Đây là lý do thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển
4 ngày đầu năm chứng khoán Việt mất 1,4 tỷ USD
Nhà đầu tư Thái Lan đánh giá Việt Nam là thị trường chứng khoán "không thể bỏ qua"
Chỉ số Big Mac: Tiền đồng bị định giá thấp 45,8%
WB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10% trước năm 2030 nhờ TPP
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-01-2016
- Cập nhật : 08/01/2016
Chính thức cho phép mua bán chứng khoán trong ngày
Hàng loạt các điểm mới trong giao dịch chứng khoán sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2016 theo văn bản nêu trên, với kỳ vọng tăng tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như đẩy thanh khoản lên cao.Theo Điều 7 của Thông tư, nhà đầu tư được phép mua bán chứng khoán chờ về. Đây là những cổ phiếu đã được nhà đầu tư mua trên hệ thống và đang trong quá trình hoàn tất chuyển quyền sở hữu.
Nhà đầu tư được vừa mua, vừa bán một loại cổ phiếu trong phiên giao dịch liên tục và phiên đóng cửa nếu lệnh đó được đặt trong phiên khớp lệnh liên tục. Đây là bước đột phá về giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, các bên sẽ không được đặt lệnh vừa mua, vừa bán một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh mở - đóng cửa. Mọi hoạt động thanh toán giao dịch, chi trả phải được thực hiện qua ngân hàng thương mại.
Thông tư 203 cũng quy định rõ việc giao dịch chứng khoán trong ngày (giao dịch mua và bán cùng một loại chứng khoán với cùng một khối tượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày). Điều kiện thực hiện là có hợp đồng với các công ty chứng khoán và đảm bảo các nguyên tắc sau: Tài khoản giao dịch là tài khoản riêng; Nhà đầu tư không được giao dịch lô lẻ, thỏa thuận; số chứng khoán bán phải bằng với số mua trong cùng ngày giao dịch và ngược lại…
Các công ty chứng khoán có quyền lựa chọn loại cổ phiếu có trong danh sách niêm yết được giao dịch ký quỹ để cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày cho khách hàng. Tuy nhiên, trong một ngày, tổng giá trị giao dịch không được vượt quá vốn chủ sở hữu của công ty.
Trong trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh bán trước khi mua, hoặc khối lượng bán nhiều hơn số đã mua trước đó, hoặc lệnh giao dịch vượt quá hạn mức tối đa, công ty chứng khoán có trách nhiệm từ chối không thực hiện.
Ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường trong nước khẳng định điểm nổi bật của Thông tư mới là cho phép mua bán chứng khoán trong ngày và bán chứng khoán chờ về. Trên thực tế, việc này khá phức tạp và nhiều nước không khuyến khích. Đặc biệt tại Việt Nam, hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ nên chứa đựng nhiều rủi ro.
"Thực chất đây chỉ là một sản phẩm mới tạo nghiệp vụ, giúp tăng tần suất giao dịch, từ đó đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh. Bình thường mua T+3 hay T+2 phải đợi chứng khoán về tài khoản mới bán được, nay có thể giao dịch trong ngày, thậm chí bán khi chứng khoán chưa về nên tạo hiệu hứng đòn bẩy, có ít tiền nhưng có thể giao dịch được nhiều hơn", ông Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thông tư 203 cũng quy định công ty chứng khoán được phép cho khách hàng vay giao dịch ký quỹ phải không thuộc diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt. Các công ty này cũng không được lỗ luỹ kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ, có tỷ lệ vốn khả dụng phải đạt theo quy định pháp luật chứng khoán về an toàn tài chính, tỷ lệ tổng nợ trên vốn khả dụng không quá 3 lần; không bị sáp nhập, giải thể, ngừng hoạt động… Ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính năm gần nhất phải là chấp thuận toàn phần.
Vốn chủ sở hữu của các công ty cũng không thấp hơn vốn pháp định, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro…
Ông Nguyễn Sơn cho rằng việc quy định chặt chẽ trong ngày sẽ tạo ra một cuộc sàng lọc lớn với các công ty chứng khoán khi Thông tư 203 có hiệu lực. Theo đó các công ty làm ăn yếu kém sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi, tạo ra xu hướng dịch chuyển nhà đầu tư từ các công ty yếu kém này sang các công ty lớn có hiệu quả đầu tư tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi áp dụng
Việc cho phép bán chứng khoán trong ngày được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tạm ngừng các giao dịch trong ngày.
