Trung Quốc có thể sẽ cấm cửa Apple
Cuối năm nay, dầu lên 85 USD/thùng
Vàng sẽ tiếp tục tăng
Nới lỏng điều kiện kinh doanh LPG
Start-up gọi vốn để sản xuất điện thoại giá hơn 400 triệu đồng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 10-03-2016
- Cập nhật : 10/03/2016
Singapore muốn đầu tư lớn vào hàng hải, cảng biển Việt Nam
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và Đại sứ Singapo, Ng Tech Hean bày tỏ đồng tình về việc đảm bảo tự do hàng hải, an ninh, an toàn trên biển Đông
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và Đại sứ Singapore, Ng Tech Hean nhấn mạnh về hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, cảng biển.
Chiều 8/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và Đại sứ Singapore, Ng Tech Hean đã có buổi làm việc về hợp tác các lĩnh vực GTVT, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải, cảng biển.
Đại sứ Ng Tech Hean chia sẻ: “Nhiệm kỳ của tôi đã chứng kiến quan hệ hợp tác Việt Nam - Singapore phát triển rõ rệt. Cách đây 3 năm, chúng tôi là nhà đầu tư lớn thứ 4, nay là nhà đầu tư thứ 3 tại Việt Nam với tổng số vốn lên tới 34,7 tỉ USD. Hai nước đã cùng hợp tác phát triển như hai người bạn, chứ không phải như hai đối thủ cạnh tranh. Do đó, có rất nhiều lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác trong thời gian tới”.
Ngài Đại sứ cho biết, thời gian qua ông đã theo dõi rất sát các thông tin về cổ phần hóa của Việt Nam và chúc mừng Bộ GTVT dẫn đầu các Bộ về công tác này. Doanh nghiệp Singapore đến nay đã có nhiều dự án lớn đầu tư vào cảng biển ở Cái Mép – Thị Vải và cảng Sài Gòn. Hiện các đơn vị này rất muốn tìm hiểu thông tin về cổ phần hóa ở Vinalines. Về liên doanh cảng SP - PSA mà Singapore đầu tư, Đại sứ mong muốn được Bộ GTVT quan tâm tháo gỡ trong vấn đề cạnh tranh với cảng Sài Gòn. Nếu phát triển tốt, Singapore sẽ tiếp tục đầu tư thêm các cảng khác ở Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Singapore là đất nước rất phát triển, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong quản lý giao thông, đầu tư khai thác cảng biển để Việt Nam nghiên cứu, học tập.
Về vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp Bộ GTVT, Thứ trưởng Trường cho biết, hiện tất cả các doanh nghiệp hàng hải đã tiến hành cổ phần hóa. Vinalines cũng đã trình phương án để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước đó, các cảng biển cũng đã cổ phần hóa xong, giờ đang giảm dần phần vốn của Nhà nước xuống. Thủ tướng gần đây đã yêu cầu Bộ GTVT xây dựng phương án tổng thể cho hệ thống cảng biển và rút hết vốn nhà nước tại 9 cảng biển.
“Chúng tôi sẽ thông tin rộng rãi về vấn đề này và mong muốn các doanh nghiệp Singapore đầu tư mua lại các cổ phần tại đây. Với cảng liên doanh SP-PSA, hệ thống luồng đã nạo vét đưa vào quy chuẩn có thể đáp ứng được tàu đến 50.000 tấn. Bộ GTVT đang trình Chính phủ về mức phí để các cảng biển trong khu vực Cái Mép - Thị Vải và cảng của TP HCM có mức phí thống nhất", Thứ trưởng Trường nói.
Fed đang triển khai chính sách tiền tệ "Made in China"?
Chính sách tiền tệ của Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tỷ phú đang chạy đua vào Nhà Trắng Donald Trump là người luôn lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc. Ông đưa ra những vấn đề như hàng hóa giá rẻ “Made in China” tràn ngập ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Mỹ hay Trung Quốc đang sử dụng đồng nhân dân tệ giá rẻ để cạnh tranh không lành mạnh. Lần này, Trump lại có một thứ khác để phàn nàn: chính sách tiền tệ của Mỹ đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong thế giới ngày nay, khi mà hệ thống tài chính toàn cầu phát triển sâu rộng, không một NHTW nào – kể cả NHTW quyền lực nhất thế giới – có thể biệt lập với thế giới bên ngoài như một ốc đảo. Bất kỳ diễn biến nào trên thị trường quốc tế cũng sẽ nhanh chóng tác động đến Mỹ và ngược lại.
Tuy nhiên, Joachim Fels – chuyên gia đến từ quỹ đầu tư PIMCO có giá trị 1.430 tỷ USD – đã đưa ra những lý do minh chứng cho nhận định chính sách tiền tệ của Mỹ đang trở thành chính sách “Made in China”.
