Ngành dược Việt Nam trước thách thức TPP
Ngành dược Việt Nam đang đứng trước những thách thức khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.
Nhiều doanh nghiệp dược trong nước cũng xem thách thức này là cơ hội khi tính bài toán vươn ra thị trường nước ngoài. Điều này là không dễ dàng nếu doanh nghiệp dược Việt Nam không biết phát huy thế mạnh của mình.
Công ty Dược phẩm Hoa Linh đang chuẩn bị xuất lô hàng Dạ Hương sang lãnh thổ Đài Loan. Những năm gần đây, công ty này thường xuyên xuất hàng sang các thị trường Campuchia, Myanmar, Malaysia và Yemen, dù sản lượng xuất khẩu tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên còn nhỏ so với tiềm năng. Theo lãnh đạo công ty, việc thâm nhập thị trường dược phẩm nước ngoài là không dễ.
Thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị lên đến 3,5 tỷ USD, rất hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất dược nước ngoài. Dược phẩm là một trong những mặt hàng mà Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi TPP có hiệu lực, tạo nên động lực lớn cho doanh nghiệp nước ngoài tăng cường thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành dược Việt vươn xa. Tuy nhiên, để nắm được cơ hội này, không chỉ các đơn vị sản xuất dược mà cả ngành công nghiệp dược Việt Nam cũng cần chủ động chuyển mình; đồng thời cần tìm hướng đi cho xuất khẩu, nâng cao tỉ trọng xuất khẩu dược phẩm trong thời gian tới.
“Cần phải đầu tư cả về khoa học kỹ thuật và công nghệ, phải đảm bảo tính khánh quan, trung thực trong cuộc chơi này, lúc đó chúng ta mới có thể làm chủ được. Bởi vì lúc đó thế giới phẳng, tất cả hàng hóa có thể vào được và nếu tốt ta có thể xuất khẩu được. Tôi cho rằng giai đoạn đầu các đơn vị dược sẽ gặp không ít khó khăn nhưng chúng ta cần bình tĩnh để chọn hướng đi cho phù hợp”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết.
Doanh nghiệp Việt cũng sẽ được hưởng những ưu đãi khi vươn ra thị trường ngoài nước khi TPP có hiệu lực nhưng nếu các đơn vị sản xuất dược trong nước không có tham vọng vươn xa và đặc biệt là nếu không biết phát huy thế mạnh riêng có từ sản phẩm để tạo ra năng lực cạnh tranh thì nguy cơ bị mất thị phần trong nước sẽ rất cao, chưa nói đến việc xuất khẩu ra nước ngoài.(VTV)
Việt Nam vay WB 310 triệu USD để chống ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long
Ngân hàng thế giới vừa đồng ý cho Việt Nam vay 310 triệu USD để giúp chống ngập mặn và xói lở bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Khô hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Công Hân/Báo Thanh Niên.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản tín dụng 310 triệu USD giúp Việt Nam nâng cao sức chống chọi với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế bền vững cho 1,2 triệu người dân sinh sống tại 9 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, ngập mặn, xói lở bờ biển, và lũ lụt.
Dự án lồng ghép tăng cường sức chống chọi với biến đổi khí hậu và Bền vững sinh kế vùng ĐBSCL vừa được phê duyệt sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quy hoạch theo hướng thích ứng với khí hậu cũng như tăng sức chống chọi với biến đổi khí hậu trong quản lý sử dụng nguồn đất và nước.
Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 387 triệu USD, trong đó, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) – quỹ dành riêng cho những đối tượng nghèo nhất của WB, đóng góp 310 triệu USD.
“Chúng tôi tin tưởng dự án mới này sẽ xây dựng được một mô hình đa ngành hiệu quả, giúp nông dân điều chỉnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hiện nay theo hướng thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, ông Achim Fock, quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam, cho biết.
Vùng ĐBSCL chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam cũng như an ninh lương thực của cả khu vực. Tuy vậy, đây cũng là một trong những vùng đồng bằng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu cũng như các diễn biến ở thượng nguồn.
Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu gạo mỗi năm đạt 4 tỷ USD, chiếm hơn 1/5 tổng giá trị xuất khẩu gạo toàn cầu. Riêng vùng ĐBSCL đóng góp tới một nửa sản lượng lúa gạo của Việt Nam, 70% lượng thủy sản và 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo thông cáo báo chí của WB.(Bizlive)
Cảng cạn phát triển nóng, “vỡ” quy hoạch
Cảng cạn được xem là hạng mục quan trọng trong vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa. Thời gian qua, loại hình này âm thầm nóng lên, phá vỡ quy hoạch...
