Cuộc đua mua Big C Việt Nam của 3 “gã nhà giàu”
Thành lập công ty chuyển phát nhanh, Lazada tính chuyển hướng tại Việt Nam?
Petrolimex sẽ bán cổ phần cho đối tác ngoại, tăng vốn lên 13.500 tỷ đồng
Bán hàng trực tiếp: Sân chơi mới của công nghiệp dệt may
Quan chức Trung Quốc muốn biến Hoàng Sa thành trung tâm tài chính
Tin kinh tế đọc nhanh 11-03-2016
- Cập nhật : 11/03/2016
Sau chứng khoán, Trung Quốc tiếp tục lại có bong bóng bất động sản
Bất chấp hàng tồn kho tăng cao, mỗi năm Trung Quốc tiếp tục dư thừa tới 2,5 triệu căn nhà mỗi năm.
Ông Bai Chongen, cố vấn chính sách cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) kiêm giáo sư kinh tế học tại Đại học Thanh Hoa, cho rằng các chính sách tiền tệ mà Trung Quốc đưa ra trong thời gian qua đang tạo ra tác dụng ngược: khuyến khích các nhà đầu tư đổ tiền vào bất động sản, đẩy giá nhà đất tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến tăng vọt. Trong khi đó, thị trường bất động sản ở các thành phố nhỏ hơn vẫn đang phải vật lộn với một lượng lớn hàng tồn kho. Điều này làm dấy lên những lo ngại mới về việc hình thành bong bóng bất động sản, cũng như việc làm sao đưa ra được một chính sách đồng bộ và thống nhất.
Phát biểu bên lề một sự kiện ở Hàng Châu được tổ chức bởi PBOC và Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, ông Bai nhận định: "Hiện giờ, tôi không thể nói là thị trường đã xuất hiện bong bóng hay chưa, nhưng đây là vấn đề chúng tôi đang lo ngại". Theo Bai, những mục tiêu của chính phủ Trung Quốc đang tự mâu thuẫn nhau: vừa muốn giảm thiểu tình trạng dư thừa bất động sản tại các thành phố nhỏ, lại vừa muốn việc kiểm soát nguy cơ bong bóng tại các thành phố lớn.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang tìm cách cân bằng giữa việc duy trì tăng trưởng kinh tế bên cạnh việc kiểm soát chuyển dịch dòng vốn, ổn định thị trường chứng khoán và ngoại tệ. Như vậy, chính phủ cũng sẽ phải cân nhắc ảnh hưởng của các động thái này lên thị trường bất động sản.
Ông Bai cho biết thêm Trung Quốc đang có các chính sách khuyến khích người dân mua nhà bao gồm giảm số tiền đặt cọc và nới lỏng hạn chế về việc được phép mua nhà tại một số địa điểm. "Lãi suất đã được giảm xuống đáng kể và chắc chắn điều này sẽ đẩy giá nhà đất tại các thành phố loại 1 tăng cao. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới các thành phố loại 3 và 4, do lượng hàng tồn kho đang còn khá lớn", ông chia sẻ.
Việc đầu tư xây căn hộ mới tại Trung Quốc vẫn đang được thực hiện với tốc độ 10,5 triệu căn mỗi năm, trong khi nhu cầu thì chưa đến 8 triệu căn/năm, theo đánh giá của nhà phân tích Fielding Chen của Bloomberg Intelligence tại Hồng Kong. Như vậy, ngoài lượng hàng tồn kho khổng lồ trước đó, mỗi năm Trung Quốc sẽ đón nhận thêm 2,5 triệu căn nhà dư thừa nữa.
Thái Lan đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam
Thái Lan xếp thứ 11/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính lũy kế đến tháng 2/2016, các nhà đầu tư Thái Lan có 428 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,88 tỷ USD.
Hiện quốc gia Đông Nam Á này xếp thứ 11/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Quy mô vốn bình quân một dự án của Thái Lan vào khoảng 18,4 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là khoảng 14 triệu USD/dự án.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, các dự án của Thái Lan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 200 dự án và gần 7 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 47% tổng số dự án và 88% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam).
Đứng thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 31 dự án và 235,4 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 7% tổng số dự án và 3% tổng vốn đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam). Còn lại tập trung vào các ngành như bán buôn bán lẻ, xây dựng...
Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương thu hút được nhiều vốn FDI của Thái Lan với 3,77 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm gần 48% tổng số vốn đăng ký của Thái Lan tại Việt Nam). Vĩnh Phúc đứng thứ hai với 744,4 triệu USD vốn đăng ký (chiếm 9,4%).
Tuy nhiên, xét về số lượng dự án đầu tư thì TPHCM thu hút được nhiều dự án của Thái Lan nhất với 162 dự án (chiếm 37,8% tổng số dự án).