Đầu tiên, hãy nhớ lại thời điểm giữa năm ngoái, khi Chủ tịch Fed Janet Yellen và đồng nghiệp của bà đã sẵn sàng cho động thái nâng lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, Trung Quốc đột ngột phá giá nhân dân tệ ngay trong tháng 8 và khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Lo ngại về những tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ, chính bà Yellen đã nói với các phóng viên rằng “cuộc họp tháng 9 chủ yếu xoay quanh những rủi ro đến từ Trung Quốc”. Cuối cùng thì Fed phải đợi đến tháng 12 mới có thể nâng lãi suất sau khi giữ nó ở mức gần 0 trong suốt 7 năm.
Đến năm nay, Fed lại rục rịch chuẩn bị cho lần nâng lãi suất thứ hai dự kiến vào tháng 3. Thế nhưng tháng 1/2016 Trung Quốc lại cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá sâu và một lần nữa khiến thị trường phải lo lắng. Tháng trước, bà Yellen bóng gió rằng sự bấp bênh của Trung Quốc là nguyên nhân khiến Fed có thể trì hoãn nâng lãi suất. Giờ đây phần lớn nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ “án binh bất động” trong cuộc họp diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/3 tới.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed luôn nói rằng họ dựa vào các số liệu kinh tế để đưa ra quyết định. Tuy nhiên rõ ràng là các điều kiện trên thị trường tài chính cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu bất kỳ diễn biến nào ở Trung Quốc có thể làm thị trường tài chính quốc tế xáo trộn và khiến Mỹ “khó thở” – dù đó là chứng khoán lao dốc, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp tăng cao hay đồng USD tăng giá – nhóm của Yellen sẽ tính đến chúng trong quá trình đưa ra quyết định.
“Fed đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường, và những diễn biến này lại chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ các nước khác mà đặc biệt là Trung Quốc”, Fels nói.
Trung Quốc đã phá giá nhân dân tệ vào tháng 8 năm ngoái sau khi chứng kiến đồng tiền này tăng giá mạnh cùng với USD. Sau đó nước này còn đưa ra cơ chế tỷ giá mới nhằm giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ vẫn rất nhạy cảm với chíh sách tiền tệ của Mỹ và động thái nâng lãi suất của Fed có thể châm ngòi cho một cuộc tháo chạy của dòng vốn.
Kim ngạch xuất khẩu sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ đóng góp chưa đến 1% GDP của Mỹ, nhưng vị thế là nước tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất, kinh tế Trung Quốc giảm tốc kéo theo những ảnh hưởng không hề nhỏ đối với các nước. Tháng 9 năm ngoái, Giám đốc IMF Christine Lagarde đã thừa nhận rằng tác động của kinh tế Trung Quốc đến thế giới là lớn hơn dự đoán, trong khi một trong những lãnh đạo của Fed mới đây đã đề xuất Fed nên coi Trung Quốc như một yếu tố then chốt trong quá trình hoạch định chính sách.
Vị thế là đồng tiền dự trữ quốc tế của USD cũng khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Một đồng USD mạnh hơn khiến các công ty đến từ Trung Quốc và các nước mới nổi khác khốn đốn vì họ đang gánh trên vai các khoản nợ bằng USD có giá trị lên đến 3.300 tỷ USD.
Đồng USD tăng giá cho phép các nước sản xuất dầu mỏ (như Nga) tiếp tục bơm dầu dù giá dầu giảm mạnh vì họ thu về ngoại tệ. Điều này lại tác động lên chứng khoán Mỹ, thị trường mà trong thời gian gần đây đã biến động cùng chiều với giá dầu.
Tại một hội nghị hiếm hoi với Fed chi nhánh New York, Phó Thống đốc NHTW Trung Quốc Chen Yulu đã cảnh báo rằng USD mạnh có thể gây nên một cuộc khủng hoảng ở các thị trường mới nổi. Ông khuyến cáo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với rủi ro. Điều này có ý nghĩa như thế nào với Fed? Những diễn biến gần đây cho thấy "chia tay" Trung Quốc là điều gần như bất khả thi đối với Mỹ.
Nội các Nhật Bản thông qua dự luật về TPP
Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua một bộ dự luật trong thứ Ba để hiệu lực hóa Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Nội các Nhật Bản nhắm mục tiêu phê chuẩn thỏa thuận này và ban hành dự luật trong phiên họp Quốc hội hiện đang diễn ra.
Trong phiên họp, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhắc nhở bộ máy nội các cần "giúp toàn dân hiểu rõ về TPP", các bộ trưởng cần giải thích ý nghĩa của TPP khi được áp dụng vào thực tế.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước đang ngần ngại trong việc nhanh chóng phê duyệt hiện định.
Các nhà lập pháp cấp cao của Mỹ đang thận trọng việc bàn bạc về hiệp định, trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Nhiều ứng viên Tổng thống từ đang Dân chủ và Cộng hòa bày tỏ lập trường phản đối.