Theo đánh giá của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, hiện toàn quốc có 20 cảng cạn (viết tắt là ICD) và các cảng thông quan nội địa hoạt động như cảng cạn, tập trung tại miền Bắc và miền Nam (miền Trung chưa có cảng cạn). Số lượng cảng cạn trên thực tế đã vượt quá 13 cảng cạn trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ngoài số lượng cảng cạn đã vượt quy hoạch, nhiều doanh nghiệp đang tập trung phát triển loại hình này. Quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay, tới đây Vinalines sẽ nâng cấp hoặc tìm thêm quỹ đất để lập các cảng cạn; trong đó khu vực lân cận Hà Nội. Doanh nghiệp thuê mua Ga Yên Viên (Hà Nội) của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là Indo Trans Logistics (ITL) cũng đang thực hiện kế hoạch biến đây thành cảng cạn. Lúc đó, Ga Yên Viên sẽ trở thành cánh tay nối dài của cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân và nơi giao nhận hàng hóa từ nhiều khu vực khác. Khách hàng có thể làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và khai báo hải quan tại Yên Viên thay vì làm thủ tục tại các cảng xa.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu chỉnh sửa nội dung quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cảng cạn thực hiện hoàn toàn bằng nguồn lực tư nhân; phải được kết nối ít nhất 2 phương thức vận tải, ưu tiên nhất là đường bộ và đường thủy nội địa. Ông Công yêu cầu hoàn thiện nội dung này trong tháng 8 tới.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Hàng hải (đơn vị được Bộ GTVT giao chủ trì xây dựng quy hoạch) cho hay, quy hoạch chi tiết sẽ khắc phục tình trạng manh mún, tự phát như hiện nay.(TP)
Bài toán bán bò và ngân hàng “lãi suất bèo”
Ngày 21/5 vừa qua, một tờ báo đã đăng “bài toán bán bò” của học sinh lớp 3. Nhiều tranh luận lập tức nổ ra về đáp án.
Với ngân hàng, có những tính toán, cân đối với những giao dịch, nghiệp vụ sản phẩm đan xen, tầng lớp mà có lẽ chỉ những “phù thủy” trong nghề kinh doanh vốn mới nắm rõ tường tận những đáp số khác nhau, và sự thú vị của nó.
Đề bài: “Bác Nam mua một con bò với giá 13 triệu, sau đó bác đem bán con bò với giá 15 triệu. Nhưng vì tiếc con bò nên bác Nam đã đến mua lại con bò nhưng người kia đòi bán với giá 17 triệu. Sau đó bác Nam lại đem bán con bò với giá 19 triệu. Hỏi cuối cùng bác Nam lãi được bao nhiêu tiền?”.
Đáp án đưa ra bốn lựa chọn: lãi 4 triệu, hòa vốn, lãi 2 triệu, lỗ 2 triệu.
Đáp án đúng xác định lãi 4 triệu. Một số ý kiến chọn đáp án này cho rằng, với học sinh lớp 3, chỉ cần giải thích đơn giản là thực hiện hai giao dịch, mỗi giao dịch lãi 2 triệu, tổng lãi 4 triệu. Một số áp phương pháp hạch toán kế toán để tăng tính thuyết phục…
Nhưng, rất nhiều ý kiến không đồng tình. Có tới gần 1.000 ý kiến tranh luận về đáp án trên. Khá nhiều người chọn đáp án chỉ lãi 2 triệu, thậm chí hòa vốn, và nhiều ý kiến xoay quanh phần “lỗ” khi bán giá 15 triệu rồi mua lại 17 triệu, thậm chí cả suy luận phải vay thêm vốn khi mua lại…
Bài toán được tờ báo nói trên đưa vào mục giải trí “Cười”, vì sự thú vị mà có người xem là “hại não”.
Chuyện kinh doanh của ngân hàng cũng vậy. Có những tính toán, cân đối với những giao dịch, nghiệp vụ sản phẩm đan xen, tầng lớp mà có lẽ chỉ những “phù thủy” trong nghề kinh doanh vốn mới nắm rõ tường tận những đáp số khác nhau, và sự thú vị của nó.
Sau bài viết về một dòng chảy “lãi suất bèo” mới đây, VnE nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Cụ thể, thời gian gần đây thị trường xuất hiện các thông tin sản phẩm ngân hàng cho vay VND theo lãi suất USD. Doanh nghiệp vay VND chỉ với lãi suất 3,5%/năm, 2,8%/năm, thậm chí chỉ 1,5%/năm…, với điều kiện cam kết bán lại ngoại tệ trong tương lai.
Ý kiến chung và trực tiếp nhất: trong khi lãi suất huy động VND ngắn hạn phổ biến 4-6%/năm, ngân hàng cho vay lãi suất như trên thì hóa ra lỗ.
Theo hướng đó, các mức “lãi suất bèo” được xem là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, để lôi kéo, giữ chân khách hàng…
Vì vậy, có ý kiến phản hồi về sự thận trọng đối với hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, hiện Ngân hàng Nhà nước không quy định cụ thể các mức trần hoặc sàn lãi suất cho vay, ngân hàng thương mại thực hiện các mức lãi suất đó đều trong khuôn khổ cho phép (đúng hơn là không cấm), doanh nghiệp vay càng được lợi vì chi phí “bèo” so với lãi vay thông thường.
