tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-05-2016

  • Cập nhật : 31/05/2016

Giấc mơ thị trường mới nổi đã kết thúc?

Năm 2016 từng được dự báo sẽ là năm mà các thị trường mới nổi trở lại, song một số nhà phân tích hiện cho rằng thời đoạn tăng trưởng ấn tượng của các nền kinh tế đang phát triển đã kết thúc.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Các thị trường mới nổi đã và đang đối diện với giai đoạn khó khăn kể từ cuối năm 2013, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định mở lại chương trình mua trái phiếu khổng lồ. Một vài nền kinh tế chật vật với đồng tiền yếu, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và nhóm “năm nước dễ vỡ” đã hình thành, gồm: Ấn Độ, Brazil, Nga, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, đợt sụt giá hàng hóa và nhiều lo ngại về độ giảm tốc của kinh tế Trung Quốc tiếp tục đặt thêm áp lực lên các nền kinh tế. Tuy vậy, tình hình cũng bắt đầu cải thiện đối với một vài nước như Indonesia và Ấn Độ - các quốc gia tiến hành cải cách chính trị và kinh tế.
“Câu chuyện tăng trưởng của các thị trường mới nổi chỉ có thời, tuy nhiên các nhà đầu tư hiện diện mạnh mẽ ở những thị trường này sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình mở rộng kinh tế, điều mà cuối cùng sẽ đem lại kết quả lớn”, đối tác Lev Riaz tại quỹ đầu tư mạo hiểm Flint Capital nói với hãng tin CNBC.
Chỉ số MSCI Thị trường mới nổi tăng 1,1% trong năm 2016 sau khởi đầu gian nan hồi đầu năm nay. Cổ phiếu Trung Quốc lao dốc vào đầu năm do số liệu sản xuất yếu hơn dự báo, việc phá giá nhân dân tệ và động thái áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường chứng khoán.
“Cổ phiếu thị trường mới nổi bước vào xu hướng giảm từ năm 2011, với các thị trường con gấu (thị trường giảm điểm) được kích hoạt bởi nhiều dữ liệu kinh tế chạm đáy, các đánh giá và cảm giác về thị trường lên mức đỉnh điểm”, nhà quản lý Patrick Cadell của Liontrust Global Fund cho hay.
Ông Riaz nói thêm các nước như Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil vẫn có khả năng chịu áp lực mới về tăng trưởng kinh tế, vì giới đầu tư dần tập trung chú ý vào các nguyên tắc cơ bản. Để chứng khoán diễn biến tốt hơn, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi cần phải được cải thiện, nhà quản lý danh mục đầu tư chuyên về thị trường châu Á - Thái Bình Dương Emily Whiting tại JPMorgan Asset Management nhận định.
“Các nền kinh tế phát triển có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ hiện giờ trong khoảng một năm tới, vì vậy các thị trường mới nổi cũng được kỳ vọng có đà tăng trưởng”, bà Whiting viết trong một nghiên cứu.
Hiện các dự đoán tiếp tục xoáy vào việc liệu Fed có nâng lãi suất một lần nữa vào tháng 6 hay không. Điều này sẽ tác động đến đô la Mỹ, nhiều loại tài sản trên toàn thế giới và các thị trường mới nổi. Ngoài ra, lãi suất tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác có thể khiến nhiều nhà đầu tư trở lại với các thị trường phát triển.
“Trong ngắn hạn, nhiều thứ phụ thuộc vào đường đi của USD, yếu tố vốn ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy thị trường mới nổi và định giá”, bà Whiting cho biết.
Hiện tại, các loại tiền tệ châu Phi trung bình đã giảm từ đầu năm đến nay, một phần vì sức mạnh của chúng gắn liền với USD. Trong khi đó, giá dầu vừa phục hồi một chút, dầu thô WTI và Brent đang ở khoảng 50 USD/thùng. Giá dầu tăng có thể là rủi ro với các nước nhập khẩu hàng hóa như Ấn Độ - một trong các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng nhanh nhất.
Dù vậy, các thị trường mới nổi vẫn có số dân lớn, chiếm khoảng 70% dân số thế giới. Vì thế, tổng sản phẩm quốc nội ở những nước này tăng lên là chuyện tất yếu, ngay cả khi một số nước chịu suy thoái trong thời gian gần đây.
Theo ông Riaz, sự cường điệu xung quanh tình hình các thị trường mới nổi khiến rất nhiều nhà đầu tư nhảy vào rồi mất tiền vì không nghiên cứu hay có chiến lược đúng. “Những nhà đầu tư thành công trong việc am hiểu văn hóa địa phương sẽ thu lợi thực sự trong 10 - 15 năm tới”, đối tác quỹ đầu tư Flint Capital kết luận.(TN)