Số liệu cũng cho thấy, đầu tư của Thái Lan theo hình thức liên doanh chiếm tỷ lệ lớn với 5,5 tỷ USD. Tiếp theo là hình thức 100% vốn nước ngoài. Một tỷ lệ nhỏ các dự án là theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Nền kinh tế của Brazil trong vòng xoáy khủng hoảng
Hoạt động kinh doanh tại khu Favela và thành phố Rio de Janeiro đang gần như phải đóng cửa cho dù thành phố này đang chuẩn bị cho Olympic mùa hè 2016
Cách đây 3 năm tại thành phố Rio de Janeiro, cô Barbara Araujo và anh Allan Alves đã kết hôn với nhau với nhiều kế hoạch cho tương lai, như mở doanh nghiệp, mua nhà và sinh con. Tuy nhiên, tất cả những kế hoạch trên dần trở nên xa vời khi nền kinh tế Brazil rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua.
Theo số liệu được chính phủ Brazil công bố trong ngày hôm qua cho biết, GDP của nước này trong năm 2015 đã giảm tới 3,8%. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1990, cho đến nay, và Brazil đang lâm vào cuộc khủng hoảng kéo dài nhất trong lịch sử kể từ năm 1930.
"Tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự như vậy", anh Alves (24 tuổi) chia sẻ. “Cha mẹ tôi đã từng kể cho tôi nghe về những thời kỳ khó khăn trước đây, nhưng tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn nhiều. Giá cả các loại hàng hóa tăng lên từng ngày”, anh Alves nói.
Được biết trong năm 2011, Brazil còn có nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, vượt qua cả nước Anh, nhờ vào trữ lượng dầu mỏ lớn, dòng vốn đầu tư nước ngoài dồi dào, cũng như doanh thu từ xuất khẩu hàng hóa sang đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008, Brazil cũng gần như không chịu ảnh hưởng là mấy.
Tuy nhiên, thời đại hoàng kim của nước này đã qua. Tính riêng trong năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt, chỉ số niềm tin tiêu dùng sụt giảm mạnh, còn đồng nội tệ real thì mất giá tới 24% so với đồng USD.
Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Brazil chủ yếu phụ thuộc phần lớn vào các hàng hoá như dầu mỏ, đường và cà phê. Nên khi giá của tất cả các mặt hàng này giảm xuống trong vòng 2 năm qua, nền kinh tế nước này đã chịu thiệt hại nặng.
Bên cạnh đó, vụ bê bối tham nhũng tại công ty dầu khí quốc doanh Petrobras cũng làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của người dân vào chính phủ và giới doanh nghiệp. Vụ bê bối trên đã khiến nhiều quan chức cũng như doanh nhân bị bắt với tổng giá trị tài sản bị tịch thu lên đến hàng tỷ USD. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nữ Tổng thống Dilma Rousseff bị Nghị viện chất vấn vào năm trước.
Tình trạng kinh tế Brazil đi xuống đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho tầng lớp trung lưu tại nước này. Theo lời chia sẻ của Alves, hai vợ chồng anh đã mất việc làm vào năm ngoái. Sau khoảng thời gian khó khăn này, hai vợ chồng anh bắt đầu kinh doanh bánh chocolate, và đạt được doanh thu khoảng 250 USD/ngày.
Tuy nhiên với mức lạm phát lên cao kỷ lục trong vòng 13 năm qua, đã khiến cho các nguyên liệu đầu vào của gia đình Alves trở nên đắt đỏ hơn. Các khách hàng quen thuộc đã không còn khả năng thanh toán, nên họ buộc phải tìm kiếm các khách hàng mới. Hoạt động kinh doanh trở nên vô cùng khó khăn, nên các kế hoạch được vạch ra trước đó đều phải hoãn lại.
Rất nhiều doanh nghiệp tại thành phố Rio de Janeiro đã phải ngưng hoạt động, dù nơi đây đang chuẩn bị đón hàng triệu du khách trên toàn thế giới cho Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2016. Theo số liệu ước tính trong năm 2015, thành phố này có đến hơn 1.200 cửa hàng đóng cửa, do doanh thu giảm trong khi chi phí thuê mặt bằng lại tăng cao.
Tuy trong bối cảnh nền kinh tế Brazil đang khá ảm đạm nhưng vợ chồng anh Alves vẫn tỏ ra rất lạc quan về tương lai. "Có quá nhiều bất ổn trên thị trường tại thời điểm này. Tất vả những gì mà chúng ta có thể làm là tiết kiệm", Alves nói. "Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng có thể mang lại nhiều cơ hội cho tương lai của các con mình sau này".
TCM chủ động thu hẹp kinh doanh
Với việc chủ động tái cơ cấu một số lĩnh vực kinh doanh, về kế hoạch cho năm 2016, TCM dự kiến trình cổ đông kế hoạch 3.264 tỷ đồng doanh thu và 160 tỷ đồng LNST.