12 nước đã chính thức ký Hiệp định TPP hồi tháng Hai vừa qua. Hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi 12 nước thông qua. Tuy nhiên nếu cả 12 nước không thông qua trong vòng 2 năm, hiệp định sẽ có hiệu lực 60 ngày sau ít nhất 6 nước thông qua, chiếm 85% tổng GDP của 12 nước thành viên.
Theo luật mới của TPP, Nhật Bản phải sửa ít nhất 11 bộ luật nội địa. Ví dụ, TPP quy định bản quyền và thương hiệu sẽ được bảo vệ 70 năm sau khi người sáng lập qua đời, dài hơn thời hạn 50 hiện tại của Nhật Bản.
TPP yêu cầu Nhật Bản phải dỡ bỏ thuế quan đối với 95,1% giá trị các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và nhập khẩu khác.
Đổi lại, Tokyo ước tính hiệp định sẽ đẩy GDP thực tế của Nhật Bản tăng thêm 13,6 nghìn tỷ yen, tương đương 2,59% so với năm tài khóa 2014.
Ấn Độ chính thức đệ đơn kiện lên WTO về phí visa của Mỹ
Theo The World Trade Inside, Ấn Độ đã chính thức đề nghị tham vấn với Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến chính sách visa (thị thực) của Mỹ và cho rằng các chính sách này vi phạm Thỏa thuận chung về thương mại và dịch vụ.
Phía Ấn Độ nêu rõ Mỹ đã áp dụng các biện pháp gia tăng phí đối với hai loại visa là visa lao động L-1 (cho phép các công ty chuyển đổi lao động tới Mỹ theo hình thức làm việc cho công ty mẹ, công ty chi nhánh hay công ty con), và visa lao động tạm thời đối với người không nhập cư H-1B (cấp cho người lao động có tay nghề cao của nước ngoài muốn làm việc tại Mỹ).
Theo luật mới được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành hồi tháng 12/2015, mức phí đối với hai loại visa trên sẽ tăng lên gấp đôi (L-1 là 4.500 USD, H-1B là 4.000 USD) và có hiệu lực từ năm 2025.
New Delhi cho rằng hành động này vi phạm các quy định trong Thỏa thuận chung về thương mại và dịch vụ, nhằm vào Ấn Độ và các công ty công nghệ của nước này.
Như vậy, với đề nghị trên, Mỹ và Ấn Độ sẽ bắt đầu quá trình tham vấn 60 ngày. Sau giai đoạn này, nếu hai bên không tự tìm ra giải pháp phù hợp, bên khởi kiện sẽ yêu cầu Cơ quan giải quyết tranh chấp lập Ban bồi thẩm để xem xét vụ kiện và thời hạn sẽ là ngày 2/5 tới.
Phản ứng với động thái trên, một người phát ngôn của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết Mỹ sẽ xem xét thảo luận với Ấn Độ về chương trình visa H-1B, nhưng nhấn mạnh chương trình visa mới được sửa đổi vừa qua đã được lưỡng viện thông qua và phù hợp với các cam kết của Mỹ trong WTO./.
Giám đốc câu kết cán bộ ngân hàng chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng
Trí chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng từ số vốn 106 tỷ đồng được ngân hàng giải ngân dùng vào mục đích cá nhân.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa tống đạt cáo trạng truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Đức Trí (trú tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nguyên là Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng KTT) và Trương Xuân Quang (trú tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, nguyên Kế toán trưởng Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng KTT).
Cùng với đó, cơ quan công tố cũng tống đạt cáo trạng truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” đối với ba bị can khác là Nguyễn Văn Lợi (trú tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh tại quận Bình Chánh); Trần Thị Hoàng Yến (trú tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó phòng Kế hoạch kinh doanh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh ngân hàng ở quận Bình Chánh) và Nguyễn Thị Thanh Nga (nguyên cán bộ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chi nhánh quận Bình Chánh).
Theo Cáo trạng, trong thời gian làm lãnh đạo và kế toán trưởng ở Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng KTT, Trí và Quang đã làm giả các hợp mua bán vật liệu xây dựng kẹp vào hồ sơ vay vốn để vay thêm 10 tỷ đồng từ ngân hàng. Ngoài ra, Trí còn chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng từ số vốn 106 tỷ đồng được ngân hàng giải ngân rồi sử dụng vào mục đích cá nhân.
Để làm được những điều trên, Trí và Quang đã được sự trợ giúp đắc lực của ba cán bộ ngân hàng là Lợi, Yến và Nga. Các đối tượng này mặc dù biết hành vi của Trí và Quang là sai trái, nhưng vẫn cố tình tiếp tay bằng cách lập hồ sơ tín dụng cho vay và ký các hợp đồng tín dụng trái quy định.