Australia đấu giá 11,5 triệu USD bitcoin

Số bitcoin đã bị nước này tịch thu sẽ được đem đấu giá tại Sydney tháng tới. Đây là đợt đấu giá đầu tiên ngoài Mỹ, do nhu cầu tiền ảo này lên cao nhất gần 2 năm qua.

Việc đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 20 và 21/6 với 24.518 bitcoin, Ernst and Young - hãng tổ chức sự kiện này hôm nay cho biết. Với giá hiện tại, số tiền ảo này tương đương gần 11,5 triệu USD.

Số bitcoin trên "bị tịch thu trong các vụ phạm tội", nhưng EY từ chối tiết lộ danh tính khách hàng của chúng. Giới truyền thông Australia thì cho biết chúng được lấy từ một người đàn ông nước này bị kết tội buôn ma túy năm 2014.

bitcoin tu lau da duoc gioi toi pham ua dung. anh: cnn

Bitcoin từ lâu đã được giới tội phạm ưa dùng. Ảnh: CNN

EY cho biết công ty kỳ vọng buổi đấu giá sẽ thu hút sự quan tâm của các hãng quản lý tài sản, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư tại Bắc Mỹ cũng như châu Âu. "Lượng bitcoin được giao dịch từ năm 2012 đã tăng gấp 4. Các bên đều nhận thấy nhiều cơ hội và giá trị sử dụng từ chúng", đại diện EY nhận xét. Hoạt động đấu giá không giới hạn với công dân Australia.

Năm 2014 và 2015, cảnh sát Mỹ đã đấu giá hơn 170.000 bitcoin sau khi đóng cửa chợ đen chuyên buôn ma túy - Silk Road. Bitcoin từ lâu đã là đồng tiền được ưa chuộng nhất trong giới tội phạm và tài chính ngầm, do các giao dịch vô danh và không cần qua tổ chức chính thống nào.

Cuối tuần trước, giá bitcoin đã lên 530 USD - cao nhất từ tháng 8/2014. Các giao dịch bằng NDT của Trung Quốc ước tính chiếm 95% tổng giá trị giao dịch. Giá trị thị trường của tất cả số bitcoin đang lưu thông vào khoảng 8 tỷ USD.


TP HCM bàn cách giữ thị phần bán lẻ cho doanh nghiệp nội

Lãnh đạo TP HCM yều cầu quyết liệt tìm giải pháp phát triển thị trường bán lẻ cho các doanh nghiệp trong nước

Ngày 30/5, trong cuộc họp bàn về phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn TP HCM 5 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo ngành Công Thương của Thành phố cần phải có giải pháp để phát triển thị trường bán lẻ. Nếu không kiểm soát và định hướng, thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ bị tác động và khó khăn bởi các nhà bán lẻ nước ngoài.

chu tich ubnd tp hcm nguyen thanh phong. anh: ngoc hau

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Ngọc Hậu

Theo ông Phong, các nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đang xem Việt Nam là thị trường nước ngoài tiềm năng nhất. Hơn thế, hiện nay tại thị trường bán lẻ TP HCM, các thương hiệu Metro, Nguyễn Kim, Big C đều đã về tay các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan. Các tập đoàn nước ngoài hướng thị trường Việt Nam trở thành thị trường bán lẻ thứ nhì khu vực sau Malaysia.

“Chúng ta không có chiến lược sẽ bị các nhà đầu tư nước ngoài chi phối hoàn toàn thị trường. Dù bây giờ mới có chiến lược thì đã chậm, nhưng chậm còn hơn không”, ông Phong khẳng định.