Năm 2016 được đánh giá là sẽ tiếp tục một năm trượt dốc đối với thị trường hàng hóa thế giới. Theo thống kê của Bloomberg, giá bông hợp đồng tương lai ở thị trường đã giảm trung bình 17% so với năm 2014. Cùng với đó, đà giảm của giá dầu (47,5% trong năm 2015) đã kéo giá sợi giảm mạnh và góp phần khiến hoạt động kinh doanh của các DN ngành sợi gặp nhiều khó khăn.
Với 30-35% doanh thu đến từ mảng sợi, KQKD năm 2015 của một số DN trong ngành này nhìn chung cũng đã ít nhiều chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, một số DN trong ngành thời gian qua đã phải có những biện pháp chủ động để giải quyết tình trạng trên.
Đơn cử như Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), đối với mảng sợi, công ty này dự kiến sẽ thu hẹp một số sản phẩm kém hiệu quả như sợi polyester. Điều này có thể khiến doanh thu của TCM giảm khoảng 2-3 triệu USD nhưng sẽ giúp giảm lỗ đáng kể cho TCM.
Đồng thời, TCM có kế hoạch cải tạo và thay thế một số thiết bị để có thể sản xuất các loại sợi có chất lượng cao và biên lợi nhuận tốt hơn. Việc đầu tư nâng cấp có thể giúp nâng tỷ lệ sợi tự sử dụng lên 20-30% từ mức khoảng 10% hiện tại. Điều này không những giúp giảm rủi ro cho mảng sợi mà còn góp phần gia tăng giá trị trong chu trình sản xuất khép kín của công ty.
Mảng may mặc được xem là thế mạnh của TCM với biên lợi nhuận gộp lên đến 23%. Tuy nhiên, TCM vẫn còn gặp khó khăn do Nhà máy may Vĩnh Long (công suất giai đoạn 1 khoảng 9 triệu sản phẩm/năm) vẫn chưa hoạt động ổn định. Được biết, tỉnh Vĩnh Long có nguồn nhân lực tương đối rẻ và dồi dào nhưng bù lại tay nghề công nhân ở đây còn tương đối thấp.
Chính vì vậy, TCM đã chuyển bớt một phần nhân công từ các nhà máy may hiện hữu đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo để nâng cao năng suất của nhà máy Vĩnh Long. Nhờ đó, năng suất của nhân công đã tăng lên gấp đôi so với năm 2015. Ước tính nhà máy mới này có thể đóng góp từ 4-5 triệu USD vào doanh thu của TCM trong năm 2016 và có thể bắt đầu đóng góp vào lợi nhuận ròng cho TCM từ năm 2017.
Tương tự, mảng kinh doanh vải cũng hứa hẹn đóng góp đáng kể vào sự cải thiện trong KQKD năm 2016. Từ năm 2014, TCM đã đẩy mạnh sản xuất loại vải dệt chất lượng cao để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Biên lợi nhuận gộp của các đơn hàng xuất khẩu vải sang Nhật cao hơn khá nhiều so các thị trường khác, trung bình 23-25%.
Được biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm, các đơn hàng xuất khẩu vải đã đạt 5 triệu m, tương ứng với 77% năng lực sản xuất hiện tại của TCM. Để khai thác thị trường còn nhiều tiềm năng lớn, công ty dự định đầu tư 1-2 triệu USD để tăng năng lực mảng vải dệt thêm khoảng 1,2 triệu m/năm trong năm nay.
Bên cạnh đó, việc gia tăng tỷ trọng của vải thành phẩm (đã nhuộm hoàn tất) lên gần 90% trong năm 2016 từ mức 80% năm 2015 cũng được kỳ vọng giúp TCM đạt được biên lợi nhuận tốt hơn.
Với việc chủ động tái cơ cấu một số lĩnh vực kinh doanh, về kế hoạch cho năm 2016, TCM dự kiến trình cổ đông kế hoạch 3.264 tỷ đồng doanh thu và 160 tỷ đồng LNST. Rõ ràng, sự cải thiện tương đối rõ nét ở từng mảng kinh doanh như đã phân tích ở trên, kế hoạch trên của công ty là khá thận trọng và cho rằng TCM có thể đạt lợi nhuận khoảng 200 tỷ đồng trong năm 2016.
Cổ phiếu TCM đang được giao dịch ở mức P/E forward là 10,6x, là mức chấp nhận được với một DN dệt may đầu ngành. Về dài hạn, với quy trình sản xuất khép kín, TCM được kỳ vọng là một trong các DN Việt Nam hưởng lợi lớn từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là TPP.
Tham tán giúp DN hiện đại hóa
DN sản xuất trong nước rất cần các tham tán thương mại Việt Nam ở các nước có nền công nghệ tiên tiến tìm hiểu và giới thiệu cho những công nghệ sản xuất mới nhất, hiện đại nhất. Các tham tán cũng nhận thấy, đây là nhu cầu thiết thực của DN.
