"Cơ chế tỷ giá hiện tại sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động mua, bán của khối ngoại"
Trao đổi với chúng tôi về diễn biến phiên giao dịch sáng nay và vấn đề cơ chế tỷ giá mới tác động ra sao đến thị trường chứng khoán, ông Đỗ Bảo Ngọc- chuyên viên phân tích cao cấp CTCK MBS cho biết yếu tố tác động mạnh nhất tới TTCK Việt Nam lúc này là vấn đề tỷ giá. Việc Trung Quốc liên tiếp phá giá trong những ngày gần đây đang gây áp lực mạnh lên Việt Nam Đồng.
Trong 4 ngày gần đây thì có tới 3 ngày Ngân hàng nhà nước thực hiện phá giá VNĐ, mức độ phá giá dù tương đối mỏng nhưng có xu hướng diễn ra hàng ngày.
“Nếu như trước đây, việc điều chỉnh tỷ giá diễn ra khá nhanh chóng thì nay quá trình này có thể kéo dài cả tháng và điều này sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động mua/bán của khối ngoại” ông Ngọc nhận định.
Về xu hướng thị trường, ông Ngọc dự báo nhiều khả năng sẽ diễn biến theo kịch bản sideway và giảm nhẹ trong thời gian tới. Do đó, nhà đầu tư còn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tận dụng những phiên thị trường tăng điểm để hạ dần tỷ trọng.
Doanh nghiệp nhỏ bị hành nhiều nhất
Hôm qua, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội thảo về “Tham vấn ý kiến về phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) 2016 - 2020”.
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT) Hồ Sỹ Hùng cho biết trong 5 năm qua (2011 - 2015), số DNNVV dự kiến thành lập khoảng 350.000 nhưng thực tế đã đạt trên 380.000 DN. Nhưng số DN còn hoạt động theo kế hoạch dự kiến là 535.000 đã không đạt, do có trên 1.000 DN phá sản, ngừng hoạt động chỉ trong mấy năm qua.
“Các DNNVV hiện đầu tư chiếm trên 50% tổng đầu tư của toàn bộ khu vực DN, đóng góp 45% vào GDP, 30% thu ngân sách nhà nước, tạo 55% tổng số việc làm... Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu các giải pháp, chương trình hỗ trợ phát triển riêng cho khu vực này”, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình đào tạo kinh tế Fulbright, cho rằng khối DN này vẫn bị “hành” nhiều nhất từ cơ quan nhà nước. Bàn về giải pháp hỗ trợ DNNVV, ông Thành cho rằng Chính phủ không thể dùng nguồn lực để giải quyết tất cả, mà chính sách hỗ trợ nên thông qua các hiệp hội của DN và theo nhóm ngành, cụm ngành, gắn với địa phương và trách nhiệm thực thi.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), kể: “15 năm nhìn lại những gì ta muốn hỗ trợ thì nó vẫn còn đấy. Nói hỗ trợ giảm thuế, hỗ trợ lãi suất thì ai cũng đồng ý, nhưng bàn cụ thể lại không ra”.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT sắp được ưu đãi thuế?
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Tài chính hoàn thiện tờ trình, dự thảo Nghị quyết về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực CNTT đồng thời lấy ý kiến các Bộ liên quan và Bộ Tư pháp để trình Chính phủ trong tháng 1/2016.
Ngày 5/1/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các Bộ Tài chính, TT&TT và Tư pháp thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về Nghị quyết về ưu đãi thuế đối với lĩnh vựcCNTT.
Trước đó, vào ngày 24/11/2015, Bộ Tài chính đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp, chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam.
Xem xét đề nghị của Bộ Tài chính, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, trao đổi với Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT các vấn đề như: kéo dài thời hạn ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% tối đa không quá 30 năm đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNTT sử dụng trên 1.000 lao động; về giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với “nhân lực CNTT làm việc trong các doanh nghiệp CNTT được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”; về việc không phải kê khai, tính thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ phần mềm không chịu thuế giá trị gia tăng.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng được giao cùng Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT nghiên cứu, trao đổi về việc hướng dẫn ưu đãi thuế nhà thầu đối với hoạt động kinh doanh thương mại phần mềm và bản quyền phần mềm; quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, thoái vốn để khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) thuộc lĩnh vực CNTT hoặc dựa trên nền tảng CNTT.
Trên cơ sở nghiên cứu, trao đổi của Bộ Tài chính với Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT đối với những vấn đề nêu trên, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Tài chính hoàn thiện tờ trình, dự thảo Nghị quyết về ưu đãi thuế đối với lĩnh vực CNTT đồng thời lấy ý kiến các Bộ liên quan và Bộ Tư pháp để trình Chính phủ trong tháng 1/2016.