Chứng khoán Trung Quốc lại ngừng giao dịch
Trước đó, chỉ số này đã mất 5% và phải ngừng 15 phút theo quy định. CSI 300 gồm các công ty vốn hóa lớn được niêm yết trên cả hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
Theo quy định mới được ban hành tháng trước, nếu chỉ số CSI 300 mất 5%, thị trường Trung Quốc sẽ ngừng giao dịch trong 15 phút. Và nếu mức giảm lên 7%, thị trường sẽ đóng cửa đến hết ngày. Thị trường Hong Kong (Trung Quốc) không phải chịu quy định này. Chỉ số Hang Seng Index hiện giảm 1,87%.Đây là lần thứ 2 trong tuần giao dịch tại Trung Quốc bị gián đoạn, từ sau khi quy định mới về ngừng giao dịch có hiệu lực. Hôm đầu tuần, thị trường nước này cũng sụt giảm mạnh sau báo cáo chỉ số sản xuất yếu kém và phải ngừng giao dịch sau phiên sáng
Giới phân tích cho biết chứng khoán nước này đã lao dốc sau khi Trung Quốc hạ giá NDT mạnh tay nhất từ tháng 8/2015.
Theo đó, tỷ giá tham chiếu ngày của NDT so với USD hôm nay được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thiết lập tại 6,5646 NDT đổi một USD. Tỷ giá này hôm qua là 6,5314 NDT. Sau thông báo trên, giá NDT trên thị trường quốc tế cũng đảo chiều đi xuống, hiện còn 6.7417 NDT mỗi USD.
“Đồng NDT bị hạ giá quá mức kỳ vọng của nhà đầu tư. Họ bất ngờ và ào ạt rút vốn”, Wang Zheng - Giám đốc Đầu tư tại Jingxi Investment Management cho biết.
99% doanh nghiệp nhỏ không muốn trở thành 'đại gia'
Đó là thực tế được ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đưa ra tại hội thảo tham vấn kế hoạch phát triển DNNVV 2016-2020 diễn ra ngày 6-1 ở Hà Nội.
Ông Nam cho biết các chính sách hỗ trợ của Nhà nước được ban hành ra trong năm năm qua rất nhiều nhưng chưa thực sự hiệu quả. Các DN này chưa hưởng thụ hết để phát triển. Nhiều bộ, ngành ban hành chính sách nhưng lại thiếu một bộ quy chuẩn thống nhất và không tập trung vào một hướng cụ thể nên chính sách khó đi vào thực tiễn.
Ông Nam nêu thực tế trong 100 DN được hiệp hội tiến hành khảo sát có đến 99 DN không có nhu cầu trở thành “đại gia”. Lý giải nguyên nhân, ông Nam cho rằng DNNVV ở Việt Nam được thành lập đại đa số coi là công cụ để thoát nghèo, họ không mong muốn điều gì to tát mà chỉ cần chính sách ổn định để tạo yếu tố bền vững để phát triển.
Từ đó, vị này đề xuất Nhà nước cần phải có một quy trình chuẩn theo hướng tập trung chính sách mũi nhọn, tránh việc dàn trải, mạnh ai nấy làm như các chương trình, dự án các bộ, ngành đang thực hiện hiện nay.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông chia sẻ, Việt Nam mới chỉ có các chương trình hỗ trợ DN nói chung, chưa có các chương trình hỗ trợ cho DNNVV, ngay đến cụm từ DNNVV mới ra đời vài năm gần đây. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ giữa các bộ, ngành cho khối DN này còn rời rạc, thiếu sự xâu chuỗi gắn kết gây ra khó khăn cho các DN.
“DNNVV nhận được hỗ trợ của bộ này nhưng lại thiếu hỗ trợ của bộ khác thì liệu có thể trở thành DN hoàn hảo không?” - ông Đông nêu vấn đề.
MobiFone mua 95% cổ phần AVG
Trao đổi với VnExpress, đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết đã chốt xong việc đàm phán mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Tuy nhiên, vị này không tiết lộ thêm về giá trị thương vụ.
