còn lại với tổng công suất lắp đặt dự kiến khoảng 800 KWp. Tổng công ty cũng có kế hoạch lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại các cơ sở làm việc của các đơn vị trực thuộc và các trạm điện 220/110 KV trong thời gian tới.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời nhằm đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng điện hằng ngày của các tòa nhà, góp phần giảm mức tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm chi phí hoạt động của tòa nhà, thực hiện theo chủ trương chung về tiết kiệm chi phí của tổng công ty.
Trước những công trình này, từ năm 2011, tổng công ty đã đầu tư hệ thống pin mặt trời để cấp điện cho 172 hộ dân tại ấp đảo Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ với sản lượng điện hằng tháng vào khoảng 11.500 KWh.
Khuyến khích phát triển nguồn năng lượng sạch
Nếu trước đây người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư còn e dè trong việc đầu tư điện mặt trời thì từ năm 2013 đến nay, công suất lắp đặt nguồn điện mặt trời trên địa bàn TP đã tăng khá nhanh, năm 2013 mới chỉ có 200 KWp, đến năm 2015 lên đến gần 1 MWp và đến tháng 7-2017, công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn ước tính đạt 3 MWp. Dự kiến, sắp tới số lượng chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới sẽ ngày càng tăng do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 (đã có hiệu lực từ 1-6-2017) về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Để nâng cao hơn nữa công suất lắp đặt điện mặt trời, Tổng Công ty Điện lực TP kiến nghị TP tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình tuyên truyền, vận động khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tập trung hướng đến việc tăng cường sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời và lắp đặt các hệ thống điện mặt trời nối lưới. Bên cạnh đó, kiến nghị TP xem xét chỉ đạo, vận động các khu chế xuất, KCN, khu công nghệ cao, các cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện…, cần chủ động xây dựng kế hoạch trang bị lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại các tòa nhà của đơn vị. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khi lắp đặt điện mặt trời nối lưới... (NLĐ)
-----------------------
Lotte Hàn Quốc bán tháo vì bị tẩy chay tại Trung Quốc
Căng thẳng ngoại giao và sức ép từ Trung Quốc khiến cho tập đoàn siêu thị và bán lẻ Lotte quyết định bán các cơ sở của họ ở nước láng giềng khổng lồ, theo tin từ Yonhap News.
Một quan chức của Tập đoàn Lotte khẳng định rằng họ đang đàm phán với giám đốc điều hành để bán tất cả các cửa hàng ở Trung Quốc.
Lotte đã chọn Goldman Sachs để quản lý việc bán các cơ sở của họ sau khi công ty Hàn Quốc này bị tẩy chay và cấm đoán tại Trung Quốc.
Khoảng 80% trong số 112 cửa hàng Lotte Mart ở Trung Quốc đã bị đóng cửa hơn 6 tháng kể từ khi chính quyền Trung Quốc có các động thái thắt chặt an toàn và kiểm tra vệ sinh.
Ảnh minh họa.
Căng thẳng Trung - Hàn đến từ cơn giận dữ của Bắc Kinh trước kế hoạch của Seoul triển khai dàn chống hỏa tiễn THAAD.
Trung Quốc phản đối THAAD ngay từ khi Hoa Kỳ có ý tưởng chuyển giao hệ thống phòng thủ này cho Hàn Quốc mà gần đây được Tổng thống Moon Jae-in đồng ý triển khai để ngăn ngừa Bắc Hàn.
Ông Moon Jae-in đưa ra quyết định này sau khi Bắc Hàn thử bom H tại trong vụ thử nguyên tử lần thứ Sáu.
Hiện Lotte nói họ chưa quyết định sẽ bán hết các đại siêu thị hay chỉ bán các cửa hàng đơn lẻ tại Trung Quốc.
Trên thực tế không phải Lotte muốn ủng hộ cho THAAD mà chính phủ Hàn Quốc đã chọn ra một sân golf thuộc quyền quản lý của hãng này để làm địa điểm đặt dàn THAAD.
Kể từ cuối 2016 khi xung khắc Trung - Hàn nổ ra, Lotte đã báo thiệt hại 441,7 triệu USD.
Lotte Mart đã bơm 360 tỷ won (318 triệu USD) vào quỹ kinh doanh bán lẻ của Trung Quốc vào tháng 3 và gần đây đã quyết định bổ sung thêm 340 tỷ won để duy trì hoạt động tại đây.
Nếu xu hướng này tiếp tục, Lotte Mart ước tính khoản lỗ này sẽ lên đến 1 nghìn tỷ won trong năm nay, các lãnh đạo công ty cho biết.
Theo trang Dow Jones Newswires hôm 14/9/2017, hãng xe hơi Hàn Quốc, Hyundai cũng bị thua lỗ vì các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, khiến số xe bán ra của họ ở thị trường này giảm 28,8% từ một năm qua.
Trước đó, ngành du lịch Hàn Quốc cũng đã bị thiệt hại vì Trung Quốc cấm các tour đông người có tổ chức sang thăm Hàn Quốc.(VTC)