Vấn đề xây dựng chính sách thuế ưu đãi trong lĩnh vực CNTT đã được Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT đưa ra bàn thảo tại phiên họp toàn thể thứ hai diễn ra ngày 28/9/2015 do Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT Vũ Đức Đam chủ trì.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, phát biểu tại phiên họp này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: “Nếu làm tốt chính sách thuế thì những người làm CNTT ở Việt Nam sẽ không phải mở công ty ở nước ngoài, đóng thuế ở nước ngoài và tốt hơn một mức nữa thì những người làm việc ở nước ngoài nhưng có thể mở doanh nghiệp ở Việt Nam và đóng thuế ở Việt Nam”. Phó Thủ tướng cũng cho rằng “nếu theo tư duy bình thường thì không bước qua khỏi những rào cản hiện nay” khi xây dựng chính sách thuế ưu đãi trong lĩnh vực CNTT.
Nội dung bàn thảo về chính sách thuế ưu đãi trong lĩnh vực CNTT tại phiên họp toàn thể thứ hai của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT ngày 28/9/2015 đã được Ủy ban tổng hợp trình Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015. Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 9/2015 được ban hành ngày 7/10/2015, Chính phủ đã có chỉ đạo về chính sách thuế đối với lĩnh vực CNTT.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất với nội dung Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT và nhất trí cần có chính sách ưu đãi về thuế để khuyến khích phát triển mạnh mẽ CNTT và dịch vụ CNTT, đặc biệt là liên quan tới phần mềm, dịch vụ phần mềm. Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Ngân hàng Nam Á theo dõi chặt hoạt động
Ngân hàng Nam Á, chi nhánh Nha Trang - nơi xảy ra vụ việc (Ảnh: Người lao động).
Ngày 6/1, lãnh đạo NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa đề nghị chi nhánh Ngân hàng Nam Á theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động.
Ngày 6/1, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nam Á tại tỉnh này theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động sau khi có vụ việc một người dân mang quan tài đến trước trụ sở ngân hàng này vào chiều hôm qua (5/1).
Trước đó, chiều 5/1, bà Đào Thị Long, chủ khách sạn Long Thành, ở đường Ngô Sĩ Liên, thành phố Nha Trang đã mặc đồ tang, thuê người đem quan tài lên đặt trước cửa Ngân hàng Nam Á Chi nhánh Nha Trang, ở đường Thái Nguyên. Do vị trí ngân hàng đối diện với ga Nha Trang nên nhiều người dân hiếu kỳ tụ tập, gây ách tắc giao thông trên tuyến đường này. Lực lượng chức năng phải tổ chức phân luồng giao thông.
Được biết, từ tháng 10/2008, bà Đào Thị Long có vay Ngân hàng Nam Á- Chi nhánh Nha Trang số tiền 6,9 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là khách sạn Long Thành. Khách hàng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng đến ngày 23/12/2010 với số tiền 1,4 tỷ đồng, trên tổng dư nợ 6,9 tỷ đồng.
Đến tháng 1/2010, do khách hàng không thanh toán được nợ và các khoản nợ quá hạn nên Ngân hàng Nam Á đã gửi đơn khởi kiện ra tòa án. Đến ngày 14/3/2012, Tòa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nhưng bà Long không thực hiện, vì thế, Ngân hàng Nam Á yêu cầu thi hành án.
Tháng 9/2012, Cơ quan Thi hành án ra quyết định thi hành án, tháng 9/2015, ngân hàng Nam Á- Chi nhánh Nha Trang đề nghị chỉ thu gốc và lãi với số tiền 9,2 tỷ đồng, miễn toàn bộ lãi quá hạn, lãi phạt là 5,4 tỷ đồng nhưng bà Long chỉ đồng ý trả 7 tỷ đồng và không được Ngân hàng Nam Á chấp nhận. Cục Thi hành án tỉnh Khánh Hòa ra thông báo sẽ cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản vào ngày 7/1/2016.
Ông Đoàn Vĩnh Tường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết đã làm việc với lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nam Á để theo dõi hoạt động của Ngân hàng này: “Cần phải theo dõi diễn biến tình hình hoạt động của ngân hàng có bình thường không, người dân phản ứng như thế nào sau vụ việc. Ví dụ, khách hàng đến rút tiền gửi mà chưa đến hạn, ngân hàng cũng phải có biện pháp trấn an. Điều cần làm là rút ra bài học ở thời điểm nhạy cảm, nếu có những việc cần phải làm thì lùi lại, để ngày rộng tháng dài vì nợ quá hạn cũng đã rất lâu rồi.”
(
Tinkinhte
tổng hợp)