Trước đó, tại nhiều hội nghị, lãnh đạo nhà mạng này đã đề cập đến chiến lược trong thời gian tới là phát triển tập trung vào 4 mảng chính gồm: di động, truyền hình, bán lẻ và đa phương tiện.
Tại hội nghị tổng kết ngành vào cuối tuần trước, ông Lê Nam Trà, Chủ tịch MobiFone cho biết, sau khi được Thủ tướng chấp thuận cho tham gia đầu tư cung cấp dịch vụ truyền hình, Tổng công ty đã lập Đề án đầu tư vào truyền hình với nguồn lực lớn.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone được thành lập cuối năm ngoái, khi tách ra từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) với vốn điều lệ trên 15.000 tỷ đồng, do Nhà nước nắm giữ 100%. Ông lớn viễn thông này hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với 5 ngành nghề kinh doanh chính trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình, truyền thông đa phương tiện
AVG là thương hiệu truyền hình đã tham gia vào thị trường truyền hình trả tiền vào cuối năm 2011. Hiện đơn vị này cung cấp cả dịch vụ truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh.
AON Holdings mua lại tòa nhà cao nhất Việt Nam
Theo Thời báo kinh tế Hankyung (Hàn Quốc), Samjong KPMG - đơn vị được chỉ định thu xếp bán nợ của của dự án đã lựa chọn AON Holdings là đối tác ưu tiên cho thương vụ chuyển nhượng này.
Năm 2012, Keangnam Enterprises đã vay khoảng 600 tỷ won (510 triệu USD) để xây dựng Keangnam Landmark 72 trong năm đó, và AON vào giữa tháng 12/2015 đã trả khoảng 450 tỷ won (380 triệu USD) để mua lại khoản nợ nói trên, đồng nghĩa việc nắm quyền kiểm soát tòa nhà.
Ngoài AON, các nhà đầu tư tài chính khác như Goldman Sachs và Hana Financial Investment cũng tham gia vào cuộc đua giành quyền sở hữu tòa nhà này. Tuy nhiên, AON Holdings được lựa chọn vì trả giá cao hơn hai đối thủ còn lại. Trước đó, tờ thời báo này từng đưa tin về việc tòa án Hàn Quốc định giá tòa nhà Landmark 72 ở mức 830 tỷ won (tương đương 770 triệu USD).
Đại diện Keangnam Vina (hiện nắm 70% cổ phần dự án) cũng xác nhận với VnExpress thương vụ mua lại khoản nợ nói trên. Tuy nhiên, vì là bên thứ 3 trong thương vụ nên đơn vị này không đưa ra bất kỳ bình luận nào. Hiện cơ cấu nhân sự cũng như hoạt động của Keangnam Vina vẫn chưa có gì thay đổi.
Vị này cũng cho biết, sau khi đối tác là Công ty TNHH Parkson Hà Nội thông báo về việc đóng cửa trung tâm thương mại tại Keangnam Landmark vào ngày 4/1/2015, Keangnam Vina vẫn đang thỏa thuận với các đối tác khác về việc cho thuê mặt bằng. Một số khu vực hiện cho các khách lẻ thuê kinh doanh.
Keangnam Hanoi Landmark Tower (Landmark 72) là toà nhà cao nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam Hà Nội. Toà nhà có 72 tầng và diện tích sử dụng 610.000 m2.
Thông tin rao bán tòa nhà Keangnam Hà Nội đã xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc từ cuối tháng 4, sau hàng loạt bê bối tại Công ty xây dựng Keangnam Enterprises như lập quỹ đen, đưa hối lộ và Chủ tịch tự tử. Colliers International là đơn vị đứng ra rao bán tài sản này.
AON Holdings là một tập đoàn đa quốc gia của Anh, chuyên cung cấp dịch vụ quản lý rủi ro, bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới chứng khoán và giải pháp nguồn nhân lực trên toàn cầu. Tập đoàn hiện có mặt tại 120 quốc gia.
AON Holdings Hàn Quốc được thành lập năm 1986 là một trong những nhà tư vấn, cung cấp dịch vụ bảo hiểm, môi giới và tư vấn nguồn nhân lực. Còn Công ty AON Việt Nam được cấp phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm từ năm 2004.