Bàn thêm về giải pháp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho rằng cạnh tranh thị trường bán lẻ rất phức tạp, nếu không cải thiện, không đầu tư đúng mức thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Hiện liên kết vùng - miền, địa phương - doanh nghiệp, doanh nghiệp - Nhà nước… còn rất hạn chế. Trong thời gian tới, Sở Công Thương TP HCM cần lưu ý chỉ đạo phối hợp các ngành, doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển hệ thống bán lẻ.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định bản đồ ngành bán lẻ Việt Nam đã được vẽ lại kể từ sau thương vụ Central Group mới đây chi hơn 1 tỷ USD mua Big C, với nhiều nét chấm phá cho người Thái.

Hoàn tất thương vụ này, người Thái đã có trong tay chuỗi siêu thị thuộc bậc lớn nhất tại Việt Nam. Trước đó, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat - đã mua 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim. Đại gia này chính là chủ của chuỗi siêu thị Robins tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái tại Hà Nội và TP HCM.  

Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi đã chi gần 880 triệu USD mua lại hệ thống 19 siêu thị Metro tại Việt Nam. Hãng này cũng đã đầu tư vào chuỗi siêu thị Family Mart (nay đổi tên thành B's Mart) với tham vọng xây dựng hàng nghìn cửa hàng tiêu dùng tại Việt Nam.


Hãng dầu phá sản 2 lần trong 9 tháng

Hercules Offshore (Mỹ) đã nộp đơn xin phá sản tháng 8 năm ngoái, khi cuộc khủng hoảng giá dầu bắt đầu khiến các công ty kiệt quệ về tài chính.

Hercules sau đó hồi phục vào tháng 11, khi giải quyết được khối nợ 1,2 tỷ USD. Nhưng rồi đợt sóng thứ 2 tiếp tục đánh vào ngành dầu mỏ, khiến giá dầu thô xuống đáy 13 năm hồi tháng 2 năm nay.

Đó là lý do vì sao Hercules Offshore cuối tuần trước lại tuyên bố nộp đơn xin phá sản. Cổ phiếu hãng này đã giảm gần 40% sau thông tin trên.Hercules cho biết từ khi thoát phá sản tháng 11, đợt giảm mới của giá dầu và việc khách hàng sáp nhập đã khiến nhu cầu dịch vụ của công ty đi xuống. Họ cung cấp tàu chở dầu và giàn khoan cho các hãng dầu khí.

gia dau giam da khien rat nhieu cong ty pha san. anh: reuters

Giá dầu giảm đã khiến rất nhiều công ty phá sản. Ảnh: Reuters

"Anh có thể trả xong nợ. Nhưng nó không khiến dòng tiền của anh dương ngay lập tức, đặc biệt khi giá dầu đang thấp", Ted Gavin - nhà sáng lập hãng luật Gavin/Solmonese cho biết.

Lần này, thay vì chỉ tái cấu trúc nợ, Hercules sẽ bán thêm tài sản để có tiền mặt. Họ đã đạt thỏa thuận bán một giàn khoan trị giá 196 triệu USD cho Maersk Highlander. Hercules cũng tiết lộ sẽ đề nghị tòa án cho phép mình tiếp tục trả cho nhà cung cấp, đồng thời duy trì lương và phúc lợi công nhân.

Nếu được chấp thuận, Hercules sẽ là hãng dầu đầu tiên tại Mỹ trong 2 năm gần đây nộp 2 lần đơn xin phá sản. "Tôi cho rằng khi giá dầu còn thấp như hiện tại, đây có lẽ chỉ mới là sự bắt đầu", Garvin cho biết.

Đây là tín hiệu biến động tài chính ngày càng đe dọa ngành dầu, kể cả khi giá bật lại 50 USD tuần trước, so với chỉ 26 USD hồi tháng 2. Hơn 60 hãng dịch vụ dầu mỏ tại Bắc Mỹ, trong đó có Hercules, đã phá sản từ đầu năm 2015, theo hãng luật Haynes and Boone.