Ông Nguyễn Hữu Tráng, Tham tán công sứ thương mại tại Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng, đây tuy không phải vấn đề mới, song lại là lần đầu tiên các DN lên tiếng về vấn đề này. Từ trước đến nay, sự tiếp nhận từ các bộ, ngành, địa phương về vấn đề này không tích cực, nên DN vẫn chịu thiệt.
Cụ thể, từ khi là Tham tán thương mại, ông Tráng đã giới thiệu về Việt Nam hai công nghệ mới. Đó là, công nghệ trong lĩnh vực xây dựng đường sá; và công nghệ xử lý nước thải, xử lý rác thải của các đô thị lớn. Và hiện thương vụ Việt Nam tại Đức vẫn tiếp tục tìm hiểu các công nghệ mới, để giới thiệu về nước như công nghệ xử lý tro bay công nghiệp, hoặc công nghệ kiểm soát chất bảo quản, dư lượng thuốc kháng sinh trong thủy sản, nông sản xuất khẩu.
DN mong tham tán thương mại tại các nước quan tâm hơn tới công nghệ liên quan đến sản xuất nông nghiệp
Cũng đồng tình với ý kiến DN về vấn đề này, ông Phạm Trung Nghĩa, Tham tán thương mại tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất) đề nghị các hiệp hội ngành nghề, các đơn vị xúc tiến thương mại từ cấp bộ đến địa phương cần chủ động làm đầu mối tiếp nhận thông tin từ các tham tán, để thông tin lại cho DN.
Ngược lại, các hiệp hội nên tập trung chủ đề mà DN cần, rồi đặt hàng cho thương vụ, để tìm hiểu hỗ trợ. Mặt khác, các địa phương, DN cũng cần chủ động cung cấp thường xuyên thông tin cho tham tán để nắm bắt kịp thời tình hình trong nước. Từ đó, có cơ sở tìm hiểu đối tác, thị trường tiêu thụ hàng hóa hay máy móc, công nghệ hiện đại của nước sở tại để giới thiệu và tư vấn một cách chính xác nhất, cụ thể nhất.
Theo bà Tôn Tuệ Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu thủy sản Bình Thuận, mặc dù là nước có thế mạnh xuất khẩu nhiều nhóm hàng hóa, trong đó có thủy sản, nhưng nhìn lại, DN xuất khẩu chưa bao giờ hết khó khăn. Thị trường càng lớn (châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản…), thì khó khăn càng nhiều, rào cản kỹ thuật tăng theo cấp số nhân. Một ví dụ cụ thể, tuy nhỏ, nhưng đang gây khó khăn lớn cho các DN xuất khẩu tại Bình Thuận.
Đó là mặt hàng sò điệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu hiện nay gần như đang bế tắc, khi các nước châu Âu thay đổi yêu cầu thời gian luộc sò điệp tăng lên gấp đôi so trước đây, khiến chất lượng sò điệp Việt Nam không cạnh tranh được, trong khi đặc tính sò điệp Việt Nam khác với sò điệp các nước, không thể dùng một công thức chế biến như nhau.
Theo bà Tôn Tuệ Lan, sự thay đổi yêu cầu của thị trường hiện nay là liên tục, DN xuất khẩu Việt Nam ngoài thiếu thông tin, còn thiếu trang thiết bị sản xuất và không cập nhật kịp công nghệ sản xuất hiện đại. Nên việc theo kịp yêu cầu thị trường là không dễ.
Vì vậy, phía các tham tán thương mại, nhất là ở các nước có nền công nghiệp phát triển tại châu Âu, Hoa Kỳ, Canada… nếu có thể, nên mở rộng thông tin về lĩnh vực công nghệ sản xuất mới, hiện đại để cung cấp về nước. DN trong nước từ đây có cơ sở tham khảo, cân nhắc đầu tư, mua sắm hiện đại hóa sản xuất, để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu một cách tốt nhất.
Hầu hết các Hiệp hội ngành nghề, DN đều cho rằng, đã đến lúc các tham tán thương mại, bộ, ngành cần thêm vào danh mục thông tin các vấn đề về công nghệ sản xuất tiên tiến, trang thiết bị hiện đại, cập nhật.
Trong đó, có thể ưu tiên những công nghệ liên quan thiết thực đến sản xuất nông nghiệp (công nghệ sau thu hoạch, cây con giống kháng bệnh...), hay nuôi trồng thủy sản hướng đến sinh thái, sạch, an toàn môi trường... Sự quan tâm “đặt hàng” từ DN đến các tham tán thương mại trong năm nay cho thấy, đã có thêm nhiều kỳ vọng đặt lên vai các tham tán thương mại