Ngược lại, một số ý kiến cho rằng, ngân hàng không hề lỗ trong chính sách lãi suất này. Chỉ là các đáp án có lãi nằm ở những chỗ khác nhau, theo nghệ thuật kinh doanh vốn của họ.
Ví như, ngân hàng bán USD ở trạng thái vốn huy động (hiện lãi suất 0%/năm), lấy VND cho vay với lãi suất rất thấp như trên vẫn có lãi.
Hoặc như tiết lộ của người trong cuộc, thực tế không hẳn là các ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh, mà họ hoàn toàn có lãi thực với mức lãi suất cho vay 3,5%, 2,8%, thậm chí 1,5% đó. Nhưng, lãi không chỉ nằm ở lãi suất.
Cụ thể, với sản phẩm kinh doanh trên, điều kiện đi kèm là doanh nghiệp cam kết bán lại ngoại tệ trong tương lai. Ngân hàng sử dụng giao dịch này để bán ngoại tệ kỳ hạn trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp mua ngoại tệ kỳ hạn để chủ động kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Đi cùng là điểm kỳ hạn, là phần lãi các ngân hàng nhận về qua giao dịch cho vay VND và có cam kết doanh nghiệp bán lại ngoại tệ nói trên.
Tính chung, ngoài lãi ở lãi suất cho vay trực tiếp, ngân hàng có thêm lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ kỳ hạn. Đáp án theo đó không nằm riêng ở phần lãi suất nhận về.
Nếu tính sâu xa hơn nữa, khi các ngân hàng dành một tỷ trọng nhất định nguồn vốn có “lãi suất bèo”, một mặt vẫn có lãi như trên, mặt khác lại giữ chân và thu hút được khác hàng tốt, khách hàng lớn.
Khách hàng quan hệ với ngân hàng không chỉ ở dư nợ, mà còn hàng loạt dịch vụ, sản phẩm đi kèm. Lãi suất càng ưu đãi, càng thu hút để bán thêm các sản phẩm, dịch vụ. Đây là phần lãi gián tiếp mà bất cứ ngân hàng nào cũng mong muốn mở rộng, gắn bó và thúc đẩy, chứ không chỉ ở “lãi suất bèo” thu từ tín dụng nói trên.(VNECONOMY)
Mắc nhiều sai phạm, đa cấp MLM Việt Nam bị phạt 200 triệu đồng
Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty đầu tư sản xuất và thương mại MLM Việt Nam (MLM Việt Nam) số tiền 200 triệu đồng do mắc nhiều sai phạm trong kinh doanh.
Công ty đầu tư sản xuất và thương mại MLM Việt Nam bị phạt 200 triệu vì "dính" hàng loạt sai phạm trong kinh doanh.
Cụ thể, kết luận thanh tra cho thấy, MLM Việt Nam không thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ về hoạt động bán hàng đa cấp 6 tháng cuối năm 2015; không thông báo hoặc không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi thực hiện khuyến mại; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chương trình khuyến mại đã đăng ký và báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không trung thực.
Cùng với phạt tiền, MLM Việt Nam bị buộc điều chỉnh, khắc phục những tồn tại trong quy định tại chương trình trả thưởng, quy tắc hoạt động và trong việc thông báo khi thay đổi hợp đồng, chương trình trả thưởng, quy tắc hoạt động của công ty.
Đồng thời, thanh tra sở kiến nghị Sở Công Thương chuyển hồ sơ đến Cục Quản lý cạnh tranh tiếp tục xem xét xử lý đối với dấu hiệu cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng; chuyển hồ sơ và đề nghị Cục Thuế Hà Nội tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với MLM Việt Nam về nghĩa vụ thuế và các khoản thù lao, trả thưởng cho người tham gia bán hàng đa cấp và xử lý vi phạm theo quy định.
Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, Cục Quản lý cạnh tranh đã quyết định phạt MLM Việt Nam số tiền 101 triệu đồng do không khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp để nộp vào ngân sách nhà nước trước khi chi trả hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp và đưa thông tin gian dối gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng, của sản phẩm dưỡng gan an tâm và kem sữa ong chúa và trà MLM Việt Nam.
Bảng giá một số sản phẩm của MLM Việt Nam
Được biết, quyết định thanh tra MLM Việt Nam được Thanh tra sở Công Thương tiến hành từ tháng 4, sau khi cơ quan này nhận thông tin phản ánh về về việc MLM Việt Nam có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Quá trình thanh tra đã cho thấ, đối với sản phẩm cà phê dưỡng sinh MLM Việt Nam, công ty này mua với giá 190.500 đồng (chưa VAT), song lại bán cho nhà phân phối với giá 575.000 đồng. Mức chệnh lệch mua vào- bán ra đối với sản phẩm này là 3 lần.(VTC)
(
Tinkinhte
tổng hợp)