“Cải cách quyết liệt 20 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Hàn Quốc của năm 2000”

 “Chúng ta đang đứng giữa ngã ba đường, nếu cải cách quyết liệt có thể tăng trưởng và đuổi kịp mức Hàn Quốc năm 2000 còn nếu không chúng ta có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, bà Phạm Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

“Doanh nghiệp mong manh trong bối cảnh hội nhập”

Sau 3 tháng công bố báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, sáng 30/5, Ngân hàng thế giới WB, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch đầu tư đã tổ chức cuộc hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035 vai trò của Doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hoá thể chế”.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho biết, một trong những yếu tố trong quá trình chuyển đổi kinh tế là xây dựng nền tảng tư nhân mạnh mẽ, dẫn đầu trong kinh tế Việt Nam.

"Tạo khu vực Doanh nhân doanh nghiệp thành chuỗi kết nối với giá trị toàn cầu, nâng cao chuỗi giá trị cao hơn. Khu vực tư nhân là chìa khoá để ta đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người tăng đến năm 2035", bà Victoria Kwakwa nói.

Cũng theo bà Victoria Kwakwa, hiện nay khu vực tư nhân cũng đang đóng vai trò mạnh mẽ ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang hình thành và phát triển. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp mong manh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cho dù có cơ hội phát triển.

“Sự phát triển của tư nhân đòi hỏi Chính phủ phải phát huy vai trò của mình, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường, phân định rõ giới hạn Nhà nước và thị trường, xác định chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thể chế, tạo ra mô hình nhà nước mới, đảm bảo trách nhiệm minh bạch và giải trình....”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, các doan nghiệp Việt Nam phải hiểu rằng chúng ta thực sự ra biển lớn, cần nâng cao trình độ vì nhiều doanh nghiệp không phát triển được do nhận thức, trình độ của những lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng tầm nhìn, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay để tận dụng tối đa lợi thế công cuộc hội nhập đưa ra, phát triển theo chiều sâu đảm bảo cạnh tranh, dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động. Bỏ cách làm nước đến chân mới nhảy, hay "copy" làm hàng nhái, quan hệ với các cơ quan chính quền hay chụp giật.

Thứ ba, buộc quan tâm đến thị trường xuất khẩu, các nước nhăm nhe xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam không những chú ý thị trường trong nước mà cần quan tâm thị trườg xuất khẩu vì thị trường Việt Nam rất chật chội.

 hoi thao sang 30/5 tai ha noi ve "khat vong viet nam 2035"

 Hội thảo sáng 30/5 tại Hà Nội về "Khát vọng Việt Nam 2035"

 

Thứ tư, phải tận dụng thế mạnh cũng như chủ động kết hợp với doanh nghiệp FDI, thông qua việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam liên doanh bán cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ năm, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tiết kiệm, từ các chi phí mua ô tô, xe máy, ăn uống… có lẽ trên 10 tỷ USD làm mất sức mạnh về kế hoạch đầu tư của chúng ta.

"Nếu không cải cách Việt Nam sẽ tụt hậu"

Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra rằng, các thiết chế và thể chế hiện tại của Việt Nam đang gặp hai vấn đề lớn: tạo ra rào cản cho hoạt động tự chủ của khu vực tư nhân; năng lực yếu và trách nhiệm giải trình thấp.

Do vậy, việc thiết lập ranh giới rõ ràng giữa doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân với các quan chức nhà nước là yếu tố thiết yếu tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư lâu dài về vốn và sự phát triển của các ngành thâm dụng công nghệ.

Báo cáo cũng chỉ ra sự bất cập của thể chế Việt Nam hiện tại, đó là Nhà nước bị phân mảnh, cát cứ theo chiều dọc và chiều ngang, trách nhiệm hoạch định và thực hiện chính sách được trao cho nhiều cơ quan khác nhau ở Trung ương và địa phương…

Tại hội thảo, bà Phạm Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho rằng, Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường, nếu cải cách quyết liệt có thể tăng trưởng và đuổi kịp mức Hàn Quốc năm 2000 còn nếu không chúng ta có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

“Tình thế của đất nước, không cho phép chúng ta tụt hậu hay rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Quá trình thực hiện, gợi ý của báo cáo cho thấy Chính phủ, doanh nghiệp phải nâng mình, chấp nhận những chuẩn mực cao của thế giới. Các nước khác làm được không có lý gì Việt Nam không làm được”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kết luận. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh 02-06-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh 02-06-2016

    Gỗ Việt sẽ gặp rắc rối với TPP
    PMI tháng 5 tăng nhờ lượng đơn đặt hàng mới vượt mạnh nhất 1 năm
    Doanh nghiệp Đức ở Việt Nam tin tưởng vào kinh tế vĩ mô hơn ở Trung Quốc
    “Mở hầu bao” cho trái phiếu Chính phủ
    Thời kỳ “trăng mật” của nhân dân tệ sắp đến hồi kết

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-06-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-06-2016

    Đề xuất thành lập sàn giao dịch hồ tiêu VN
    EVFTA: Thời cơ chín muồi để tranh thủ lợi thế
    Thực phẩm ngoại đang “sống khỏe”
    USD có tháng tăng tốt nhất trong 6 tháng nhờ kỳ vọng tăng lãi suất
    Các nhà kinh tế nhận định, Brexit sẽ gây tổn hại nặng cho kinh tế Anh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-06-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 01-06-2016

    Việt Nam xuất siêu sang nhóm G7 gần 20 tỷ USD mỗi năm
    5 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 9,1%
    Vàng: Thảm bại trong tháng 5, u ám trong tháng 6
    Quan chức Fed: Thế giới sẵn sàng đón nhận làn sóng tăng lãi suất
    Cho vay ngoại tệ hỗ trợ xuất khẩu: Cửa mở kịp thời!

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-06-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-06-2016

    Châu Á nhập khẩu dầu thô của Iran tăng 13% trong tháng 4
    Indonesia sẽ giảm sản lượng than trong năm tới
    Nội địa vẫn là thị trường trọng điểm tiêu thụ vải thiều
    Sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 7,5%
    Tổng sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm tăng 1,6%

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-06-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 01-06-2016

    5 tháng đầu năm: 10 tỷ USD vốn FDI rót vào những dự án nào?
    Đừng chạy theo giá dầu
    Ngành dệt may đang và sẽ làm lợi nhiều hơn người ta nghĩ
    Siêu ủy ban 5 triệu tỷ: Không có lợi ích nào hơn lợi ích quốc gia
    SCIC chưa buông “bò sữa” Vinamilk, Bảo Minh, FPT Telecom

  • Tin kinh tế đọc nhanh 01-06-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh 01-06-2016

    Nhật Bản chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Đông Nam Á
    NHNN đã mua vào khoảng 7 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay
    Nhờ thiên thời địa lợi, các ông lớn ngành xây dựng tăng mạnh lợi nhuận
    Bán nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì, Công ty URC Hà Nội bị phạt hơn 5,8 tỷ đồng
    Việt Nam muốn xuất khẩu sữa sang Trung Quốc

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-05-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-05-2016

    Giá ô tô sang nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh?
    Hàng điện gia dụng và linh kiện xuất xứ từ Thái Lan chiếm 58,3% thị phần
    Xuất khẩu sang Áo, điện thoại và linh kiện chiếm trên 80%
    Việt Nam xuất siêu 1,3 tỉ USD trong 5 tháng
    Hơn 28.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-05-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 31-05-2016

    Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 5 tháng đầu năm 2016
    Sản lượng sữa Australia giảm
    Trung Quốc: tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp chậm lại trong tháng 4
    Niềm tin kinh doanh của Nhật Bản chạm mức thấp 3 năm
    Điều tra công ty Trung Quốc vì dùng bí mật thương mại ăn cắp của Mỹ

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-05-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-05-2016

    EU cảnh báo nâng thuế đối với thép Trung Quốc
    Lô hàng cá da trơn của 2 doanh nghiệp Việt Nam bị nhiễm hóa chất
    Goldman Sachs cảnh báo tình trạng thặng dư quặng sắt
    Hyundai N sẽ sớm cạnh tranh với BMW M và Mercedes AMG
    EIA công bố dự báo triển vọng thị trường khí thiên nhiên thế giới

  • Tin kinh tế đọc nhanh 31-05-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh 31-05-2016

    Sản xuất thép tăng mạnh trong tháng 5
    Ai cho doanh nghiệp hai chữ ‘bình yên’?
    Sản lượng thủy sản giảm, người nuôi bỏ ao đầm vì không có lãi
    Symantec: Triều Tiên liên quan tới vụ tấn công ngân hàng Việt Nam
    Phó Tổng Giám đốc Vingroup làm Tổng Giám đốc TTF